Đại Hội Các Nhà Giáo Dục Tôn Giáo CES
Chất Dinh Dưỡng Thiết Yếu của Phúc Âm


36:9

Chất Dinh Dưỡng Thiết Yếu của Phúc Âm

Đại Hội Các Nhà Giáo Dục Tôn Giáo CES tháng Sáu năm 2024

Anh chị em thân mến, tôi rất biết ơn về cơ hội được nói chuyện với các nhà giáo dục tôn giáo trong buổi phát sóng toàn cầu này. Cảm ơn anh chị em đã dành ra thời gian và cảm ơn về tất cả những gì anh chị em làm để giúp thúc đẩy công việc của Chúa tiến triển. Xin biết rằng sự thành công của anh chị em “được chủ yếu đo lường bằng sự cam kết của anh chị em để giúp con cái của Thượng Đế trở thành các môn đồ thành tín của Chúa Giê Su Ky Tô.” Sự thành công của anh chị em không được quyết định bởi việc có bao nhiêu học viên của anh chị em trở thành môn đồ thành tín của Đấng Cứu Rỗi; nó không tùy thuộc vào việc họ chọn cách đáp ứng với lời giảng dạy, lời mời hoặc hành động tử tế chân thành của anh chị em. Trách nhiệm của anh chị em là giảng dạy một cách rõ ràng và đầy quyền năng để họ có thể đưa ra một sự lựa chọn sáng suốt mà sẽ ban phước cho họ. Mỗi người đều có quyền tự quyết. Do đó, tôi sẽ nói với anh chị em như Tiên Tri Joseph Smith đã nói với những người truyền giáo đầu tiên của Giáo Hội trong gian kỳ này: “Nếu các anh em làm bổn phận của mình thì điều đó sẽ ban phước cho các anh em cũng như cho tất cả mọi người đã chấp nhận phúc âm vậy.”

Vào năm 1916, Anh Cả David O. McKay đã nói: “Không có trách nhiệm nào lớn hơn đối với bất cứ người nam [hay người nữ] nào ngoài việc làm người giảng dạy cho con cái của Thượng Đế.” Ngày nay cũng vậy. Một giảng viên có đức tin và giảng dạy về đức tin là người rất quan trọng trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, nhất là đối với thế hệ đang vươn lên.

Chỉ trong chốc lát, tôi sẽ đọc một câu trích dẫn từ Chủ Tịch Jeffrey R. Holland, và anh chị em sẽ thấy mối liên kết đó. Nhưng tôi đã mời một vài người tình nguyện giúp đỡ. Và chúng ta sẽ có anh chị Reese và anh chị Ashton bước tới và mỗi người sẽ nhận được một cái Twinkie. Và như anh chị em biết, Twinkie là một chiếc bánh vani với nhân kem. Và tôi muốn họ mở cái Twinkie của họ và bắt đầu ăn nó. Mỗi người lấy một chiếc khăn ăn. Và tôi sẽ cố gắng tạo mối liên kết này ở đây.

Chủ Tịch Jeffrey R. Holland nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tập trung vào sự giảng dạy các yếu tố thiết yếu của phúc âm vào năm 1998. Ông đã dạy trong bài nói chuyện của mình: “Chúng ta cần phải mang lại sức sống mới và đặt ưu tiên một cho sự giảng dạy xuất sắc trong Giáo Hội—tại nhà, từ bục giảng, … và chắc chắn là trong phòng học. …

“… Khi những khủng hoảng xảy đến trong cuộc sống của chúng ta … những triết lý của loài người đan xen với một vài câu thánh thư và những bài thơ sẽ không có tác dụng. Chúng ta có thực sự nuôi dưỡng [học viên] của chúng ta theo cách mà sẽ hỗ trợ họ khi những căng thẳng của đời sống xuất hiện không? Hay chúng ta đưa cho họ một loại bánh thuộc linh Twinkie—nghèo dinh dưỡng về mặt thuộc linh?”

Vì vậy, bây giờ Chủ Tịch Reese đã ăn một phần cái bánh đó rồi, thì chủ tịch nghĩ có bao nhiêu gram chất xơ trong cái bánh Twinkie của mình? Thực ra, nó là con số không.

Thưa Chị Reese, chị nghĩ có bao nhiêu miligam canxi trong cái bánh Twinkie đó? Thực ra, nó là con số không.

Và Chị Ashton, chị nghĩ có bao nhiêu microgam vitamin A trong cái bánh đó? Thực ra, nó là con số không.

Và Anh Ashton, có bao nhiêu miligam vitamin C vậy? Vâng, cũng vậy thôi. Không có vitamin C trong đó.

Khi còn nhỏ, tôi rất thích bánh Twinkie. Nếu cha mẹ tôi cho phép, tôi sẽ không ăn gì ngoài bánh Twinkie cho bữa ăn sáng, bữa ăn trưa và bữa ăn tối. Bây giờ, nếu họ đã cho phép tôi làm điều đó, thì anh chị em có biết là anh chị em sẽ nhìn thấy gì không? Thì thật sự tôi sẽ là một người mù mắc bệnh táo bón, loãng xương với bệnh scurvy. Hình ảnh đó không được đẹp mắt lắm.

Xin cảm ơn những người tình nguyện của chúng ta. Tôi thực sự không đến đây để thảo luận về tác động của sự thiếu hụt dinh dưỡng đối với sức khỏe thể chất của chúng ta. Bánh Twinkie có thể có hương vị thơm ngon nhưng chúng không chứa dinh dưỡng nào cả. Mà tôi đến đây để thảo luận sự dinh dưỡng về mặt thuộc linh mà anh chị em đang cung cấp cho học viên của mình.

Khi có những học viên đầy hăm hở trước mặt thì chúng ta cần nuôi dưỡng họ bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế, chứ không phải bằng những cái bánh Twinkie thuộc linh mà thiếu chất dinh dưỡng thuộc linh. Những học viên nào được nuôi dưỡng bằng những cái bánh Twinkie thuộc linh khó có thể trở thành môn đồ trọn đời của Chúa Giê Su Ky Tô—những cá nhân đã tấn tới trong Chúa và nhận được “sự trọn vẹn của Đức Thánh Linh.” Thay vì thế, khi được nuôi dưỡng bằng những cái bánh Twinkie thuộc linh, họ có thể lớn lên và trở nên bướng bỉnh, không tin và hoang mang về mặt thuộc linh.

Để chống lại tình trạng suy dinh dưỡng về phần thuộc linh, các học viên của chúng ta cần ít nhất bốn món ăn cơ bản ẩn dụ giàu chất dinh dưỡng. Thứ nhất là chứng ngôn về Cha Thiên Thượng và kế hoạch của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, cùng Sự Phục Hồi phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau này. Để làm điều này, chúng ta phải giảng dạy lẽ thật phục hồi và làm chứng về các lẽ thật này.

Tôi xin đưa ra một ví dụ về điều này. Cách đây vài năm, một bác sĩ người Trung Quốc tên Grace đã dành 18 tháng đi thăm các cơ sở y tế ở Salt Lake City. Bà ấy đến để tìm hiểu các khía cạnh y khoa của việc ghép tim. Gia đình tôi kết bạn với bà và chúng tôi cùng bà tham gia nhiều sinh hoạt. Vào một ngày lễ Giáng Sinh rơi vào ngày Chủ Nhật, chúng tôi mời bà ấy đi nhà thờ để dự lễ Tiệc Thánh. Chúng tôi hy vọng các sứ điệp sẽ giảng dạy về Chúa Giê Su Ky Tô và nhấn mạnh lý do ăn mừng lễ Giáng Sinh. Tôi đang phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo khu và ngồi trên bục chủ tọa trong buổi họp. Vợ và con gái tôi ngồi cùng với Grace trong giáo đoàn.

Sau Tiệc Thánh, người nói chuyện thứ nhất kể một câu chuyện nổi tiếng nhưng hư cấu về nhà thông thái thứ tư. Câu chuyện được kể rất hay và gợi nhiều cảm xúc. Người nói chuyện kế tiếp đưa ra nhận xét của mình dựa trên một câu chuyện về ba cái cây được nhân cách hóa. Một cái cây muốn trở thành một chiếc rương đẹp đẽ nhưng thay vì thế lại trở thành cái máng ăn dành cho động vật, một cái máng cỏ để đặt một hài đồng ở Bết Lê Hem vào. Cái cây thứ hai muốn trở thành một chiếc thuyền buồm được ngưỡng mộ. Thay vì thế, nó trở thành một chiếc thuyền thông thường được những người đánh cá bình thường sử dụng trên Biển Ga Li Lê. Trong một cơn bão đang hoành hành dữ dội, một người mà những người khác gọi là “Thầy” đã phán: “Hãy êm đi” và cơn bão lặng đi. Cái cây thứ ba muốn được tạo hình thành một thứ gì đó để có thể chiêm ngưỡng từ xa. Thay vì thế, nó trở thành cây xà mà trên đó một người đã bị đóng đinh ở trên ngọn đồi có tên là Đồi Sọ. Một lần nữa, một câu chuyện khác về lễ Giáng Sinh đầy hư cấu nhưng cảm xúc.

Tôi thất vọng về nội dung của buổi lễ và cảm thấy mình không thể để nó kết thúc như vậy được đối với Grace. Mặc dù chúng tôi đã hết thời gian rồi nhưng tôi cũng nghiêng người về phía vị giám trợ và hỏi: “Giám trợ sẽ cứu vãn buổi lễ này hay giám trợ muốn tôi làm?” Ông ấy nói rằng ông sẽ lo liệu việc đó. Ông đến bên bục giảng và dành năm phút để giải thích Hài Đồng ở Bết Lê Hem là ai và điều mà Ngài sẽ hoàn thành. Vị giám trợ đưa ra một chứng ngôn hùng hồn về Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của tất cả nhân loại. Ông giới thiệu bài thánh ca và lời cầu nguyện kết thúc rồi ngồi xuống.

Khi bài thánh ca kết thúc được hát lên thì Grace nghiêng người về phía vợ tôi và nói: “Ruth à, khi vị giám trợ đó phát biểu thì có điều gì đó trong buổi lễ này đã thay đổi!” Buổi lễ này quả thật đã có thay đổi. Những người nói chuyện đó có ý tốt nhưng đã đưa ra những cái bánh Twinkie thuộc linh, chẳng có lượng calo nào về mặt thuộc linh, thiếu những sự diễn đạt về đức tin và chứng ngôn mà không có quyền năng của lời Thượng Đế và do đó không có Thánh Linh.

Chứng ngôn chân thành của vị giám trợ được xây dựng trên các lẽ thật được giảng dạy trong thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri của Chúa; đó là điều đã mời Thánh Linh vào buổi lễ. Tôi kết luận rằng rất khó cho Thánh Linh làm chứng về lẽ trung thực của một câu chuyện hư cấu. Bất cứ điều gì khác chúng ta đã làm trong việc giảng dạy của mình, chúng ta cần phải luôn luôn mang lời giảng dạy của mình tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, Cha Thiên Thượng và kế hoạch của Ngài, và Sự Phục Hồi phúc âm của Ngài. Dĩ nhiên, là điều tốt để sử dụng những câu chuyện, ngay cả những câu chuyện hư cấu, để thu hút sự chú ý của học viên. Ý tôi là, tôi đã sử dụng bánh Twinkies để thu hút sự chú ý của anh chị em. Nhưng một khi chúng ta có được sự chú ý của học viên rồi, thì chúng ta cần cung cấp chất dinh dưỡng mà làm thay đổi cuộc sống. Tôi đoán tôi nên tiếp tục với bánh Twinkies và dọn ra thêm cà rốt, bông cải xanh, sốt hummus—nhưng tôi đã không làm.

Sứ Đồ Phao Lô đã tuyên bố: “Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.” Sau đó, Phao Lô đã đặt ra một loạt câu hỏi mà giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của một người thầy có thẩm quyền để giảng dạy môn học thiết yếu này. Ông hỏi: “Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào?” Sau đó, Phao Lô đưa ra kết luận này: “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Ky Tô được rao giảng.” Để học viên của anh chị em phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và vai trò chính của Ngài trong kế hoạch của Đức Chúa Cha thì việc giảng dạy họ về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là điều tột bậc. Chủ đề của đại hội này đã nói lên tất cả: “Hãy tìm kiếm Chúa Giê Su này, tức là Đấng mà các tiên tri và các sứ đồ đã từng viết đến.”

Nhà cải cách tôn giáo và nhà thuyết giảng nổi tiếng người Scotland là Thomas Chalmers đã viết về kinh nghiệm của ông khi học nguyên tắc này. Chalmers sống từ năm 1780 đến năm 1847. Vào cuối cuộc đời, Chalmers nhận biết rằng ông đã thực hiện một cuộc thử nghiệm bất ngờ trong lúc thuyết giảng. Trong nhiều năm, ông đã thuyết giảng chống lại mọi hình thức vô luân và những khiếm khuyết trong nhân cách. Ông tập trung vào hành vi bên ngoài của giáo dân ông, cốt yếu là giảng dạy Mười Điều Giáo Lệnh. Kết quả thật đáng thất vọng. Ông nhận thấy rằng lời nói của mình “không [hề] ảnh hưởng đến các hành vi đạo đức” của giáo dân. Ông nhận biết rằng dù ông có thuyết phục được ai đó đừng trộm cắp thì tâm hồn người đó vẫn không thay đổi; bên trong người đó cũng không thay đổi, mặc dù người đó đã kiềm chế hành vi xấu. Nói cách khác, anh chị em có thể thay đổi hành vi nhưng không làm thay đổi tấm lòng của học viên.

Sau đó, Chalmers bắt đầu thuyết giảng sự hòa giải với Thượng Đế và sự tha thứ tội lỗi nhờ vào huyết của Đấng Ky Tô. Mãi cho đến khi ông giảng dạy giáo dân của mình theo cách này thì họ mới sửa đổi cuộc sống của mình. Bài học quan trọng mà ông đã học được là “thuyết giảng về Đấng Ky Tô là cách thuyết giảng hữu hiệu độc nhất về đạo đức.” Ông đã nhận biết sai lầm trước đó của mình—là ông đã cố gắng thay đổi hành vi chứ không phải tấm lòng. Bây giờ ông đã cố gắng thay đổi tấm lòng, thì tự nhiên và đồng thời hành vi thay đổi.

Việc biết rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của tôi, đã thay đổi cuộc sống và tấm lòng của tôi. Sự hiểu biết này đã thay đổi hành vi của tôi theo cách mà không có điều gì khác có thể làm được. Tôi biết rằng mình đã là người hưởng lợi từ sự hy sinh chuộc tội vô hạn của Ngài. Sự hiểu biết đó là điều thực sự thay đổi các cuộc sống.

Món ăn cơ bản thuộc linh thứ hai giàu chất dinh dưỡng dành cho học viên là mối quan hệ cá nhân với anh chị em. Vì nhờ vào mối quan hệ cá nhân với anh chị em mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho học viên được thu hút đến với Đấng Cứu Rỗi. Ngài sẽ luôn là nguồn dinh dưỡng thuộc linh thực sự. Nhưng mối quan hệ giữa giảng viên và học viên giúp cho học viên mở lòng đối với lời của Đấng Cứu Rỗi. Thậm chí nhiều năm sau khi sự giảng dạy chính thức của anh chị em đối với học viên kết thúc, mối quan hệ của anh chị em vẫn có thể tiếp tục ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của họ. Vì tình yêu thương sâu đậm và mối quan tâm của anh chị em về sự an lạc của họ nên ảnh hưởng lâu dài của anh chị em sẽ hướng họ đến với Chúa và giáo lý của Ngài thay vì đến anh chị em.

Tôi đã trải qua kinh nghiệm này. Một giảng viên Hội Thiếu Nhi của tôi, Becky, đã có ảnh hưởng như vậy đối với tôi. Khi tôi còn nhỏ, thay vì nhắc đi nhắc lại những lỗi lầm hiển nhiên của tôi, thì khi bắt gặp tôi làm một việc tốt nào đó, Becky thường bẹo má, vỗ nhẹ đầu tôi và nói: “Dale, em thật là một cậu bé ngoan.” Tôi không thấy điều này hạ thấp phẩm giá của mình; đúng hơn là tôi đã mong chờ những dịp đó xảy ra. Về sau, khi đã là một thiếu niên, tôi không còn học trong Hội Thiếu Nhi nữa, gia đình tôi trở lại tiểu giáo khu đó sau nhiều năm sống ở Phần Lan và Thụy Điển. Becky đến gần tôi sau khi tôi chuyền Tiệc Thánh, bẹo má tôi, vỗ nhẹ đầu tôi và nói: “Dale, em thật là một cậu bé ngoan.” Khi tôi đi truyền giáo trở về, sau khi tôi báo cáo về những kinh nghiệm truyền giáo của mình trong một buổi lễ Tiệc Thánh, Becky đến gần tôi, bẹo má tôi, vỗ nhẹ đầu tôi và nói: “Dale, em thật là một cậu bé ngoan.” Trong hàng chục năm tiếp theo, tôi đã có những lựa chọn tốt hơn những gì lẽ ra tôi đã chọn—một phần vì Becky đã hướng tôi đến với Đấng Cứu Rỗi, và tôi không muốn làm cho bà ấy thất vọng.

Một ngày Chủ Nhật nọ, sau khi được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai, tôi trở lại tiểu giáo khu nơi tôi lớn lên. Becky vẫn còn sống trong tiểu giáo khu đó. Tôi ngồi ở cuối bục giảng, nói ngắn gọn trong lễ Tiệc Thánh rồi ngồi xuống. Sau lời cầu nguyện kết thúc, Becky, khi đó đã ngoài 80 tuổi, bất ngờ đến bên tôi. Bà ấy đi vòng qua các chỗ ngồi của ca đoàn ở phía sau tôi, bẹo má tôi, vỗ nhẹ đầu tôi và nói: “ Dale, em thật là một cậu bé ngoan.”

Mỗi học viên cần một hoặc nhiều người như Becky trong cuộc đời họ—những giảng viên có mối quan hệ lâu dài với các học viên, một người đã hướng họ đến với Đấng Cứu Rỗi, một người có ảnh hưởng đến sự suy nghĩ và hành vi của họ, một người mà họ không muốn làm cho thất vọng. Khi học viên bị tổn thương bởi những khủng hoảng mà chắc chắn là họ sẽ trải qua, thì anh chị em có thể cung cấp một nơi an toàn cho các em để tìm đến tình yêu thương và sự trấn an. Phải thừa nhận rằng có thể một số học viên chống lại nỗ lực của anh chị em để biết họ, nhưng điều đó không ngăn cản anh chị em yêu thương họ. Anh chị em có thể có ảnh hưởng lớn đối với các học viên phản kháng hơn anh chị em nghĩ.

Món ăn cơ bản ẩn dụ thứ ba giàu chất dinh dưỡng mà mỗi học viên cần là khả năng giải đáp các câu hỏi và mối quan tâm mà họ có thể có về Giáo Hội. Cách đây tám năm, Anh Cả M. Russell Ballard đã khuyên dạy các nhà giáo dục tôn giáo:

“Đã qua rồi cái thời mà học viên hỏi một câu hỏi thành thật và giảng viên đáp: ‘Đừng lo lắng về điều đó!’ Đã qua rồi cái thời mà một học viên nêu lên mối quan tâm chân thành và một giảng viên đưa ra lời chứng của mình như một câu trả lời nhằm tránh né vấn đề này. Đã qua rồi cái thời mà các học viên được bảo vệ khỏi những kẻ tấn công Giáo Hội. …

“Trước khi gửi [học viên của mình] vào đời, hãy chuẩn bị cho [họ] bằng cách đưa ra lời giải thích trung thực, sâu sắc và chính xác về giáo lý phúc âm, thánh thư, lịch sử của chúng ta và những đề tài đôi khi bị hiểu sai.”

Thưa các giảng viên, anh chị em có thể giúp đỡ học viên bằng cách dạy họ ý nghĩa của việc kết hợp sự học tập và đức tin khi họ tìm hiểu. Anh chị em có thể dạy họ bằng cách biểu diễn kỹ năng và phương pháp này trong lớp học.

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trong thời kỳ của chúng ta qua sự mặc khải. Do đó, chúng ta biết cách trở về ngôi nhà thiên thượng của mình, nhưng chúng ta vẫn có thể có những câu hỏi và mối quan tâm mà chúng ta thực lòng mong muốn có những giải đáp. Học viên của anh chị em sẽ quan sát cách anh chị em trả lời những câu hỏi khó; việc tránh né hoặc bỏ qua những câu hỏi thành thật sẽ làm nảy sinh nhiều câu hỏi hơn. Anh chị em cần phải chuẩn bị để hướng dẫn người khác trong việc tìm kiếm câu trả lời và giúp họ xây đắp đức tin nơi Chúa và các nguồn lẽ thật thiêng liêng của Ngài. Anh Cả Dieter F. Uchtdorf đã dạy: “Việc đặt câu hỏi không phải là dấu hiệu của sự yếu kém; nó là giai đoạn mở đầu cho sự tăng trưởng.” Vì mục đích đó, Giáo Hội đã biên soạn một nguồn tài liệu tuyệt vời, đáng tin cậy dành cho những cá nhân đang tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi của chính họ và cho những người khác đang cố gắng giúp đỡ họ. Mục tiêu của chúng tôi là giúp củng cố đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, ngay cả khi chúng tôi đưa ra một số đề nghị về cách tiếp cận các đề tài phức tạp và đôi khi khó hiểu.

Nguồn tài liệu này có thể được tìm thấy trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org lẫn ứng dụng Thư Viện Phúc Âm. Trong trường hợp anh chị em không quen thuộc với những nguồn tài liệu này, để tôi chỉ cho anh chị em biết vị trí ở bên trong ứng dụng Thư Viện Phúc Âm. Mở ứng dụng Thư Viện Phúc Âm của anh chị em. Từ trang chủ, điều hướng đến thư viện. Nhấn vào ô “Các Đề Tài và Câu Hỏi.” Ở đây anh chị em sẽ thấy một phần có tên là “Tìm Kiếm Câu Trả Lời cho Các Câu Hỏi,” một phần khác có tên là “Giúp Đỡ Người Khác về Những Thắc Mắc của Họ” và một bản liệt kê theo thứ tự chữ cái rất nhiều đề tài về mối quan tâm chưa được biết đến.

Phần “Tìm Kiếm Câu Trả Lời cho Các Câu Hỏi” giảng dạy các nguyên tắc mà có thể hướng dẫn việc học tập của chúng ta khi chúng ta tha thiết tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi của mình—dù là về đức tin, giáo lý hoặc lịch sử Giáo Hội. Lời giới thiệu phần này giải thích rằng các câu hỏi là một phần quan trọng của sự tăng trưởng phần thuộc linh và việc tìm kiếm câu trả lời có thể là một sự theo đuổi suốt đời. Các nguyên tắc được tìm thấy trong phần này khuyến khích chúng ta tập trung cuộc sống của mình vào Chúa Giê Su Ky Tô vì chúng ta phải xây dựng nền tảng đức tin của mình trên Ngài. Chúng ta được nhắc nhở rằng kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế mang lại quan điểm cho những câu hỏi của chúng ta. Quan điểm đó giúp chúng ta phân biệt các lẽ thật cơ bản của phúc âm với những điều không thiết yếu. Để đức tin được tăng trưởng chúng ta cần phải chọn có đức tin. Sau đó chúng ta cần phải hành động với đức tin và giữ vững những gì chúng ta biết. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ gia tăng sự hiểu biết và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Các nguyên tắc bổ sung được thảo luận trong phần này khuyến khích chúng ta kiên nhẫn với chính mình, với người khác và kỳ định của Chúa. Chúng ta cần phải nhớ rằng sự mặc khải là một tiến trình thường bắt đầu bằng những câu hỏi, thường xuyên đến từng hàng chữ một, và đôi khi có thể là một sự vất vả khó khăn. Khi tìm kiếm câu trả lời, chúng ta nên tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Thánh Linh và cố gắng hiểu quá khứ bằng cách tìm kiếm thêm chi tiết quan trọng để hiểu được hiện trạng.

Phần “Giúp Đỡ Người Khác về Những Thắc Mắc của Họ” đề nghị những nguyên tắc mà có thể hướng dẫn chúng ta khi tương tác với những người có thắc mắc. Dù thế nào đi nữa, chúng ta nên nói chuyện một cách tôn trọng, lắng nghe với sự đồng cảm và cho thấy tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô. Vì vậy hãy lắng nghe và đáp lại bằng tình yêu thương. Tìm cách hiểu, công nhận kinh nghiệm của người khác và tránh bác bỏ hoặc phê phán. Khi làm như vậy, chúng ta có thể thừa nhận những hạn chế của mình. Xin hãy nhớ rằng mặc dù chúng ta có phúc âm trọn vẹn nhưng chúng ta không có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi. Một số câu trả lời sẽ phải chờ được mặc khải thêm. Đối với một số câu hỏi và một số người đặt câu hỏi, chúng ta chỉ là không biết đủ về ý muốn của Chúa và giáo lý trọn vẹn của Giáo Hội để làm hài lòng hoàn toàn các học viên. Trong những tình huống này, nỗ lực để thuyết phục người đặt thêm câu hỏi bằng lý luận hoặc lý do có thể không giúp ích được gì.

Một cái bẫy mà nhiều giảng viên có thể vô tình rơi vào là đưa ra những lý do hoặc lời giải thích mà Chúa chưa đưa ra. Khi điều đó xảy ra, lý do hoặc câu trả lời được đưa ra có thể cuối cùng không hợp lý và rồi học viên có thể có ít đức tin hơn. Sẽ tốt hơn nếu nói rằng chúng tôi không biết hơn là bịa ra một lý do hoặc lời giải thích. Suy cho cùng, đức tin là một sự lựa chọn và đôi khi câu trả lời duy nhất là trông cậy vào đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và đức tin nơi Sự Phục Hồi phúc âm của Ngài cũng như kiên nhẫn chờ đợi những câu trả lời từ Chúa khi Ngài chọn mặc khải những câu trả lời đó. Chúng ta tin cậy nơi Chúa và cố gắng trở thành nguồn an toàn và đáng tin cậy để những người khác tìm đến để được giúp đỡ.

Chúng ta có thể khuyến khích học viên phát triển lời chứng thiêng liêng của họ về tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đã chuộc tội cho họ. Hãy nhớ rằng ngay cả khi học viên không chấp nhận hết phúc âm, họ cũng vẫn có thể tin và thành tín với những lời của Chúa Giê Su Ky Tô. Khi gặp khó khăn với một khía cạnh của Giáo Hội, họ vẫn có thể có một chứng ngôn vững chắc rằng Cha Thiên Thượng yêu thương họ và muốn điều tốt nhất cho họ và rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của họ.

Anh chị em sẽ thấy rằng nhiều đề nghị để giúp người khác giải đáp thắc mắc của họ được thực hiện một cách hiệu quả nhất là với riêng từng cá nhân. Tôi tin rằng đây là cách tốt nhất. Có thể là điều không khôn ngoan nếu giảng viên cho phép cả lớp tập trung trả lời câu hỏi quan trọng của một người. Các câu hỏi của học viên không nên làm chệch hướng chương trình giảng dạy đã được hoạch định nhằm xây đắp đức tin. Hãy luôn nhớ rằng mục tiêu của anh chị em là xây đắp đức tin cho cả lớp chứ không phải bị sao lãng bởi một vài người khăng khăng muốn có câu trả lời. Giống như tất cả sự giảng dạy, việc giải đáp thắc mắc đòi hỏi sự hướng dẫn của Thánh Linh.

Nội dung trong phần này cũng nhắc nhở chúng ta nên nuôi dưỡng đức tin của chính mình ngay cả khi chúng ta giúp đỡ người khác. Chị Tamara W. Runia đã khuyên chúng ta đừng “đuổi theo những người thân yêu của mình đang cảm thấy lạc lối.” Thay vì thế, giống như Lê Hi trong khải tượng về cây sự sống, “anh chị em hãy ở yên tại chỗ và kêu gọi họ. Anh chị em đi đến cái cây, ở lại bên cây ấy, tiếp tục ăn trái cây với nụ cười nở trên mặt, tiếp tục vẫy gọi những người mình yêu thương và cho thấy bằng cách nêu gương rằng việc được ăn trái cây ấy là một điều hạnh phúc!”

Những nguyên tắc có trong “Các Đề Tài và Câu Hỏi,” nhất là các nguyên tắc được dạy trong phần “Tìm Kiếm Câu Trả Lời cho Các Câu Hỏi” và phần “Giúp Người Khác về Những Thắc Mắc của Họ” đã giúp tôi tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi của chính mình theo cách mà củng cố đức tin của tôi nơi Chúa và gia tăng sự hiểu biết của tôi về Ngài và công việc của Ngài. Các nguyên tắc này cũng đã giúp tôi phụ giúp người khác giải quyết những mối quan tâm và thắc mắc của họ. Nội dung bổ sung sẽ được thêm vào trong tương lai để giúp giải đáp các câu hỏi và đề tài cụ thể, vì vậy xin hãy thường xuyên quay lại tài liệu này và đừng bao giờ nghĩ: “Tôi đã đọc nó rồi.” Tôi tin rằng anh chị em sẽ thấy những phần này và những đề tài này hữu ích tương tự. Tôi cầu nguyện rằng việc anh chị em sử dụng những tài liệu này sẽ giúp anh chị em và những người khác củng cố đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi.

Món ăn cơ bản thuộc linh ẩn dụ thứ tư và cuối cùng giàu chất dinh dưỡng mà tôi muốn tất cả học viên phải có là bất cứ thành phần quan trọng nào mà tạo ra và duy trì một sự mềm lòng. Khi nói đến một sự mềm lòng, tôi muốn nói đến một trái tim nhạy cảm với Thánh Linh. Một trái tim chai đá, trái ngược với một sự mềm lòng, rất là tai hại về mặt thuộc linh. Thánh thư thường mô tả những mối nguy hiểm đang chờ đợi những người có trái tim chai đá. Nê Phi biết được rằng “đám sương mù tối đen [được trông thấy trong khải tượng về cây sự sống] là những cám dỗ của quỷ dữ, làm mù quáng và khiến lòng dạ con cái loài người chai đá, cùng dẫn dắt họ đi vào những con đường rộng, để họ phải bị diệt vong và lạc lối.”

Một trái tim chai đá hay co cứng thì rất khó chứa đầy máu. Vì vậy, khi tim chứa đầy máu, khi nó sẵn sàng co bóp, thì một trái tim co cứng sẽ khó giãn ra để cho phép máu chảy vào. Và điều này có thể gây ra một loại suy tim nghiêm trọng mà bắt nguồn từ sự rối loạn chức năng co bóp. Cũng giống như một trái tim co cứng khó có thể chứa đầy máu, một trái tim chai đá về mặt thuộc linh rất khó được đầy dẫy Thánh Linh.

Trong 2 Nê Phi 33, Nê Phi nói rõ rằng những người chai đá trong lòng sẽ không để cho Đức Thánh Linh truyền những lời của Thượng Đế vào lòng họ. Ông nói: “Vì khi một người nói lên nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh thì quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ truyền những lời ấy đến tâm hồn con cái loài người.” Nê Phi nói tiếp: “Nhưng này, có nhiều người chai đá trong lòng chống lại Đức Thánh Linh, khiến cho Ngài không còn chỗ đứng trong họ; vậy nên họ đã vứt bỏ nhiều điều đã được ghi chép và coi những điều ấy là hư không.”

Anh Cả David A. Bednar đã nhấn mạnh: “Xin hãy lưu ý cách mà quyền năng của Thánh Linh truyền sứ điệp ấy tới nhưng không nhất thiết là vào tâm hồn. … Cuối cùng, … nội dung của một sứ điệp và sự làm chứng của Đức Thánh Linh chỉ xuyên thấu vào lòng nếu người nhận cho phép sứ điệp và sự làm chứng này vào.”

Nếu học viên của chúng ta không mềm lòng, họ có thể trở nên giống như những người thường nói: “Chúng tôi đã nhận được và chúng tôi không cần nhận thêm … nữa vì chúng tôi đã có đủ rồi!” Với họ Đức Chúa Trời có phán rằng: “Ta sẽ ban cho con cái loài người từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít; và phước thay cho những ai biết nghe những lời giáo huấn của ta, và để tai nghe lời khuyên răn của ta, vì những kẻ đó sẽ học được sự khôn ngoan; vì kẻ nào tiếp nhận, ta sẽ ban thêm cho; còn kẻ nào bảo rằng: Chúng tôi đã có đủ, thì ta sẽ lấy lại, ngay cả những gì chúng đã có.”

Với trái tim chai đá, học viên của chúng ta có thể ngăn chặn con đường mà qua đó họ có thể nhận được thêm lời của Thượng Đế hoặc sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của họ. Họ cũng như chúng ta, cần phải mở lòng với Thánh Linh để có thể được dạy về mọi điều mà họ nên làm. Như An Ma đã dạy: “Và những người chai đá trong lòng thì được ban cho một phần nhỏ lời của Thượng Đế cho đến khi họ không còn hiểu được chút gì về những sự kín nhiệm [của Thượng Đế]; và rồi họ bị quỷ dữ bắt cầm tù, và bị sai khiến theo ý muốn của nó cho đến khi phải bị hủy diệt.” Sự mềm lòng đẩy mạnh kết quả mà Đấng Cứu Rỗi đã hứa. “Ai biết tuân giữ các giáo lệnh [của Thượng Đế] thì sẽ nhận được lẽ thật và sự sáng, cho đến khi nào người ấy được vinh quang trong lẽ thật và biết được tất cả mọi điều.” Tuy nhiên, trái tim chai đá có thể khiến “kẻ tà ác [đến] và [lấy đi] sự sáng cùng lẽ thật.”

Vua Bên Gia Min đã tóm tắt các thành phần của món ăn thuộc linh cơ bản mang tính ẩn dụ giàu chất dinh dưỡng này để tạo ra và duy trì một sự mềm lòng. Ông tuyên bố: “Tôi mong rằng các người hãy ghi nhớ, và luôn luôn ghi nhớ, về sự vĩ đại của Thượng Đế, và sự vô nghĩa của chính bản thân mình, cùng lòng nhân từ và sự nhịn nhục của Ngài đối với các người … để các người biết hạ mình xuống tận đáy sâu của sự khiêm nhường, và kêu gọi tôn danh Chúa hằng ngày cùng đứng vững trong đức tin đối với những điều sẽ phải xảy đến.” Các thành phần là như sau: chúng ta luôn nhớ rằng sự cứu chuộc chỉ đến nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô, không có Ngài, thì tình trạng của chúng ta là vô vọng. Điều đó thúc giục chúng ta hạ mình trong đáy sâu của sự khiêm nhường và thúc đẩy chúng ta cầu nguyện hằng ngày, và sau đó chúng ta đứng vững trong đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Kết quả tự nhiên là chúng ta sẽ “luôn luôn được vui sướng, và được tràn đầy tình thương yêu của Thượng Đế, và luôn luôn được xá miễn các tội lỗi [của mình]; và … được tăng thêm sự hiểu biết về sự vinh quang của Đấng đã tạo ra [chúng ta].”

Anh chị em giúp học viên ghi nhớ và luôn luôn tưởng nhớ sự vĩ đại của Thượng Đế khi anh chị em cần mẫn thuyết phục họ tin nơi Đấng Ky Tô “và để được hòa hiệp với Thượng Đế hầu biết rằng nhờ ân điển mà [họ] được cứu rỗi, sau khi [họ] đã làm tất cả những gì [họ] có thể làm.” Vậy nên, anh chị em và tôi “nói về Đấng Ky Tô, chúng ta hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng ta thuyết giảng về Đấng Ky Tô, … để cho [học viên] chúng ta có thể biết được nguồn gốc nào mà họ có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của họ.” Sự hiểu biết đó giúp họ luôn khiêm tốn, thúc giục họ kêu cầu danh Thượng Đế hằng ngày và đứng vững vàng trong đức tin. Điều này giúp họ duy trì sự mềm lòng được đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Tất cả bốn món ăn cơ bản giàu chất dinh dưỡng mà tôi đã nói đến được kết hợp với nhau và củng cố lẫn nhau. Hôm nay là một ngày tốt để tự đánh giá việc giảng dạy của chúng ta. Xin hãy tự hỏi:

  • Việc giảng dạy của tôi có tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô không?

  • Tôi có giảng dạy bằng chứng ngôn và tình yêu thương không?

  • Tôi có tìm cách phát triển mối quan hệ lâu dài với học viên của mình không?

  • Tôi có giúp học viên trả lời câu hỏi của chính họ và không để họ phải có thêm câu hỏi nữa không?

  • Tôi có cho thấy tấm gương về sự mềm lòng, bày tỏ lòng biết ơn đối với Thượng Đế và đứng vững vàng trong đức tin không?

  • Học viên của tôi đang học được gì từ tấm gương cũng như việc giảng dạy của tôi?

Thưa anh chị em, xin cảm ơn về điều anh chị em làm để giúp con cái của Cha Thiên Thượng trở thành các môn đồ thành tín của Chúa Giê Su Ky Tô, giúp họ duy trì sự mềm lòng, giúp họ để cho Thánh Linh ngự trị trong lòng họ, và hướng họ một cách rõ ràng đến Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Như chúng ta đã nghe trong bài hát, tất cả chúng ta đều có khuynh hướng đi lạc lối, dễ rời bỏ Thượng Đế mà chúng ta yêu thương. Chúng ta cần được nhắc nhở về lòng nhân từ của Ngài để lòng nhân từ đó, giống như một sợi dây xích, ràng buộc trái tim lạc lối của chúng ta với Thượng Đế. Và đó là lý do tại sao Robert Robinson đã viết mô tả điều đó: , “Tim tôi đây. Hãy lấy và giữ chặt nó. Giữ chặt nó cho ngôi cao.” Ông muốn được nhắc nhở lý do tại sao ông cảm thấy phải hát bài ca về tình yêu cứu chuộc đó mà đôi khi ông không cảm thấy muốn hát bài ca đó. Và nhiệm vụ của chúng ta cũng vậy, là nhằm giúp học viên của chúng ta trên con đường đó.

Cầu xin Thượng Đế ban phước cho anh chị em về những gì anh chị em làm. Cầu xin Thượng Đế ban phước cho anh chị em vì lòng nhân từ của anh chị em, Thượng Đế ban phước cho anh chị em vì đức tin, lòng thành tín, chứng ngôn của anh chị em. Xin cảm ơn đã phục vụ Đức Thầy. Xin cảm ơn đã làm bạn của Ngài, vì Ngài là người bạn nhân từ, thông sáng, thiêng liêng của chúng ta. Tôi hoàn toàn biết rằng đó là sự thật. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, đoạn 4.2.8, Thư Viện Phúc Âm.

  2. Xin xem “Một Người Truyền Giáo Thành Công,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023), trang 13.

  3. Letter to the Church not after 18 December 1833,” trang 120, josephsmithpapers.org.

  4. David O. McKay, trong Conference Report, tháng Mười năm 1916, trang 57.

  5. Jeffrey R. Holland, “A Teacher Come from God,” Ensign, tháng Năm năm 1998, trang 25–26.

  6. Giáo Lý và Giao Ước 109:15.

  7. Xin xem J. Reuben Clark, Jr., “The Charted Course of the Church in Education” (Buổi họp đặc biệt devotional ở trường Brigham Young University, ngày 8 tháng Tám năm 1938), speeches.byu.edu.

  8. Rô Ma 10:13.

  9. Rô Ma 10:14–15.

  10. Rô Ma 10:17.

  11. Ê The 12:41.

  12. Thomas Chalmers, Select Sermons (năm 1883), trang 35.

  13. Thomas Chalmers, trong The Great and Good (năm 1855), trang 167.

  14. M. Russell Ballard, “The Opportunities and Responsibilities of CES Teachers in the 21st Century” (buổi họp tối với Vị Thẩm Quyền Trung Ương, ngày 26 tháng Hai năm 2016), broadcasts.ChurchofJesusChrist.org.

  15. Dieter F. Uchtdorf, “The Reflection in the Water” (Buổi họp đặc biệt fireside của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 1 tháng Mười Một năm 2009), broadcasts.ChurchofJesusChrist.org.

  16. Xin xem Dallin H. Oaks, “Patterns of Personal Apostasy,” buổi họp lãnh đạo đại hội trung ương, tháng Tư năm 2024.

  17. Xin xem 2 Nê Phi 33:10.

  18. Xin xem 1 Nê Phi 8:4–34.

  19. Tamara W. Runia, “Nhìn Gia Đình của Thượng Đế qua Lăng Kính Toàn Cảnh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2023, trang 67.

  20. 1 Nê Phi 12:17.

  21. 2 Nê Phi 33:1–2.

  22. David A. Bednar, “Seek Learning by Faith”, Ensign, tháng Chín năm 2007, trang 61. Sự hiểu biết thâm thúy này về giới từ đến chứ không phải vào, đã gợi ý cho việc dịch lại 2 Nê Phi 33:1 bằng tiếng Pháp. Thay vì dịch untodans, có nghĩa là “vào” (“le pouvoir du Saint-Esprit porte ses paroles dans les cœurs des hommes”), câu này giờ đây được dịch là “le pouvoir du Saint-Esprit porte ses paroles jusqu’au cœur des enfants des hommes.” Thực ra, giới từ jusqu’à, có nghĩa là “đến.”

  23. 2 Nê Phi 28:27, 29–30.

  24. An Ma 12:11.

  25. Giáo Lý và Giao Ước 93:28.

  26. Giáo Lý và Giao Ước 93:39.

  27. Mô Si A 4:11.

  28. Mô Si A 4:12–13.

  29. 2 Nê Phi 25:23.

  30. 2 Nê Phi 25:26.