Đại Hội Trung Ương
Khiêm Nhường để Chấp Nhận và Tuân Theo
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2023


Khiêm Nhường để Chấp Nhận và Tuân Theo

Khiêm nhường là yêu cầu bắt buộc để chúng ta sẵn sàng trở về với sự hiện diện của Chúa.

Trong chương thứ năm của An Ma, một câu hỏi nội tâm đã được đặt ra: “Các người có thể nói rằng, nếu trong giờ phút này, các người bị kêu gọi phải chết thì các người đã đủ khiêm nhường chưa?”1 Câu hỏi đó ngụ ý rằng khiêm nhường là yêu cầu bắt buộc để chúng ta sẵn sàng trở về với sự hiện diện của Chúa.

Tất cả chúng ta đều muốn nghĩ rằng mình đủ khiêm nhường, nhưng một số kinh nghiệm trong cuộc sống khiến chúng ta nhận ra rằng con người thiên nhiên, đầy kiêu ngạo thường vẫn tồn tại rất sâu sắc bên trong chúng ta.

Cách đây nhiều năm, khi hai đứa con gái của chúng tôi vẫn còn sống cùng trong nhà, tôi quyết định đưa vợ con mình đến tham quan trụ sở doanh nghiệp mà tôi đang phụ trách ở công ty tôi làm việc.

Tuy nhiên, mục đích thực sự của tôi là cho họ thấy một nơi, không giống như ở nhà, nơi mà tất cả mọi người sẽ làm theo những gì tôi yêu cầu mà không hề thắc mắc. Khi chúng tôi đến cổng trước, thường thì cổng sẽ tự động mở khi xe của tôi đến gần, nhưng lần này tôi rất ngạc nhiên vì nó không mở. Thay vào đó, một nhân viên bảo vệ mà tôi chưa từng gặp trong đời đã tiến đến xe và đề nghị tôi xuất trình thẻ nhân viên công ty.

Tôi nói với anh ấy rằng tôi chưa bao giờ cần phải xuất trình thẻ nhân viên để lái xe vào khuôn viên trụ sở, thế rồi tôi đã hỏi anh ấy một câu hỏi kinh điển của một người đầy kiêu ngạo: “Anh có biết là mình đang nói chuyện với ai không?”

Anh ấy đã đáp lời: “Dạ vâng, tại vì anh không xuất trình thẻ nhân viên công ty, nên làm sao tôi biết được anh là ai, và khi tôi ở cổng này, anh sẽ không được phép vào trụ sở nếu anh không xuất trình giấy tờ tùy thân phù hợp.”

Tôi đã nghĩ đến việc thử nhìn vào gương chiếu hậu để xem mấy đứa con gái có phản ứng gì về việc này không, nhưng tôi biết chắc là các mấy đứa con gái của mình đang rất tận hưởng khoảnh khắc đó! Vợ tôi ngồi ngay bên cạnh thì đang lắc đầu không đồng tình với hành vi của tôi. Giải pháp cuối cùng của tôi khi đó là xin lỗi người bảo vệ và nói rằng tôi rất biết lỗi vì đã đối xử tệ với anh ấy như vậy. “Anh được thứ lỗi,” anh ấy nói, “nhưng nếu anh không có thẻ nhân viên, thì hôm nay anh không vào được!”

Thế rồi tôi từ từ lái xe về nhà để lấy giấy tờ tùy thân, và có lẽ đã học được bài học quý giá rằng: Khi chúng ta chọn hành xử thiếu khiêm nhường, thì kết cục là chúng ta sẽ bị chê cười.

Trong sách Châm Ngôn có viết rằng: “Sự kiêu ngạo của người sẽ làm hạ người xuống; Nhưng ai có lòng khiêm nhượng sẽ được tôn vinh.”2 Để phát triển tính khiêm nhường, chúng ta phải hiểu nó thực sự có ý nghĩa gì trong bối cảnh phúc âm.

Một số người nhầm lẫn giữa khiêm nhường với những điều khác, chẳng hạn như sự nghèo khó. Nhưng thực tế có nhiều người nghèo mà kiêu ngạo, cũng có nhiều người giàu mà lại khiêm nhường. Những người rất nhút nhát hoặc có lòng tự trọng thấp có thể có vẻ ngoài khiêm nhường nhưng ẩn sâu bên trong đôi khi lại tràn đầy lòng kiêu ngạo.

Vậy thì khiêm nhường là gì? Theo sách Thuyết Giảng Phúc Âm Của Ta, thì nó là “sự sẵn sàng tuân phục theo ý muốn của Chúa. … Nó có thể được dạy. … [Nó] là một là chất xúc tác quan trọng cho sự phát triển thuộc linh.”3

Chắc chắn có rất nhiều cơ hội cho tất cả chúng ta để cải thiện thứ thuộc tính Giống Như Đấng Ky Tô này. Trước tiên, tôi muốn tìm hiểu xem chúng ta đã, hoặc nên, khiêm nhường như thế nào khi tuân theo lời khuyên dạy của vị tiên tri của chúng ta. Một bài kiểm tra nhanh cho cá nhân chúng ta có thể là:

  • Chúng ta có đề cập đến tên đầy đủ của Giáo Hội khi giao tiếp không? Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Việc loại bỏ tên của Chúa ra khỏi Giáo Hội của Chúa là một chiến thắng lớn cho Sa Tan.”4

  • Chúng ta có để Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình bằng cách chấp nhận lời mời rất cụ thể của vị tiên tri của chúng ta không? “Hôm nay tôi kêu gọi các tín hữu của chúng ta ở khắp mọi nơi phải dẫn đầu trong việc từ bỏ thái độ và hành động thành kiến.”5

  • Liệu chúng ta có đang thắng thế gian, tin cậy giáo lý của Đấng Ky Tô hơn những triết lý của loài người, như vị tiên tri của chúng ta đã dạy không?6

  • Chúng ta có trở thành người hòa giải bằng cách nói những lời tích cực với và về người khác chưa? Chủ Tịch Nelson đã dạy chúng ta tại kỳ Đại Hội Trung Ương vừa qua như sau: “Nếu có điều gì đạo đức, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt hay đáng khen mà chúng ta có thể nói về một người khác—dù nói thẳng với họ hay sau lưng họ—thì đó phải là tiêu chuẩn truyền đạt của chúng ta.”7

Đây là những chỉ dẫn đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ. Hãy nhớ rằng, tất cả những gì mà người dân Môi Se phải làm để được chữa lành là nhìn vào con rắn bằng đồng mà ông đã treo lên.8 Nhưng “vì cách thức quá giản dị, hay quá dễ dàng, nên có nhiều người đã chết.”9

Trong kỳ đại hội này, chúng ta đã và sẽ nghe được lời khuyên dạy chắc chắn từ các vị tiên tri và các sứ đồ của chúng ta. Đây là một cơ hội hoàn hảo để phát triển lòng khiêm nhường và để cho những ý kiến mạnh mẽ của chúng ta nhường chỗ cho một niềm tin chắc chắn hơn, đó là Chúa đã phán qua những vị lãnh đạo được lựa chọn này.

Hơn hết thảy, khi phát triển tính khiêm nhường, chúng ta cũng phải hiểu và chấp nhận rằng chúng ta không thể vượt qua thử thách hoặc phát huy hết tiềm năng của mình chỉ bằng nỗ lực của bản thân. Các diễn giả, nhà văn, huấn luyện viên, và người có ảnh hưởng trên khắp thế giới, đặc biệt là trên nền tảng kỹ thuật số, sẽ nói rằng mọi thứ chỉ phụ thuộc vào chúng ta và hành động của chúng ta. Thế gian tin vào cánh tay xác thịt.

Nhưng qua phúc âm được phục hồi, chúng ta biết được rằng chúng ta trông cậy rất nhiều vào lòng nhân từ của Cha Thiên Thượng và Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, “vì chúng ta biết rằng nhờ ân điển mà chúng ta được cứu rỗi, sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm.”10 Đó là lý do tại sao việc lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế là rất quan trọng, vì làm như vậy sẽ cho chúng ta khả năng tiếp cận trọn vẹn với quyền năng chữa lành, làm cho có khả năng, và làm cho hoàn thiện của Chúa Giê Su Ky Tô qua Sự Chuộc Tội của Ngài.

Việc tham dự lễ Tiệc Thánh hằng tuần và thường xuyên thờ phượng trong đền thờ để tham gia vào các giáo lễ cũng như tiếp nhận và tái lập các giao ước là một dấu hiệu rằng chúng ta nhận biết sự phụ thuộc của mình nơi Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô. Điều đó sẽ mời gọi quyền năng của hai Ngài vào cuộc sống của chúng ta để giúp chúng ta vượt qua mọi vấn đề và cuối cùng là làm tròn mục đích tạo dựng của mình.

Cách đây không lâu, mức độ khiêm nhường và hiểu biết của tôi về sự phụ thuộc vào Chúa một lần nữa lại bị thử thách. Tôi đang ngồi trên taxi ra sân bay để bắt chuyến bay ngắn đến một nơi đang xảy ra một tình huống rất khó giải quyết. Người tài xế taxi, vốn không phải là một tín hữu của Giáo Hội, đã nhìn tôi qua gương và nói: “Tôi có thể thấy hôm nay anh không được khỏe!”

“Anh có thể thấy à?” Tôi hỏi.

“Tất nhiên rồi,” anh ấy nói. Rồi anh ấy đã nói điều gì đó như, “Anh đang toát ra một bầu không khí rất tiêu cực xung quanh mình!”

Tôi đã giải thích với anh ấy rằng tôi đang gặp một tình huống khá khó giải quyết, và rồi anh ấy hỏi: “Thế anh đã làm hết mọi việc trong khả năng của mình để giải quyết vấn đề này chưa?”

Tôi trả lời rằng tôi đã làm mọi thứ có thể.

Thế rồi anh ấy đã nói một điều mà tôi không bao giờ quên được: “Vậy hãy phó việc này vào tay Thượng Đế, rồi mọi sự sẽ ổn thỏa thôi.”

Tôi thú nhận rằng tôi đã cảm thất rất muốn hỏi anh ấy: “Anh có biết là mình đang nói chuyện với ai không?” Nhưng tôi đã không làm như vậy! Điều tôi làm là hạ mình trước Chúa trong suốt chuyến bay kéo dài một giờ đó, cầu xin sự giúp đỡ thiêng liêng. Khi xuống máy bay, tôi biết được rằng tình huống khó giải quyết đó đã được giải quyết và sự có mặt của tôi thậm chí không còn cần thiết nữa.

Thưa các anh chị em, lệnh truyền, lời mời gọi, và lời hứa của Chúa thật rõ ràng và đầy an ủi: “Ngươi hãy khiêm nhường; rồi Chúa Thượng Đế của ngươi sẽ nắm tay dẫn dắt ngươi, và sẽ đáp lại những lời cầu nguyện của ngươi.”11

Cầu xin cho chúng ta khiêm nhường tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri và chấp nhận rằng chỉ có Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô mới có thể biến đổi chúng ta—qua các giáo lễ và giao ước nhận được trong Giáo Hội của Ngài—trở thành phiên bản tốt nhất của chính chúng ta trong cuộc sống này, và một ngày nào đó, làm cho chúng ta trở nên hoàn thiện trong Đấng Ky Tô. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In