Lẽ Thật Vĩnh Cửu
Sự cần thiết của chúng ta để nhận biết lẽ thật chưa bao giờ quan trọng hơn thế!
Các anh chị em thân mến, cảm ơn các anh chị em vì sự tận tâm đối với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đồng thời cảm ơn các anh chị em vì tình yêu thương và sự phục vụ lẫn nhau. Anh chị em thật phi thường!
Lời Giới Thiệu
Sau khi tôi và vợ của tôi, là Anne nhận được sự kêu gọi đi phục vụ với tư cách là những người lãnh đạo phái bộ truyền giáo toàn thời gian, gia đình chúng tôi quyết tâm tìm hiểu tên của từng người truyền giáo trước khi lên đường. Chúng tôi lấy những bức ảnh, làm thẻ ghi chú và bắt đầu tìm hiểu các khuôn mặt cũng như ghi nhớ tên.
Khi đến nơi, chúng tôi tổ chức những buổi họp giới thiệu với những người truyền giáo. Khi chúng tôi đang nói chuyện, tôi tình cờ nghe được đứa con trai chín tuổi của chúng tôi nói:
“Rất vui khi gặp anh, Sam!”
“Rachel, Anh từ đâu đến ạ?”
“Ôi, David, anh cao thật đấy!”
Tôi hốt hoảng đến bên con trai chúng tôi và thì thầm: “Này, hãy nhớ gọi những người truyền giáo là Anh Cả hoặc Chị Truyền Giáo nhé.”
Nó nhìn tôi bối rối và nói: “Cha ơi, con nghĩ chúng ta phải ghi nhớ tên của họ thôi chứ.” Con trai chúng tôi đã làm những gì nó cho là đúng dựa trên sự hiểu biết của nó.
Vậy, sự hiểu biết của chúng ta về lẽ thật trong thế giới ngày nay là gì? Chúng ta liên tục bị tấn công bằng những ý kiến mạnh mẽ, báo cáo sai lệch và dữ liệu không đầy đủ. Đồng thời, khối lượng và nguồn thông tin này đang tăng lên nhanh chóng. Sự cần thiết của chúng ta để nhận biết lẽ thật chưa bao giờ quan trọng hơn thế!
Lẽ thật là điều thiết yếu cho chúng ta để thiết lập và củng cố mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế, tìm thấy sự bình an và niềm vui, và đạt được tiềm năng thiêng liêng của mình. Hôm nay, chúng ta hãy suy ngẫm những câu hỏi sau đây:
-
Lẽ thật là gì, và tại sao lại quan trọng?
-
Làm thế nào để chúng ta tìm thấy lẽ thật?
-
Khi chúng ta tìm thấy lẽ thật, làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ lẽ thật đó?
Lẽ Thật Là Vĩnh Cửu
Chúa đã dạy chúng ta trong thánh thư rằng “lẽ thật là sự hiểu biết về những sự vật đúng theo trạng thái của chúng đang có, đã có, và sẽ có” (Giáo Lý và Giao Ước 93:24). Lẽ thật “không được tạo ra hay làm ra” (Giáo Lý và Giao Ước 93:29) và “không chấm dứt” (Giáo Lý và Giao Ước 88:66).1 Lẽ thật là tuyệt đối, cố định, và không lay chuyển được. Nói cách khác, lẽ thật là vĩnh cửu.2
Lẽ thật giúp chúng ta tránh bị lừa gạt,3 phân biệt điều tốt với điều xấu,4 nhận được sự bảo vệ,5 và tìm thấy sự an ủi và chữa lành.6 Lẽ thật cũng có thể hướng dẫn hành động của chúng ta,7 giải phóng chúng ta,8 thánh hóa chúng ta,9 và dẫn chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu.10
Thượng Đế Mặc Khải Lẽ Thật Vĩnh Cửu
Thượng Đế mặc khải lẽ thật vĩnh cửu cho chúng ta qua một mạng lưới các mối quan hệ mặc khải liên quan đến Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, Đức Thánh Linh, các vị tiên tri, và chúng ta. Chúng ta hãy thảo luận về các vai trò riêng biệt nhưng có mối liên hệ với nhau mà mỗi bên tham gia góp phần thiết yếu trong tiến trình này.
Trước hết, Thượng Đế là nguồn gốc của lẽ thật vĩnh cửu.11 Ngài và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô,12 có một sự hiểu biết hoàn hảo của hai Ngài về lẽ thật và luôn luôn hành động phù hợp với các nguyên tắc và luật pháp chân chính.13 Quyền năng này cho phép hai Ngài sáng tạo và cai trị các thế giới14 cũng như yêu thương, hướng dẫn và nuôi dưỡng mỗi người chúng ta một cách hoàn hảo.15 Hai Ngài muốn chúng ta hiểu và áp dụng lẽ thật để chúng ta có thể tận hưởng những phước lành mà hai Ngài ban cho.16 Hai Ngài có thể trực tiếp truyền đạt lẽ thật hoặc, thông thường hơn là qua các sứ giả như Đức Thánh Linh, các thiên sứ, hoặc các vị tiên tri tại thế.
Thứ hai, Đức Thánh Linh làm chứng về tất cả lẽ thật.17 Ngài biểu lộ trực tiếp các lẽ thật cho chúng ta và làm chứng về các lẽ thật do người khác giảng dạy. Những ấn tượng từ Thánh Linh thường đến như là những ý nghĩ trong tâm trí và cảm nghĩ trong tâm hồn chúng ta.18
Thứ ba, các vị tiên tri nhận được lẽ thật từ Thượng Đế và chia sẻ lẽ thật đó với chúng ta.19 Chúng ta học được lẽ thật từ các vị tiên tri thời xưa trong thánh thư20 và từ các vị tiên tri tại thế tại đại hội trung ương và qua các kênh chính thức khác.
Cuối cùng, anh chị em và tôi đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này. Thượng Đế kỳ vọng chúng ta tìm kiếm, nhận ra, và hành động theo lẽ thật. Khả năng của chúng ta để tiếp nhận và áp dụng lẽ thật tùy thuộc vào sức mạnh của mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, khả năng đáp ứng của chúng ta trước ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, và sự liên kết của chúng ta với các vị tiên tri ngày sau.
Chúng ta cần nhớ rằng Sa Tan đang cố gắng ngăn cản chúng ta khỏi lẽ thật. Nó biết rằng không có lẽ thật thì chúng ta không thể đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Nó dệt nên những sợi dây lẽ thật với những triết lý của thế gian để làm chúng ta bối rối và xao lãng những gì Thượng Đế truyền đạt.21
Tìm Kiếm, Nhận Ra và Áp Dụng Lẽ Thật Vĩnh Cửu
Khi chúng ta tìm kiếm lẽ thật vĩnh cửu,22 hai câu hỏi sau đây có thể giúp chúng ta nhận ra một khái niệm đến từ Thượng Đế hay từ một nguồn khác:
-
Khái niệm này có được giảng dạy một cách nhất quán trong thánh thư và các vị tiên tri tại thế không?
-
Khái niệm này có được xác nhận bởi sự làm chứng của Đức Thánh Linh không?
Thượng Đế mặc khải các lẽ thật giáo lý qua các vị tiên tri, và Đức Thánh Linh xác nhận những lẽ thật đó với chúng ta và giúp chúng ta áp dụng chúng.23 Chúng ta phải tìm kiếm và sẵn sàng để nhận những ấn tượng thuộc linh khi chúng đến.24 Chúng ta dễ tiếp nhận sự làm chứng của Thánh Linh nhất khi chúng ta khiêm nhường,25 thành tâm cầu nguyện và học hỏi những lời của Thượng Đế,26 và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.27
Khi Đức Thánh Linh xác nhận một lẽ thật cụ thể cho chúng ta, sự hiểu biết của chúng ta gia tăng khi chúng ta thực hành nguyên tắc đó. Theo thời gian, khi kiên định sống theo nguyên tắc, chúng ta sẽ đạt được sự hiểu biết chắc chắn về lẽ thật đó.28
Ví dụ, tôi đã phạm phải những lỗi lầm và cảm thấy hối hận vì những lựa chọn sai lầm. Nhưng qua sự cầu nguyện, học tập và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, tôi đã nhận được sự làm chứng về nguyên tắc hối cải.29 Khi tôi tiếp tục hối cải, thì sự hiểu biết của tôi về sự hối cải trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi cảm thấy gần Thượng Đế và Vị Nam Tử của Ngài hơn. Giờ đây, tôi biết rằng tội lỗi có thể được tha thứ qua Chúa Giê Su Ky Tô, vì tôi cảm nhận được các phước lành của sự hối cải mỗi ngày.30
Tin Cậy Thượng Đế Khi Lẽ Thật Chưa Được Mặc Khải
Vậy thì, chúng ta nên làm gì khi chúng ta thành tâm tìm kiếm lẽ thật chưa được mặc khải? Tôi đồng cảm với những người trong chúng ta mà khao khát có được những câu trả lời dường như không đến.
Chúa đã khuyên Joseph Smith: “Hãy yên lặng cho đến khi nào ta thấy thích hợp để phổ biến mọi điều … về vấn đề này.” (Giáo Lý và Giao Ước 10:37).
Và Ngài đã giải thích cho Emma Smith: “Chớ lầm bầm về những gì ngươi không được trông thấy, vì những điều ấy bị che giấu khỏi ngươi và thế gian không thấy được. Đây là sự thông sáng của ta cho thời gian sắp tới” (Giáo Lý và Giao Ước 25:4).
Tôi cũng đã tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi chân thành. Nhiều câu trả lời đã đến, và một số thì không.31 Khi chúng ta tiếp tục—tin cậy sự thông sáng và tình yêu thương của Thượng Đế, tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, và trông cậy vào điều chúng ta biết—Ngài sẽ giúp chúng ta tìm thấy sự bình an cho đến khi Ngài mặc khải lẽ thật của tất cả mọi điều.32
Hiểu Giáo Lý và Chính Sách
Khi tìm kiếm lẽ thật, việc hiểu được sự khác biệt giữa giáo lý và chính sách sẽ hữu ích. Giáo lý đề cập đến các lẽ thật vĩnh cửu, chẳng hạn như thiên tính của Thiên Chủ Đoàn, kế hoạch cứu rỗi và sự hy sinh chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chính sách là sự áp dụng giáo lý dựa trên hoàn cảnh hiện tại. Chính sách giúp chúng ta điều hành Giáo Hội một cách có trật tự.
Giáo lý không bao giờ thay đổi còn chính sách lại điều chỉnh theo thời gian. Chúa làm việc qua các vị tiên tri của Ngài để gìn giữ giáo lý của Ngài và sửa đổi các chính sách của Giáo Hội tùy theo nhu cầu của con cái Ngài.
Thật không may, đôi khi chúng ta nhầm lẫn chính sách với giáo lý. Nếu không hiểu sự khác biệt, thì chúng ta có nguy cơ mất niềm tin khi các chính sách thay đổi và thậm chí bắt đầu nghi ngờ sự thông sáng của Thượng Đế hoặc vai trò mặc khải của các vị tiên tri.33
Giảng Dạy Lẽ Thật Vĩnh Cửu
Khi chúng ta nhận được lẽ thật từ Thượng Đế, Ngài khuyến khích chúng ta chia sẻ sự hiểu biết đó với người khác.34 Chúng ta làm điều này khi giảng dạy một lớp học hướng dẫn một đứa trẻ, hoặc thảo luận các lẽ thật phúc âm với một người bạn.
Mục đích của chúng ta là giảng dạy lẽ thật theo cách mà mời gọi quyền năng cải đạo của Đức Thánh Linh.35 Tôi xin chia sẻ một số lời mời gọi đơn giản từ Chúa và các vị tiên tri của Ngài mà có thể giúp ích.36
-
Tập trung vào Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô, và giáo lý cơ bản của hai Ngài.37
-
Tập trung vào thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau.38
-
Dựa vào giáo lý được thiết lập qua nhiều nhân chứng có thẩm quyền.39
-
Tránh suy đoán, theo quan điểm cá nhân hoặc ý tưởng của thế gian.40
-
Giảng dạy một điểm về giáo lý trong văn cảnh của các lẽ thật phúc âm liên quan.41
-
Sử dụng các công cụ giảng dạy mà giúp mời gọi ảnh hưởng của Thánh Linh.42
-
Giao tiếp một cách rõ ràng để tránh hiểu lầm.43
Lấy Lòng Yêu Thương Nói Ra Lẽ Chân Thật
Cách chúng ta giảng dạy lẽ thật thực sự quan trọng. Phao Lô khuyến khích chúng ta “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (xin xem Ê Phê Sô 4:14–15). Lẽ thật có cơ hội tốt nhất để ban phước cho người khác khi được truyền đạt với tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô.44
Lẽ thật được giảng dạy mà không có tình yêu thương có thể gây ra những cảm giác xét đoán, chán nản, và cô đơn. Điều đó thường dẫn đến sự tức giận và chia rẽ—thậm chí là xung đột. Mặt khác, tình yêu thương mà không có lẽ thật thì vô nghĩa và thiếu hứa hẹn về sự phát triển.
Lẽ thật lẫn tình yêu thương đều thiết yếu cho sự phát triển thuộc linh của chúng ta.45 Lẽ thật cung ứng giáo lý, nguyên tắc, và luật pháp cần thiết để đạt được cuộc sống vĩnh cửu, trong khi tình yêu thương đem đến động cơ thúc đẩy cần thiết để chấp nhận và hành động theo điều đúng.
Tôi mãi biết ơn những người khác đã kiên nhẫn giảng dạy cho tôi lẽ thật vĩnh cửu với tình yêu thương.
Kết Luận
Để kết thúc, tôi xin chia sẻ các lẽ thật vĩnh cửu mà đã trở thành chiếc neo cho tâm hồn tôi. Tôi đã biết về các lẽ thật này bằng cách tuân theo những nguyên tắc đã được thảo luận ngày hôm nay.
Tôi biết rằng Thượng Đế là Cha Thiên Thượng của chúng ta.46 Ngài có tất cả sự hiểu biết,47 tất cả quyền năng,48 và tình yêu thương hoàn hảo.49 Ngài tạo ra một kế hoạch để chúng ta đạt được cuộc sống vĩnh cửu và trở nên giống như Ngài.50
Là một phần của kế hoạch, Ngài đã gửi Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, để giúp đỡ chúng ta.51 Chúa Giê Su giảng dạy chúng ta làm theo ý của Cha Thiên Thượng52 và thương yêu lẫn nhau.53 Ngài chuộc tội lỗi cho chúng ta54 và hy sinh mạng sống của Ngài trên thập tự giá.55 Ngài sống lại từ cái chết sau ba ngày.56 Qua Đấng Ky Tô và ân điển của Ngài, chúng ta sẽ được phục sinh,57 chúng ta có thể được tha thứ,58 và chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh trong nỗi đau khổ.59
Trong giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã thiết lập Giáo Hội của Ngài.60 Theo thời gian, Giáo Hội đó đã bị thay đổi, và các lẽ thật đã bị mất.61 Chúa Giê Su Ky Tô đã phục hồi Giáo Hội của Ngài và các lẽ thật của phúc âm qua Tiên Tri Joseph Smith.62 Và ngày nay, Đấng Ky Tô tiếp tục dẫn dắt Giáo Hội của Ngài qua các vị tiên tri và sứ đồ tại thế.63
Tôi biết rằng khi đến cùng Đấng Ky Tô, cuối cùng chúng ta có thể “được toàn thiện trong Ngài” (Mô Rô Ni 10:32), nhận được “niềm vui trọn vẹn” (Giáo Lý và Giao Ước 93:33), và nhận được “tất cả những gì [Đức Chúa Cha] có” (Giáo Lý và Giao Ước 84:38). Tôi làm chứng về các lẽ thật vĩnh cửu này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.