Nhìn Gia Đình của Thượng Đế qua Lăng Kính Toàn Cảnh
Tôi tin rằng chúng ta có thể, qua con mắt của đức tin, nhìn xa hơn và nhìn bản thân mình cũng như gia đình mình với niềm hy vọng và hân hoan.
Khi đứa con gái út của chúng tôi là Berkeley còn nhỏ, tôi đã bắt đầu đeo kính—loại kính phóng to và khuếch đại mọi thứ. Một ngày nọ, khi chúng tôi ngồi đọc sách cùng nhau, tôi âu yếm nhìn con bé nhưng cũng chợt gợn buồn vì dường như con bé đã lớn. Tôi nghĩ: “Sao mà nhanh thế? Con bé lớn quá!”
Trong lúc nhấc cặp kính lên để lau nước mắt, tôi nhận ra: “Ồ mà khoan—con bé chưa lớn; chỉ là do cặp kính này thôi! Đừng bận tâm!”
Đôi khi tất cả những gì chúng ta có thể thấy là cái nhìn cận cảnh, được khuếch đại về những người chúng ta yêu thương. Buổi tối hôm nay, tôi mời anh chị em hãy nhìn xa hơn và nhìn qua một lăng kính khác—một lăng kính vĩnh cửu tập trung vào bức tranh toàn cảnh, câu chuyện lâu dài hơn của anh chị em.
Khi con người mới bắt đầu thám hiểm không gian, chỉ có tên lửa tự động phóng và không có cửa sổ. Nhưng qua sứ mệnh lên mặt trăng của phi thuyền Apollo 8, phi hành đoàn đã có một cửa sổ. Khi đang lơ lửng trong không gian, họ bị ấn tượng bởi khả năng nhìn thấy trái đất của chúng ta và chụp được bức ảnh ngoạn mục này, thu hút sự chú ý của cả thế giới! Các phi hành gia đó đã cảm nhận được một cảm giác mạnh mẽ đến nỗi đã đặt cho nó cái tên riêng là: hiệu ứng toàn cảnh.
Việc nhìn từ một góc nhìn thuận lợi sẽ thay đổi mọi thứ. Một nhà du hành vũ trụ đã nói rằng nó “thu nhỏ mọi thứ đến một kích cỡ … mà chúng ta nghĩ mọi thứ có thể xử lý được. … Chúng ta có thể làm được điều này. Hòa bình trên trái đất—không có vấn đề gì cả. Góc nhìn thuận lợi mang đến cho mọi người loại năng lượng tích cực đó … loại sức mạnh đó.”1
Là con người, chúng ta có cái nhìn thế tục, nhưng Thượng Đế nhìn bao quát toàn vũ trụ. Ngài nhìn thấy tất cả mọi tạo vật, tất cả chúng ta, và Ngài đầy hy vọng.
Liệu có thể bắt đầu nhìn như Thượng Đế nhìn ngay cả khi đang sống trên bề mặt của hành tinh này—để cảm nhận được cảm giác nhìn toàn cảnh này không? Tôi tin rằng chúng ta có thể, qua con mắt của đức tin, nhìn xa hơn và nhìn bản thân mình cũng như gia đình mình với niềm hy vọng và hân hoan.
Thánh thư cũng xác nhận điều này. Mô Rô Ni nói về những người có đức tin “hết sức mạnh mẽ” đến nỗi họ “thực sự … trông thấy … bằng con mắt của đức tin, và họ đã vui sướng.”2
Với con mắt tập trung vào Đấng Cứu Rỗi, họ cảm nhận được niềm vui và biết được lẽ thật này: nhờ vào Đấng Ky Tô, nên mọi việc đều sẽ ổn thôi. Mọi điều mà anh và chị và em lo lắng—tất cả đều sẽ ổn thôi! Và những ai nhìn bằng con mắt của đức tin có thể cảm thấy rằng mọi sự việc ngay bây giờ sẽ ổn.
Tôi đã từng trải qua giai đoạn khó khăn vào năm cuối trung học khi tôi không đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Tôi nhớ đã thấy mẹ tôi khóc và tự hỏi phải chăng tôi đã khiến bà thất vọng. Lúc đó, tôi lo lắng rằng những giọt nước mắt của bà đồng nghĩa với việc bà đã mất hy vọng nơi tôi, và nếu bà không còn hy vọng vào tôi, thì có lẽ không còn đường quay lại nữa.
Nhưng cha tôi đã quen nhiều với việc nhìn xa hơn và bao quát hơn. Ông đã học được từ kinh nghiệm của mình rằng sự lo lắng khá giống với tình yêu thương, nhưng không phải là một.3 Ông đã dùng con mắt của đức tin để thấy rằng mọi việc rồi sẽ ổn thôi, và cách đối xử đầy hy vọng của ông đã thay đổi tôi.
Khi tôi tốt nghiệp trung học và vào trường BYU, cha tôi đã gửi thư nhắc tôi nhớ tôi là ai. Ông trở thành người cổ vũ cho tôi, và ai cũng cần một người cổ vũ—một người nào đó không nói với anh chị em rằng, “Bạn chạy chưa đủ nhanh”; mà trìu mến nhắc nhở rằng anh chị em có thể làm được.
Cha tôi là ví dụ tiêu biểu cho giấc mơ của Lê Hi. Giống như Lê Hi, ông biết rằng mình không nên đuổi theo những người thân yêu đang cảm thấy lạc lối. “Mà đứng tại chỗ và gọi họ. Rồi đi đến cái cây, ở lại bên cây ấy, tiếp tục ăn trái cây với nụ cười, tiếp tục vẫy gọi những người mình yêu thương và cho thấy việc được ăn trái cây ấy là một điều hạnh phúc!” 4
Hình ảnh trực quan này đã giúp tôi trong những lúc suy sụp khi tôi thấy mình ở cạnh cái cây, ăn trái cây ấy và khóc vì lo lắng; và thực sự là điều đó có giúp ích được chăng? Thay vì thế, chúng ta hãy chọn để hy vọng—hy vọng nơi Đấng Sáng Tạo của chúng ta và hy vọng lẫn nhau, thúc đẩy khả năng của chúng ta để trở nên tốt hơn con người hiện tại của mình.
Ngay sau khi Anh Cả Neal A. Maxwell qua đời, một nhà báo đã hỏi con trai ông rằng anh sẽ nhớ nhất điều gì. Anh ấy nói rằng đó là những bữa ăn tối tại nhà của cha mẹ anh vì lúc nào ra về anh cũng có cảm giác như cha rất tin tưởng mình.
Cùng thời gian này, các con cái thành niên của chúng tôi cùng với vợ chồng con cái của chúng bắt đầu về nhà ăn tối vào mỗi ngày Chủ Nhật. Cả tuần, tôi thấy mình liệt kê trong đầu về những điều tôi có thể nhắc nhở chúng vào ngày Chủ Nhật, như là: “Có lẽ cố gắng và phụ giúp nhau nhiều hơn khi các con về nhà” hoặc “Đừng quên làm một người biết lắng nghe.”
Khi đọc câu trả lời của Anh Maxwell, tôi vội bỏ đi bản liệt kê và những suy nghĩ chỉ trích đó, vì vậy, khi tôi gặp con cái của mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó mỗi tuần, tôi đã tập trung vào nhiều điều tích cực mà chúng đang làm. Khi Ryan, con trai lớn của chúng tôi qua đời vài năm sau đó, tôi nhớ lúc đó tôi đã biết ơn rằng chúng tôi đã có khoảng thời gian hạnh phúc và lạc quan hơn bên nhau.
Trước khi tiếp xúc với người thân yêu, chúng ta có thể tự hỏi: “Điều tôi sắp làm hoặc nói có giúp ích hay gây tổn thương không?” Lời nói là một trong những siêu năng lực của chúng ta, và mọi người trong gia đình giống như những tấm bảng đen, đứng trước mặt chúng ta và nói: “Hãy viết những gì anh/chị/em nghĩ về tôi!” Những thông điệp này, dù có chủ ý hay vô tình, đều phải mang tính hy vọng và khích lệ.5
Trách nhiệm của chúng ta không phải là để dạy cho một người nào đó đang trải qua giai đoạn khó khăn rằng họ thật kém cỏi hoặc đáng thất vọng. Rất hiếm khi chúng ta có thể cảm thấy được thúc giục để sửa đổi người khác, nhưng chúng ta thường được soi dẫn bằng lời nói hay hành động để bày tỏ với họ những điều mà họ mong mỏi được nghe, ví dụ: “Gia đình mình cảm thấy được trọn vẹn và đầy đủ vì có con.” “Con sẽ được yêu thương đến hết cuộc đời—dù có ra sao đi nữa.”
Đôi khi, những gì chúng ta cần là sự cảm thông hơn là lời khuyên dạy; lắng nghe nhiều hơn là diễn thuyết, một người nào đó biết lắng nghe và tự hỏi: “Tôi sẽ phải cảm thấy thế nào để nói điều họ vừa nói?”
Hãy nhớ rằng, gia đình là một phòng thí nghiệm do Thượng Đế ban cho, nơi chúng ta đang tìm hiểu mọi thứ, vì vậy những bước đi sai lầm và tính toán sai lệch không chỉ có thể xảy ra mà còn chắc chắn sẽ xảy ra. Và chẳng phải thú vị sao nếu vào cuối cuộc đời mình, chúng ta có thể thấy rằng những mối quan hệ đó, ngay cả những giây phút thử thách đó, chính là những điều đã giúp chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn sao? Mỗi lần gặp khó khăn trong việc tiếp xúc là một cơ hội để học cách yêu thương ở mức độ sâu đậm hơn—một mức độ giống như Thượng Đế.6
Chúng ta hãy nhìn xa hơn để xem các mối quan hệ gia đình như là một cơ hội tuyệt vời để dạy chúng ta những bài học mà chúng ta đến đây để học hỏi khi tìm đến Đấng Cứu Rỗi.
Chúng ta hãy thừa nhận rằng, trong một thế giới sa ngã, không có cách nào để trở thành một người phối ngẫu, người cha, người mẹ, người con trai hay con gái, người cháu, người cố vấn, hoặc người bạn hoàn hảo—nhưng có hàng triệu cách để trở thành một người tốt.7 Chúng ta hãy ở lại bên cây đó, nếm tình yêu thương của Thượng Đế, và rồi chia sẻ nó. Khi nâng đỡ những người xung quanh mình, chúng ta sẽ cùng nhau thăng tiến.
Tiếc thay, nếu chỉ có ký ức về việc ăn trái cây ấy thôi thì không đủ; chúng ta cần phải ăn trái cây ấy hết lần này đến lần khác để điều chỉnh lại lăng kính của mình và được kết nối với cái nhìn toàn cảnh theo cách của Thượng Đế bằng cách mở những câu thánh thư tràn đầy ánh sáng, để xua tan bóng tối; tiếp tục quỳ xuống cho đến khi lời cầu nguyện thông thường trở nên mạnh mẽ. Đây là lúc tấm lòng được xoa dịu, và chúng ta bắt đầu nhìn nhận như cách Thượng Đế nhìn nhận.
Trong những ngày sau cùng này, có lẽ công việc vĩ đại nhất của chúng ta sẽ là ở bên những người thân yêu của mình—những người tốt đang sống trong một thế giới tà ác. Hy vọng của chúng ta thay đổi cách họ nhìn nhận bản thân và con người thực sự của họ. Và qua lăng kính của tình yêu thương này họ sẽ thấy con người mà họ sẽ trở thành.
Nhưng kẻ nghịch thù không muốn chúng ta trở về nhà cùng với những người thân yêu. Và bởi vì chúng ta sống trên một hành tinh bị ràng buộc bởi thời gian và số năm hạn hữu,8 nên nó cố gắng tiếp tục duy trì một cảm giác hoảng loạn thật sự trong chúng ta. Khi chúng ta nhìn cận cảnh, thật khó để thấy rằng hướng đi thì quan trọng hơn tốc độ.
Hãy nhớ rằng: “Nếu anh chị em muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu anh chị em muốn đi xa, hãy đi cùng nhau.”9 May thay, Thượng Đế mà chúng ta thờ phượng không bị ràng buộc bởi thời gian. Ngài thấy những người thân yêu của chúng ta thật sự là ai và chúng ta thật sự là ai.10 Vậy nên Ngài kiên nhẫn với chúng ta, hy vọng chúng ta sẽ kiên nhẫn với nhau.
Tôi sẽ thừa nhận rằng có những khi trái đất này, ngôi nhà trần thế của chúng ta, sẽ giống như một hòn đảo ưu phiền—những giây phút mà tôi nửa tin tưởng nửa lo sợ.11 Anh chị em có hiểu cảm giác này không?
Tôi từng cảm thấy như thế vào hôm thứ Ba.
Thay vào đó, liệu chúng ta có thể chọn trung tín làm theo quan điểm của vị tiên tri không, khi ông hứa hẹn những phép lạ trong gia đình chúng ta? Nếu làm như thế, niềm vui của chúng ta sẽ gia tăng, ngay cả khi sóng gió gia tăng. Ông hứa rằng anh chị em có thể trải nghiệm được hiệu ứng toàn cảnh ngay bây giờ, bất kể hoàn cảnh của chúng ta như thế nào đi chăng nữa.12
Việc có được con mắt của đức tin ngay bây giờ cho phép chúng ta lấy lại được đức tin mà chúng ta đã có trước khi đến hành tinh này. Nó cho phép chúng ta vượt qua sự bất ổn và “vui vẻ làm mọi công việc trong tầm khả năng của [mình]; và rồi … đứng yên.”13
Có điều gì khó khăn trong cuộc sống của anh chị em ngay lúc này, một điều gì đó khiến anh chị em lo lắng không thể giải quyết được không? Nếu không có con mắt của đức tin, thì có thể cảm thấy như Thượng Đế đã mất quyền giám sát mọi điều, đúng không?
Hoặc có lẽ nỗi sợ hãi lớn hơn của anh chị em là sẽ phải tự mình vượt qua thời gian khó khăn này, và có nghĩa là Thượng Đế đã bỏ rơi anh chị em, đúng không?
Tôi làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi có khả năng, nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài, để biến bất kỳ cơn ác mộng nào mà anh chị em đang trải qua thành một phước lành. Ngài đã ban cho chúng ta một lời hứa “với một giao ước không lay chuyển được” rằng khi chúng ta cố gắng yêu thương và noi theo Ngài thì “tất cả những gì đã làm cho [chúng ta] đau khổ sẽ hiệp lại làm lợi cho [chúng ta].”14 Tất cả mọi điều.
Và vì chúng ta là con cái của giao ước, nên chúng ta có thể cầu xin cho cảm giác đầy hy vọng này ngay bây giờ!
Mặc dù gia đình chúng ta không hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể hoàn thiện tình yêu thương của mình dành cho người khác cho đến khi tình yêu thương đó trở thành một tình yêu thương bất biến, không thay đổi, bất kể là tình yêu thương nào—sẽ hỗ trợ sự thay đổi và cho phép sự tăng trưởng và quay trở lại.
Công việc của Đấng Cứu Rỗi là mang những người thân yêu của chúng ta trở lại. Đó là công việc và kỳ định của Ngài. Công việc của chúng ta là mang đến niềm hy vọng và một tấm lòng mà họ có thể về nhà để có được. “Chúng ta không có thẩm quyền [của Thượng Đế] để lên án và cũng không có quyền năng cứu chuộc của Ngài, nhưng chúng ta đã được phép sử dụng tình yêu thương của Ngài.”15 Chủ Tịch Nelson cũng dạy rằng những người khác cần tình yêu thương của chúng ta nhiều hơn là sự xét đoán của chúng ta. “Họ cần cảm nhận tình yêu thương thanh khiết của Chúa Giê Su Ky Tô mà được phản ánh qua lời nói và hành động của [chúng ta].”16
Tình yêu thương là điều làm thay đổi tấm lòng. Tình yêu thương là động cơ thuần khiết nhất, và người khác có thể cảm nhận được điều đó. Chúng ta hãy bám chặt vào những lời tiên tri này đã được đưa ra cách đây 50 năm: “Chẳng có gia đình nào là thất bại trừ khi gia đình đó không còn cố gắng nữa.” 17 Chắc chắn là những người yêu thương nhiều nhất và lâu bền nhất sẽ chiến thắng!
Trong các gia đình trần thế, chúng ta chỉ đơn giản làm điều Thượng Đế đã làm với chúng ta—chỉ đường và hy vọng những người thân yêu của mình sẽ đi theo hướng đó, biết rằng con đường họ đi là do họ lựa chọn.
Và khi họ đi qua phía bên kia bức màn che và đến gần “lực hấp dẫn” đầy yêu thương của ngôi nhà thiên thượng của họ 18 tôi tin rằng họ sẽ cảm thấy quen thuộc nhờ vào cách họ đã được yêu thương ở đây.
Chúng ta hãy dùng lăng kính toàn cảnh đó và nhìn nhận những người mình yêu thương và cùng chung sống như là những người bạn đồng hành cùng chia sẻ hành tinh xinh đẹp này.
Anh chị em và tôi à? Chúng ta có thể làm được điều này! Chúng ta có thể kiên trì và hy vọng! Chúng ta có thể ở lại bên cái cây đó và ăn trái cây với một nụ cười trên mặt, để cho Ánh Sáng của Đấng Ky Tô trong mắt chúng ta trở thành điều mà người khác có thể trông cậy vào trong những giờ phút đen tối nhất của họ. Khi họ thấy ánh sáng đó hiện rõ trên gương mặt của chúng ta, họ sẽ bị thu hút bởi ánh sáng đó. Rồi chúng ta có thể giúp tập trung lại sự chú ý của họ vào nguồn gốc của tình yêu thương và ánh sáng, là “ngôi sao mai sáng chói,” Chúa Giê Su Ky Tô.19
Tôi làm chứng rằng—tất cả những điều này—sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều so với những gì chúng ta có thể tưởng tượng được! Với con mắt của đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, cầu xin cho chúng ta thấy rằng cuối cùng mọi việc sẽ ổn, và cảm thấy rằng tất cả mọi việc sẽ ổn ngay lúc này. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.