2010–2019
Anh Em Chẳng Phải Là Người Ngoại
Tháng mười 2013


12:11

Anh Em Chẳng Phải Là Người Ngoại

Trong Giáo Hội này, không có người lạ và người bị ruồng bỏ. Chỉ có các anh chị em với nhau mà thôi.

Vào lúc này hay lúc khác, hầu hết chúng ta đều đã ở trong một hoàn cảnh mới mẻ khi chúng ta cảm thấy xa lạ và không an toàn. Hoàn cảnh này đã xảy ra với gia đình chúng tôi cách đây khoảng năm năm sau khi Chủ Tịch Thomas Monson đưa ra lời kêu gọi tôi để phục vụ với tư cách là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương của Giáo Hội. Sự kêu gọi này đòi hỏi gia đình chúng tôi phải dọn từ chỗ ở tuyệt đẹp nơi chúng tôi đã sống vui vẻ trong suốt hơn hai thập niên. Vợ chồng tôi vẫn còn nhớ những phản ứng tức thời của con cái khi chúng biết về sự thay đổi đó. Con trai 16 tuổi của chúng tôi kêu lên: “Không sao cả. Cha mẹ có thể đi, con sẽ ở lại!”

Rồi sau đó nó nhanh chóng quyết định đi cùng với chúng tôi và trung thành chấp nhận cơ hội mới này trong cuộc sống của nó. Cuộc sống ở môi trường mới trong một vài năm qua hóa ra là một kinh nghiệm học hỏi và thú vị đối với gia đình chúng tôi, nhất là nhờ sự đón tiếp nồng hậu và lòng nhân từ của Các Thánh Hữu Ngày Sau. Vì đã sống ở các quốc gia khác nhau, nên chúng tôi đã trở nên biết ơn rằng tình đoàn kết của dân Chúa trên khắp thế giới là một điều có thật và hiển nhiên.

Chức vụ kêu gọi của tôi đã đưa tôi đi đến nhiều quốc gia và cho tôi đặc ân để chủ tọa trong nhiều buổi họp. Khi nhìn vào nhiều giáo đoàn khác nhau, tôi thường thấy các tín hữu đại diện cho nhiều quốc gia, ngôn ngữ và nền văn hóa. Một khía cạnh tuyệt vời của gian kỳ phúc âm của chúng ta là phúc âm không bị giới hạn trong một khu vực địa lý hoặc một nhóm quốc gia. Phúc âm là toàn cầu và phổ biến, đang chuẩn bị cho sự trở lại vinh quang của Vị Nam Tử của Thượng Đế bằng cách quy tụ “con cái Ngài từ bốn phương trời của thế gian.”1

Mặc dù các tín hữu của Giáo Hội ngày càng đa chủng tộc, nhưng di sản thiêng liêng của chúng ta vượt qua những điểm khác biệt giữa chúng ta. Là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta được cho phép làm một phần tử của gia tộc Y Sơ Ra Ên. Chúng ta trở thành các anh chị em với nhau, những người cùng thừa hưởng dòng dõi thuộc linh. Thượng Đế đã hứa với Áp Ra Ham rằng “tất cả những ai tiếp nhận Phúc Âm này sẽ được gọi theo tên của [ông], và sẽ được xem như dòng dõi của [ông], và sẽ đứng lên chúc phước cho [ông] là tổ phụ của họ.”2

Một lời hứa đã được lập với tất cả những ai đã trở thành tín hữu của Giáo Hội: “Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.”3

Từ người ngoại xuất phát từ tiếng La Tinh extraneus, có nghĩa là “bên ngoài” hoặc “từ bên ngoài.” Nói chung, từ này chỉ một người nào đó là một “người ngoài” vì nhiều lý do, cho dù đó là vì nguồn gốc, văn hóa, ý kiến, hoặc tôn giáo. Là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô cố gắng để sống trong thế gian nhưng không thuộc vào thế gian, đôi khi chúng ta cảm thấy như là người ngoài. Chúng ta, tốt hơn so với nhiều người, biết rằng cơ hội nào đó có thể đóng lại trước những người được coi là khác biệt.

Dân của Thượng Đế đã luôn luôn được truyền lệnh phải chăm sóc tất cả mọi cá nhân nào là người lạ hoặc những người có thể được xem là khác biệt. Trong thời xưa, một người lạ được hưởng lợi từ cùng một nghĩa vụ tiếp đãi như là một góa phụ hay một trẻ mồ côi. Giống như họ, người lạ đang ở trong một tình huống bơ vơ bất lực, và sự sống còn của người ấy tùy thuộc vào sự bảo vệ nhận được từ dân địa phương. Dân Y Sơ Ra Ên nhận được những chỉ dẫn chính xác về vấn đề này: “Kẻ khách kiều ngụ giữa các ngươi sẽ kể như kẻ đã sanh đẻ giữa các ngươi; hãy thương yêu người như mình, vì các ngươi đã làm khách kiều ngụ trong xứ Ê Díp Tô.”4

Trong giáo vụ trên trần thế của Ngài, Chúa Giê Su là một tấm gương về Đấng đã vượt quá bổn phận đơn giản của lòng hiếu khách và khoan dung. Ngài thương xót và tôn trọng những người bị loại ra khỏi xã hội, những người đã bị khước từ và bị coi là không thanh sạch bởi những người tự cho là ngay chính. Họ đã nhận được một phần đồng đều những lời giảng dạy và giáo vụ của Ngài.

Ví dụ, Đấng Cứu Rỗi đã chống lại các tập tục đã được thiết lập trong thời Ngài để nói chuyện với người phụ nữ Sa Ma Ri, bằng cách hỏi xin nước từ người ấy. Ngài đã ngồi ăn chung với những người thu thuế. Ngài đã không ngần ngại để tiếp cận với người bị bệnh phung, chạm tay vào người đó và chữa lành cho người. Khi ngưỡng mộ đức tin của thầy đội La Mã, Ngài đã phán với đám đông: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta chưa hề thấy ai trong dân Y Sơ Ra Ên có đức tin lớn dường ấy.”5

Chúa Giê Su đã yêu cầu chúng ta tuân thủ luật pháp về tình yêu thương trọn vẹn tức là một sự ban phát cho tất cả mọi người và vô điều kiện. Ngài phán:

“Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu? Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao?

“Lại nếu các ngươi tiếp đãi anh em mình mà thôi, thì có lạ gì hơn ai? Người ngoại há chẳng làm như vậy sao?

“Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.”6

Trong Giáo Hội này, không có người lạ và người bị ruồng bỏ. Chỉ có các anh chị em với nhau mà thôi. Kiến thức chúng ta có về Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu giúp chúng ta nhạy cảm hơn đối với tình anh chị em là điều nên tồn tại giữa tất cả những người đàn ông và phụ nữ trên mặt đất.

Một đoạn trong cuốn tiểu thuyết Những Người Khốn Khổ đã minh họa cách những người nắm giữ chức tư tế có thể đối xử với những cá nhân bị xem như là người lạ. Tù nhân Jean Valjean vừa được thả ra khỏi nhà giam. Kiệt sức vì một chuyến đi dài và sắp chết vì đói khát, anh ta đến một thị trấn nhỏ tìm kiếm thức ăn và nơi trú ngụ qua đêm. Khi nghe tin anh ta đến, từng người dân một đã đóng cửa lại đối với anh ta. Không có khách sạn, không có quán trọ, thậm chí nhà tù cũng không mời anh ta vào. Anh ta bị khước từ, xua đuổi, bị trục xuất. Cuối cùng, anh ta té xỉu ở trước nhà vị giám mục của thị trấn vì mất sức.

Vị giám mục tốt bụng hoàn toàn biết về quá khứ của Valjean, nhưng ông đã mời kẻ lang thang vào nhà mình với những lời trắc ẩn:

“‘Đây không phải là nhà của tôi; đây là nhà của Chúa Giê Su Ky Tô. Cánh cửa này không đòi hỏi người nào bước vào phải có tên tuổi hay không, mà là người đó có đau buồn không. Bạn đang đau khổ, đói khát, thì bạn được chào đón. … Tôi có cần phải biết tên bạn không? Ngoài ra, trước khi bạn nói cho tôi biết [tên của bạn], là bạn có một tên mà tôi đã biết.’

“[Valjean] mở mắt ra ngạc nhiên.

“‘Thật sao? Ông biết tên tôi là gì à?

“Vị Giám Mục đáp: ‘Vâng, bạn là người anh em của tôi.’”7

Trong Giáo Hội này, các tiểu giáo khu và nhóm túc số của chúng ta không thuộc vào chúng ta, mà thuộc vào Chúa Giê Su Ky Tô. Bất cứ ai bước vào các nhà hội của chúng ta đều nên cảm thấy thoải mái. Trách nhiệm chào đón tất cả mọi người càng ngày càng quan trọng hơn. Thế giới nơi chúng ta đang sống sắp trải qua một thời kỳ biến động lớn. Vì hệ thống giao thông càng ngày càng có sẵn, tốc độ truyền đạt, và toàn cầu hóa kinh tế, thế giới đang trở thành một ngôi làng lớn để mọi người và các quốc gia gặp gỡ, kết nối, và giao tiếp hơn bao giờ hết.

Những thay đổi to lớn trên toàn thế giới này là kế hoạch của Thượng Đế Toàn Năng. Việc quy tụ những người chọn lọc của Ngài từ bốn phương trời của thế giới không những xảy ra bằng cách gửi những người truyền giáo đến các nước xa xôi mà còn nhờ những người từ các khu vực khác xuất hiện trong thành phố và các khu xóm của chúng ta. Không ai biết rằng nhiều người đã được Chúa dẫn dắt đến những nơi mà họ có thể nghe phúc âm và gia nhập vào đàn chiên của Ngài.

Người kế tiếp cải đạo theo phúc âm trong tiểu giáo khu của các anh em nhiều khả năng sẽ không thuộc trong số những bạn bè thông thường và những người anh em quen biết. Các anh em có thể lưu ý đến điều này qua diện mạo, lời lẽ, cách ăn mặc, hoặc màu da của người ấy. Người ấy có thể đã lớn lên trong một tôn giáo khác, có một quá khứ hoặc một lối sống khác.

Việc kết tình thân hữu là một trách nhiệm quan trọng của chức tư tế. Các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc là phải hành động thích hợp với các chị em phụ nữ dưới sự hướng dẫn của vị giám trợ để đảm bảo rằng mỗi người được chào đón với tình yêu thương và một cách tử tế. Các thầy giảng tại gia và giảng viên thăm viếng sẽ phải theo dõi kỹ để đảm bảo rằng không một ai bị bỏ quên hoặc bị làm ngơ.

Chúng ta đều cần phải làm việc với nhau để xây đắp tinh thần đoàn kết bên trong các tiểu giáo khu và chi nhánh của mình. Một ví dụ về tình đoàn kết hoàn hảo tồn tại ở giữa dân của Thượng Đế sau khi Đấng Ky Tô đến thăm Châu Mỹ. Biên sử nhận xét rằng “chẳng có người nào gọi là dân La Man nữa, và cũng không có một sắc dân nào riêng biệt. Mà trái lại, tất cả mọi người đều là một, đều là con cái của Đấng Ky Tô, và là những người thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế.”8

Sẽ không có tình đoàn kết nếu chúng ta làm ngơ và cô lập các tín hữu có vẻ hơi khác biệt hoặc yếu kém hơn mình, và chỉ liên kết với những người giống như mình. Ngược lại, sẽ có tình đoàn kết nếu chúng ta chào đón và phục vụ những người mới và những người có nhu cầu đặc biệt. Các tín hữu này là một phước lành đối với Giáo Hội, và cho chúng ta cơ hội để phục vụ những người lân cận của mình và do đó làm sạch lòng chúng ta.

Thưa các anh em, vì vậy các anh em có bổn phận phải tìm đến bất cứ ai đến cửa của tòa nhà Giáo Hội của mình. Hãy chào đón họ với lòng biết ơn và không định kiến. Nếu là những người các anh em không biết trước bước vào một trong các buổi họp, thì hãy nồng nhiệt chào đón họ và mời họ ngồi với các anh em. Hãy là nguời đầu tiên giúp họ cảm thấy được chào đón và yêu thương thay vì chờ đợi họ đến với các anh em.

Sau khi các anh em đã chào hỏi họ, thì hãy cân nhắc xem mình có thể tiếp tục phục sự họ như thế nào. Có lần tôi đã nghe nói về một tiểu giáo khu có hai chị tuyệt vời trong Hội Phụ Nữ đã quyết định học ngôn ngữ ký hiệu sau khi lễ báp têm của hai chị phụ nữ bị điếc, để họ có thể giao tiếp tốt hơn với hai người cải đạo mới này. Thật là một tấm gương tuyệt vời về tình yêu thương dành cho các anh chị em đồng bào trong phúc âm!

Tôi làm chứng rằng không một ai là người lạ đối với Cha Thiên Thượng. Không một ai là không quý báu đối với Ngài. Cùng với Phi E Rơ, tôi xin làm chứng rằng “Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai; nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ Ngài và làm sự công bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa.”9

Tôi cầu nguyện rằng khi Chúa quy tụ chiên của Ngài lại vào ngày sau cùng, thì Ngài có thể phán cùng mỗi người chúng ta: “Ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta.”

Rồi chúng ta sẽ thưa cùng Ngài: “Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước?”

Và Ngài sẽ trả lời chúng ta: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”10

Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.