Giúp Học Viên Chịu Trách Nhiệm đối với Chứng Ngôn của Họ
Đại Hội Các Nhà Giáo Dục Tôn Giáo CES tháng Sáu năm 2024
Xin chào mừng anh chị em đến với buổi nhóm họp lịch sử này của các nhà giáo dục tôn giáo trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong nhiều năm, chúng tôi đã quy tụ tất cả các nhà giáo dục tôn giáo CES mỗi năm một lần cho một buổi họp đặc biệt devotional tập trung mà trước đây được gọi là Buổi Họp Tối với Vị Thẩm Quyền Trung Ương. Tối nay, chúng ta sẽ tiếp tục truyền thống đó khi quy tụ lại để nghe Anh Cả Dale G. Renlund trình bày tại buổi họp kết thúc của chúng ta. Trước đây, chúng tôi cũng đã chủ trì hội nghị CES trực tiếp tại trường Brigham Young University, nhưng sự kiện năm nay là lần đầu tiên chúng ta tập hợp trong toàn bộ Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội để học hỏi lẫn nhau, chia sẻ những hiểu biết sâu sắc, thảo luận những nỗ lực để giảng dạy hiệu quả hơn, liên kết các nhà giáo dục tôn giáo từ Các Viện Giáo Lý và Lớp Giáo Lý Tôn Giáo, BYU, BYU–Idaho, BYU–Hawaii, BYU–Pathway, và Ensign College. Tổng cộng, các nhà giáo dục tôn giáo này giảng dạy khoảng nửa triệu người thành niên trẻ tuổi trong khắp Giáo Hội, thêm vào đó là tất cả các học sinh đã ghi danh vào lớp giáo lý.
Để hiểu lý do tại sao chúng tôi có nỗ lực như vậy mà gắn liền với mục đích chính của chương trình giáo dục tôn giáo tại CES. Tôi đã thường xuyên nói về các vai trò đặc biệt của mỗi trường CES trong hệ thống. Ví dụ, tôi đã gọi trường BYU là Đại Sứ vì trách nhiệm đại diện cho hệ thống và Giáo Hội với vai trò triệu tập, chủ trì và nghiên cứu. Kế đến, hãy xem xét trường BYU–Idaho, mà tôi gọi là Nhà Giáo Dục vì sự tập trung đặc biệt của trường vào việc giảng dạy; trường BYU–Hawaii là Đỉnh Vòm của vùng Châu Á-Thái Bình Dương, với sự chú trọng đầy tận tâm và quyết đoán của trường vào khu vực mục tiêu của Giáo Hội; và trường Ensign College là Trụ Cột Chương Trình Giảng Dạy Ứng Dụng, tập trung vào các kỹ năng làm việc không cần kinh nghiệm. Và trường BYU–Pathway là Trụ Cột Sự Tiếp Cận, cho nhiều sinh viên hơn bất cứ khu trường sở nào của chúng tôi với việc học tập trực tuyến chất lượng cao, học phí phải chăng. Dĩ nhiên, Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý tiếp cận những học sinh nào không theo học tại các trường đại học của Giáo Hội và là Điểm Tựa Thuộc Linh dành cho những người thành niên trẻ tuổi, bất kể họ đang theo học ở đâu.
Bất chấp những vai trò khác nhau, có ít nhất hai cách để mỗi tổ chức này được thống nhất. Cách thứ nhất là sứ mệnh của chính Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, mà nhằm phát triển các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô có thể trở thành những người lãnh đạo trong gia đình, Giáo Hội và cộng đồng của họ. Bất chấp vai trò đặc biệt của tổ chức mình là gì, mỗi tổ chức CES đều có một sứ mệnh chung là xoay quanh vai trò lãnh đạo môn đồ. Cụ thể hơn đối với cử tọa này, chúng ta cũng có thêm trách nhiệm chung trong khắp CES với tư cách là các nhà giáo dục tôn giáo. Vào tháng Sáu năm 2019, Hội Đồng Giáo Dục của Giáo Hội đã chấp thuận một quy luật nêu rõ vai trò giáo dục tôn giáo trong Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, thường được gọi là tài liệu “Củng Cố Chương Trình Giáo Dục Tôn Giáo”. Nhiệm vụ này đi kèm với sự rõ ràng và hướng dẫn trực tiếp từ Hội Đồng Giáo Dục của Giáo Hội. Đoạn mở đầu của tài liệu đó viết: “Chương trình giáo dục tôn giáo giữ một vị trí độc đáo và được trân trọng trong sứ mệnh của mỗi tổ chức. … Nó là tâm điểm trong mục đích của mỗi tổ chức.” Những chỉ dẫn Củng Cố Giáo Dục Tôn Giáo (SRE) chỉ rõ thêm rằng mục tiêu chính của giáo dục tôn giáo được nêu như sau: “Mục đích của chương trình giáo dục tôn giáo là giảng dạy phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô từ thánh thư và các vị tiên tri hiện nay theo cách mà giúp mỗi học viên phát triển đức tin và chứng ngôn về Cha Thiên Thượng, … Chúa Giê Su Ky Tô, … phúc âm phục hồi, … và [các vị tiên tri tại thế]; trở thành các môn đồ suốt đời; … [và] củng cố khả năng [của các học viên của chúng ta] để tìm ra câu trả lời, giải quyết những nghi ngờ, [và] đáp ứng bằng đức tin.” Mục đích cốt lõi đó của chương trình giáo dục tôn giáo trong khắp Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội là trọng tâm về sự có mặt của chúng ta ở đây ngày hôm nay. Nếu chúng ta không chủ ý tập trung khi làm điều này thì sẽ khó có thể biện minh cho khoản đầu tư đáng kể mà Giáo Hội thực hiện đối với mỗi tổ chức này.
Vì vậy, một phần lý do chúng ta quy tụ lại ngày hôm nay là vì chúng ta chia sẻ sứ mệnh CES chung và trách nhiệm chung với tư cách là các nhà giáo dục tôn giáo để phát triển chứng ngôn và giúp các học viên trở thành môn đồ cũng như tìm ra câu giải đáp cho các thắc mắc và đức tin của họ. Tôi cũng muốn cảm ơn Chad Webb về sự lãnh đạo của anh ấy. Anh Webb lãnh đạo Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý của Giáo Hội. Nhưng trong hai năm qua, anh ấy cũng đã chủ tọa Ủy Ban Giáo Dục Tôn Giáo với sự đại diện từ khắp Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội. Phần lớn chính là nhờ vào ủy ban đó mà chúng ta được quy tụ lại hôm nay với tư cách là các nhà giáo dục CES. Tôi cũng nên ghi nhận sự hỗ trợ từ mỗi chủ tịch CES của chúng ta: Chủ Tịch Reese, Chủ Tịch Meredith, Chủ Tịch Kauwe, Chủ Tịch Kusch, Chủ Tịch Ashton và Anh Webb. Các vị lãnh đạo này được lệnh trở thành “các viên chức chủ yếu chịu trách nhiệm đối với đạo đức và tinh thần” trong tổ chức của họ. Nhiệm vụ này được khởi đầu từ lễ nhậm chức của Chủ Tịch Kauwe và được lặp lại tại mọi lễ nhậm chức ở CES kể từ đó. Tôi sẽ cho thấy ở đây hình ảnh về các buổi lễ nhậm chức đó. Anh chị em có thể thấy hình Chủ Tịch Kauwe. Lệnh này là từ Chủ Tịch Holland và nó được lặp lại cho Chủ Tịch Ashton, sau đó lại cho Chủ Tịch Reese, và gần đây nhất là Chủ Tịch Meredith. Vậy thì, không phải ngẫu nhiên mà các chủ tịch này có mặt cùng chúng ta ở đây ngày hôm nay. Họ là các vị lãnh đạo phi thường, và tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với sự lãnh đạo và lòng cam kết của họ để giúp chúng tôi khai mạc Đại Hội Các Nhà Giáo Dục Tôn Giáo này.
Tiếp theo tôi muốn đưa ra một số bối cảnh cho sứ điệp của tôi hôm nay. Trong bài phát biểu khai mạc của tôi với các nhà giáo dục tôn giáo của chúng ta—trong bài phát biểu hằng năm của tôi với các nhà giáo dục tôn giáo của chúng ta trong hai năm qua, tôi đã yêu cầu anh chị em tập trung vào điều chúng tôi đã xác định là những điểm nhấn mạnh của vị tiên tri dành cho những người thành niên trẻ tuổi. Chúng tôi cũng đã cố gắng nhấn mạnh rằng các đề tài này được liệt kê ở đây chắc chắn sẽ thay đổi. Không có điều gì kỳ diệu về năm chủ đề này, nhưng chúng cần phải được cập nhật khi chúng ta nhận được sự hướng dẫn liên tục từ các vị tiên tri và sứ đồ, nhất là những hướng dẫn đến với những người thành niên trẻ tuổi của chúng ta. Hy vọng là anh chị em sẽ không thuộc lòng những sứ điệp cụ thể này mà là tất cả chúng ta sẽ học cách lắng nghe các vị tiên tri tại thế và giúp học viên của mình học cách áp dụng các sứ điệp của họ.
Với tinh thần đó, tôi xin tập trung vào một trong những điểm nhấn mạnh mới gần đây của vị tiên tri mà tôi luôn ấp ủ trong lòng. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mời những thành niên trẻ tuổi chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của họ. Xin lưu ý rằng nếu anh chị em muốn tuân theo vị tiên tri thì hãy chú ý đến hai điều. Trước hết, hãy quan sát khi ông lặp lại một sứ điệp và thứ hai, đặc biệt chú ý khi ông khẩn nài với chúng ta. Anh chị em sẽ thấy cả hai khuôn mẫu đó trong sứ điệp của Chủ Tịch Nelson để chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của mình mà được giới thiệu lần đầu tiên trong buổi họp đặc biệt devotional này dành cho những người thành niên trẻ tuổi vào tháng Năm năm 2022 khi ông nói: “Tôi khẩn nài các em hãy chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của mình. Hãy nỗ lực cho chứng ngôn đó. Hãy sở hữu chứng ngôn đó. Hãy chăm sóc cho chứng ngôn đó. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó để nó sẽ phát triển. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó bằng lẽ thật. Đừng làm chứng ngôn đó mất đi tính thiêng liêng với những triết lý sai lầm của những người không tin và rồi tự hỏi tại sao chứng ngôn của các em lại suy yếu. Khi các em đặt ưu tiên cao nhất cho chứng ngôn của mình, hãy chờ đợi những phép lạ xảy đến trong cuộc sống của các em.”
Rồi vào cuối năm đó, Chủ Tịch Nelson đã đưa ra một mệnh lệnh gần như giống hệt, lần này là cho toàn thể Giáo Hội trong bài nói chuyện tại đại hội trung ương vào tháng Mười năm 2022 của ông: “Vì mục đích này, tôi đưa ra cho các tín hữu của toàn thể Giáo Hội một trách nhiệm giống như tôi đã đưa ra cho những người thành niên trẻ tuổi của chúng ta vào tháng Năm vừa qua. Tôi đã khuyên nhủ họ lúc ấy—và tôi khẩn nài với anh chị em bây giờ—hãy chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của chính anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Hãy nỗ lực cho chứng ngôn đó. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó để nó sẽ phát triển. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó bằng lẽ thật. Đừng làm suy yếu chứng ngôn đó bằng những triết lý sai lầm của những người không tin. Khi anh chị em đặt ưu tiên cao nhất cho việc tiếp tục củng cố chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô, hãy chờ xem những phép lạ xảy đến trong cuộc sống của mình.”
Với lời khẩn cầu lặp đi lặp lại của Chủ Tịch Nelson rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của mình, tôi cảm thấy muốn chia sẻ một số con đường của riêng mình hướng tới chứng ngôn. Đây sẽ là lời phát biểu cá nhân và trong khi viết, tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ có thể cảm thấy như chúng ta đang ngồi cùng nhau trong một khung cảnh ít trang trọng hơn. Mỗi người chúng ta đều có cuộc hành trình riêng của mình đi đến đức tin. Các học viên của chúng ta cũng vậy. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ một số cuộc hành trình của tôi. Cuộc hành trình đạt đến chứng ngôn của tôi bắt đầu trong một khung cảnh khác thường. Tôi lớn lên trong một cộng đồng phần lớn không phải là Thánh Hữu Ngày Sau ở Scottsdale, Arizona. Tại một sự kiện chạy đua ở trường trung học, tôi đang chuẩn bị cho cuộc đua của mình thì tôi nhìn ngang qua đường đua và thấy Anh Butler, người lãnh đạo Hội Thiếu Niên của tôi. Thật là điều kỳ lạ khi anh ấy có mặt ở đó. Chúng tôi không có nhiều điểm chung. Tôi biết anh ấy không phải là người hay lui tới nơi đường đua. Rồi trong giây lát, Thánh Linh nói với tôi: “Clark, Giáo Hội này là chân chính vì nếu không thì anh ấy sẽ không có mặt ở đây. Chắc hẳn là có điều gì đó sâu xa hơn trong đức tin của anh ấy mà đang thúc đẩy anh ấy đến ủng hộ con.” Có vậy thôi. Kinh nghiệm đó đã không xảy ra trong khi đang nghiền ngẫm thánh thư hoặc ở giữa buổi họp chứng ngôn. Nó chỉ đến từ thành quả tận tâm phục vụ của ai đó. Tôi còn có thể nhớ cảm giác ngày hôm nay rõ ràng như ngày nó xảy ra.
Một hai năm sau, tôi nhận được sự kêu gọi đi truyền giáo ở Phái Bộ Truyền Giáo Japan Kobe. Tôi nhớ ngày đầu tiên ở MTC (Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo). Thật thú vị khi được gặp gỡ những người bạn đồng hành, được giới thiệu với những người hướng dẫn, cảm giác mạnh mẽ tập hợp lại từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng buổi sáng hôm sau, khi chuông báo thức vang lên lúc 6 giờ sáng, tôi hầu như không thể thức dậy nổi và một khoảnh khắc hoảng sợ ập đến tôi. Tôi nghĩ: “Làm sao tôi có thể làm được điều này? Tôi không biết liệu mình có thể dậy sớm như vậy mỗi ngày trong hai năm tới hay không chứ đừng nói đến việc học một ngôn ngữ khó như tiếng Nhật.” Đột nhiên, việc người lãnh đạo hội thiếu niên của tôi mà đã đến tham dự cuộc chạy đua của tôi dường như không đủ để giúp đỡ tôi trong hai năm. Tôi cần phải biết rõ hơn nữa, và chứng ngôn đó tự nó cần phải được đặt nền tảng trên phúc âm. Tôi bắt đầu đọc Sách Mặc Môn một cách nghiêm túc vào mỗi buổi sáng. Chuông báo thức đó reo lúc 6 giờ sáng, và tôi nhanh chóng ngồi vào chiếc bàn đó trong MTC dưới ánh đèn huỳnh quang và chiếc ghế có bánh xe lăn, đọc và nghiên cứu Sách Mặc Môn. Khi đọc đến cuối, tôi đọc lời hứa trong Sách Mặc Môn trong Mô Rô Ni 10:3–5. Tôi biết câu thánh thư đó từ khi tôi còn là học sinh nhỏ tuổi ở lớp giáo lý. Tôi quỳ gối cầu nguyện để xin xác nhận đức tin của mình. Nhưng khi tôi cầu vấn Chúa, thì không có gì xảy ra lúc đầu. Tôi đã rất thất vọng. Tôi trở lại ghế của mình và nhận ra rằng tôi chỉ còn hai trang nữa là đọc xong Sách Mặc Môn. Tôi quyết định ít nhất là phải đọc xong. Còn ba câu trong Mô Rô Ni 10, Mô Rô Ni 10:32, tôi đọc câu thánh thư này: “Phải, hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài, và hãy chối bỏ tất cả mọi sự không tin kính; và nếu các người chối bỏ được tất cả mọi sự không tin kính cùng yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh, thì ân điển của Ngài—” Tôi không thể đọc được nữa. Tôi đang khóc. Xin lỗi. “Thì ân điển của Ngài sẽ đủ cho các người, để nhờ ân điển của Ngài mà các người sẽ có thể được toàn thiện trong Đấng Ky Tô.” Khi tôi đọc câu đó, thì một ánh sáng và sự rõ ràng tràn ngập hồn tôi. Tôi không thể phủ nhận điều đó. Điều đó làm cho phấn khởi và ấm áp trong lòng và tràn ngập khắp người tôi. Vào lúc đó, tôi biết rằng Sách Mặc Môn là chân chính và mục đích của sách là làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.
Vâng, tôi đã đến Nhật Bản với lời chứng hùng hồn này. Tôi tiếp tục có những kinh nghiệm xây đắp chứng ngôn của mình, nhưng không có gì thâm thúy bằng buổi sáng hôm đó ở MTC. Sau đó, vào một đêm trời mưa to khi chuẩn bị đi ngủ, thì chúng tôi nghe tiếng gõ cửa. Chúng tôi nhìn nhau. Căn hộ của chúng tôi nằm ở phía sau trụ sở phái bộ truyền giáo. Hơi giật mình vì có ai đó đến căn hộ của chúng tôi vào lúc đêm khuya như vậy, tôi bước ra ngoài và mở cửa thì thấy chủ tịch phái bộ truyền giáo của tôi ở ngưỡng cửa, đứng dưới mưa, che cây dù. Ông ấy nói: “Gilbert Chōrō, Anh Cả Gilbert, hãy mặc quần áo vào. Chúng ta sẽ đi gặp Anh Cả Matsuo.” Cha của Anh Cả Matsuo sắp chết vì bệnh ung thư. Tôi đoán ngay chuyện gì đã xảy ra. Nhưng khi tôi vào xe của phái bộ truyền giáo, Chủ Tịch Matsumori quay sang tôi và giải thích rằng mẹ của người truyền giáo đã qua đời trong một vụ tai nạn ô tô ngày hôm đó. Sau đó, ông nói: “Hãy cầu nguyện để chúng ta có thể cảm thông và hiểu được điều gì sẽ an ủi người truyền giáo này.” Tôi cảm thấy quá sức chịu đựng và lúng túng. Tôi vẫn còn nhớ cần gạt nước trên kính chắn gió di chuyển qua lại trong khi chúng tôi lái xe trong im lặng. Đột nhiên, Thánh Linh mang An Ma 7:12 vào lòng tôi: “Và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài [theo] những sự yếu đuối của họ.” Tôi biết rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cho phép chúng ta khắc phục tội lỗi. Tôi biết rằng Đấng Ky Tô sẽ giúp chúng ta được phục sinh và sống lại. Nhưng đêm hôm đó trên xa lộ Osaka, tôi biết được rằng Chúa Giê Su Ky Tô cũng có thể an ủi chúng ta trong những khó khăn, đau khổ khi cuộc sống trở nên bất công. Tôi không biết người truyền giáo trẻ tuổi đó đang trải qua điều gì, nhưng qua phép lạ của Sự Chuộc Tội, đã có một Đấng đã biết. Đêm hôm đó, sau một năm tôi đi truyền giáo, một lần nữa, Thánh Linh đã làm chứng một cách hùng hồn với tôi, Sách Mặc Môn là chân chính, và mục đích của sách là làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.
Tôi trở về nhà sau công việc truyền giáo và kết hôn với Christine ở Đền Thờ Salt Lake. Chúng tôi chuyển nhà đến California, rồi cuối cùng đến Boston. Tôi tiếp tục nhận đi nhận lại những sự xác nhận thầm lặng về chứng ngôn của mình, nhưng một lần nữa, không có gì thâm thúy bằng buổi sáng hôm đó ở MTC hay đêm hôm đó trên xa lộ Osaka. Rồi một ngày Chủ Nhật nọ, tôi đã có được một sự làm chứng hùng hồn nhưng bất ngờ của Thánh Linh. Tôi đang đọc một đoạn thánh thư mà hầu hết mọi người không mở tới để xây đắp chứng ngôn của họ. Đó là trong An Ma 30, trong một bài học ở nhà thờ, trong điều mà tôi sẽ gọi là giáo lý của Cô Ri Ho, mà trong đó Cô Ri Ho chối bỏ Đấng Ky Tô, cố gắng miễn trách con người đối với trách nhiệm giải trình về những lựa chọn của họ, tuyên bố rằng chúng ta chỉ được cứu bởi chính thiên tài của mình. Hắn dựa vào cái mà ngày nay chúng ta có thể gọi là thuyết tương đối về đạo đức. Cô Ri Ho cũng hung hăng xem thường niềm tin của người khác là những truyền thống điên rồ của tổ phụ họ. Khi người hướng dẫn Trường Chủ Nhật đọc qua bài học, tôi bắt đầu suy ngẫm rằng nếu Joseph Smith đã tự mình tạo ra Sách Mặc Môn thì Cô Ri Ho phải là một nhân vật kỳ quặc được gồm vào. Joseph đã sống trong thời kỳ đầy nhiệt huyết về tôn giáo mà người ta tin vào Chúa Giê Su Ky Tô. Có lẽ ông chưa bao giờ gặp bất cứ ai ủng hộ một cách mạnh mẽ giáo lý chống lại Đấng Ky Tô như Cô Ri Ho hoặc, tôi nên nói thêm, như Nê Hô hay Sê Rem, tất cả đều có trong Sách Mặc Môn. Nhưng chúng ta biết rằng Sách Mặc Môn được viết cho thời kỳ của chúng ta. Tôi đã nhận ra những luận cứ này từ chính những người tôi gặp rất thường xuyên trong nền văn hóa học thuật ở Cambridge, Massachusetts. Khi tôi đang ngồi suy ngẫm về điều bất thường này trong lúc đang học lớp Trường Chủ Nhật, với chứng ngôn sâu sắc tôi đã có về Sách Mặc Môn, thì Thánh Linh nói với tôi: “Clark, Sách Mặc Môn là chân chính, và mục đích của sách là để làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.”
Những kinh nghiệm này tiếp tục trong suốt cuộc sống của tôi. Có lần tôi đang cầu nguyện trong đền thờ cho giới trẻ trong khu phố của mình ở Boston. Trong khi tôi đọc câu thánh thư Mô Si A 3:17, thì Thánh Linh đã dạy tôi rằng cách duy nhất tôi có thể giúp đỡ các thiếu niên này thoát khỏi hoàn cảnh của họ là qua Chúa Giê Su Ky Tô. Có lần tôi đang nghiên cứu An Ma 36 và tìm hiểu về cách đảo đổi suốt chương đó, với điểm tựa chính của chương là kết quả của sự cứu chuộc An Ma Con. Điều đáng chú ý là dường như mỗi lần tôi có một sự làm chứng về Sách Mặc Môn thì điều đó lại đi kèm với một sự làm chứng đồng thời về Chúa Giê Su Ky Tô. Điều này lại xảy ra lần nữa trong phiên họp phụ nữ của đại hội trung ương vào tháng Mười năm 2018. Trong phiên họp đó, Chủ Tịch Nelson đã đưa ra lời mời các chị em phụ nữ của Giáo Hội hãy đọc hết Sách Mặc Môn khi tới cuối năm, với phần tham khảo bổ sung để đánh dấu mỗi phần trích dẫn về Đấng Cứu Rỗi, mỗi câu tham khảo về Đấng Cứu Rỗi trong Sách Mặc Môn. Vì muốn hỗ trợ vợ và sáu đứa con gái của mình, tôi đã cùng họ tham gia lời mời đó. Tôi mới vừa nhận được quyển Sách Mặc Môn này. Đây là quyển Sách Mặc Môn hoàn toàn mới. Tôi đã đánh dấu mỗi phần tham khảo trong đó về Đấng Cứu Rỗi. Từng trang một viết bằng bút chì màu đỏ đều đề cập đến Chúa Giê Su Ky Tô. Ở tuổi 48, tôi đã có chứng ngôn sâu sắc về Sách Mặc Môn và về Đấng Cứu Rỗi rồi, Thánh Linh một lần nữa làm chứng với tôi vào mùa thu năm đó, vào mỗi buổi sáng khi tôi đọc những trang sách này: “Clark, quyển sách này là chân chính, và mục đích của sách là để làm chứng rằng Chúa là Đấng Ky Tô.”
Trở lại với sứ điệp của Chủ Tịch Nelson và câu trích dẫn mà tôi đã nêu ra trước đó: “Tôi khẩn nài với các em hãy chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của mình. Hãy nỗ lực cho chứng ngôn đó. Hãy sở hữu chứng ngôn đó. Hãy chăm sóc cho chứng ngôn đó. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó để nó sẽ phát triển. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó bằng lẽ thật. Đừng làm chứng ngôn đó mất đi tính thiêng liêng với những triết lý sai lầm của những người không tin và rồi tự hỏi tại sao chứng ngôn của các em lại suy yếu. … Khi các em đặt ưu tiên cao nhất cho chứng ngôn của mình, hãy chờ đợi những phép lạ xảy đến trong cuộc sống của các em.” Tôi chứng thực những phép lạ đó. Tôi đã được ban phước theo nhiều cách vì tôi đã đặt chứng ngôn của mình làm ưu tiên trong suốt cuộc sống của mình.
Thưa anh chị em, với tư cách là các nhà giáo dục tôn giáo, chúng ta cần phải giúp đỡ học viên của mình chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của họ. Tôi xin tập trung vào năm cách chúng ta có thể dạy học viên của mình chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của họ. Trước hết, giúp họ học cách sử dụng quyền tự quyết của họ. Thứ hai, dạy họ trở thành ánh sáng cho người khác, nhất là những người đang gặp khó khăn. Thứ ba, hãy đặt câu hỏi trong đức tin. Thứ tư, hãy tìm đến các nguồn chứa đựng lẽ thật. Và thứ năm, hãy trông cậy vào Thánh Linh.
Trước hết, chúng ta phải giảng dạy học viên rằng việc xây đắp chứng ngôn là một hành động có chủ đích của quyền tự quyết của chúng ta. C. S. Lewis thường nhắc đến câu nói “Chặng đường nhanh, dài nhất là chặng đường về nhà ngắn nhất.” Cần phải nỗ lực để củng cố đức tin và vai trò môn đồ. Đó là một hành động có chủ đích. An Ma dạy rằng việc xây đắp chứng ngôn đòi hỏi chúng ta phải hết sức chú ý: “Nhưng này, nếu các người muốn thức tỉnh và phát huy khả năng của mình, ngay cả trong việc trắc nghiệm những lời nói của tôi đây, và vận dụng một chút ít đức tin, phải, ngay cả nếu các người không thể làm gì khác hơn là muốn tin, thì xin hãy để cho sự mong muốn này tác động trong các người, cho đến khi các người tin ngõ hầu các người có thể chừa được chỗ cho một phần nào những lời tôi nói.”
Nguyên tắc thứ hai chúng ta có thể giảng dạy để giúp học viên chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của họ là trở thành ánh sáng cho người khác, có lẽ nhất là đối với những người đang gặp khó khăn. Thế hệ này quan tâm rất nhiều đến bạn bè của họ và những người bị thử thách trong cuộc sống của họ. Chủ Tịch Nelson dạy chúng ta đừng phê phán những người đang gặp khó khăn.
“Nếu bạn bè và gia đình có xa rời Giáo Hội, thì hãy tiếp tục yêu thương họ. Các em không nên phán xét những lựa chọn của người khác cũng như các em không đáng bị chỉ trích vì luôn tiếp tục trung tín.
“Giờ đây, xin hãy lắng nghe khi tôi nói: Đừng để bị lạc lối bởi những người mà có mối nghi ngờ có thể bị thúc đẩy bởi những điều các em không thể thấy được trong cuộc sống của họ.”
Sự hoài nghi và nghi ngờ có thể lây lan, nhưng đức tin và hy vọng cũng vậy. Chủ Tịch Nelson nói tiếp:
“Trên hết, hãy để cho những người bạn đầy hoài nghi của các em nhận thấy các em yêu mến Chúa và phúc âm của Ngài biết bao. Hãy làm cho lòng hoài nghi của họ ngạc nhiên bởi lòng tin tưởng của các em!
“Khi chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của mình và làm cho chứng ngôn đó phát triển, thì các em sẽ trở thành công cụ mạnh mẽ trong bàn tay của Chúa.”
Về điểm cuối cùng này—việc giảng dạy cho học viên của chúng ta trở thành một công cụ và nguồn lực cho Chúa—mà tôi nghĩ là chúng ta có cơ hội như vậy để giúp đỡ các thành niên trẻ tuổi với chứng ngôn của họ. Dạy họ trở thành ánh sáng. Dạy họ trở thành người bạn. Dạy họ trở thành nguồn lực cho người khác. Và đối với những người chưa tìm thấy đức tin của họ, hãy dạy họ đi làm việc phục vụ người khác. Nhiều chứng ngôn đến trong hành động phục vụ người khác. Sự làm chứng mà tôi đã nhận được ở Đền Thờ Boston Massachusetts, rằng Đấng Ky Tô là sự giải đáp cho tuổi trẻ của tôi, đã đến vì tôi đang làm mọi điều tôi biết cách để giúp đỡ. Dạy học viên của chúng ta trở thành ánh sáng và chứng ngôn của họ sẽ phát triển.
Dĩ nhiên, chúng ta dạy rằng việc đặt câu hỏi là điều bình thường. Buổi tối hôm nay, Anh Cả Renlund sẽ nói thêm một chút về điều này. Chủ Tịch Nelson đã giải thích: “Nếu anh chị em có câu hỏi—và tôi hy vọng là có—thì hãy tìm kiếm câu trả lời với ước muốn tha thiết để tin.” Nhưng như Chủ Tịch Jeffrey R. Holland đã nêu ra: “Đôi khi chúng ta hành động như thể một lời tuyên bố trung thực về sự nghi ngờ lại là một biểu hiện cao quý của lòng can đảm về mặt đạo đức hơn là một lời tuyên bố trung thực về đức tin. Không phải vậy đâu!” Khi người cha của đứa trẻ bị bệnh cầu xin Đấng Cứu Rỗi: “Tôi tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi,” thì ông ta đang bắt đầu từ một thái độ tin tưởng. Ông ta đã học khi còn là một thiếu niên—hay tôi đã học khi còn là một thiếu niên, khi tôi trình bày một vấn đề nan giải về đức tin với cha mình, thì tôi nghĩ mình rất thông minh và đã nghĩ ra một điều mà cha tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Năm 15 tuổi, tôi thông minh hơn cha tôi, là người luôn thắng trong mọi cuộc tranh luận. Và bấy giờ tôi có một câu hỏi hóc búa dành cho cha tôi. Thay vì trả lời cho câu hỏi của tôi, cha tôi chỉ nói: “Clark à, trước đây cha cũng từng có câu hỏi đó. Và trong cuộc đời mình, cha có hai loại câu hỏi: một loại về điều cha biết và một loại thì dường như khó hiểu. Theo thời gian, cha nhận thấy rằng những điều mà cha biết cứ tăng lên và những điều mà cha không biết tiếp tục giảm đi.”
Nếu anh chị em chịu tiến bước trong đức tin, thì tôi hứa với anh chị em rằng điều này sẽ xảy ra. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không giải đáp các câu hỏi và mối quan tâm của mọi người, mà chúng ta giúp họ tiến bước trong đức tin. Đây là điều mà tôi nghĩ Anh Cả Larry Corbridge đã nói trong buổi họp đặc biệt devotional ở BYU khi ông nói với các sinh viên trong khuôn viên trường này rằng hãy tập trung vào các câu hỏi chính và để các câu hỏi phụ được giải đáp theo thời gian. Chủ Tịch Nelson nhiều lần nhắc nhở chúng ta rằng việc xây đắp một chứng ngôn cũng nên gồm vào việc chúng ta tìm kiếm những nguồn chứa đựng lẽ thật. “Hãy nuôi dưỡng [chứng ngôn của các em] bằng lẽ thật. Đừng làm chứng ngôn đó mất đi tính thiêng liêng với những triết lý sai lầm của những người không tin và rồi tự hỏi tại sao chứng ngôn của các em lại suy yếu.” Một số người thành niên trẻ tuổi cảm thấy rằng cách duy nhất để có được đức tin mạnh mẽ là hướng về những người chỉ trích và kẻ thù nghịch của Giáo Hội. Bằng cách này hay cách khác, điều đó sẽ làm cho chứng ngôn trở nên mạnh mẽ hơn. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta nên giúp học viên nhận ra ý định của họ. Cô Ri Ho, Nê Hô và Sê Rem đã không cố gắng gây dựng những người theo họ mà chỉ cố gắng hợp lý hóa những lựa chọn sai lầm của họ và biện hộ các kế hoạch riêng của họ. Hãy dạy học viên của anh chị em rằng “thậm chí một số nguồn còn có thể được tính toán để gây ngờ vực, sợ hãi và nghi ngờ.” Hãy giúp họ hướng tới các vị tiên tri tại thế, thánh thư và các vị lãnh đạo đáng tin cậy của Giáo Hội.
Một trong những nguồn chứa đựng lẽ thật quan trọng nhất mà chúng ta có thể hướng tới là Đức Thánh Linh. Dạy học viên hiểu cảm giác của họ khi Đức Thánh Linh hiện diện và nhận ra sự rút lui của Đức Thánh Linh khi lẽ thật bị xuyên tạc. Tôi đã có được một kinh nghiệm đầy tác động về đề tài này trong một phiên họp hỏi đáp mới gần đây của trường BYU–Hawaii với Chủ Tịch Henry B. Eyring và Chủ Tịch Keoni Kauwe. Một sinh viên hỏi chúng tôi rằng họ sẽ cần Đức Thánh Linh ở thời điểm nào trong cuộc sống của họ. Chủ Tịch Eyring đã yêu cầu tôi trả lời câu hỏi của sinh viên đó bằng cách trích dẫn lời phát biểu của Chủ Tịch Nelson: “Trong những ngày tới, chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, chỉ dẫn, an ủi và liên tục của Đức Thánh Linh”. Đây là câu hỏi tôi đã trả lời hàng trăm lần khi còn là chủ tịch của trường BYU–Idaho. Tôi trả lời rằng các sinh viên sẽ cần Thánh Linh khi họ đưa ra các quyết định về việc học môn gì, hẹn hò với ai, sống ở đâu, nhận làm công việc gì và rất nhiều quyết định khác trong cuộc sống mà những người thành niên trẻ tuổi của chúng ta đang đối mặt. Sau đó, Chủ Tịch Eyring yêu cầu người sinh viên đó đọc lại lời phát biểu của Chủ Tịch Nelson. Lần này, người ấy sẽ dừng lại ở từ tồn tại. Chủ Tịch Eyring nói rõ rằng vị tiên tri đã có chủ ý sử dụng từ tồn tại. Ông giải thích rằng các sinh viên đang sống trong một thời kỳ mà kẻ nghịch thù có khả năng bóp méo lẽ thật rất hiệu quả đến nỗi nếu họ không có Đức Thánh Linh thì họ sẽ bị lừa dối về các lẽ thật cơ bản nhất của phúc âm. Trong bài nói chuyện “Hãy Nghĩ Tới Những Điều Vĩnh Cửu của Thượng Thiên!” của ông, Chủ Tịch Nelson đã tuyên bố: “Những sự lừa dối của kẻ nghịch thù không kết thúc. Xin hãy chuẩn bị. Đừng bao giờ nhận lời khuyên từ những người không tin. Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn từ những tiếng nói mà anh chị em có thể tin cậy—từ các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải và từ những lời mách bảo của Đức Thánh Linh.”
Thưa anh chị em, chúng ta hãy dạy học viên của mình chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của họ. Hãy dạy họ nỗ lực cho chứng ngôn đó, sở hữu nó, chăm sóc nó, nuôi dưỡng nó để nó sẽ phát triển. Vì mục đích này, chúng ta hãy dạy họ sử dụng quyền tự quyết, trở thành ánh sáng cho người khác, đặt câu hỏi trong đức tin, tìm kiếm những nguồn chứa đựng lẽ thật và học cách trông cậy vào Đức Thánh Linh. Chỉ thị Củng Cố Chương Trình Giáo Dục Tôn Giáo mang đến cho chúng ta trách nhiệm phải thực hiện điều này với lòng tin chắc. Những nỗ lực của anh chị em đang có hiệu quả. Đừng tin những ý kiến bên ngoài. Các thành niên trẻ tuổi đang theo học viện giáo lý với mức kỷ lục. Các thành niên trẻ tuổi đang theo học tại các trường của Giáo Hội với mức kỷ lục. Có một làn sóng đức tin dâng trào trong khắp Giáo Hội, ngay cả trong những thời điểm khó khăn này. Học viên của chúng ta đang học cách chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của họ và càng ngày họ càng gần gũi hơn với Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi có một chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Tôi biết rằng Sách Mặc Môn là chân chính. Và tôi làm chứng rằng mục đích của sách là để làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Chúng ta hãy mời học viên của mình tìm kiếm những lẽ thật tương tự đó. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.