2010–2019
Đẩy Mạnh Kế Hoạch Làm Việc của Chúa!
Tháng mười 2013


2:3

Đẩy Mạnh Kế Hoạch Làm Việc của Chúa!

Mỗi người chúng ta phải phát triển và thực hiện kế hoạch làm việc riêng của mình với lòng nhiệt tình để phục vụ bên cạnh những người truyền giáo toàn thời gian.

Cách đây vài năm, tôi cần phải nói chuyện với vợ của một giám trợ trong giáo khu của chúng tôi, vì vậy tôi gọi điện thoại đến nhà họ. Đứa con trai nhỏ của họ nghe điện thoại. Tôi nói: “Chào cháu. Có mẹ cháu ở đó không?”

Nó đáp: “Dạ có ạ. Cháu sẽ đi tìm mẹ cháu. Ai gọi đấy ạ?”

Tôi đáp: “Nói với mẹ cháu là Chủ tịch Nielsen gọi nhé.”

Có một giây phút im lặng ngắn, rồi sau đó, tôi nghe thấy một giọng nói rất sôi nổi: “Mẹ ơi, Chủ Tịch Hinckley’s ở trên điện thoại nè!”

Tôi không thể tưởng tượng được chị ấy đã suy nghĩ gì. Đó là thời gian dài nhất để chị đi tới chỗ máy điện thoại. Một ý nghĩ thoáng qua trong tâm trí tôi: “Mình có nên giả làm Chủ Tịch Hinckley không?” Tôi đã không làm như vậy nhưng chúng tôi đã cười về chuyện đó. Bây giờ tôi nghĩ về chuyện đó, chắc hẳn chị ấy đã rất thất vọng vì chỉ được nói chuyện với tôi.

Các anh chị em sẽ làm gì nếu vị tiên tri của Chúa thực sự gọi các anh chị em? Vâng, ông đã làm như vậy! Chủ Tịch Thomas S. Monson, như ông đã làm một lần nữa buổi sáng hôm nay, đã kêu gọi mỗi người chúng ta làm một công việc rất quan trọng. Ông nói: “Bây giờ là lúc để cho các tín hữu và những người truyền giáo đến với nhau, cùng làm việc với nhau, lao nhọc trong vườn nho của Chúa để mang những người khác đến cùng Ngài” (Buổi phát sóng chương trình huấn luyện giới lãnh đạo Giáo Hội toàn cầu [Đức Tin nơi Công Việc Cứu Rỗi, tháng Sáu năm 2013]; lds.org/broadcasts).

Câu hỏi được đặt ra là như sau: Chúng ta có đang lắng nghe không?

Tất cả các nơi trên thế giới, các giáo khu, giáo hạt, và phái bộ truyền giáo đều có một mức độ mới về nghị lực làm việc, giống như lời tuyên bố của Đấng Cứu Rỗi với Joseph Smith vào năm 1832 đang được thực hiện: “Này, ta sẽ gấp rút làm công việc của ta vào đúng kỳ của nó” (GLGƯ 88:73).

Thưa các anh chị em, thời kỳ đó đúng là bây giờ đây! Tôi có thể cảm nhận được điều đó, và tôi chắc rằng các anh chị em cũng thế.

Tôi muốn biến nỗi phấn khởi và đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô thành hành động. Khi tôi chơi bóng bầu dục, tôi nghĩ về chiến lược của trận đấu. Chúng tôi tin rằng khi chúng tôi bắt đầu một trận đấu thì nếu đội bóng của chúng tôi đã được chuẩn bị với những kế hoạch đúng, thì chúng tôi sẽ thành công. Tuy nhiên, gần đây tôi đã nói chuyện với huấn luyện viên nổi tiếng của trường BYU là Lavell Edwards về chiến lược của trận đấu, thì ông ấy nói: “Tôi không quan tâm đến hành động nào anh quyết định để làm miễn là chúng ta ghi được bàn thắng mà thôi!” Là một trong những cầu thủ của ông ấy, tôi nghĩ rằng điều đó phải phức tạp hơn nhiều, nhưng có lẽ triết lý giản dị của ông chính là lý do tại sao đã có một sân vận động mang tên ông.

Vì chúng ta đều thuộc vào đội của Chúa, là các tín hữu, nếu chúng ta thực sự yêu thương gia đình, bạn bè, và những người cộng sự của mình, thì chúng ta sẽ không muốn chia sẻ chứng ngôn của mình về phúc âm phục hồi với họ sao?

Tại cuộc hội thảo dành cho các chủ tịch phái bộ truyền giáo mới vào tháng Sáu, một con số kỷ lục là 173 chủ tịch mới cùng vợ của họ đã được hướng dẫn lần cuối trước khi bắt đầu công việc phục vụ. Tất cả 15 thành viên của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã ngỏ lời cùng nhóm người đặc biệt này.

Anh Cả L. Tom Perry đã nhận xét thêm rằng: “Đây là kỷ nguyên đáng chú ý nhất trong lịch sử của Giáo Hội. Điều này cũng quan trọng ngang bằng các sự kiện trọng đại đã xảy ra trong lịch sử đã qua, giống như Khải Tượng Thứ Nhất, giống như việc ban cho Sách Mặc Môn, giống như Sự Phục Hồi của phúc âm, giống như tất cả những điều xây đắp nền tảng đó cho chúng ta để tiến bước và giảng dạy trong vương quốc của Cha Thiên Thượng” (“Bài Nhận Xét Kết Thúc” [bài ngỏ được đưa ra tại hội nghị dành cho các chủ tịch phái bộ truyền giáo mới, ngày 26 tháng Sáu năm 2013], 1, Thư Viện Lịch Sử Giáo Hội, Salt Lake City).

Chúng ta cần phải tham gia nhiều hơn bao giờ hết để phù hợp với niềm phấn khởi của các vị lãnh đạo chúng ta và sự cam kết của những người truyền giáo toàn thời gian. Công việc này sẽ không tiến bước theo như Chúa đã định nếu không có chúng ta! Như Chủ Tịch Henry B. Eyring đã nói: “Dù tuổi tác của chúng ta là bao nhiêu, có khả năng như thế nào, sự kêu gọi trong Giáo Hội là gì hoặc đang sống ở đâu, thì chúng ta đều được kêu gọi để cùng đoàn kết làm việc nhằm giúp Ngài thu hoạch được nhiều người” (“Chúng Ta Hiệp Một,” Liahona, tháng Năm năm 2013, 62).

Tôi xin chia sẻ với các anh chị em kế hoạch của trận đấu mà tôi cảm thấy có ấn tượng để áp dụng sau khi cầu nguyện, đọc chương 13 của sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, và suy ngẫm những kinh nghiệm đã qua. Tôi xin mời các anh chị em hãy cân nhắc ba điểm sau đây khi các anh chị em suy nghĩ về kế hoạch của riêng mình.

Trước hết, đặc biệt mỗi ngày hãy cầu nguyện để mang một người nào đó đến gần Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài hơn. Các anh chị em có thể làm điều này bằng cách xem mọi người là con trai và con gái của Thượng Đế cùng nhau giúp đỡ trên cuộc hành trình trở về nhà. Hãy suy nghĩ về những người chúng ta sẽ kết bạn.

Thứ hai, mỗi ngày hãy cầu nguyện cho những người truyền giáo đang phục vụ trong khu vực của các anh chị em và những người tầm đạo của họ bằng tên cụ thể. Cách duy nhất để làm điều này là chào hỏi những người truyền giáo, nhìn vào thẻ tên của họ, gọi họ bằng tên, và hỏi họ đang giảng dạy cho ai. Mới gần đây, Anh Cả Russel M. Nelson đã nói rất đúng: “Nếu các anh chị em không biết tên và biết mặt của một người, thì Chúa không thể giúp các anh chị em biết tấm lòng của họ được.”

Tôi đã tham dự một lễ báp têm của một phụ nữ tuyệt vời đã chia sẻ chứng ngôn của chị. Tôi sẽ mãi mãi nhớ tới câu nói của chị ấy: “Tôi chưa bao giờ có rất nhiều người cầu nguyện cho tôi như vậy và tôi cảm thấy được yêu thương rất nhiều! Tôi biết công việc này là chân chính chứ!”

Thứ ba, hãy mời một người bạn đến một sinh hoạt trong nhà của các anh chị em hoặc một nơi nào khác. Dù các anh chị em đi đến đâu hoặc làm bất cứ điều gì, hãy suy nghĩ xem người nào sẽ vui hưởng dịp đó và rồi lắng nghe Thánh Linh trong khi Ngài hướng dẫn các anh chị em.

Đấng Cứu Rỗi đã dạy cho tôi một bài học giản dị trong việc học tập phúc âm của riêng tôi, và tôi tin rằng đã áp dụng thật tuyệt vời cho việc “đẩy mạnh” này. Khi cảm xúc của tôi trào dâng về một điều gì đó, thì điều đó thể hiện trong bài viết của tôi và thường kết thúc bằng một dấu chấm than mà theo định nghĩa truyền đạt một “cảm nghĩ mạnh mẽ [hoặc] là dấu chỉ có ý nghĩa quan trọng” (Merriam-Webster’s Collegiate Dictionary, xuất bản lần thứ 11 [2003], “chấm than”).

Tôi bắt đầu tò mò trước các câu thánh thư về “sự quy tụ,” kết thúc với dấu chấm câu này, đã trở nên hiển nhiên đối với tôi, như lời kêu gọi chân thành của An Ma: “Ôi, ước gì tôi là một thiên sứ và có được sự ước muốn của lòng tôi, để tôi có thể đi khắp nơi và nói lên bằng tiếng kèn của Thượng Đế, bằng một giọng nói làm rung chuyển địa cầu, và rao truyền sự hối cải cho mọi người!” (An Ma 29:1).

Trong khi nghiên cứu, tôi đã thấy có 65 đoạn bày tỏ cảm giác mạnh mẽ của người truyền giáo, gồm có những đoạn này:

“Và sự vui mừng của Ngài lớn lao biết bao đối với người biết hối cải! …

“Và nếu các ngươi phải lao nhọc suốt đời để rao truyền sự hối cải cho dân này, và chỉ đem được một người về cho ta thôi, thì sự vui mừng của các ngươi cùng với kẻ đó trong vương quốc của Cha ta sẽ lớn lao biết bao!!

“Và giờ đây, nếu sự vui mừng của các ngươi sẽ lớn lao với một người mà các ngươi đem về cho ta vào trong vương quốc của Cha ta, thì sự vui mừng của các ngươi còn lớn lao hơn biết bao nếu các ngươi đem về cho ta nhiều người!” (GLGƯ 18:13, 15–16).

Việc tôi được chỉ cho thấy những câu thánh thư độc đáo này đóng một vai trò quan trọng trong chỉ định đầu tiên của tôi với tư cách là một Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng. Khi được chỉ định cùng đi với một Vị Sứ Đồ là Anh Cả Quentin L. Cook tại một đại hội giáo khu, tôi có hơi lo lắng. Khi bước vào văn phòng của chủ tịch giáo khu cho buổi họp đầu tiên vào cuối tuần đó, tôi nhìn thấy một đôi giày nhuộm màu đồng, trông rất tả tơi đặt trên cái giá sách phía sau bàn làm việc của ông có kèm một câu thánh thư kết thúc với dấu chấm than. Khi đọc câu thánh thư đó, tôi cảm thấy Chúa có quan tâm đến tôi, đã đáp ứng lời cầu nguyện của tôi và Ngài biết chính xác điều tôi cần để trấn an nỗi lòng đầy lo lắng của tôi.

Tôi yêu cầu vị chủ tịch giáo khu kể cho tôi nghe câu chuyện về đôi giày đó.

Ông nói:

“Đây là đôi giày của một người cải đạo trẻ tuổi vào Giáo Hội có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng anh ấy đã quyết tâm phục vụ truyền giáo thành công và đã làm như vậy ở Guatemala. Khi anh ấy trở về, tôi họp với anh ấy để đưa ra sự giải nhiệm danh dự và nhìn thấy đôi giày sờn mòn của anh. Người thanh niên này đã dâng mọi thứ lên Chúa mà không được gia đình hỗ trợ nhiều, nếu có đi nữa.

“Anh ấy thấy tôi nhìn chằm chằm vào đôi giày nên hỏi tôi: ‘Thưa Chủ Tịch, có điều gì sai không ạ?’

“Tôi đáp: ‘Không có gì, mọi thứ đều tốt cả! Anh cho tôi xin đôi giày đó được không?’”

Vị chủ tịch giáo khu nói tiếp: “Tôi thật sự kính trọng và yêu mến người truyền giáo đã trở về này! Tôi muốn ghi nhớ kinh nghiệm của anh ấy, nên tôi đã có đôi giày nhuộm màu đồng này. Đôi giày đó nhắc nhở tôi mỗi khi tôi bước vào văn phòng này, về nỗ lực tất cả chúng ta đều phải bỏ ra bất chấp hoàn cảnh của mình là gì đi nữa. Đó là câu thánh thư từ sách Ê Sai: ‘Những kẻ đem tin tốt, rao sự bình an, đem tin tốt về phước lành, rao sự cứu chuộc, bảo Si Ôn rằng: Đức Chúa Trời ngươi trị vì, chân của những kẻ ấy trên các núi xinh đẹp là dường nào!’ (Ê Sai 52:7).”

Các anh chị em thân mến, người vợ hiền lành của vị giám trợ ấy có thể đã tự hỏi tại sao vị tiên tri đã gọi cho chị. Tôi làm chứng rằng chị ấy và chúng ta không cần phải tự hỏi nữa—CHẤM THAN.

Tôi biết rằng mỗi người chúng ta phải phát triển và thực hiện kế hoạch làm việc riêng của mình với lòng nhiệt tình để phục vụ bên cạnh những người truyền giáo toàn thời gian—CHẤM THAN!

Tôi xin thêm chứng ngôn của tôi với chứng ngôn của Tiên Tri Joseph Smith: “Và giờ đây, sau bao nhiêu chứng ngôn mà đã được nói về Ngài, thì đây là chứng ngôn, gần đây nhất trong tất cả các chứng ngôn, mà chúng tôi nói về Ngài: Rằng Ngài hằng sống!” (GLGƯ 76:22). Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.