2010–2019
Các Cửa Sổ Trên Trời
Tháng mười 2013


16:59

Các Cửa Sổ Trên Trời

Các phước lành thuộc linh và vật chất sẽ đến với cuộc sống của chúng ta khi chúng ta sống theo luật thập phân.

Tôi muốn mô tả hai bài học quan trọng tôi đã học được về luật thập phân. Bài học đầu tiên tập trung vào các phước lành đến với các cá nhân và gia đình khi họ trung thành tuân theo giáo lệnh này. Bài học thứ hai nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đóng tiền thập phân trong sự tăng truởng của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô trên khắp thế giới. Tôi cầu xin Đức Thánh Linh sẽ xác nhận cho mỗi người chúng ta về lẽ trung thực của các nguyên tắc tôi thảo luận.

Bài học số 1—Các Phước Lành Quan Trọng nhưng Sâu Sắc

Mẹ của Chị Bednar là một người phụ nữ trung thành và một người nội trợ đầy soi dẫn. Từ những ngày đầu của cuộc hôn nhân của bà, bà đã giữ kỹ các hồ sơ tài chính của gia đình. Trong nhiều thập niên, bà đã tính toán kỹ lưỡng các khoản thu nhập và chi tiêu của gia đình bằng cách sử dụng các quyển sổ cái rất đơn giản. Thông tin bà thu góp được trong những năm qua là toàn diện và nhằm mục đích cung cấp tin tức.

Khi Chị Bednar còn là thiếu nữ, mẹ của chị đã sử dụng dữ liệu trong các quyển sổ cái đó để nhấn mạnh đến các nguyên tắc cơ bản của cuộc sống biết dự phòng và thận trọng quản lý nhà cửa. Một hôm, trong khi họ cùng nhau xem lại nhiều khoản chi tiêu khác nhau, thì mẹ của chị lưu ý đến một khuôn mẫu thú vị. Chi phí cho việc đi khám bác sĩ và thuốc men cho gia đình của họ là thấp hơn so với dự kiến. Sau đó, bà tin rằng điều bà khám phá ra có liên quan đến phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và giải thích cho con gái mình biết một lẽ thật mạnh mẽ: khi sống theo luật thập phân thì chúng ta thường nhận được các phước lành quan trọng nhưng sâu sắc mà không phải là điều chúng ta luôn trông mong và có thể dễ dàng không được chú ý đến. Hiển nhiên là gia đình đã không nhận được thêm bất cứ khoản thu nhập nào. Thay vào đó, Cha Thiên Thượng nhân từ đã ban cho các phước lành giản dị trong cách thức dường như bình thường. Chị Bednar đã luôn luôn ghi nhớ bài học quan trọng này từ mẹ của mình về sự giúp đỡ đến với chúng ta qua các cửa sổ trên trời, như đã được Ma La Chi hứa trong Kinh Cựu Ước (xin xem Ma La Chi 3:10).

Thường khi giảng dạy và làm chứng về luật thập phân, chúng ta nhấn mạnh đến các phước lành trước mắt, đầy ấn tượng, và các phước lành vật chất có thể nhanh chóng nhận ra. Và chắc chắn là các phước lành như vậy quả thật đã được ban cho. Tuy nhiên, chúng ta có được một số các phước lành khác nhau khi vâng theo giáo lệnh này là quan trọng nhưng sâu sắc. Các phước lành như vậy chỉ có thể thấy được nếu chúng ta lưu tâm và tuân theo về mặt thuộc linh (xin xem 1 Cô Rinh Tô 2:14).

Hình ảnh các “cửa sổ” trên trời do Ma La Chi sử dụng là bài học hữu ích nhất. Các cửa sổ cho phép ánh sáng tự nhiên tỏa chiếu vào một tòa nhà. Tương tự như thế, sự soi dẫn và quan điểm thuộc linh được trút xuống qua các cửa sổ trên trời và vào cuộc sống của chúng ta khi chúng ta giữ đúng luật thập phân.

Ví dụ, một phước lành tinh tế nhưng quan trọng chúng ta nhận được là ân tứ thuộc linh về lòng biết ơn, ân tứ này cho phép chúng ta cảm thấy biết ơn đối với điều mình có để có thể ảnh hưởng đến quyết định đối với điều mình muốn có. Một người biết ơn thì luôn được mãn nguyện. Một người vô ơn thì không bao giờ mãn nguyện cả (xin xem Lu Ca 12:15).

Chúng ta có thể cần được giúp đỡ và cầu nguyện để tìm ra công ăn việc làm thích hợp. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có con mắt và cái tai của đức tin (xin xem Ê The 12:19), để nhận ra ân tứ thuộc linh về việc nâng cao khả năng nhận thức nhằm giúp chúng ta có khả năng tìm ra các cơ hội làm việc mà nhiều người khác đã không chú ý đến—hoặc phước lành để có quyết tâm nhiều hơn để tích cực và bỏ ra nhiều thời giờ hơn những người khác có thể hoặc sẵn sàng làm trong việc tìm kiếm một công việc làm. Chúng ta có thể muốn và mong đợi kiếm được việc làm, nhưng phước lành đến với chúng ta qua các cửa sổ trên trời có thể có nhiều khả năng hơn để hành động và thay đổi hoàn cảnh của chúng ta thay vì trông mong hoàn cảnh của mình được thay đổi nhờ một người nào đó hay một điều gì khác.

Chúng ta có thể mong muốn và làm việc một cách thích hợp để được tăng lương nhằm lo liệu tốt hơn cho các nhu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có con mắt và cái tai của đức tin để thấy mình có gia tăng khả năng thuộc linh và thể chất (xin xem Lu Ca 2:52) để đạt được các nhu cầu của mình với một số ít tiền, đó là một khả năng nổi bật để trông nom một cách thích hợp của cải vật chất mà chúng ta đã có. Chúng ta có thể muốn và trông mong kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng phước lành đến với chúng ta qua các cửa sổ trên trời có thể là có nhiều khả năng hơn để thay đổi hoàn cảnh của mình thay vì trông mong một người nào đó hoặc một điều gì khác thay đổi hoàn cảnh của mình.

Các chiến sĩ trẻ tuổi trong Sách Mặc Môn (xin xem An Ma 53, 56–58) đã khẩn thiết cầu nguyện rằng Thượng Đế sẽ thêm sức và giải thoát họ khỏi bàn tay của những kẻ thù. Thú vị thay, sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện này đã không cung cấp thêm vũ khí hoặc gia tăng con số quân lính. Thay vào đó, Thượng Đế đã bảo đảm với các binh sĩ trung thành này rằng Ngài sẽ giải thoát họ, sự bình an cho tâm hồn của họ, và đức tin cùng hy vọng lớn lao về sự giải thoát của họ nơi Ngài (xin xem An Ma 58:11). Vì vậy, các con trai của Hê La Man đã có lòng can đảm, đã chắc chắn với một quyết tâm chinh phục, và đã ra đi với tất cả sức mạnh của họ để đánh với dân La Man (xin xem An Ma 58:12–13). Sự đảm bảo, bình an, đức tin, và hy vọng thoạt đầu có thể dường như không giống như các phước lành mà các binh sĩ trẻ đang chiến đấu có thể muốn có, nhưng đó chính là các phước lành mà các thanh niên dũng cảm này cần có để tiến tới và chiếm ưu thế về thể chất và tinh thần.

Đôi khi chúng ta có thể cầu xin Thượng Đế để được thành công, và Ngài ban cho chúng ta sức chịu đựng về thể chất và tinh thần. Chúng ta có thể khẩn nài được thịnh vượng, và chúng ta có được cái nhìn xa hơn và kiên nhẫn hơn, hoặc chúng ta thỉnh cầu để được tăng trưởng và được ban phước với ân tứ, và ân tứ đó là ân điển. Ngài có thể ban cho chúng ta lòng tin chắc và tự tin khi chúng ta cố gắng đạt được các mục tiêu xứng đáng. Và khi chúng ta khẩn nài để được giải thoát khỏi những khó khăn về thể chất, tinh thần, và thuộc linh, thì Ngài có thể gia tăng quyết tâm và sức chịu đựng của chúng ta.

Tôi hứa rằng khi các anh chị em và tôi tuân giữ luật thập phân, thì quả thật các cửa sổ trên trời sẽ mở ra và các phước lành thuộc linh và vật chất sẽ trút xuống nhiều tới mức sẽ không có đủ chỗ chứa (xin xem Ma La Chi 3:10). Chúng ta cũng sẽ ghi nhớ lời phán của Chúa:

“Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta.

“Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Ê Sai 55:8–9).

Tôi làm chứng rằng khi chúng ta lưu tâm và tuân theo về phần thuộc linh, thì chúng ta sẽ được ban phước với khả năng để nhìn rõ hơn, nghe kỹ hơn và hiểu trọn vẹn hơn ý nghĩa và sự tinh tế trong đường lối, ý nghĩ và các phước lành của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.

Bài học số 2—Sự Giản Dị trong Đường Lối của Chúa

Trước khi được kêu gọi để phục vụ với tư cách là thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai, tôi đã nhiều lần đọc trong sách Giáo Lý và Giao Ước về hội đồng được bổ nhiệm để giám sát và chi dụng các quỹ tiền thập phân thiêng liêng. Hội Đồng về Việc Chi Dụng Tiền Thập Phân được thiết lập dựa trên sự mặc khải và gồm có Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và Giám Trợ Chủ Tọa (xin xem GLGƯ 120). Vào tháng Mười Hai năm 2004, khi chuẩn bị để tham dự buổi họp đầu tiên trong hội đồng này, tôi đã háo hức mong đợi một cơ hội học hỏi đáng kể nhất.

Tôi vẫn còn nhớ những kinh nghiệm tôi đã có và cảm thấy được trong hội đồng đó. Tôi đã đạt được lòng biết ơn và kính trọng sâu xa hơn đối với luật tài chính của Chúa dành cho các cá nhân, gia đình, và Giáo Hội của Ngài. Chương trình tài chính cơ bản của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô—cho việc thu nhập lẫn chi dụng—được định rõ trong tiết 119 và 120 của sách Giáo Lý và Giao Ước. Hai câu được tìm thấy trong những điều mặc khải này cung ứng nền tảng cho các vấn đề tài chính của Giáo Hội.

Tiết 119 chỉ nói rằng tất cả các tín hữu “sẽ phải đóng góp một phần mười tổng số lợi tức của mình hàng năm; và đây sẽ là một luật pháp vĩnh viễn cho họ mãi mãi, … lời Chúa phán” (câu 4).

Sau đó, Chúa phán về việc chi dụng được phép của tiền thập phân: “Nó phải được xử lý bởi một hội đồng, gồm có Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của Giáo Hội ta, và vị giám trợ và hội đồng của hắn, cùng hội đồng thượng phẩm của ta; và do chính tiếng nói của ta nói với họ, lời Chúa phán” (GLGƯ 120:1). “Vị giám trợ và hội đồng của hắn” và “hội đồng thượng phẩm của ta” được ám chỉ trong điều mặc khải này, ngày nay được biết đến là Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, tương ứng với mỗi tổ chức. Các quỹ thiêng liêng này được sử dụng trong một giáo hội phát triển nhanh chóng để ban phước cho phần thuộc linh của các cá nhân và gia đình bằng cách xây cất và bảo trì các đền thờ và nhà thờ, hỗ trợ công việc truyền giáo, phiên dịch và xuất bản thánh thư, thúc đẩy công việc nghiên cứu lịch sử gia đình, tài trợ trường học và giáo dục tôn giáo, và hoàn thành nhiều mục đích khác của Giáo Hội theo như chỉ dẫn của các tôi tớ đã được sắc phong của Chúa.

Tôi ngạc nhiên khi thấy hai điều mặc khải này thật là rõ ràng và ngắn gọn biết bao so với những chỉ dẫn tài chính và thủ tục hành chính phức tạp được sử dụng trong rất nhiều tổ chức và chính phủ trên khắp thế giới. Làm thế nào các vấn đề thế tục của một tổ chức lớn như Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô lại có thể hoạt động trên khắp thế giới bằng cách sử dụng những chỉ dẫn ngắn gọn như vậy? Đối với tôi, câu trả lời khá thẳng thắn: đây là công việc của Chúa, Ngài có thể tự làm công việc của Ngài (xin xem 2 Nê Phi 27:20), và Đấng Cứu Rỗi cảm ứng và hướng dẫn các tôi tớ của Ngài khi họ áp dụng những điều Ngài hướng dẫn và làm việc trong chính nghĩa của Ngài.

Trong buổi họp hội đồng đầu tiên đó, tôi đã rất cảm kích trước mức độ giản dị của các nguyên tắc hướng dẫn cuộc thảo luận và quyết định của chúng tôi. Trong những hoạt động tài chính của Giáo Hội, hai nguyên tắc cơ bản và cố định đều được tuân thủ. Thứ nhất, Giáo Hội chi tiêu trong vòng phạm vi có được và không tiêu nhiều hơn số nhận được. Thứ hai, một phần thu nhập hàng năm được giữ lại để dự trữ cho trường hợp khẩn cấp và các nhu cầu bất ngờ. Trong nhiều thập niên, Giáo Hội đã dạy cho các tín hữu về nguyên tắc của việc để dành thêm thực phẩm, nhiên liệu, và tiền bạc để lo liệu cho trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra. Giáo Hội là một tổ chức chỉ đơn giản tuân theo cùng các nguyên tắc như đã được nhiều lần giảng dạy cho các tín hữu.

Trong khi đang diễn ra buổi họp, tôi thấy mình mong muốn rằng tất cả các tín hữu của Giáo Hội có thể tuân thủ theo đường lối của Chúa với một mức độ giản dị, rõ ràng, trật tự, lòng bác ái, và quyền năng (xin xem GLGƯ 104:16) để thực hiện các công việc thế tục của Giáo Hội Ngài. Bây giờ tôi đã tham gia vào Hội Đồng về Việc Chi Dụng Tiền Thập Phân được nhiều năm rồi. Lòng biết ơn và kính trọng của tôi đối với mẫu mực của Chúa đã gia tăng mỗi năm, và các bài học nhận được đã trở nên sâu sắc hơn.

Lòng tôi tràn ngập tình yêu thương và thán phục đối với các tín hữu trung thành và biết vâng lời của Giáo Hội này từ mọi quốc gia, sắc tộc, sắc ngữ, và dân tộc. Khi hành trình trên khắp thế giới, tôi biết về những hy vọng và ước mơ, điều kiện sinh sống và hoàn cảnh khác nhau, và những nỗi vất vả của các anh chị em. Tôi đã tham dự các buổi họp Giáo Hội với các anh chị em và đến thăm nhà của một số anh chị em. Đức tin của các anh chị em củng cố đức tin của tôi. Sự tận tâm của các anh chị em làm cho tôi trở nên tận tâm hơn. Và lòng nhân từ và sự sẵn lòng vâng phục của các anh chị em đối với luật thập phân soi dẫn tôi để trở thành một con người, một người chồng, người cha và người lãnh đạo Giáo Hội tốt hơn. Tôi nhớ và suy nghĩ đến các anh chị em mỗi lần tôi tham gia vào Hội Đồng về Việc Chi Dụng Tiền Thập Phân. Xin cám ơn về lòng nhân từ và trung tín của các anh chị em khi các anh chị em tuân giữ giao ước của mình.

Các vị lãnh đạo của Giáo Hội phục hồi của Chúa cảm thấy một trách nhiệm to lớn để trông nom một cách thích hợp các của lễ thiêng liêng của các tín hữu Giáo Hội. Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng đồng tiền của người đàn bà góa thật là thiêng liêng biết bao.

“Đức Chúa Giê Su ngồi đối ngang cái rương đựng tiền dâng, coi dân chúng bỏ tiền vào thể nào.

“Có lắm người giàu bỏ nhiều tiền; cũng có một mụ góa nghèo kia đến bỏ hai đồng tiền ăn một phần tư xu.

“Ngài bèn kêu môn đồ mà phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ tiền vào rương nhiều hơn hết thảy những người đã bỏ vào.

“Vì mọi kẻ khác lấy của dư mình bỏ vào, còn mụ nầy nghèo cực lắm, đã bỏ hết của mình có, là hết của có để nuôi mình” (Mác 12:41–44).

Tôi biết từ kinh nghiệm cá nhân rằng Hội Đồng về Việc Chi Dụng Tiền Thập Phân rất thận trọng trong việc trông nom đồng tiền của người đàn bà góa. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Chủ Tịch Thomas S. Monson và hai cố vấn của ông về tài lãnh đạo hiệu quả của họ trong công việc quản lý thiêng liêng này. Và tôi ghi nhận tiếng nói (xin xem GLGƯ 120:1) và bàn tay của Chúa đã hỗ trợ các tôi tớ được sắc phong của Ngài trong việc làm tròn bổn phận để đại diện cho Ngài.

Một Lời Mời và một Chứng Ngôn

Việc đóng tiền thập phân một cách chân thật có ý nghĩa nhiều hơn là một bổn phận; đó là một bước quan trọng trong tiến trình thánh hóa cá nhân. Tôi có lời khen ngợi các anh chị em nào đã đóng tiền thập phân của mình.

Đối với những người hiện chưa tuân theo luật thập phân, thì tôi xin mời các anh chị em nên xem xét về điều mình đang làm và hãy hối cải. Tôi làm chứng rằng qua việc tuân theo luật này của Chúa, các cửa sổ trên trời sẽ được mở ra cho các anh chị em. Xin đừng trì hoãn ngày hối cải của các anh chị em.

Tôi làm chứng rằng các phước lành thuộc linh và vật chất sẽ đến với cuộc sống của chúng ta khi chúng ta sống theo luật thập phân. Tôi làm chứng rằng các phước lành như vậy thường là rất quan trọng nhưng sâu sắc. Tôi cũng tuyên bố rằng sự giản dị trong đường lối của Chúa, và điều này rất hiển nhiên trong những công việc thế tục của Giáo Hội của Ngài, cung ứng các khuôn mẫu để có thể hướng dẫn chúng ta riêng cá nhân lẫn chung gia đình. Tôi cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta có thể học được và hưởng lợi từ các bài học quan trọng này, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.