Hơn Cả Một Vị Anh Hùng
Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ là anh hùng của chúng ta, mà Ngài còn là Chúa và là Vua của chúng ta, là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của nhân loại.
Từ năm 1856 đến 1860, hàng ngàn người tiền phong Thánh Hữu Ngày Sau đã kéo đồ đạc của họ trên những chiếc xe kéo tay vượt qua hơn 1.000 dặm (khoảng 1.600 km) để đến Thung Lũng Salt Lake. Tính đến tuần này, cách đây 167 năm, vào ngày 4 tháng Mười năm 1856, Chủ Tịch Brigham Young sửng sốt khi biết có hai đoàn xe kéo tay, do Edward Martin và James Willie làm trưởng đoàn, vẫn còn cách Salt Lake hàng trăm dặm, trong khi mùa đông đang ập đến.1 Ngay ngày hôm sau, không xa nơi chúng ta họp hôm nay, Chủ Tịch Young đứng trước Các Thánh Hữu và tuyên bố: “Nhiều anh chị em của chúng ta còn đang ở giữa vùng đồng bằng hoang vu với những chiếc xe kéo, và họ cần được đưa về đây. … Hãy đi và đưa những người đang mắc kẹt trên vùng đồng bằng về đây.”2
Chỉ hai ngày sau, các đội cứu hộ đầu tiên đã lên đường tìm kiếm những người tiền phong trong hai đoàn xe kéo tay.
Một thành viên của đoàn xe kéo tay Willie mô tả tình cảnh tuyệt vọng trước khi đội cứu hộ chính đến nơi. Ông ấy nói: “[Ngay] khi mà mọi thứ dường như sắp mất hết, … và chẳng còn chút hy vọng sống sót nào, bất ngờ như một tia sấm trên bầu trời quang đãng, Thượng Đế đã đáp lại lời cầu nguyện của chúng tôi. Một đội cứu hộ, mang theo thức ăn và vật dụng …, đã xuất hiện. … Chúng tôi vô cùng cảm tạ Thượng Đế đã giải cứu chúng tôi.”3
Những người cứu hộ này là những vị anh hùng đối với người tiền phong, khi mạo hiểm mạng sống của chính mình trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để mang càng nhiều người càng tốt trở về nhà an toàn. Một trong các vị anh hùng đó là Ephraim Hanks.
Vào giữa tháng Mười, không hề biết về tình cảnh hiểm nghèo của đoàn xe kéo tay, Hanks dự tính trở về nhà của ông tại Salt Lake sau một chuyến đi, và rồi, trong đêm, một giọng nói đánh thức ông: “Các thành viên trong đoàn xe kéo tay đang gặp khó khăn, và ngươi được cần đến; ngươi sẽ đi và giúp họ chứ?”
Với câu hỏi đó văng vẳng trong tâm trí, ông vội vàng quay lại thành phố Salt Lake. Và ngay khi nghe Chủ Tịch Heber C. Kimball kêu gọi thêm các tình nguyện viên, Hanks đã lên đường ngay ngày hôm sau, một mình, để đi giải cứu. Nhờ đi nhanh, ông đã vượt lên trước những người cứu hộ khác, và khi ông gặp được đoàn người tiền phong của Martin, Hanks nhớ lại: “Cảnh tượng trước mắt tôi khi bước vào trại của họ sẽ mãi mãi không thể bị xóa nhòa trong trí nhớ của tôi … [và] nó đủ để làm động lòng những trái tim sắt đá nhất.”4
Ephraim Hanks dành cả ngày đi từ lều này sang lều khác chăm sóc cho những người đau ốm. Ông kể lại: “nhiều lần, khi chúng tôi chăm sóc những người đau ốm, và đẩy lui bệnh tật trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, thì họ bình phục ngay lập tức; họ được chữa lành gần như ngay tức khắc.”5 Ephraim Hanks sẽ mãi mãi là anh hùng đối với những người tiền phong trong đoàn xe kéo tay.
Tương tự cuộc giải cứu đáng kinh ngạc đó, những sự kiện tác động đến cuộc sống chúng ta và thậm chí cả tiến trình lịch sử thường là kết quả của những quyết định và thành tựu của các cá nhân nam nữ—là những nghệ sĩ, những nhà khoa học, lãnh đạo kinh doanh, và các chính trị gia vĩ đại. Những cá nhân kiệt xuất này thường được tôn vinh là anh hùng, và được dựng tượng đài để tưởng nhớ những chiến công của họ.
Khi tôi còn là một cậu bé, những người anh hùng đầu tiên của tôi là các vận động viên. Những ký ức đầu đời của tôi là thu thập các tấm thẻ có in hình và thông tin về các cầu thủ trong giải Vô Địch Bóng Chày Major League. Cách mà một đứa trẻ “thần tượng” một ai đó có thể rất trong sáng và thú vị, như khi chúng hoá trang thành các siêu anh hùng trong ngày Halloween. Mặc dù chúng ta ngưỡng mộ và kính trọng nhiều người nam và người nữ tài năng và phi thường bởi những khả năng và đóng góp của họ, nhưng mức độ mà họ được sùng kính, nếu như quá mức, sẽ có thể giống như việc con cái của Y Sơ Ra Ên thờ lạy tượng con bò tơ bằng vàng trong đồng vắng Si Nai.
Khi chúng ta lớn lên, điều mà từng là niềm vui hồn nhiên ngày bé có thể trở thành một chướng ngại vật khi việc “tôn sùng” các chính trị gia, những blogger, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, các vận động viên, hay các nghệ sĩ khiến cho chúng ta “nhìn quá điểm nhắm”6 và không còn thấy được điều gì mới thật sự là thiết yếu.
Đối với con cái của Y Sơ Ra Ên, thử thách không phải là vàng bạc họ mang theo trên chuyến hành trình đến đất hứa, mà là việc họ cho phép vàng biến thành một hình tượng cho họ thờ lạy, là việc họ không còn chú tâm đến Đức Giê Hô Va, là Đấng đã rẽ Biển Đỏ và giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ. Sự tập trung của họ vào con bò tơ đã ảnh hưởng đến khả năng thờ phượng Thượng Đế chân chính của họ.7
Vị anh hùng duy nhất—của chúng ta, bây giờ và vĩnh cửu—chính là Chúa Giê Su Ky Tô, và bất kỳ điều gì hay người nào khiến chúng ta xao lãng khỏi những lời giảng dạy của Ngài, như đã có trong thánh thư và trong những lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế, đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự tiến triển của chúng ta trên con đường giao ước. Từ rất lâu trước Sự Sáng Tạo thế gian, chúng ta đã trông đợi Chúa Giê Su Ky Tô khi thấy rõ những thách thức cản trở kế hoạch được Cha Thiên Thượng đề ra mà sẽ cho chúng ta cơ hội để tiến triển và trở nên giống như Ngài.
Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ là người lãnh đạo công cuộc bảo vệ kế hoạch của Cha chúng ta, mà Ngài còn đóng vai trò quan trọng nhất để kế hoạch đó được thực hiện. Ngài đã đáp lời Cha và nguyện hiến mình làm “giá chuộc mọi người,”8 để trả giá cho điều mà mỗi chúng ta sẽ gây ra bởi tội lỗi nhưng không thể tự mình đền trả được.
Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy: “[Chúa Giê Su Ky Tô] đã làm mọi điều thiết yếu cho cuộc hành trình của chúng ta qua cuộc sống trần thế để hướng tới số mệnh được vạch ra trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng chúng ta.”9
Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, khi đối mặt với nhiệm vụ nặng nề đến vậy, Đấng Cứu Rỗi đã dũng cảm tuyên bố: “Xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi,” và tiếp tục mang lên mình tất cả những đau đớn, bệnh tật, và thống khổ bởi tội lỗi của hết thảy những người từng sống và sẽ sống.10 Bằng sự vâng lời và cam kết trọn vẹn, Chúa Giê Su Ky Tô đã thực hiện một hành động anh hùng tột bậc duy nhất cho mọi tạo vật, với đỉnh điểm là Sự Phục Sinh vinh quang của Ngài.
Trong đại hội trung ương gần đây nhất, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhắc nhở chúng ta: “Bất cứ thắc mắc hoặc vấn đề nào anh chị em có, thì sự giải đáp luôn luôn được tìm thấy trong cuộc đời và những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tìm hiểu thêm về Sự Chuộc Tội của Ngài, tình yêu thương của Ngài, lòng thương xót của Ngài, giáo lý của Ngài, và phúc âm phục hồi của Ngài về sự chữa lành và tiến triển. Hãy tìm đến Ngài! Hãy noi theo Ngài!”11 Và tôi xin thêm: “Hãy chọn Ngài.”
Trong thế giới phức tạp này, chúng ta có thể dễ bị cám dỗ để nghe theo các anh hùng của xã hội trong nỗ lực để làm sáng tỏ cuộc sống khi nó có thể dường như khó hiểu hoặc khó mà chống chọi nổi. Chúng ta mua quần áo do họ tài trợ, ủng hộ quan điểm chính trị mà họ tán thành, và nghe theo những đề nghị được họ chia sẻ trên mạng xã hội. Điều này có thể ổn nếu chỉ để giải trí tạm thời, nhưng chúng ta cần phải cẩn thận để cho việc tôn sùng thần tượng kiểu này không trở thành con bò tơ bằng vàng của mình. Việc chọn đúng vị anh hùng sẽ mang lại kết quả vĩnh cửu.
Khi gia đình chúng tôi đến Tây Ban Nha để bắt đầu phục vụ với tư cách là những người lãnh đạo phái bộ truyền giáo, chúng tôi tìm thấy một khung hình với câu trích dẫn của Anh Cả Neal A. Maxwell liên quan đến những vị anh hùng chúng ta chọn noi theo. Ông nói: “Nếu anh chị em không chọn vương quốc của Thượng Đế trước nhất, thì đến lúc cuối cùng, việc anh chị em chọn gì cũng không đem lại sự khác biệt nào.”12 Thưa các anh chị em, chỉ có chọn Chúa Giê Su Ky Tô, Vua của các vua, chúng ta mới chọn được vương quốc của Thượng Đế. Bất kỳ sự lựa chọn nào khác cũng tương đương với việc chọn cánh tay xác thịt, hay con bò tơ bằng vàng, và đến cuối cùng sẽ làm chúng ta thất vọng.
Trong sách Đa Ni Ên trong Kinh Cựu Ước, chúng ta đọc được câu chuyện về Sa Đơ Rắc, Mê Sác, và A Bết Nê Gô, là những người đã biết phải chọn vị anh hùng nào, và đó không phải là bất cứ thần nào trong các thần của Vua Nê Bu Cát Nết Sa. Họ tự tin tuyên bố rằng:
“Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực. …
“Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của vua, và không thờ phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng.”13
Như Sứ Đồ Phao Lô đã dạy: “[Có] nhiều thần nhiều Chúa,”14 và, tôi xin thêm rằng, có nhiều anh hùng mà chúng ta được mời để cúi mình, thờ lạy, và đón nhận. Nhưng cũng như ba người bạn của Đa Ni Ên đã biết, chỉ có duy nhất một Đấng đã được hứa là sẽ giải cứu, bởi vì Ngài đã và sẽ luôn luôn giải cứu.
Đối với chúng ta, trên cuộc hành trình trở về nơi hiện diện của Thượng Đế, đến đất hứa của mình, việc yêu thích chính trị gia, nghệ sĩ âm nhạc, vận động viên, hay vlogger không phải là vấn đề, mà việc chọn để cho họ trở thành đối tượng chính thu hút sự chú ý và sự tập trung của chúng ta, thay thế Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta mới là vấn đề.
Chúng ta chọn Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, khi chúng ta tôn trọng ngày của Ngài cho dù chúng ta ở nhà hay đang đi du lịch nghỉ mát. Chúng ta chọn Ngài khi chúng ta chọn lời của Ngài qua thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế. Chúng ta chọn Ngài khi chúng ta chọn nắm giữ giấy giới thiệu đi đền thờ, và sống xứng đáng để sử dụng giấy đó. Chúng ta chọn Ngài khi chúng ta là những người hòa giải và từ chối tranh chấp, “nhất là khi chúng ta có những ý kiến khác nhau.”15
Không có nhà lãnh đạo nào từng can đảm bằng, không có nhà hoạt động nhân đạo nào nhân từ bằng, không có bác sĩ nào chữa được nhiều căn bệnh bằng, và không có nghệ sĩ nào có khả năng sáng tạo bằng Chúa Giê Su Ky Tô.
Trong thế giới của những vị anh hùng, với các tượng đài tưởng niệm những chiến công của những người nam và nữ trần thế, có một Đấng đứng cao hơn hết thảy. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ là anh hùng của chúng ta; mà Ngài còn là Chúa và là Vua của chúng ta, là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của nhân loại. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.