Đại Hội Trung Ương
Trong Con Đường Bổn Phận của Họ
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2023


14:29

Trong Con Đường Bổn Phận của Họ

Các anh chị em, những người ngày nay đang tiến bước trong con đường bổn phận của mình, đều là sức mạnh của Giáo Hội phục hồi của Đấng Cứu Rỗi.

Tôi tha thiết cầu xin sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh trong lúc này, khi tôi bày tỏ tình yêu thương, sự khâm phục, và lòng biết ơn đối với các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô trên khắp thế giới.

Những Người trên Chiếc Xe Kéo Cuối Cùng

Năm 1947 đánh dấu kỷ niệm 100 năm những người tiền phong Thánh Hữu Ngày Sau đầu tiên đặt chân đến Thung Lũng Salt Lake. Nhiều lễ kỷ niệm đáng nhớ đã được tổ chức trong năm đó, và vô số lời biết ơn đã được dành cho các môn đồ tận tụy của Chúa Giê Su Ky Tô là những người mở đường, xây cất nhà cửa, trồng trọt hoa màu trên sa mạc cằn cỗi, và thành lập cộng đồng định cư.

Chủ Tịch J. Reuben Clark, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã đưa ra một trong những lời ca ngợi đáng nhớ và xúc động nhất cho những người tiền phong trung tín này trong đại hội trung ương tháng Mười năm 1947.

Trong sứ điệp của mình, Chủ Tịch Clark đã xúc tích ghi nhận các vị lãnh đạo được nhiều người biết đến mà đã hướng dẫn cuộc di cư về miền tây này, như Brigham Young, Heber C. Kimball, Wilford Woodruff, Parley P. Pratt, và nhiều người khác. Tuy nhiên, mục đích chính của ông không phải là để kể lại những thành tựu của những cá nhân nổi trội này. Thay vì thế, ông tập trung bài nói chuyện của mình vào những con người kiên cường mà tên tuổi của họ không được biết đến cũng không được chính thức ghi lại trong lịch sử Giáo Hội. Tựa đề mang tính chỉ dẫn của sứ điệp của ông là: “Những Người trên Chiếc Xe Kéo Cuối Cùng.”1

Chủ Tịch Clark đã mô tả rất chi tiết những đặc điểm và thử thách của những người di cư trên chiếc xe kéo được trùm kín đi cuối cùng trong mỗi đoàn dài xe kéo băng qua vùng đồng bằng. Ông ca ngợi những người anh hùng vô danh và không được tôn vinh này, là những người mà ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần nọ, và tháng nọ qua tháng kia, bị ngột ngạt do bụi đất tốc lên từ những chiếc xe kéo đi trước họ—và là những người đã vượt qua những trở ngại liên tiếp trên đường đi.

Chủ Tịch Clark tuyên bố: “Những người trên chiếc xe kéo cuối cùng cố sức tiến về phía trước, rã rời, mệt mỏi, đôi khi gần như chán nản, được nâng đỡ bởi đức tin rằng Thượng Đế yêu thương họ, rằng phúc âm phục hồi là chân chính, và rằng Chúa đã dẫn dắt và hướng dẫn Các Anh Em Thẩm Quyền ở phía trước.”2

Ông kết thúc sứ điệp của mình bằng lời khen ngợi đầy xúc động này: “Đối với những con người khiêm nhường này, với đức tin lớn lao, chăm chỉ trong công việc, tuyệt vời trong việc sống ngay chính, vĩ đại trong việc tạo ra di sản vô giá của chúng ta, tôi khiêm nhường bày tỏ tình yêu thương, sự kính trọng, sự tôn kính của mình.”3

Giúp Ích … Không Kém Gì

Vào năm 1990, Chủ Tịch Howard W. Hunter, lúc bấy giờ là Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã đưa ra một sứ điệp về những đóng góp không thể thiếu của vô số tín hữu Giáo Hội mà đã phục vụ một cách cần mẫn và trung tín, tuy nhận được rất ít hoặc không nhận được sự thừa nhận hoặc ca ngợi nào của công chúng.

Chủ Tịch Hunter giải thích rằng:

“Người ta nói [về Lãnh Binh Mô Rô Ni trẻ tuổi và quả cảm] như sau:

“‘Nếu tất cả mọi người đã sống và đang sống và sẽ sống giống như Mô Rô Ni, này, quyền năng của ngục giới sẽ bị lung lay mãi mãi; phải quỷ dữ sẽ chẳng có quyền năng gì đối với trái tim con cái loài người’ (An Ma 48:17).

“Thật là một lời ca ngợi tuyệt vời dành cho một người nổi trội và mạnh mẽ. … Hai câu sau đó là lời phát biểu về Hê La Man và các anh em của ông, là những người đã đóng một vai trò không nổi trội bằng Mô Rô Ni, như sau:

“‘Giờ đây này, Hê La Man và các anh em ông cũng giúp ích dân chúng không kém gì Mô Rô Ni.’ (An Ma 48:19).”

Chủ Tịch Hunter tiếp tục: “Nói cách khác, mặc dù Hê La Man đã không được lưu tâm hoặc nổi trội như Mô Rô Ni, nhưng ông đã giúp ích không kém gì Mô Rô Ni; nghĩa là ông rất hữu ích hay hữu dụng giống như Mô Rô Ni.”4

Sau đó Chủ Tịch Hunter đã khuyên dạy tất cả chúng ta cũng trở nên hữu ích như vậy. Ông nói: “Nếu anh chị em cảm thấy rằng nhiều điều mình làm trong năm nay hoặc trong những năm tới không làm cho anh chị em trở nên nổi trội, thì hãy cứ yên lòng. Hầu hết những người tuyệt vời nhất đã từng sống đều không nổi trội. Hãy phục vụ và tăng trưởng, trung tín và lặng lẽ.”5

Trong Con Đường Bổn Phận của Họ

Tôi biết ơn hàng triệu tín hữu Giáo Hội là những người ngày nay đang đến cùng Đấng Cứu Rỗi6 và tiến bước trên con đường giao ước trong những chiếc xe kéo cuối cùng của các đoàn xe kéo thời nay của chúng ta—và những người thực sự giúp ích không kém gì. Đức tin vững mạnh của anh chị em nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô, cùng cuộc sống tận tụy, không phô trương của anh chị em đã truyền cảm hứng cho tôi để trở thành một người và môn đồ tốt hơn.

Tôi yêu thương anh chị em. Tôi khâm phục anh chị em. Tôi cảm ơn anh chị em. Và tôi ngợi khen anh chị em.

Một lời phát biểu trong Sách Mặc Môn của Sa Mu Ên người La Man tóm lược chính xác nhất những cảm nghĩ của tôi dành cho anh chị em.

“Rằng phần đông dân họ đều đi trong con đường bổn phận của họ, và họ đã bước đi một cách thận trọng trước mặt Thượng Đế, và họ cố gắng tuân giữ các lệnh truyền, các luật lệ và các mạng lệnh của Ngài. …

“Phải, tôi nói cho các người hay rằng, phần đông dân ấy đang làm như vậy, và họ đang cố gắng một cách cần mẫn không biết mệt mỏi ngõ hầu họ có thể đem phần đồng bào còn lại của mình đến sự hiểu biết lẽ thật.”7

Tôi tin rằng cụm từ “trong con đường bổn phận của họ” mô tả những anh chị em có khả năng phân biệt, là những người tìm kiếm và ngồi cạnh những người ngồi một mình trong các buổi họp của Giáo Hội và trong nhiều hoàn cảnh khác. Họ luôn luôn cố gắng “an ủi những ai cần được an ủi,”8 mà không mong đợi được công nhận hay khen ngợi.

Cụm từ “trong con đường bổn phận của họ” mô tả những người phối ngẫu và con cái mà hỗ trợ người bạn đời, người cha hay mẹ, hoặc con cái phục vụ trong một chức vụ lãnh đạo trong Giáo Hội phục hồi của Chúa. Ảnh hưởng tán trợ vững chắc, thầm lặng, và thường không được công nhận của họ có thể mang lại phước lành cho nhiều cá nhân và gia đình theo những cách mà chỉ có thể biết được trọn vẹn trong thời vĩnh cửu.

Cụm từ “trong con đường bổn phận của họ” mô tả những cá nhân từng rời bỏ Thượng Đế, đang khiêm nhường trở lại cùng Ngài một lần nữa,9 đang hối cải tội lỗi của họ, và đang tìm kiếm quyền năng thanh tẩy và chữa lành của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Việc đến cùng Đấng Ky Tô10 bằng cách trở lại con đường giao ước từ những nẻo đường tội lỗi dẫn đến “những lối cấm”11 là điều thiết yếu về mặt thuộc linh và đòi hỏi nhiều nỗ lực ngay chính. Khi tiến tới với đức tin và không mệt mỏi khi làm điều thiện, thì họ đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao trong cuộc sống cá nhân của mình,12 “trong tất cả mọi thế hệ và mãi suốt vĩnh cửu.”13

Cụm từ “trong con đường bổn phận của họ” mô tả những người ngay chính khao khát được cùng mang ách với Đấng Cứu Rỗi qua các giao ước và giáo lễ đã được phép của phúc âm Ngài—nhưng có thể họ bị ngăn cấm bởi những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của họ. Tôi hứa rằng nỗi đau khổ riêng của anh chị em sẽ được xoa dịu và sự vâng lời cũng như lòng trung tín của anh chị em để kiên nhẫn tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế sẽ được tưởng thưởng theo “kỳ định của Chúa.”14 “Sự khóc lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng.”15

Cụm từ “trong con đường bổn phận của họ” mô tả những người phiên dịch và thông dịch được soi dẫn trên khắp thế giới, là những người phục vụ Chúa bằng cách giúp bạn bè và tín hữu “nghe phúc âm trọn vẹn bằng [ngôn ngữ] của họ, và bằng tiếng của [họ].”16 Giọng nói, ngôn ngữ ký hiệu, và các tài liệu được phiên dịch của họ truyền tải các lẽ thật vĩnh cửu, tuy nhiên ít ai trong chúng ta biết tên của họ hoặc từng bày tỏ sự biết ơn. Qua ân tứ về ngôn ngữ mà họ đã được ban phước, những người phiên dịch và thông dịch phục vụ một cách cần mẫn, vô vị kỷ, và thường luôn ẩn danh để giúp mọi người nhận được ân tứ thuộc linh về đức tin qua việc đọc và lắng nghe lời của Thượng Đế.17

Cụm từ “trong con đường bổn phận của họ” mô tả những người nam và người nữ trung tín đã kết hôn mà tôn trọng trách nhiệm giao ước của họ để sinh sôi nẩy nở và làm cho đầy dẫy đất, và là những người được ban phước với sức mạnh và sức chịu đựng để vật lộn với con cái của họ trong các buổi lễ Tiệc Thánh. Trong một thế giới ngày càng hỗn loạn đầy rẫy những tai họa và ưu tiên sai lầm, những con người can đảm này không lưu tâm đến tiếng nói ca tụng sự ích kỷ của thế tục; họ tôn kính tính thiêng liêng và tầm quan trọng của sự sống trong kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài.

Nhiều cặp vợ chồng cũng vẫn tin cậy nơi Thượng Đế cho dù những ước muốn ngay chính trong lòng họ không thành hiện thực theo cách hoặc theo kỳ định mà họ đã hy vọng và mong ước. Họ “trông đợi Chúa”18 và không đòi hỏi Ngài phải đáp ứng theo kỳ định trần thế của họ. “Vì từ lúc bắt đầu có thế gian đến giờ, hỡi Thượng Đế, ngoài Ngài ra, con người đã không để tai nghe hay để mắt thấy những điều lớn lao biết bao mà Ngài đã chuẩn bị cho [những người] chờ đợi Ngài.”19

Cụm từ “trong con đường bổn phận của họ” mô tả hàng ngàn người lãnh đạo lớp ấu nhi và các giảng viên Hội Thiếu Nhi, là những người yêu thương và chỉ dẫn các trẻ em của Giáo Hội trong mỗi Ngày Sa Bát.

Hãy xem xét ảnh hưởng vĩnh cửu của sự phục vụ của các môn đồ tận tụy này—và các phước lành kỳ diệu đã được hứa với những người phục sự con trẻ.

“Đoạn, [Chúa Giê Su] bắt một đứa trẻ để ở giữa môn đồ; rồi ẵm nó trong tay, mà phán rằng:

“Hễ ai vì danh ta tiếp một đứa trong những đứa trẻ nầy, tức là tiếp ta; còn ai tiếp ta, thì chẳng phải tiếp ta, bèn là tiếp Đấng đã sai ta vậy.”20

Cụm từ “trong con đường bổn phận của họ” mô tả những người con tận tụy nhẹ nhàng chăm sóc cha mẹ già, một người mẹ thiếu ngủ đang an ủi một đứa con sợ hãi khi đứng trông nom như con “sư tử cái ở cổng” nhà mình,21 các tín hữu Giáo Hội đến sớm và về muộn để sắp xếp và gấp gọn ghế, và những cá nhân được soi dẫn để mời gia đình, bạn bè và những người cộng sự đến và xem, đến và giúp đỡ, đến và ở lại.22

Tôi chỉ mô tả một vài tấm gương được chọn ra trong số các môn đồ tuân giữ giao ước và đầy tận tụy của Chúa Giê Su Ky Tô giống như các anh chị em, là những người đang tiến bước “trong con đường bổn phận của [mình].” Hàng triệu tấm gương khác của Các Thánh Hữu Ngày Sau đã dâng “cả tâm hồn” mình23 cho Thượng Đế đều được tìm thấy trong các gia đình đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm và trong các đơn vị Giáo Hội trên khắp thế giới.

Anh chị em yêu thương và phục vụ, lắng nghe và học hỏi, chăm sóc và an ủi, giảng dạy và làm chứng nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh. Anh chị em thường xuyên nhịn ăn và cầu nguyện, và ngày càng mạnh mẽ hơn trong sự khiêm nhường, và ngày càng vững chắc hơn trong đức tin nơi Đấng Ky Tô, “đến nỗi tâm hồn [anh chị em] tràn ngập niềm hân hoan và an ủi, phải, trái tim [anh chị em] được trở nên thanh khiết và thánh hóa, mà sự thánh hóa này có được là nhờ [anh chị em] đã hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế.”24

Lời Hứa và Chứng Ngôn

Những người trên chiếc xe kéo cuối cùng, tất cả những người giúp ích không kém gì, và anh chị em là những người ngày nay đang tiến bước trong con đường bổn phận của mình đều là sức mạnh của Giáo Hội phục hồi của Đấng Cứu Rỗi. Và như Chúa đã hứa: “Tất cả các ngai vàng và quyền thống trị, vương tước và quyền năng sẽ được tiết lộ và ban cho tất cả những ai đã anh dũng chịu đựng vì phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.”25

Tôi hân hoan làm chứng rằng Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài hằng sống và những lời hứa của hai Ngài là chắc chắn, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.