Những Người Chăn Chân Chính
Việc giảng dạy tại gia đáp ứng cho nhiều lời cầu nguyện và cho phép chúng ta thấy được những biến đổi có thể xảy ra trong cuộc sống của mọi người.
Tối hôm nay, những người mang chức tư tế của Thượng Đế đang quy tụ tại Trung Tâm Đại Hội ở Salt Lake City và tại các địa điểm gần xa. Các anh em thực sự là “chức thầy tế lễ nhà vua”—chính là “một thế hệ được lựa chọn,” như Sứ Đồ Phi E Rơ đã nói.1 Tôi rất vinh dự có được đặc ân để ngỏ lời cùng các anh em.
Khi tôi lớn lên, mỗi mùa hè gia đình chúng tôi thường lái xe đến Provo Canyon, cách Salt Lake City khoảng 45 dặm (72 kilômét) về phía nam và không xa lắm về phía đông, và sẽ ở lại trong căn nhà gỗ của gia đình trong vài tuần. Mấy đứa con trai chúng tôi luôn luôn nôn nóng được đi câu cá trong suối hoặc đi bơi, và chúng tôi thường cố gắng nói cha tôi lái xe nhanh hơn một chút. Trong thời đó, cha tôi lái chiếc xe hiệu Oldsmobile đời 1928. Nếu ông lái hơn 35 dặm (56 kilômét) một giờ thì mẹ tôi sẽ nói: “Chạy chậm lại! Chạy chậm lại!” Tôi thường nói: “Cha ơi, lái nhanh lên! Lái nhanh lên”
Cha thường lái xe khoảng 35 dặm (56 kilômét) một giờ suốt con đường đến Provo Canyon hoặc cho đến khi chúng tôi đi vào con đường vòng và bị một bầy cừu chặn lại. Chúng tôi thường nhìn thấy hàng trăm con cừu đi ngang qua, dường như không có người chăn, và một vài con chó sủa theo chúng trong khi chúng đi. Ở xa xa phía sau, chúng tôi có thể thấy người chăn cừu ngồi trên lưng ngựa—con ngựa không có dây cương mà là một sợi dây buộc.Thỉnh thoảng người chăn cừu ngủ gục trên yên ngựa, vì con ngựa biết phải đi đường nào và những con chó sủa dẫn đàn cừu.
Cảnh đó ngược lại với cảnh tôi chứng kiến ở Munich, Đức, cách đây nhiều năm. Đó là một buổi sáng Chủ Nhật, và chúng tôi đang đi trên đường đến một đại hội truyền giáo. Khi nhìn ra cửa sổ xe của vị chủ tịch phái bộ truyền giáo, tôi thấy một người chăn cừu với một cây gậy trong tay, dẫn đầu các con cừu. Chúng đi theo người ấy bất cứ nơi nào người ấy đi. Nếu người ấy đi về phía bên trái, thì chúng đi theo người ấy về phía bên trái. Nếu người ấy đi về phía bên phải, thì chúng đi theo người ấy về hướng đó. Tôi đã so sánh giữa người chăn chân thật là người dẫn đàn cừu của mình đi và người chăn cừu ngồi thoải mái trên yên ngựa đi đằng sau đàn cừu của mình.
Chúa Giê Su phán: “Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta.”2 Ngài cung ứng cho chúng ta tấm gương hoàn hảo về một người chăn chiên đích thực phải như thế nào.
Thưa các anh em, vì nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế nên chúng ta có trách nhiệm chăn dắt. Sự thông sáng của Chúa đã cung ứng những chỉ dẫn qua đó chúng ta có thể là những người chăn cho các gia đình của Giáo Hội, là nơi chúng ta có thể phục vụ, giảng dạy, và làm chứng với họ. Điều này được gọi là việc giảng dạy tại gia, và đây chính là điều tôi muốn nói với các anh em tối nay.
Vị giám trợ của mỗi tiểu giáo khu trong Giáo Hội trông coi việc chỉ định những người nắm giữ chức tư tế với tư cách là các thầy giảng tại gia để đi thăm nhà của các tín hữu mỗi tháng. Họ đi theo từng cặp. Nơi nào có thể được, một thiếu niên là một thầy trợ tế hay thầy giảng trong Chức Tư Tế A Rôn đi với một người lớn nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Tại nhà của những người mà họ có trách nhiệm, người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn nên tham gia vào việc giảng dạy đang diễn ra ở đó. Một sự chỉ định như vậy sẽ giúp các thiếu niên này chuẩn bị cho công việc truyền giáo, cũng như sự phục vụ của chức tư tế suốt đời.
Chương trình giảng dạy tại gia là một cách đáp ứng điều mặc khải hiện đại, ủy nhiệm cho những người được sắc phong chức tư tế phải “giảng dạy, giải nghĩa, khuyên nhủ, làm phép báp têm … và đi thăm viếng tư gia của mỗi tín hữu, và khuyên nhủ họ nên cầu nguyện bằng lời và cầu nguyện thầm, và làm tất cả các bổn phận trong gia đình, … phải luôn luôn trông coi giáo hội cũng như sát cánh và củng cố họ; và xem xét rằng không có sự bất chính trong giáo hội, cũng không có sự gay gắt với nhau, hay sự dối trá, nói hành, nói xấu với nhau.”3
Chủ Tịch David O. McKay khuyên nhủ: “Việc giảng dạy tại gia là một trong những cơ hội cấp bách và xứng đáng nhất của chúng ta để nuôi dưỡng và soi dẫn, để khuyên bảo và hướng dẫn các con cái của Đức Chúa Cha. … Đó là một sự phục vụ thiêng liêng, một sự kêu gọi thiêng liêng. Đó là bổn phận của chúng ta là các Thầy Giảng Tại Gia, để mang … Thánh Linh vào từng nhà và từng tâm hồn. Việc yêu thích công việc này và làm hết khả năng của mình sẽ mang lại sự bình an, niềm vui, và sự mãn nguyện vô tận cho người thầy giảng cao quý, tận tâm của các con cái của Thượng Đế.”4
Chúng ta đọc từ Sách Mặc Môn rằng An Ma “lập lên tất cả các thầy tư tế và tất cả các thầy giảng của họ; và chẳng một ai được lập lên nếu họ không phải là người công minh.
“Vậy nên họ đã chăm sóc dân của họ và nuôi dưỡng họ bằng những điều thuộc về sự ngay chính.”5
Trong việc thi hành các trách nhiệm giảng dạy tại gia, chúng ta sẽ khôn ngoan nếu học và hiểu được những thử thách của các tín hữu trong mỗi gia đình, để có thể mang lại hiệu quả trong việc giảng dạy và đưa ra sự hỗ trợ cần thiết.
Nếu được hẹn trước, thì một lần đi giảng dạy tại gia cũng có nhiều khả năng thành công. Để minh họa điều này, tôi xin chia sẻ với các anh em một kinh nghiệm của tôi cách đây nhiều năm. Vào lúc đó, Ủy Ban Chấp Hành Truyền Giáo gồm có Spencer W. Kimball, Gordon B. Hinckley và Thomas S. Monson. Một buổi tối nọ, Anh Chị Hinckley đã tổ chức một bữa ăn tối ở nhà của họ cho các thành viên trong ủy ban và vợ của chúng tôi. Chúng tôi mới vừa ăn xong một bữa ăn ngon thì có một tiếng gõ ở ngoài cửa. Chủ Tịch Hinckley mở cửa và thấy một trong các thầy giảng tại gia của ông đứng ở đó. Người thầy giảng tại gia nói: “Tôi biết tôi đã không hẹn trước, và tôi không đi cùng người bạn đồng hành, nhưng tôi cảm thấy là tôi nên đến tối hôm nay. Tôi không biết là anh đang có khách.”
Chủ Tịch Hinckley đã ân cần mời thầy giảng tại gia đó vào nhà và ngồi xuống rồi chỉ dẫn ba Vị Sứ Đồ và những người vợ của chúng tôi về nhiệm vụ của chúng tôi là các tín hữu. Người thầy giảng tại gia đó đã làm hết khả năng của mình, với một chút lo sợ. Chủ Tịch Hinckley cám ơn người ấy đã đến, sau đó người ấy vội vã ra về.
Tôi xin kể thêm một ví dụ nữa về cách thực hiện sai việc giảng dạy tại gia. Chủ Tịch Marion G. Romney, là một cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn cách đây nhiều năm, thường nói về người thầy giảng tại gia của ông, người ấy có lần đã đến nhà của gia đình Romney vào một buổi tối mùa đông lạnh lẽo. Người ấy cầm mũ trong tay và tỏ ra lo lắng khi được mời ngồi xuống và đưa ra sứ điệp của mình. Trong khi vẫn đứng, người ấy nói: “Vâng, tôi xin nói cho anh biết, Anh Romney à, trời bên ngoài rất lạnh, và tôi vẫn để máy xe chạy để không bị chết máy. Tôi chỉ ghé qua để tôi có thể nói với vị giám trợ là tôi đã hoàn tất việc giảng dạy tại gia của mình rồi.”6
Chủ Tịch Ezra Taft Benson, sau khi kể lại kinh nghiệm của Chủ Tịch Romney trong một buổi họp của những người nắm giữ chức tư tế, đã nói: “Thưa các anh em, chúng ta có thể làm hay hơn thế—hay hơn nhiều!”7 Tôi đồng ý.
Việc giảng dạy tại gia còn nhiều hơn là chỉ đến thăm một cách máy móc mỗi tháng một lần. Trách nhiệm của chúng ta là để giảng dạy, soi dẫn, thúc đẩy, và để chúng ta đến thăm những người không tích cực nhằm giúp họ trở nên tích cực và mang đến sự tôn cao tột bậc cho các con trai và con gái của Thượng Đế.
Để phụ giúp trong các nỗ lực của chúng ta, tôi xin chia sẻ lời khuyên bảo khôn ngoan này mà chắc chắn sẽ áp dụng cho các thầy giảng tại gia. Lời khuyên bảo đó đến từ Abraham Lincoln: “Nếu ta muốn một người nghe theo mình, thì trước hết, hãy thuyết phục người ấy rằng ta là người bạn chân thành của người ấy.”8 Chủ Tịch Ezra Taft Benson khuyến khích: “Trên hết tất cả, hãy là một người bạn chân thành với các cá nhân và gia đình mà anh em giảng dạy. … Một người bạn sẽ làm nhiều hơn là chỉ ghé thăm mỗi tháng vì trách nhiệm. Một người bạn sẽ quan tâm nhiều đến việc giúp đỡ mọi người hơn là được mọi người ghi nhận. Một người bạn là người quan tâm. Một người bạn cho thấy tình yêu thương. Một người bạn là người lắng nghe, và một người bạn đề nghị giúp đỡ.”9
Việc giảng dạy tại gia đáp ứng cho nhiều lời cầu nguyện và cho phép chúng ta thấy được những biến đổi có thể xảy ra trong cuộc sống của mọi người.
Một tấm gương như vậy sẽ là Dick Hammer, anh đã đến Utah theo chương trình Civilian Conservation Corps (Hội Bảo Vệ Thường Dân). Ông gặp và kết hôn với một thiếu nữ Thánh Hữu Ngày Sau. Ông mở một quán ăn tên là Dick′s Café ở St. George, Utah, và đã trở thành một nơi gặp gỡ nổi tiếng.
Một người bạn của tôi là Willard Milne được chỉ định làm thầy giảng tại gia cho gia đình Hammer. Vì tôi cũng quen biết Dick Hammer, và vì tôi đã in bản thực đơn cho quán ăn của anh, nên tôi thường hỏi người bạn của tôi là Anh Milne, khi tôi đến thăm St George: “Anh bạn Dick Hammer của chúng ta thế nào rồi?”
Câu trả lời thường là “Anh ta đang tiến triển, nhưng chậm.”
Khi Willard Milne và người bạn đồng hành của anh đến thăm nhà Hammer mỗi tháng, thì họ luôn luôn sắp xếp để trình bày một sứ điệp phúc âm và chia sẻ chứng ngôn của họ với Dick và gia đình.
Nhiều năm trôi qua, và rồi một ngày nọ, Willard gọi điện thoại cho tôi với tin vui. Anh ấy bắt đầu: “Anh Monson à, Dick Hammer đã được cải đạo và sắp chịu phép báp têm đó. Anh ấy gần 90 tuổi, và chúng tôi đã là bạn với nhau suốt những năm qua. Quyết định của anh ấy làm tôi ấm lòng. Tôi đã là thầy giảng tại gia của anh ấy trong nhiều năm.” Tôi rất vui khi nghe anh Willard kể về câu chuyện đó, anh ấy có phần hơi xúc động trong khi kể.
Quả thật, Anh Hammer đã chịu phép báp têm và một năm sau đó bước vào Đền Thờ St. George tuyệt đẹp và đã tiếp nhận lễ thiên ân cùng các phước lành gắn bó của anh.
Tôi hỏi Willard: “Có bao giờ anh trở nên nản lòng với tư cách là thầy giảng tại gia của anh ấy trong một thời gian dài như vậy không?”
Anh đáp: “Không, nỗ lực đó đáng bõ công lắm. Giờ đây khi tôi chứng kiến niềm vui đã đến với những người trong gia đình Hammer, thì lòng tôi tràn đầy biết ơn về các phước lành phúc âm đã mang vào cuộc sống của họ và về đặc ân tôi đã có để giúp đỡ bằng một cách nào đó. Tôi là một người hạnh phúc.”
Thưa các anh em, sẽ là đặc ân của chúng ta suốt những năm đi thăm và giảng dạy nhiều người—những người kém tích cực cũng như những người đã cam kết hoàn toàn. Nếu tận tâm với sự kêu gọi của mình, thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để ban phước cho các cuộc sống. Những lần chúng ta đi thăm những người đã tự tách mình ra khỏi sự hoạt động tích cực trong Giáo Hội chính là điều mà cuối cùng sẽ giúp họ trở lại hoạt động tích cực.
Với ý nghĩ đó, chúng ta hãy tìm đến những người mà mình có trách nhiệm và mang phúc âm đến với họ để họ có thể nuôi dưỡng lời nói của Ngài cùng vui hưởng sự đồng hành của Thánh Linh Ngài, và “chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.”10
Nếu có bất cứ anh em nào đã trở nên xao lãng trong việc giảng dạy tại gia của mình, thì tôi xin nói rằng bây giờ là lúc để tái dâng hiến bản thân mình nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy tại gia của các anh em. Hãy quyết định từ bây giờ để bỏ ra bất cứ nỗ lực cần thiết nào để tiếp xúc với những người mình đã được giao cho trách nhiệm trông nom. Có thể có những lúc các anh em cần phải khuyến khích người bạn đồng hành giảng dạy tại gia của mình nhiều hơn một chút để tìm ra thời giờ để đi với các anh em, nhưng nếu kiên trì, các anh em sẽ thành công.
Thưa các anh em, nỗ lực của chúng ta trong việc giảng dạy tại gia đang tiếp diễn. Công việc sẽ không bao giờ kết thúc cho đến khi Chúa và Đức Thầy của chúng ta phán: “thôi, giờ đã tới rồi.” Có những cuộc sống cần phải được khuyến khích. Có những tâm hồn cần phải được ảnh hưởng. Có những người cần phải được cứu giúp. Đặc ân thiêng liêng của chúng ta là khuyến khích, ảnh hưởng và cứu giúp những linh hồn quý báu đã được giao phó cho chúng ta để chăm sóc. Chúng ta nên làm như vậy một cách trung tín và với tấm lòng hân hoan.
Để kết thúc, tôi sẽ sử dụng một ví dụ cụ thể để mô tả loại thầy giảng tại gia mà chúng ta cần phải trở thành. Có một Đức Thầy mà cuộc sống của Ngài vĩ đại hơn tất cả những người khác. Ngài dạy về sự sống và cái chết, về bổn phận và số mệnh. Ngài đã sống không phải để được phục vụ mà là để phục vụ, không phải để nhận mà là để ban phát, không phải để cứu mạng sống của mình mà là để hy sinh mạng sống cho người khác. Ngài đã mô tả một tình yêu thương tuyệt vời hơn là lòng ham muốn, một cảnh nghèo khó phong phú hơn kho báu. Người ta nói về Đức Thầy này rằng Ngài dạy với thẩm quyền chứ không giống như các thầy thông giáo.11 Luật pháp của Ngài không ghi khắc trên đá mà là trong tâm hồn loài người.
Tôi nói về Đức Thầy Đấng Chủ Tể, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của tất cả nhân loại. Các câu chuyện trong Kinh Thánh nói về Ngài, Ngài “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước.”12 Với Ngài là Đấng hướng dẫn và gương mẫu chúng ta luôn luôn có thể tin cậy, chúng ta sẽ hội đủ điều kiện để được sự giúp đỡ thiêng liêng của Ngài trong việc giảng dạy tại gia của mình. Các cuộc sống sẽ được ban phước. Các tâm hồn sẽ được an ủi. Những người sẽ được cứu giúp. Chúng ta sẽ trở thành những người chăn chân chính. Cầu xin cho điều này có thể được như vậy, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Đấng Chăn vĩ đại đó, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.