Thượng Đế Biết và Yêu Thương Anh Chị Em
Trọng tâm trong kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế chính là anh chị em. Anh chị em là con cái quý báu của Ngài và có giá trị lớn lao.
Sáu năm trước, vào một buổi tối nọ, gia đình chúng tôi đang lái xe ngay bên ngoài thành phố Oxford. Như một thường lệ khi đi cùng trẻ nhỏ, chúng tôi dừng lại tại một trạm xăng có nhiều cửa hàng và quán ăn xung quanh. Chúng tôi đổ đầy xăng, ghé vào các cửa hàng rồi quay trở lại xe, và tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Mười lăm phút sau, con trai cả của chúng tôi hỏi một câu hỏi đáng để lưu tâm: “Em Jasper đâu rồi ạ?” Bé Jasper ngồi một mình ở hàng ghế sau. Chúng tôi cho rằng nó đã ngủ quên hoặc đang lẩn trốn trong xe hoặc đang bày trò để trêu chúng tôi.
Khi anh trai của Jasper kiểm tra phía sau xe kỹ hơn, chúng tôi phát hiện ra đứa con trai năm tuổi của chúng tôi không có ở đó. Lòng chúng tôi sợ hãi tột cùng. Trên đường quay trở lại trạm dịch vụ, chúng tôi cầu xin Cha Thiên Thượng rằng Jasper sẽ được an toàn. Chúng tôi đã gọi cảnh sát và thông báo cho họ về chuyện đã xảy ra.
Hơn 40 phút sau, khi chúng tôi vội vã quay về đến nơi, chúng tôi thấy hai chiếc xe cảnh sát đang đậu trong bãi đỗ xe với đèn hiệu nhấp nháy. Jasper đang ngồi trong một chiếc xe cảnh sát và đang chơi đùa với các nút bấm. Tôi sẽ chẳng thể nào quên được niềm vui mà chúng tôi cảm nhận được khi được đoàn tụ với con trai mình.
Nhiều lời giảng dạy dựa trên câu chuyện ngụ ngôn của Đấng Cứu Rỗi tập trung vào việc quy tụ, khôi phục hoặc cố gắng tìm kiếm những thứ đã bị tản lạc hoặc hư mất. Một trong số đó là các câu chuyện ngụ ngôn về con chiên đi lạc, đồng bạc bị mất và đứa con trai hoang phí.1
Sự cố xảy ra với Jasper vẫn mãi lởn vởn trong tâm trí tôi trong suốt nhiều năm ròng, và tôi đã suy ngẫm về danh tính thiêng liêng và tầm quan trọng của các con cái của Thượng Đế, quyền năng cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô, và tình yêu thương toàn hảo của Cha Thiên Thượng, là Đấng biết rõ anh chị em và tôi. Tôi hy vọng hôm nay tôi có thể làm chứng về những lẽ thật này.
I. Con Cái của Thượng Đế
Cuộc sống đầy rẫy thử thách. Nhiều người cảm thấy choáng ngợp, cô đơn, bị cô lập hoặc kiệt sức. Khi cuộc sống trở nên khó khăn, chúng ta có thể cảm thấy bản thân đang lạc lối hoặc bị bỏ lại phía sau. Việc biết rằng tất cả chúng ta đều là con cái của Thượng Đế và là một phần trong gia đình vĩnh cửu của Ngài sẽ khôi phục lại cảm giác được thuộc về và mục đích của chúng ta.2
Chủ Tịch M. Russell Ballard từng chia sẻ: “Có một danh tính quan trọng mà tất cả chúng ta đều có chung với nhau trong hiện tại và mãi mãi về sau. … Đó là anh chị em đã và sẽ luôn là một người con trai hay con gái của Thượng Đế. … Việc hiểu được lẽ thật này—thực sự hiểu nó và chấp nhận nó—làm thay đổi cuộc sống.”3
Đừng hiểu lầm hoặc hạ thấp tầm quan trọng của anh chị em đối với Cha Thiên Thượng. Anh chị em không phải là một sản phẩm lỗi của tạo hóa, một đứa trẻ mồ côi trong vũ trụ hay là kết quả của sự kết hợp giữa vật chất, thời gian và cơ hội. Nếu ở đâu có thiết kế thì ở đó ắt phải có một nhà thiết kế.
Cuộc sống của anh chị em có ý nghĩa và mục đích. Sự Phục Hồi phúc âm liên tục của Chúa Giê Su Ky Tô mang lại ánh sáng và sự hiểu biết về danh tính thiêng liêng của anh chị em. Anh chị em là một người con yêu dấu của Cha Thiên Thượng. Anh chị em chính là chủ thể được nhắc đến trong tất cả những câu chuyện ngụ ngôn và lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Thượng Đế yêu thương anh chị em nhiều đến nỗi Ngài đã gửi Vị Nam Tử của Ngài đến để chữa lành, giải thoát và cứu chuộc anh chị em.4
Chúa Giê Su Ky Tô công nhận thiên tính và giá trị vĩnh cửu của mỗi người.5 Ngài giải thích rằng hai lệnh truyền lớn bao gồm yêu mến Thượng Đế và yêu mến người lân cận là nền tảng của tất cả các lệnh truyền đến từ Thượng Đế.6 Một trong những trách nhiệm thiêng liêng của chúng ta là chăm sóc những người hoạn nạn.7 Đó là lý do tại sao với tư cách là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta “mang gánh nặng lẫn cho nhau, … than khóc với những ai than khóc …, và an ủi những ai cần được an ủi.”8
Tôn giáo không chỉ là về mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế mà thôi; nó cũng là về mối quan hệ giữa chúng ta với nhau. Anh Cả Jeffrey R. Holland giải thích rằng từ tôn giáo trong tiếng Anh bắt nguồn từ chữ religare trong tiếng La Tinh, có nghĩa là “buộc” hoặc dịch theo nghĩa đen có nghĩa là “buộc lại một lần nữa.” Vì vậy, “tôn giáo chân chính [là] sợi dây ràng buộc chúng ta với Thượng Đế và với nhau.”9
Cách chúng ta đối xử với nhau thực sự quan trọng. Chủ Tịch Russell M. Nelson dạy rằng: “Sứ điệp của Đấng Cứu Rỗi rất rõ ràng: Các môn đồ chân chính của Ngài xây dựng, nâng đỡ, khuyến khích, thuyết phục và truyền cảm hứng.”10 Điều này càng quan trọng hơn khi những người bạn đồng hành của chúng ta cảm thấy lạc lõng, cô đơn, bị lãng quên hoặc bị loại bỏ.
Chúng ta không cần phải nhìn đâu xa để tìm thấy những người đang gặp khó khăn. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc giúp đỡ một thành viên nào đó trong gia đình, giáo đoàn hoặc cộng đồng địa phương của mình. Chúng ta cũng có thể tìm cách xoa dịu nỗi đau của 700 triệu người đang sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực11 hoặc 100 triệu người bị buộc phải di dời bởi sự đàn áp, xung đột và bạo lực dựa trên danh tính.12 Chúa Giê Su Ky Tô là tấm gương hoàn hảo trong việc chăm sóc những người hoạn nạn—người đói khát, người xa lạ, người bệnh tật, người nghèo, người chịu cảnh tù đày. Công việc của Ngài là công việc của chúng ta.
Anh Cả Gerrit W. Gong giảng dạy rằng “chúng ta thường cần có nhau để tìm ra con đường đến với Thượng Đế.”13 Vì vậy, các tiểu giáo khu của chúng ta phải là nơi dung thân cho tất cả con cái của Thượng Đế. Chúng ta đang đi nhà thờ một cách thụ động hay đang tích cực thành lập các cộng đồng với mục đích thờ phượng, tưởng nhớ Đấng Ky Tô cũng như phục vụ lẫn nhau?14 Chúng ta có thể lưu tâm đến lời khuyên dạy của Chủ Tịch Nelson để phán xét ít hơn, yêu thương nhiều hơn và lan tỏa tình yêu thương thanh khiết của Chúa Giê Su Ky Tô thông qua lời nói và hành động của chúng ta.15
II. Quyền Năng Cứu Chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô
Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là sự biểu hiện tột bậc về tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài.16 Từ chuộc tội mô tả sự “mang trở lại” những người đã bị tách rời hoặc chia cách.
Sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi là mang đến cho chúng ta một con đường để trở về với Cha Thiên Thượng cũng như sự trợ giúp trong cuộc hành trình trên con đường đó. Đấng Cứu Rỗi biết cách hỗ trợ chúng ta vượt qua những thử thách trong cuộc sống nhờ vào kinh nghiệm của Ngài.17 Anh chị em hãy ghi nhớ thật kỹ: Đấng Ky Tô là Đấng giải thoát và Đấng chữa lành cho tâm hồn chúng ta.
Khi chúng ta thực hành đức tin, Ngài giúp chúng ta tiến bước, vượt qua những khó khăn. Ngài tiếp tục đưa ra lời mời gọi đầy nhân từ và thương xót:
“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.
“Hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; … thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.”18
Cái ách là một hình ảnh ẩn dụ tuyệt vời. Như Chủ Tịch Howard W. Hunter đã giải thích: “Ách là một dụng cụ … cho phép liên kết và kết hợp ‘sức mạnh’ của con vật thứ hai với nỗ lực của một con vật đơn lẻ, để chia sẻ và giảm bớt sự nặng nhọc của [nhiệm vụ cần phải hoàn thành]. Một gánh nặng quá sức hoặc không thể chịu đựng nổi đối với một người có thể được mang lấy một cách đồng đều và thoải mái bởi cả hai người, khi được ràng buộc với nhau bằng một ách chung.”19
Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Anh chị em đến cùng Đấng Ky Tô để được mang ách cùng với Ngài và với quyền năng của Ngài, để anh chị em không phải một mình mang gánh nặng của cuộc đời. Anh chị em đang kéo ách của cuộc đời cùng với Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian.”20
Làm thế nào chúng ta mang lấy ách hoặc ràng buộc bản thân với Đấng Cứu Rỗi? Anh Cả David A. Bednar giải thích rằng:
“Việc lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng kết hợp chúng ta với Chúa Giê Su Ky Tô. Về cơ bản, Đấng Cứu Rỗi đang mời gọi chúng ta phải dựa vào Ngài và cùng kéo với Ngài. …
“Chúng ta không đơn độc một mình và chúng ta cũng không bao giờ cần phải đơn độc một mình.”21
Đối với bất cứ anh chị em nào đang cảm thấy nặng gánh, lạc lõng, bối rối: Anh chị em không cần phải chịu đựng một mình.22 Nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô và các giáo lễ của Ngài, anh chị em có thể được mang lấy ách hoặc ràng buộc với Ngài. Ngài sẽ sẵn lòng ban sức mạnh và sự chữa lành mà anh chị em cần để đối mặt với cuộc hành trình gian nan phía trước. Ngài luôn là nơi dung thân cho chúng ta khỏi những cơn bão.23
III. Tình Yêu Thương của Cha Thiên Thượng
Tôi xin bật mí một chút, bé Jasper rất hóm hỉnh, sống tình cảm, thông minh và ngỗ ngược. Nhưng điểm then chốt trong câu chuyện nằm ở việc cậu bé là con của tôi. Jasper là con trai của tôi và tình yêu thương mà tôi dành cho cậu bé vượt xa những gì cậu bé từng biết. Nếu một người cha trần thế không hoàn hảo cảm thấy như vậy về con mình, thì anh chị em có thể tưởng tượng được người Cha Thiên Thượng hoàn hảo, vinh hiển và đầy tình yêu thương cảm thấy thế nào về anh chị em không?
Đối với những người bạn thân yêu của tôi thuộc thế hệ đang vươn lên, Thế hệ Z và Thế hệ Alpha: Xin hãy biết rằng đức tin đòi hỏi việc làm.24 Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà nhiều người chỉ “nhìn thấy mới tin.” Đức tin có thể đầy thử thách và đòi hỏi phải đưa ra sự lựa chọn. Nhưng những lời cầu nguyện sẽ được đáp ứng.25 Và những câu trả lời có thể được cảm nhận thấy.26 Một số điều chân thực nhất trong cuộc sống lại không thể nhìn thấy được; mà chúng cần được cảm nhận, biết đến và trải nghiệm. Cũng giống như vậy, hai Ngài cũng có thật.
Chúa Giê Su Ky Tô muốn anh chị em biết và thiết lập mối quan hệ với Cha Thiên Thượng.27 Ngài dạy rằng: “Có ai trong số các người có một đứa con trai và nó [đang] đứng ở ngoài và [thưa]: Cha ơi, xin mở cửa nhà cho con vô đặng ăn cơm với cha, [mà] không nói: Hãy vào đi con, vì những gì của cha là của con, và những gì của con là của cha?”28 Anh chị em có thể nghĩ ra một hình ảnh thân thuộc, đầy tình yêu thương hơn về Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu hay không?
Anh chị em là con cái của Ngài. Nếu anh chị em cảm thấy lạc lõng, nếu anh chị em có thắc mắc hoặc kém khôn ngoan, nếu anh chị em đang vật lộn với hoàn cảnh của mình hoặc vật lộn trong sự xung đột thuộc linh, hãy hướng về Ngài. Hãy cầu nguyện lên Ngài để được an ủi, yêu thương, để có câu trả lời và sự hướng dẫn. Bất kể nhu cầu của anh chị em là gì và bất kể anh chị em đang ở đâu, hãy trút lòng mình với Cha Thiên Thượng. Một vài anh chị em có thể muốn làm theo lời mời của Chủ Tịch Nelson để “cầu xin Ngài nói cho anh chị em biết là Ngài có thực sự hiện diện ở đó không—xem Ngài có biết anh chị em không. Hãy hỏi Ngài xem Ngài cảm thấy như thế nào về anh chị em. Và rồi lắng nghe.”29
Anh chị em thân mến:
-
Hãy biết Cha Thiên Thượng của mình. Ngài là Đấng toàn hảo và đầy tình yêu thương.
-
Hãy biết Chúa Giê Su Ky Tô là ai.30 Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Hãy ràng buộc bản thân và những người mà anh chị em yêu quý với Ngài.
-
Và anh chị em hãy biết mình là ai. Hãy biết danh tính thiêng liêng của anh chị em. Trọng tâm trong kế hoạch hạnh phúc của Thượng Đế chính là anh chị em. Anh chị em là con cái quý báu của Ngài và có giá trị lớn lao. Ngài biết và yêu thương anh chị em.
Tôi làm chứng về những lẽ thật đơn giản nhưng mang tính nền tảng này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.