Đại Hội Trung Ương
Yêu Kẻ Lân Cận
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2023


10:43

Yêu Kẻ Lân Cận

Lòng thương xót là một thuộc tính của Đấng Ky Tô. Lòng thương xót là kết quả của tình yêu thương dành cho người khác và không có giới hạn.

Vào buổi sáng này, tôi mời các anh chị em cùng tôi tham gia vào chuyến hành trình đến Châu Phi. Anh chị em sẽ không nhìn thấy bất kỳ con sư tử, ngựa vằn hay con voi nào, nhưng có lẽ, vào cuối cuộc hành trình, anh chị em sẽ thấy được cách mà hàng ngàn tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đang đáp lại giáo lệnh lớn thứ hai của Đấng Ky Tô là phải “yêu kẻ lân cận” (Mác 12:31).

Hãy tưởng tượng trong giây lát về vùng nông thôn, đất đỏ của Châu Phi. Anh chị em nhận ra rằng đã bao năm qua, chưa có cơn mưa nào đáng kể khi nhìn từ mặt đất nứt nẻ và cằn cỗi này. Vài con gia súc ít ỏi băng qua lối đi của anh chị em thì gầy trơ xương và bị lùa đi bởi một người Karamojong, trên người chỉ quấn một tấm chăn, cùng đôi dép dưới chân, đang lê bước với hy vọng tìm thấy cỏ và nước.

Khi đi tiếp trên con đường gồ ghề đầy sỏi đá, anh chị em trông thấy nhiều nhóm trẻ em xinh xắn và tự hỏi tại sao chúng không đến trường. Bọn trẻ mỉm cười và vẫy tay, còn anh chị em vẫy tay đáp lại bằng nụ cười trong nước mắt. Chín mươi hai phần trăm những đứa trẻ ở lứa tuổi nhỏ nhất mà anh chị em gặp trên hành trình này đang sống trong cảnh nghèo đói, khiến lòng anh chị em rên rỉ vì xót xa.

Phía trước, anh chị em thấy một người mẹ đang đội một thùng nước 5 galông (19 lít) được cân bằng cẩn thận trên đầu và một thùng khác trên tay. Cô đại diện cho một trong mỗi hai hộ gia đình ở khu vực này, nơi mà phụ nữ, cả già lẫn trẻ, đi bộ hơn 30 phút mỗi chiều, mỗi ngày, để mang nước về cho gia đình họ. Anh chị em bỗng thấy lòng mình thắt lại.

Người phụ nữ Châu Phi đang mang nước.

Hai giờ trôi qua và anh chị em đến một nơi vắng vẻ, râm mát. Nơi gặp gỡ không phải là hội trường hay thậm chí là lều bạt mà là dưới bóng râm của một vài gốc đại thụ. Ở nơi này, anh chị em nhận thấy không có nước sinh hoạt, không có điện, không có nhà vệ sinh xả nước. Anh chị em nhìn xung quanh và biết mình đang ở giữa những người yêu mến Chúa và ngay lập tức anh chị em cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho họ. Họ tụ họp lại để nhận được sự giúp đỡ và hy vọng, còn anh chị em đã đến để chia sẻ điều đó.

Đó là cuộc hành trình của Chị Ardern và tôi, đồng hành với Chị Camille Johnson, Chủ Tịch Trung Ương Hội Phụ Nữ và chồng chị là Doug, cùng Chị Sharon Eubank, giám đốc Dịch Vụ Nhân Đạo của Giáo Hội, khi chúng tôi đi đến Uganda, một đất nước có 47 triệu dân tại Giáo Vùng Trung Phi của Giáo Hội. Vào ngày hôm đó, dưới bóng cây, chúng tôi đến thăm một dự án y tế cộng đồng được đồng tài trợ bởi Dịch Vụ Nhân Đạo của Giáo Hội, UNICEF và Bộ Y Tế của chính phủ Uganda. Đây là những tổ chức đáng tin cậy, được lựa chọn cẩn thận để đảm bảo quỹ nhân đạo quyên góp của các tín hữu Giáo Hội được sử dụng một cách thận trọng.

Em bé người Châu Phi đang nhận sự chăm sóc.

Dù đau lòng khi nhìn thấy những đứa trẻ suy dinh dưỡng cùng những ảnh hưởng của bệnh lao, sốt rét và tiêu chảy liên miên, mỗi người chúng tôi lại càng thêm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho những người chúng tôi gặp.

Người mẹ đang đút cho con mình ăn.

Niềm hy vọng đó một phần đến từ tấm lòng hảo tâm của các tín hữu Giáo Hội từ khắp nơi trên thế giới, những người đã đóng góp thời gian và tiền bạc cho nỗ lực nhân đạo của Giáo Hội. Khi nhìn thấy những người bệnh hoạn và đau khổ được giúp đỡ và nâng đỡ, tôi cúi đầu tạ ơn. Vào lúc đó, tôi hiểu rõ hơn ý nghĩa trong lời của Vua của các vua đã nói:

“Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi … :

“Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta” (Ma Thi Ơ 25:34–35).

Lời khẩn nài của Đấng Cứu Rỗi là “sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma Thi Ơ 5:16; xin xem thêm các câu 14–15). Ở nơi xa xôi đó trên trái đất, những việc làm tốt lành của anh chị em đã giúp cải thiện cuộc sống và giảm bớt gánh nặng cho một dân tộc đang gặp khó khăn tuyệt vọng, và vinh danh Thượng Đế.

Vào ngày nóng bức và bụi bặm đó, tôi ước gì anh chị em có thể nghe được lời cầu nguyện ngợi khen và tạ ơn Thượng Đế của họ. Họ muốn tôi nói với anh chị em bằng tiếng Karamojong bản địa của họ, “Alakara.” Xin cảm ơn.

Cuộc hành trình của chúng tôi làm tôi nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn về Người Sa Ma Ri nhân lành, cuộc hành trình của ông đã đưa ông đi trên một con đường bụi bặm, không khác gì con đường tôi đã mô tả, một con đường đi từ Giê Ru Sa Lem đến Giê Ri Cô. Người Sa Ma Ri phục sự này dạy chúng ta biết “yêu kẻ lân cận” có ý nghĩa như thế nào.

Ông ấy thấy “có một người … lâm vào kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết” (Lu Ca 10:30). Người Sa Ma Ri đó “thì động lòng thương” (Lu Ca 10:33).

Lòng thương xót là một thuộc tính của Đấng Ky Tô. Lòng thương xót là kết quả của tình yêu thương dành cho người khác và không có giới hạn. Chúa Giê Su, Đấng Cứu Rỗi của thế gian, là mẫu mực của lòng thương xót. Khi chúng ta đọc “Đức Chúa Giê Su khóc” (Giăng 11:35), chúng ta là những nhân chứng, cũng như Ma Ri và Ma Thê, về lòng thương xót của Ngài, điều đã khiến Ngài trước tiên phải đau lòng cảm động (xin xem Giăng 11:33). Một ví dụ trong Sách Mặc Môn về lòng trắc ẩn của Đấng Ky Tô, Chúa Giê Su đã hiện đến cùng đám đông và phán:

“Trong các ngươi có ai què, đui, câm, điếc … hay bại xuội, hoặc bị đau đớn vì nguyên do nào khác không? Hãy đem họ lại đây, ta sẽ chữa lành cho họ, vì ta hết sức thương hại các ngươi. …

“… Rồi Ngài đã chữa lành cho tất cả mọi người” (3 Nê Phi 17:7, 9).

Mặc cho mọi nỗ lực của chúng ta, anh chị em và tôi sẽ không thể chữa lành vết thương cho tất cả mọi người nhưng mỗi chúng ta có thể là người tạo ra sự khác biệt tốt đẹp trong cuộc sống của một ai đó. Chỉ một cậu bé bình thường dâng lên năm chiếc bánh và hai con cá mà đủ để cho năm ngàn người ăn. Chúng ta có thể nghi ngờ về nỗ lực của mình, như môn đồ Anh Rê đã hỏi về bánh và cá: “Đông người dường nầy, thì ngần ấy có thấm vào đâu?” (Giăng 6:9). Tôi đảm bảo với anh chị em rằng: chỉ cần cho đi hoặc làm những gì anh chị em có thể là đủ rồi, và sau đó để cho Đấng Ky Tô làm vinh hiển nỗ lực của anh chị em.

Về điểm này, Anh Cả Jeffrey R. Holland mời chúng ta, “dù giàu hay nghèo, … hãy ‘làm điều chúng ta có thể làm’ khi những người khác đang hoạn nạn.” Rồi ông làm chứng, như tôi, rằng Thượng Đế “sẽ giúp đỡ và hướng dẫn các anh chị em trong các hành động trắc ẩn của người môn đồ [của anh chị em]” (“Chẳng Phải Chúng Ta Toàn Là Những Kẻ Hành Khất Cả Hay Sao?Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 41).

Ở vùng đất xa xôi đó, vào ngày không thể nào quên đó, tôi đã đứng lên ở đó và ngay trong lúc này để làm nhân chứng cho lòng trắc ẩn đầy soi dẫn và làm thay đổi cuộc sống của các tín hữu của Giáo Hội, cả người giàu lẫn người nghèo.

Câu chuyện ngụ ngôn về Người Sa Ma Ri nhân lành tiếp tục khi ông “áp lại … chỗ bị thương [của người đó] … mà săn sóc cho” (Lu Ca 10:34). Những nỗ lực trong hoạt động nhân đạo của Giáo Hội cho thấy chúng ta nhanh chóng ứng phó với các thảm họa thiên nhiên và chữa lành những vết thương ngày càng lan rộng của thế giới như bệnh tật, nạn đói, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh, suy dinh dưỡng, sự tị nạn và những vết thương thường không được nhận thấy như sự chán nản, thất vọng và tuyệt vọng.

Người Sa Ma Ri này sau đó “lấy hai đơ ni ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy” (Lu Ca 10:35). Với tư cách là một giáo hội, chúng tôi rất biết ơn khi được cộng tác với các “chủ quán trọ” khác hoặc các tổ chức như Catholic Relief Services (Dịch Vụ Cứu Trợ Thiên Chúa Giáo), UNICEF và Red Cross/Red Crescent (Hội Chữ Thập Đỏ/Hội Lưỡi Liềm Đỏ) để hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo của chúng tôi. Chúng tôi cũng rất biết ơn vì “hai đơ ni ê” hoặc hai euro, hai peso hoặc hai shilling của các anh chị em đang giảm bớt gánh nặng mà quá nhiều người trên thế giới đang phải gánh chịu. Thật khó có thể biết được những ai sẽ nhận được sự viện trợ về thời gian và tiền bạc của anh chị em, nhưng lòng thương xót không đòi hỏi chúng ta phải biết họ mà chỉ đòi hỏi chúng ta yêu thương họ.

Cảm ơn Chủ Tịch Russell M. Nelson vì đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Khi chúng ta hết lòng yêu mến Thượng Đế, thì Ngài sẽ xoay đổi lòng chúng ta đến sự an lạc của người khác” (“Giáo Lệnh Lớn Thứ Hai,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 97). Tôi làm chứng rằng mỗi người chúng ta sẽ được gia tăng về niềm vui, sự bình an, lòng khiêm nhường và tình yêu thương khi chúng ta đáp lại lời kêu gọi của Chủ Tịch Nelson rằng hãy hướng lòng chúng ta đến sự an lạc của người khác và đến lời khẩn cầu của Joseph Smith để “cho kẻ đói ăn, cho quần áo người thiếu mặc, cung cấp cho người góa bụa, lau khô nước mắt của kẻ mồ côi, [và] an ủi người khổ sở, cho dù trong giáo hội này, hoặc trong bất cứ giáo hội nào khác, hay không ở trong giáo hội nào cả, bất cứ nơi nào mà [chúng ta tìm thấy] họ” (“Editor’s Reply to a Letter from Richard Savary,” Times and Seasons, ngày 15 tháng Ba năm 1842, trang 732).

Anh Cả Ardern và Chủ Tịch Camille N. Johnson cùng với trẻ em Châu Phi.

Suốt những tháng trước đây, chúng tôi đã tìm thấy những người đói khát và đau khổ trên một vùng đồng bằng khô cằn và bụi bặm và là nhân chứng cho ánh mắt cầu xin sự giúp đỡ của họ. Theo cách riêng của mình, chúng tôi đau lòng cảm động (xin xem Giăng 11:33), tuy nhiên những cảm nghĩ đó đã được xoa dịu khi chúng tôi thấy lòng thương xót của các tín hữu Giáo Hội đã giúp người đói được cho ăn, người góa bụa được chu cấp, và người đau khổ được an ủi và nước mắt của họ đã được lau khô.

Cầu xin cho chúng ta luôn quan tâm đến sự an lạc của người khác và thể hiện bằng lời nói cũng như hành động rằng chúng ta “sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau” (Mô Si A 18:8), để “chữa lành cho những kẻ đau khổ” (Giáo Lý và Giao Ước 138:42), và tuân giữ giáo lệnh lớn thứ hai của Đấng Ky Tô là “yêu kẻ lân cận” (Mác 12:31). Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.