Các Bài Học Thiêng Liêng về Cách Nuôi Dạy Con Cái
Cha mẹ kết hợp với Cha Thiên Thượng để hướng dẫn con cái yêu quý của họ trở lại thiên thượng.
Các anh chị em đã bao giờ ẵm một đứa bé sơ sinh trên tay chưa? Có một ánh sáng tỏa ra từ mỗi đứa trẻ sơ sinh, mang đến một sự kết nối yêu thương đặc biệt mà có thể khiến trái tim cha mẹ của chúng tràn ngập niềm vui.1 Một nhà văn người Mexico đã viết: “Tôi đã biết được rằng khi một đứa bé sơ sinh lần đầu tiên nắm chặt ngón tay của cha mình với bàn tay bé nhỏ, nó đã nắm giữ được trái tim của ông ấy mãi mãi.”2
Việc làm cha mẹ mang đến cho chúng ta một trong những kinh nghiệm phi thường nhất của cuộc sống. Cha mẹ kết hợp với Cha Thiên Thượng để hướng dẫn con cái yêu quý của họ trở lại thiên thượng.3 Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một số bài học về cách nuôi dạy con cái được tìm thấy trong thánh thư và được các vị tiên tri tại thế giảng dạy để giúp chúng ta truyền lại ảnh hưởng tích cực cho con cái của mình.
Vươn Lên Một Tầm Cao Mới của Văn Hóa Phúc Âm
Chúng ta cần phải cùng với gia đình mình vươn lên một tầm cao mới của văn hóa phúc âm. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã tuyên bố: “Gia đình xứng đáng nhận được sự hướng dẫn từ thiên thượng. Cha mẹ không thể khuyên dạy con cái một cách thỏa đáng từ kinh nghiệm cá nhân, nỗi sợ hãi, hoặc sự cảm thông.”4
Mặc dù nền tảng văn hóa, cách nuôi dạy con cái, và kinh nghiệm cá nhân của chúng ta có thể có giá trị đối với việc nuôi dạy con cái, nhưng những khả năng này không đủ để giúp con cái chúng ta trở lại thiên thượng. Chúng ta cần vươn tới một “tập hợp các giá trị và … lối thực hành” cao hơn,5 một văn hóa có cả tình yêu thương lẫn những kỳ vọng, nơi mà chúng ta tương tác với con cái của mình “theo một cách thức cao cả hơn, thánh thiện hơn.”6 Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã mô tả văn hóa phúc âm là “một lối sống đặc biệt … một tập hợp các giá trị và kỳ vọng cùng lối thực hành … Văn hóa phúc âm này xuất phát từ kế hoạch cứu rỗi, các giáo lệnh của Thượng Đế, và những lời giảng dạy của … các vị tiên tri tại thế. Nó hướng dẫn chúng ta trong cách chúng ta nuôi dạy gia đình và sống cuộc sống cá nhân của mình.”7
Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm của văn hóa phúc âm này. Việc áp dụng văn hóa phúc âm trong gia đình của chúng ta là điều thiết yếu để tạo ra một môi trường màu mỡ cho hạt giống của đức tin có thể phát triển mạnh mẽ. Để vươn lên một tầm cao mới, Chủ Tịch Oaks đã mời gọi chúng ta “hãy từ bỏ bất kỳ truyền thống cá nhân hay truyền thống gia đình hoặc lối thực hành nào trái ngược với những lời giảng dạy của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.”8 Thưa các bậc cha mẹ, sự dè dặt của chúng ta trong việc thiết lập văn hóa phúc âm có thể cho phép kẻ nghịch thù có một chỗ đứng trong nhà của chúng ta hoặc, thậm chí tệ hơn nữa, là trong tấm lòng của con cái chúng ta.
Khi chúng ta chọn biến văn hóa phúc âm thành văn hóa chủ đạo trong gia đình mình, thì nhờ ảnh hưởng mạnh mẽ của Đức Thánh Linh9 mà cách nuôi dạy con cái, truyền thống và lối thực hành hiện tại của chúng ta sẽ được sàng lọc, điều chỉnh, cải tiến, và nâng cao.
Biến Gia Đình thành Trung Tâm Học Hỏi Phúc Âm
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng gia đình cần phải là “trung tâm học hỏi phúc âm.”10 Mục đích của việc học hỏi phúc âm là “làm cho sự cải đạo của chúng ta theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô được sâu sắc hơn và giúp chúng ta trở nên giống hai Ngài hơn.”11 Chúng ta hãy xem xét ba trách nhiệm quan trọng trong việc nuôi dạy con cái được các vị tiên tri và sứ đồ mô tả mà có thể giúp chúng ta tạo ra một văn hóa phúc âm cao hơn trong gia đình của mình.
Thứ Nhất: Giảng Dạy Một Cách Rộng Rãi
Cha Thiên Thượng giảng dạy cho A Đam về Chúa Giê Su Ky Tô và giáo lý của Ngài. Ngài dạy A Đam “phải giảng dạy rộng rãi những điều này cho con cái của [ông].”12 Nói cách khác, Cha Thiên Thượng đã yêu cầu A Đam giảng dạy những điều này một cách dồi dào, rộng rãi, và không dè dặt.13 Thánh thư cho chúng ta biết rằng “A Đam và Ê Va chúc phước danh của Thượng Đế, và họ bày tỏ tất cả mọi điều cho các con trai và các con gái của họ biết.”14
Chúng ta giảng dạy con cái mình một cách rộng rãi khi chúng ta dành thời gian đầy ý nghĩa với chúng. Chúng ta giảng dạy không dè dặt khi thảo luận các đề tài nhạy cảm chẳng hạn như thời gian sử dụng thiết bị điện tử, bằng cách sử dụng các nguồn tài liệu mà Giáo Hội đã đưa ra.15 Chúng ta giảng dạy một cách dồi dào khi chúng ta học thánh thư với con cái của mình bằng cách sử dụng tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta và để cho Thánh Linh giảng dạy.
Thứ Hai: Làm Môn Đồ Mẫu Mực
Trong sách Giăng, chúng ta đọc được rằng khi một số người Do Thái chất vấn Đấng Cứu Rỗi về hành vi của Ngài, Chúa Giê Su đã hướng sự chú ý đến hình mẫu của Ngài, tức là Cha Ngài. Ngài dạy: “Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm; vì mọi điều Cha làm, Con cũng làm y như vậy.”16 Là cha mẹ, chúng ta cần phải làm gương về điều gì cho con cái của mình? Chính là vai trò môn đồ.
Là cha mẹ, chúng ta có thể giảng dạy về tầm quan trọng của việc đặt Thượng Đế lên trên hết khi thảo luận giáo lệnh đầu tiên, nhưng chúng ta làm gương về điều đó khi mỗi tuần, chúng ta gạt bỏ những điều xao lãng của thế gian và giữ ngày Sa Bát được thánh. Chúng ta có thể giảng dạy về tầm quan trọng của các giao ước đền thờ khi chúng ta nói về giáo lý hôn nhân thượng thiên, nhưng chúng ta làm gương về giáo lý đó khi chúng ta tôn trọng các giao ước của mình, đối xử tôn trọng với người phối ngẫu của mình.
Thứ Ba: Mời Gọi Hành Động
Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô phải là cốt lõi trong chứng ngôn của con cái chúng ta, và những chứng ngôn này phải đến với mỗi đứa trẻ qua sự mặc khải cá nhân.17 Để hỗ trợ con cái chúng ta trong việc xây đắp chứng ngôn của chúng, chúng ta khuyến khích chúng sử dụng quyền tự quyết của chúng để chọn điều đúng18 và chuẩn bị cho chúng đi trên con đường giao ước của Thượng Đế suốt cuộc đời.19
Chúng ta hãy khuyến khích mỗi người con của mình chấp nhận lời mời của Chủ Tịch Nelson để tự chịu trách nhiệm cho chứng ngôn của chúng về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài—cố gắng đạt được chứng ngôn đó, vun đắp cho chứng ngôn phát triển, nuôi dưỡng chứng ngôn với lẽ thật, và không làm ô uế chứng ngôn bằng triết lý sai lạc của những người không tin.20
Nuôi Dạy Con Cái Một Cách Ngay Chính, Có Chủ Ý
Ý định thiêng liêng của Cha Thiên Thượng trên cương vị một người cha đã được cho biết trong một điều mặc khải được ban cho Môi Se: “Vì này, đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”21 Chủ Tịch Nelson đã nói thêm: “Thượng Đế sẽ làm mọi điều Ngài có thể để giúp các [anh chị] em không bỏ lỡ các phước lành lớn lao nhất trong suốt vĩnh cửu.”22
Là cha mẹ, chúng ta là những người đại diện cho Thượng Đế trong việc chăm sóc con cái của mình.23 Chúng ta cần làm mọi điều có thể để tạo ra một môi trường cho con cái của chúng ta có thể cảm nhận được ảnh hưởng thiêng liêng của Ngài.
Cha Thiên Thượng không bao giờ có chủ ý để cho chúng ta, là cha mẹ mà lại ngồi ngoài sân cỏ như là các khán giả, thụ động quan sát cuộc sống thuộc linh của con cái mình. Tôi xin minh họa ý kiến nuôi dạy con cái một cách có chủ ý qua kinh nghiệm cá nhân của mình. Khi tôi tham dự Hội Thiếu Nhi trong một chi nhánh nhỏ ở Guatemala, cha mẹ tôi bắt đầu dạy tôi về giá trị của các phước lành tộc trưởng. Mẹ tôi dành thời gian để chia sẻ kinh nghiệm của bà khi tiếp nhận phước lành tộc trưởng quý báu. Bà đã dạy cho tôi giáo lý liên quan đến các phước lành tộc trưởng, và bà đã làm chứng về các phước lành đã được hứa. Cách nuôi dạy con cái một cách có chủ ý của bà đã truyền cảm hứng cho tôi có ước muốn nhận được phước lành tộc trưởng.
Khi tôi được 12 tuổi, cha mẹ tôi đã giúp tôi tìm kiếm vị tộc trưởng. Việc này rất cần thiết vì trong khu vực nơi chúng tôi sống không có vị tộc trưởng nào cả. Tôi đã đến gặp một vị tộc trưởng ở trong một giáo khu cách nhà tôi 156 cây số (97 dặm). Tôi nhớ rất rõ khi vị tộc trưởng đặt tay lên đầu tôi để ban phước cho tôi. Tôi biết chắc chắn rằng Cha Thiên Thượng biết rõ tôi qua sự xác nhận thuộc linh mạnh mẽ.
Đối với một cậu bé 12 tuổi đến từ một thị trấn nhỏ, điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Nhờ có sự nuôi dạy một cách có chủ ý của cha mẹ tôi, ngày hôm ấy, lòng tôi đã hướng về Cha Thiên Thượng và tôi sẽ mãi mãi biết ơn họ.
Chị Joy D. Jones, cựu Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nhi đã dạy: “Chúng ta không thể đợi cho những cuộc trò chuyện vô tình xảy ra với con cái mình. Cuộc trò chuyện ngẫu nhiên không phải là một nguyên tắc trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.”24 Tình yêu thương và những lời mời đầy soi dẫn của chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt trong cách con cái chúng ta sử dụng quyền tự quyết của chúng. Chủ Tịch Nelson đã nhấn mạnh rằng: “Không có công việc nào quan trọng hơn vai trò làm cha mẹ ngay chính và có chủ ý!”25
Kết luận
Thưa các bậc cha mẹ, thế giới này ngập tràn những triết lý, văn hóa, và những ý kiến đang tranh giành sự chú ý của con cái chúng ta. Tòa nhà rộng lớn vĩ đại ấy hằng ngày quảng bá cách trở thành hội viên qua các kênh truyền thông phổ biến nhất. Tiên tri Mô Rô Ni đã dạy: “Nhưng trong ân tứ của Vị Nam Tử của Ngài, Thượng Đế đã chuẩn bị một đường lối tốt đẹp hơn.”26
Khi chúng ta kết hợp với Thượng Đế qua các giao ước và trở thành người đại diện cho Ngài trong việc chăm sóc con cái của chúng ta, Ngài sẽ thánh hóa những ý định của chúng ta, soi dẫn những lời giảng dạy của chúng ta, và làm cho những lời mời gọi của chúng ta trở nên dịu dàng để “con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.”27 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.