2010–2019
Giống Như Một Cái Bình Bể Nát
Tháng mười 2013


14:11

Giống Như Một Cái Bình Bể Nát

Làm thế nào các anh chị em đáp ứng đúng nhất khi những thử thách về tinh thần hoặc cảm xúc xảy đến với các anh chị em hoặc những người mình yêu thương?

Sứ Đồ Phi E Rơ đã viết rằng các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô thì phải “đồng lòng đầy thương xót.”1 Trong tinh thần đó, tôi muốn nói chuyện với những người bị mắc bệnh tâm thần hoặc rối loạn tình cảm, cho dù bị phiền não ít hay nhiều, xảy ra trong thời gian ngắn hay kéo dài suốt cuộc đời. Chúng ta hiểu được mức độ phức tạp của các vấn đề như vậy khi nghe các chuyên gia nói về những bệnh loạn thần kinh chức năng và rối loạn tâm thần, về di truyền và bẩm chất dễ mắc bệnh, và sự cưỡng chế, về tính lưỡng cực, hoang tưởng, và tâm thần phân liệt. Cho dù những căn bệnh này có thể rắc rối đến đâu đi nữa, thì những nỗi đau khổ này cũng là thực tế của cuộc sống trần thế, và không nên xấu hổ khi thừa nhận chúng chẳng khác gì thừa nhận một cuộc chiến đấu với bệnh huyết áp cao hoặc ung thư bướu bất ngờ.

Để cố gắng được bình an và hiểu những vấn đề khó khăn này, thì điều quan trọng là phải nhớ rằng chúng ta đang sống—và đã chọn để sống—trong một thế giới sa ngã là nơi mà vì các mục đích thiêng liêng nên công cuộc theo đuổi sự tin kính sẽ được thử thách nhiều lần. Chúng ta được bảo đảm rằng trong một kế hoạch như vậy thì một Đấng Cứu Rỗi đã được hứa, một Đấng Cứu Chuộc là Đấng sẽ nâng chúng ta một cách đắc thắng vượt lên trên các thử thách đó, qua đức tin của chúng ta nơi Ngài, mặc dù cái giá để làm như vậy sẽ không thể đo lường được đối với cả Đức Chúa Cha do Ngài gửi đến lẫn Vị Nam Tử là Đấng đã đến. Chỉ có lòng biết ơn về tình yêu thương thiêng liêng này sẽ làm cho nỗi đau khổ ít hơn của chúng ta thoạt tiên có thể chịu đựng được, rồi sau đó có thể hiểu được, và cuối cùng được cứu chuộc.

Tôi xin để qua một bên những căn bệnh lạ thường mà tôi đã đề cập đến để tập trung vào căn bệnh “rối loạn trầm cảm nặng”—hoặc, phổ biến hơn, là bệnh “chán nản.” Khi nói về điều này, tôi không nói về một ngày không vui, thời hạn nộp thuế, hay những khoảnh khắc buồn bã khác mà tất cả chúng ta đều có. Thỉnh thoảng mọi người đều lo lắng hay chán nản. Sách Mặc Môn nói Am Môn và các anh em của ông chán nản vào thời điểm rất khó khăn trong giáo vụ của họ,2 và chúng ta cũng như vậy. Nhưng hôm nay tôi đang nói về một điều nghiêm trọng hơn, về bệnh trạng nghiêm trọng đến mức làm hạn chế một cách đáng kể khả năng hoạt động trọn vẹn của một người, về các vết sẹo tình cảm sâu đến nỗi không một ai có thể nghĩ rằng chắc chắn các vết sẹo đó sẽ biến mất nếu nạn nhân chỉ cần bỏ qua và suy nghĩ tích cực hơn—mặc dù tôi là một người hoàn toàn ủng hộ việc bỏ qua và suy nghĩ tích cực!

Không, ý nghĩ đen tối và phần thuộc linh sầu thảm này còn nhiều hơn là chỉ nỗi chán nản. Tôi đã thấy điều đó đến với một người đàn ông thật thánh thiện khi người vợ yêu quý trong 50 năm của ông qua đời. Tôi đã thấy điều đó nơi những người mẹ mới sinh con với căn bệnh có tên hoa mỹ là “bệnh buồn rầu sau khi sinh.” Tôi đã thấy điều đó tấn công các sinh viên học sinh đầy ưu tư lo lắng, các cựu chiến binh, các bà nội bà ngoại lo âu về sự an lạc của con cái đã trưởng thành.

Và tôi đã thấy điều đó ở những người cha trẻ tuổi cố gắng chu cấp cho gia đình. Về phương diện đó, tôi đã một lần sợ hãi khi thấy điều đó ở chính bản thân tôi. Vào một thời điểm trong cuộc sống hôn nhân của chúng tôi khi những lo ngại về tài chính xảy ra cùng với nỗi mệt mỏi chồng chất, nên tôi đã bị đánh một đòn tâm lý thật là bất ngờ thể như đó là sự thật. Với ân điển của Thượng Đế và tình yêu thương của gia đình, tôi vẫn tiếp tục hoạt động và tiếp tục làm việc, nhưng thậm chí sau những năm này, tôi vẫn tiếp tục cảm thấy rất đồng cảm đối với những người khác bị ảnh hưởng kinh niên hơn hoặc nhiều hơn tôi với nỗi buồn phiền như vậy. Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta đều đã lấy can đảm của những người, “[đã] tìm kiếm và suy ngẫm về vực thẳm đen tối nhất”3 theo như lời của Tiên Tri Joseph, và kiên trì chịu đựng, một số người đó là Abraham Lincoln, Winston Churchill, và Anh Cả George Albert Smith. Anh Cả George Albert Smith là một trong những người lịch sự nhất và giống như Đấng Ky Tô trong gian kỳ của chúng ta, là người đã chiến đấu với bệnh trầm cảm liên tục trong một vài năm trước khi trở thành vị tiên tri yêu dấu thứ tám được mọi người biết đến và là Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Vì vậy, làm thế nào các anh chị em đáp ứng đúng nhất khi những thử thách về tinh thần hoặc cảm xúc xảy đến với chính mình hoặc những người mình yêu thương? Trên hết, đừng bao giờ đánh mất đức tin nơi Cha Thiên Thượng, là Đấng yêu thương các anh chị em nhiều hơn các anh chị em có thể hiểu được. Như Chủ Tịch Monson đã nói với các chị em Hội Phụ Nữ một cách thật cảm động vào tối thứ Bảy tuần rồi: “Tình yêu thương đó không bao giờ thay đổi. … Tình yêu thương đó có sẵn cho các chị em khi các chị em buồn hay vui, chán nản hoặc hy vọng. Tình yêu thương của Thượng Đế có sẵn cho các chị em cho dù các chị em có xứng đáng với tình yêu thương đó hay không. Tình yêu thương chỉ đơn giản là luôn luôn có sẵn.”4 Đừng bao giờ nghi ngờ điều đó và đừng cứng lòng. Hãy trung thành theo đuổi những thực hành sùng đạo được thời gian thử thách nhằm mang đến Thánh Linh của Chúa vào cuộc sống của các anh chị em. Hãy tìm kiếm lời khuyên bảo của những người nắm giữ các chìa khóa cho sự an lạc thuộc linh của các anh chị em. Hãy cầu xin và quý trọng các phước lành chức tư tế. Hãy dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần, và bám chặt vào những lời hứa hoàn hảo của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tin vào phép lạ. Tôi đã thấy có rất nhiều phép lạ khi mọi điều khác đều cho thấy là đã mất hết hy vọng. Hy vọng không bao giờ mất. Nếu các phép lạ đó không đến sớm hoặc một cách trọn vẹn hay dường như không hề đến, thì hãy ghi nhớ tấm gương đau khổ của Đấng Cứu Rỗi: nếu chén đắng mà không thể cất đi được, thì hãy uống chén đắng và luôn vững mạnh, tin tưởng rằng những ngày vui hơn đang chờ đợi.5

Để có thể ngăn chặn bất cứ bệnh tật nào, hãy theo dõi các chỉ số căng thẳng của bản thân mình và của những người khác mà các anh chị em có thể giúp đỡ. Giống như với xe hơi, hãy cảnh giác đối với nhiệt độ tăng cao, tốc độ quá mức, hay thùng cạn nhiên liệu. Khi các anh chị em phải đối mặt với “căn bệnh trầm cảm vì kiệt sức,” thì hãy điều chỉnh điều kiện tiên quyết—Sự mệt mỏi là kẻ thù chung của tất cả chúng ta—hãy làm việc ít hơn, nghỉ ngơi, phục hồi năng lực, và lấy lại sức. Các bác sĩ hứa với chúng ta rằng nếu chúng ta không có thời gian để được khỏe mạnh, thì hầu như chắc chắn là sau này chúng ta sẽ mất thời gian để bị bệnh.

Nếu những sự việc tiếp tục suy yếu, hãy tìm kiếm lời khuyên của những người có uy tín đã được huấn luyện và chứng nhận, những kỹ năng chuyên môn, và tìm kiếm các giá trị tốt. Hãy thành thật với họ về lịch sử và những nỗi vất vả của các anh chị em. Hãy thành tâm và có trách nhiệm để cân nhắc lời khuyên bảo họ đưa ra và những giải pháp họ quy định. Nếu các anh chị em bị viêm ruột thừa, Thượng Đế kỳ vọng các anh chị em tìm kiếm một phước lành của chức tư tế nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất. Điều đó cũng như vậy với bệnh rối loạn tình cảm. Cha Thiên Thượng kỳ vọng chúng ta phải sử dụng tất cả các ân tứ kỳ diệu mà Ngài đã ban cho trong gian kỳ vinh quang này.

Nếu các anh chị em là một người đau khổ hoặc là người chăm sóc một người đau khổ như vậy, thì hãy cố gắng đừng ôm đồm quá nhiều công việc. Đừng cho rằng các anh chị em có thể sửa chữa tất cả mọi thứ được, hãy sửa chữa những gì mình có thể làm được. Nếu đó là những chiến thắng nhỏ, thì hãy biết ơn và kiên nhẫn. Hằng chục lần trong thánh thư, Chúa đã truyền lệnh cho một người nào đó là hãy “đứng yên” hoặc “hãy yên lòng”—và chờ đợi.6 Việc kiên nhẫn chịu đựng một số điều là một phần của công việc giáo dục trên trần thế của chúng ta.

Đối với những người chăm sóc, trong những nỗ lực tận tâm của mình để phụ giúp với sức khỏe của người khác, đừng hủy hoại sức khỏe của mình. Hãy khôn ngoan trong tất cả những điều này. Đừng chạy nhanh hơn sức mình.7 Nếu các anh chị em có thể hoặc không thể làm được bất cứ điều gì khác thì có thể dâng lên lời cầu nguyện và “tình thương yêu chân thật.”8 “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; … chẳng lên mình kiêu ngạo, … nín chịu mọi sự, … tin mọi sự, trông cậy mọi sự. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ.”9

Ngoài ra, hãy nhớ rằng dù chúng ta phải trải qua bất cứ bệnh tật hoặc thử thách khó khăn nào, thì vẫn còn nhiều điều trong cuộc sống để hy vọng và biết ơn. Chúng ta chịu đựng những hạn chế hoặc hoạn nạn của mình một cách vô hạn! Stephanie Clark Nielson và gia đình của chị là bạn của chúng tôi đã hơn 30 năm. Vào ngày 16 tháng Tám năm 2008, Stephanie và chồng của chị là Christian, bị tai nạn máy bay và sau đó là máy bay cháy đã làm cho chị bị thương nặng khủng khiếp đến mức chỉ những cái móng chân sơn mầu mới giúp nhận ra được chị khi gia đình chị đến nhận diện nạn nhân. Gần như không có cơ hội nào để Stephanie có thể sống sót. Chị đã tỉnh dậy sau ba tháng hôn mê. Tình trạng đó kèm theo các vết thương của cơ thể và căn bệnh trầm cảm khủng khiếp. Với bốn đứa con dưới bảy tuổi, Stephanie muốn chúng không bao giờ thấy chị nữa. Chị cảm thấy tốt hơn là nếu được chết đi. Có lần Stephanie nói với tôi trong văn phòng của tôi: “Ước gì các con tôi quên tôi đi và tôi sẽ lặng lẽ bước ra khỏi cuộc đời của chúng.”

Nhưng vì ảnh hưởng vĩnh cửu của chị, và với những lời cầu nguyện của chồng chị, gia đình, bạn bè, bốn đứa con xinh đẹp, và đứa thứ năm sinh ra trong gia đình Nielson chỉ cách đây 18 tháng, Stephanie đã chiến đấu để trở lại từ vực thẳm hủy diệt và trở thành một trong “những người mẹ viết blog” nổi tiếng nhất trên nước Mỹ, công khai tuyên bố với bốn triệu người theo dõi blog của chị rằng “mục đích thiêng liêng” trong đời chị là làm một người mẹ và trân quý mỗi ngày chị được ban cho trên thế gian tuyệt đẹp này.

Thưa các anh chị em, dù các anh chị em có vất vả đến đâu đi nữa—về tinh thần, cảm xúc hoặc thể chất hoặc là điều gì khác—thì cũng đừng từ bỏ mạng sống quý báu bằng cách kết liễu đời mình! Hãy tin cậy nơi Thượng Đế. Hãy bám chặt vào tình yêu thương của Ngài. Hãy biết rằng vào một ngày nào đó, bình minh sẽ ló dạng đầy rực rỡ và tất cả bóng tối hữu diệt sẽ được xua tan. Mặc dù chúng ta có thể cảm thấy “giống như một cái bình bể nát,” như tác giả Thi Thiên đã nói,10 thì chúng ta phải nhớ rằng cái bình chứa đang nằm trong tay của người thợ gốm thiêng liêng. Tâm trí bệnh hoạn có thể được chữa lành cũng như cái xương bị gãy và tâm hồn đau khổ đều có thể được chữa lành. Trong khi Thượng Đế đang làm việc để sửa chữa những điều đó, thì chúng ta có thể giúp đỡ bằng cách có lòng thương xót, không phán xét, và nhân từ.

Tôi làm chứng về Sự Phục Sinh thiêng liêng, tức là ân tứ không tả xiết trong Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô! Tôi làm chứng với Sứ Đồ Phao Lô rằng vật gì đã được gieo trong hư nát thì một ngày nào đó sẽ sống lại trong hư nát và vật gì đã được gieo trong yếu đuối thì cuối cùng sẽ được sống lại trong quyền năng.11 Tôi làm chứng về ngày đó khi những người thân yêu mà chúng ta biết có khuyết tật trên trần thế sẽ đứng trước mặt chúng ta một cách vinh quang và vĩ đại, với cơ thể và tâm trí hoàn hảo một cách kỳ diệu. Thật là một thời điểm tuyệt vời! Tôi không biết chính bản thân chúng ta có thể sẽ được vui hơn không vì chúng ta đã chứng kiến một phép lạ như vậy hoặc vui hơn cho họ vì họ được hoàn hảo trọn vẹn và “cuối cùng được tự do.”12 Cho đến lúc khi ân tứ trọn vẹn của Đấng Ky Tô là hiển nhiên cho tất cả chúng ta, thì cầu xin cho chúng ta sống bằng đức tin, bám chặt vào hy vọng, và cho thấy “đồng lòng đầy thương xót,”13 tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.