2010–2019
Thỉnh Cầu Các Phước Lành của Các Giao Ước của Các Chị Em
Tháng mười 2013


2:3

Thỉnh Cầu Phước Lành của Các Giao Ước của Các Chị Em

Khi chúng ta tái lập và tôn trọng các giao ước của mình, gánh nặng của chúng ta có thể được nhẹ nhàng hơn, và chúng ta có thể tiếp tục trở nên thanh khiết và được củng cố.

Thưa các chị em, thật là tuyệt vời được nhóm họp với các chị em một lần nữa.

Gần đây tôi đã gặp một chị phụ nữ đang chuẩn bị để chịu phép báp têm. Ngày Chủ Nhật đặc biệt này, chị ấy đến nhà thờ sau khi đã đi 3 kilômét trong đám bùn đặc. Ngay lập tức chị ấy đi vào nhà vệ sinh, cởi bỏ quần áo đầy bùn của mình, tắm rửa, và mặc vào quần áo sạch sẽ dành cho ngày Chủ Nhật. Trong buổi họp Hội Phụ Nữ, chị ấy đã nói về sự cải đạo của mình. Tôi đã cảm động trước ước muốn tràn ngập của chị để được tẩy sạch và thanh khiết qua sự hối cải và sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi và sự sẵn lòng từ bỏ “lối sống cũ” của chị để lập các giao ước thiêng liêng với Cha Thiên Thượng. Chị đã chia tay với người bạn trai của chị, khắc phục được các chứng nghiện để sống theo Lời Thông Sáng, bỏ công việc làm ngày Chủ Nhật, và mất tình bạn với những người thân yêu khi chị loan báo các kế hoạch của mình để chịu phép báp têm. Chị đã rất khao khát từ bỏ tất cả tội lỗi để chị có thể được thanh tẩy và cảm nhận được tình yêu thương cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi. Tôi đã được cảm ứng vào buổi sáng đó bởi ước muốn của chị để trở nên thanh sạch về mặt thể chất lẫn thuộc linh.

Chúng tôi biết rằng nhiều chị em đã có những hy sinh tương tự khi các chị em cảm nhận được sự làm chứng của Đức Thánh Linh và mong muốn hối cải, chịu phép báp têm, và được làm cho thanh sạch. Có lẽ chúng ta sẽ không cảm nhận được tình yêu thương thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi vào bất cứ thời điểm nào khác một cách dồi dào như khi chúng ta hối cải và cảm nhận được ảnh hưởng của tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta, cũng như bảo đảm với chúng ta tình yêu thương và sự chấp nhận của Ngài.

Cách đây một vài Chủ Nhật, trong khi lắng nghe lời cầu nguyện Tiệc Thánh, tôi đã cảm động trước người thầy tư tế đã phát âm từng từ một với cảm giác tuyệt vời. Sau đó, tôi đã gọi điện thoại cho người thầy tư tế ấy để cám ơn em ấy đã giúp làm cho Thánh Lễ thành một kinh nghiệm thuộc linh sâu xa đối với tôi và giáo đoàn. Em ấy không có ở nhà, nhưng mẹ của em ấy đã trả lời: “Ôi, con tôi sẽ rất vui khi biết rằng chị đã gọi điện thoại! Đây là lần đầu tiên nó dâng lời cầu nguyện Tiệc Thánh, và chúng tôi đã cùng nhau chuẩn bị, nói về tầm quan trọng của Tiệc Thánh và tái lập các giao ước báp têm của mình một cách xứng đáng với Đấng Cứu Rỗi.” Ôi tôi yêu mến người mẹ quý báu này biết bao vì bà đã dạy cho con trai mình về quyền năng của các giao ước báp têm và cách em ấy có thể giúp các tín hữu trong tiểu giáo khu cảm thấy quyền năng đó.

Tôi biết một người mẹ khác đã ngồi một mình ở nhà thờ trong mấy năm với bốn đứa con nhỏ. Vì rất hiếm khi có thể tập trung vào Đấng Cứu Rỗi trong Tiệc Thánh, chị ấy đã lập ra một kế hoạch. Giờ đây, chị ấy cố gắng dành thời giờ mỗi thứ Bảy để xem xét lại tuần lễ của mình và nghĩ về các giao ước của mình và điều chị cần phải hối cải. Chị nói: “Rồi sau đó, bất kể tôi có gặp phải loại kinh nghiệm nào với các con tôi vào ngày Chủ Nhật, thì tôi đều chuẩn bị để dự phần Tiệc Thánh, tái lập các giao ước của mình, và cảm nhận được quyền năng thanh tẩy của Sự Chuộc Tội.”

Các chị em thân mến, tại sao Đấng Cứu Rỗi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tiệc Thánh như vậy? Việc tái lập các giao ước báp têm hàng tuần là quan trọng như thế nào trong cuộc sống của chúng ta? Chúng ta có thừa nhận khả năng của Đấng Cứu Rỗi để hoàn toàn thanh tẩy mình mỗi tuần khi chúng ta xứng đáng và thận trọng dự phần Tiệc Thánh không? Chủ Tịch Boyd K. Packer đã làm chứng: “Đó là lời hứa về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội: … vào cuối [cuộc sống của mình, chúng ta] có thể đi qua bức màn che đã hối cải các tội lỗi [của mình] và đã được thanh tẩy nhờ vào máu của Đấng Ky Tô.”1

Chủ tịch đoàn của chúng tôi cảm thấy rất vui khi các chị em phụ nữ chúng ta và gia đình của họ lập và tuân giữ các giao ước, nhưng lòng chúng tôi rất buồn đối với các chị em phụ nữ đang trải qua nghịch cảnh đau lòng trong cuộc sống vì các giao ước đã bị những người thân của mình vi phạm. Tiên tri Gia Cốp, em của Nê Phi, đã được Chúa truyền lệnh phải nói chuyện với các anh em của ông về các phụ nữ và trẻ em ngay chính trong thời kỳ của ông. Tôi làm chứng rằng lời nói của ông đã được gìn giữ đặc biệt cho thời kỳ của chúng ta. Ông nói với chúng ta như thể chính Đấng Cứu Rỗi đã phán. Lòng Gia Cốp “nặng trĩu nỗi … lo âu khi ông làm chứng với những người chồng và người cha:

“Điều cũng làm tôi đau buồn là tôi phải dùng đến những lời lẽ nghiêm khắc … trước mặt vợ con các người, mà hầu hết những người này đều có tình cảm hết sức dịu dàng, thanh khiết và tế nhị …

“những tiếng nức nở trong lòng họ đã vang lên thấu đến Thượng Đế. … Nhiều trái tim đã chết, đã bị xuyên thấu bằng những vết thương sâu.”2

Gia Cốp đã hứa với các phụ nữ và trẻ em tuân giữ giao ước trong thời kỳ của ông và của chúng ta:

“Hãy hướng về Thượng Đế với một tinh thần cương quyết, và hãy cầu nguyện lên Ngài với một đức tin nhiệt thành, rồi Ngài sẽ an ủi các anh em trong những lúc đau khổ của mình. …

“Hãy ngẩng đầu lên nhận những lời êm ái của Thượng Đế và thụ hưởng tình thương của Ngài.”3

Thưa các chị em, tôi làm chứng về sức mạnh và quyền năng của lời cầu nguyện khi chúng ta bày tỏ nỗi đau khổ và ước muốn tận cùng của mình lên Cha Thiên Thượng và về những đáp ứng nhận được khi chúng ta “thụ hưởng” thánh thư và những lời của các vị tiên tri tại thế.

Cách đây gần ba năm, một trận hỏa hoạn đã tàn phá nội thất bên trong của ngôi thính đường lịch sử yêu dấu ở Provo, Utah. Sự mất mát này đã được coi là một thảm kịch lớn đối với cả cộng đồng lẫn các tín hữu của Giáo Hội. Nhiều người tự hỏi: “Tại sao Chúa để điều này xảy ra? Chắc chắn Ngài đã có thể ngăn chặn ngọn lửa hoặc ngừng sức tàn phá của nó chứ.”

Mười tháng sau đó, vào đại hội trung ương tháng Mười năm 2011, nhiều người đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe Chủ Tịch Thomas S. Monson loan báo rằng ngôi thính đường gần như bị tàn phá sẽ trở thành một ngôi đền thờ—một ngôi nhà của Chúa! Đột nhiên, chúng ta có thể thấy điều Chúa đã luôn luôn biết! Ngài đã không gây ra hỏa hoạn, nhưng Ngài đã để cho lửa tàn phá nội thất. Ngài đã nhìn thấy ngôi thính đường sẽ là một ngôi đền thờ tráng lệ—một ngôi nhà thường trực để lập các giao ước thiêng liêng vĩnh cửu.4

Các chị em thân mến, Chúa để cho chúng ta bị thử thách, đôi khi đến quá sức chịu đựng của mình. Chúng ta đã thấy cuộc sống của những người thân yêu—và có thể là cuộc sống của chúng ta—đã bị đốt cháy thành than theo nghĩa bóng và đã tự hỏi tại sao Cha Thiên Thượng đầy lòng nhân từ và chăm sóc lại để cho điều đó xảy ra. Nhưng Ngài không bỏ rơi chúng ta trong đống tro tàn đâu; Ngài đứng với vòng tay rộng mở, tha thiết mời gọi chúng ta đến với Ngài. Ngài đang xây dựng cuộc sống của chúng ta trong các ngôi đền thờ tráng lệ, là nơi Thánh Linh của Ngài có thể ngự vào mãi mãi.

Trong Giáo Lý và Giao Ước 58:3–4, Chúa phán bảo chúng ta:

“Với đôi mắt thiên nhiên của các ngươi, hiện nay các ngươi không thể thấy được ý định của Thượng Đế các ngươi về những việc sẽ xảy đến sau này, và vinh quang sẽ đến sau nhiều cơn hoạn nạn.

“Vì sau nhiều cơn hoạn nạn, phước lành sẽ đến. Vậy nên, rồi đến ngày các ngươi sẽ được đội mão triều thiên bằng vinh quang rạng rỡ.”

Thưa các chị em, tôi làm chứng rằng Chúa có một kế hoạch cho cuộc sống của mỗi người chúng ta. Không có điều gì xảy ra là một cú sốc hay ngạc nhiên đối với Ngài. Ngài là Đấng toàn tri và đầy tình yêu thương. Ngài thiết tha muốn giúp đỡ, an ủi, và làm vơi nỗi đau đớn của chúng ta khi chúng ta tin cậy vào quyền năng của Sự Chuộc Tội và tôn trọng các giao ước của mình. Những thử thách và hoạn nạn chúng ta trải qua có thể chính là nhằm hướng dẫn chúng ta đến cùng Ngài và bám chặt vào các giao uớc của mình để có thể trở lại nơi hiện diện của Ngài và nhận được tất cả những gì Đức Chúa Cha có.

Trong năm ngoái, tôi đã cần và muốn cảm nhận được tình yêu thương của Chúa sâu đậm hơn, để nhận được sự mặc khải cá nhân, để hiểu rõ hơn về các giao ước đền thờ của mình, và làm cho gánh nặng của tôi được nhẹ nhàng. Trong khi cầu nguyện đặc biệt về các phước lành này, tôi đã cảm nhận được Thánh Linh hướng dẫn tôi đi đến đền thờ và lắng nghe kỹ hơn mỗi lời tuyên bố về các phước lành dành cho tôi. Tôi làm chứng rằng khi tôi chăm chú lắng nghe hơn và cố gắng thực hành đức tin của mình, thì Chúa đã thương xót tôi và giúp làm cho gánh nặng của tôi được nhẹ nhàng. Ngài đã giúp tôi cảm thấy bình an nhiều về những lời cầu nguyện chưa được đáp ứng. Chúng ta cầu xin Chúa giữ những lời hứa của Ngài khi chúng ta tuân giữ các giao ước của mình và thực hành đức tin của chúng ta.5 Các chị em thân mến, hãy đến đền thờ và thỉnh cầu các phước lành của các chị em!

Tôi muốn được nói về một cách khác để có thể mang đến cho chúng ta sự tin tưởng và đức tin. Đôi khi, là phụ nữ, chúng ta có khuynh hướng rất khắt khe đối với bản thân mình. Trong những lúc này, chúng ta cần phải tìm kiếm Thánh Linh và cầu vấn: “Đây có phải là điều Chúa muốn tôi suy nghĩ về bản thân mình, hay là Sa Tan đang cố gắng làm tôi thất vọng?” Hãy ghi nhớ thiên tính của Cha Thiên Thượng, là Đấng có tình thương yêu hoàn hảo và vô hạn.6 Ngài muốn củng cố chúng ta chứ không phải làm chúng ta nản lòng.

Là tín hữu của Giáo Hội, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy rằng mình cần phải là một phần tử của một “gia đình Thánh Hữu Ngày Sau lý tưởng” để được Chúa chấp nhận. Chúng ta thường cảm thấy “không xứng đáng” hoặc không thuộc vào vương quốc nếu chúng ta cảm thấy rằng mình không có một gia đình Thánh Hữu Ngày Sau lý tưởng. Các chị em thân mến, khi tất cả mọi điều đã được nói và làm rồi, thì điều quan trọng đối với Cha Thiên Thượng sẽ là chúng ta đã tuân giữ giao ước của mình một cách nghiêm chỉnh như thế nào và chúng ta đã cố gắng bao nhiêu để noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta. Vì sự hy sinh chuộc tội của Ngài nên chúng ta có thể được thanh tẩy hàng tuần khi dự phần Tiệc Thánh của Ngài một cách xứng đáng. Khi chúng ta tái lập và tôn trọng các giao ước của mình, các gánh nặng của chúng ta có thể được nhẹ nhàng hơn, và chúng ta có thể tiếp tục trở nên thanh khiết và được củng cố để vào cuối đời mình, sẽ được xem là xứng đáng để nhận được sự tôn cao và cuộc sống vĩnh cửu. Tôi làm chứng về những điều này trong tôn danh của Đấng Cứu Rỗi yêu quý của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.