Đại Hội Trung Ương
Những Dấu Hiệu của Hạnh Phúc
Đại hội trung ương tháng Mười năm 2023


12:15

Những Dấu Hiệu của Hạnh Phúc

Việc xây dựng trên nền móng của Chúa Giê Su Ky Tô là thiết yếu cho hạnh phúc của chúng ta.

Trên một chuyến bay đi công tác cách đây vài năm, tôi tình cờ ngồi cạnh một người đàn ông từ Hà Lan. Tôi rất háo hức được trò chuyện với anh ấy vì tôi từng phục vụ ở Bỉ và Hà Lan khi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi.

Sau khi chúng tôi làm quen, anh ấy đưa cho tôi tấm danh thiếp của anh với chức danh độc đáo là “giáo sư hạnh phúc.”  Tôi đã nhận xét về nghề nghiệp tuyệt vời của anh ấy và hỏi anh ấy xem công việc của một giáo sư hạnh phúc là gì. Anh ấy nói rằng anh ấy dạy mọi người cách để có được cuộc sống hạnh phúc bằng cách tạo nên các mối quan hệ và mục tiêu đầy ý nghĩa. Tôi đáp: “Thật là tuyệt vời, nhưng điều gì xảy ra nếu anh cũng có thể giảng dạy cách mà những mối quan hệ đó có thể tiếp tục sau cái chết và trả lời những câu hỏi sâu xa khác của tâm hồn, chẳng hạn như mục đích của cuộc sống là gì, làm thế nào chúng ta có thể khắc phục những yếu kém của mình, và chúng ta đi đâu sau khi chết?” Anh ấy thừa nhận rằng sẽ thật là kỳ diệu nếu chúng ta có thể trả lời những câu hỏi đó, và tôi rất hài lòng khi chia sẻ với anh ấy rằng chúng ta có câu trả lời.

Ngày hôm nay, tôi muốn ôn lại một vài nguyên tắc thiết yếu để có hạnh phúc đích thực mà dường như ít người biết đến trong thế giới hoang mang này, nơi có nhiều điều thú vị nhưng rất ít điều thực sự quan trọng.

An Ma đã dạy dân chúng trong thời của ông rằng: “Vì này, tôi nói cho đồng bào hay, sẽ có nhiều sự việc xảy đến; và này, sẽ có một việc quan trọng hơn hết thảy—vì này, chẳng còn bao lâu nữa, Đấng Cứu Chuộc sẽ sống và đến giữa dân Ngài.”1

Lời tuyên bố này cũng quan trọng không kém đối với chúng ta ngày nay khi chúng ta mong đợi và chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Ky Tô!

Do đó, nhận xét đầu tiên của tôi là việc xây dựng trên nền móng của Chúa Giê Su Ky Tô là thiết yếu cho hạnh phúc của chúng ta. Đây là một nền móng vững chắc, “một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó thì họ không thể đổ ngã được.”2 Việc đó sẽ chuẩn bị chúng ta cho bất kỳ thử thách nào trong cuộc sống.

Cách đây nhiều năm, tôi tham gia trại Hướng Đạo mùa hè với con trai Justin của chúng tôi. Khi các sinh hoạt đang diễn ra, con trai tôi phấn khởi thông báo rằng nó và bạn bè của nó muốn nhận được huy hiệu bắn cung. Để làm điều đó, chúng phải vượt qua một bài thi viết ngắn và bắn trúng vào một mục tiêu với mũi tên của chúng.

Lòng tôi nặng trĩu. Vào lúc đó, Justin khá yếu vì bệnh xơ hóa nang, một căn bệnh đã gây khó khăn cho nó từ lúc mới sinh. Tôi tự hỏi liệu nó có đủ sức kéo cây cung để bắn mũi tên vào mục tiêu không.

Khi nó và bạn bè của nó đi đến lớp bắn cung, tôi đã thầm cầu nguyện rằng kinh nghiệm đó sẽ không làm nó xấu hổ. Sau một vài giờ trôi qua trong sự lo lắng, tôi thấy nó đi trở lại về phía tôi với nụ cười rạng rỡ. Nó reo vang: “Cha ơi!”. “Con nhận được huy hiệu rồi! Con đã bắn trúng hồng tâm; tuy đó là hồng tâm của cái bia bên cạnh cái bia của con, nhưng con đã bắn trúng hồng tâm!” Nó đã dùng hết sức để kéo dây cung và bắn mũi tên bay đi, dù không thể kiểm soát được quỹ đạo của mũi tên. Tôi vô cùng biết ơn về sự cảm thông của người thầy dạy bắn cung đó vì đã không nói: “Rất tiếc, nhầm mục tiêu rồi!” Thay vì thế, khi nhìn thấy những hạn chế rõ ràng và nỗ lực tha thiết của Justin, ông ấy đã tử tế đáp: “Giỏi lắm!”

Đó là điều sẽ xảy đến cho chúng ta nếu chúng ta làm hết sức mình để noi theo Đấng Ky Tô và các vị tiên tri của Ngài, bất chấp những hạn chế của bản thân. Nếu đến cùng Ngài bằng cách tuân giữ các giao ước và hối cải tội lỗi của mình, thì chúng ta sẽ vui vẻ nghe lời khen ngợi của Đấng Cứu Rỗi: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm.”3

Tôi làm chứng với anh chị em về thiên tính của Đấng Cứu Rỗi của thế gian, cùng tình yêu thương cứu chuộc và quyền năng của Ngài để chữa lành, củng cố và nâng đỡ chúng ta khi chúng ta tha thiết cố gắng đến cùng Ngài. Ngược lại, chúng ta không thể nào vừa đi theo số đông vừa hướng về Chúa Giê Su được. Đấng Cứu Rỗi đã đánh bại cái chết, bệnh tật, và tội lỗi và đã cung ứng một cách thức để chúng ta có được sự hoàn hảo tột bậc nếu chúng ta chịu hết lòng noi theo Ngài.4

Nhận xét thứ hai của tôi về điều thiết yếu đối với hạnh phúc của chúng ta là việc nhớ rằng chúng ta là các con trai và con gái của Cha Thiên Thượng nhân từ. Việc hiểu biết và tin cậy vào thực tế này sẽ thay đổi mọi thứ.

Cách đây vài năm, trên một chuyến bay trở về nhà từ một chỉ định của Giáo Hội, Chị Sabin và tôi tình cờ ngồi ngay phía sau một người đàn ông rất cao to, mà đằng sau cái đầu trọc của anh ấy có xăm hình một khuôn mặt to lớn, giận dữ, cùng với con số 439.

Khi chúng tôi hạ cánh, tôi nói: “Xin lỗi anh. Anh có phiền không nếu tôi hỏi về ý nghĩa của con số được xăm ở sau gáy của anh?” Tôi không dám hỏi về khuôn mặt giận dữ.

Anh ấy nói: “Đó là tôi. Đó chính là con người tôi. Tôi làm chủ khu vực đó: khu vực số 219!”

Thực ra con số trên đầu anh ấy là bốn trăm ba mươi chín, nên tôi rất ngạc nhiên khi anh ấy nói nhầm vì điều đó quan trọng đối với anh ấy như vậy.

Tôi nghĩ thật đáng buồn khi danh tính và lòng tự trọng của người đàn ông này lại được dựa trên một con số liên quan đến khu vực của một băng đảng. Tôi tự nghĩ: người đàn ông cứng cỏi này đã từng là con trai của một ai đó và vẫn cần cảm thấy được quý trọng và thuộc vào. Giá như anh ấy biết được mình thực sự là ai và thuộc về ai, vì tất cả chúng ta đều đã được “chuộc bằng giá cao.”5

Có một lời hát khôn ngoan trong một bài hát từ bộ phim The Prince of Egypt (Hoàng Tử Ai Cập) rằng: “Hãy nhìn cuộc sống của bạn qua đôi mắt của thiên thượng.”6 Khi hiểu biết sâu sắc về dòng dõi thiêng liêng và tiềm năng vĩnh cửu của mình, thì chúng ta sẽ có thể xem cuộc sống như là một chuyến phiêu lưu có mục đích, đang diễn ra để có thể học hỏi và phát triển, ngay cả khi đôi lúc “chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ”7.

Dấu hiệu thứ ba để có hạnh phúc là luôn luôn ghi nhớ giá trị của một con người. Chúng ta làm điều này tốt nhất bằng cách tuân theo lời khuyên dạy của Đấng Cứu Rỗi “hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi.”8

Ngài cũng đã phán rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”9

Sách Châm Ngôn đã khuyên bảo một cách khôn ngoan: “Chớ từ chối làm lành cho kẻ nào xứng đáng, miễn là tay con có quyền làm điều ấy.”10

Chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc vì đã quá tử tế. Trong mắt Thượng Đế, lòng nhân từ đồng nghĩa với sự vĩ đại. Một phần của lòng nhân từ là việc tha thứ và không xét đoán.

Cách đây nhiều năm, gia đình chúng tôi đi xem một bộ phim cho buổi họp tối gia đình. Tất cả chúng tôi đều đã vào xe van ngoại trừ một trong các con trai và vợ tôi là Valerie. Trời đã tối, và khi con trai chúng tôi mở cửa ra và chạy về phía chiếc xe, thì nó tình cờ đá vào thứ mà nó nghĩ là con mèo của chúng tôi trên hiên nhà. Rủi thay cho con trai và vợ tôi đang ở ngay sau lưng nó, đó không phải là con mèo của chúng tôi mà là một con chồn hôi rất tức giận, và nó đã bộc lộ sự tức giận đó! Tất cả chúng tôi đành quay trở vào nhà, để vợ và con trai tôi vừa tắm vừa gội đầu bằng nước cà chua, một phương pháp được cho là chắc chắn sẽ loại bỏ mùi của chồn hôi. Sau khi họ đã tắm rửa và thay quần áo, chúng tôi đều không còn ngửi thấy bất kỳ mùi nào nữa, vì vậy chúng tôi quyết định là cuối cùng đã có thể đi xem phim. 

Sau khi chúng tôi đã ngồi xuống ở phía sau của rạp chiếu phim, bỗng nhiên từng người một trong những người ngồi xung quanh chúng tôi quyết định đi mua bắp rang. Tuy nhiên, khi họ trở lại, không một ai trở lại chỗ ngồi ban đầu của họ.

Tất cả chúng tôi đều bật cười khi nhớ lại kinh nghiệm đó, nhưng điều gì xảy ra nếu tất cả các tội lỗi của chúng ta đều có mùi? Nếu chúng ta có thể ngửi thấy sự thiếu trung thực, dục vọng, ghen tị, hoặc kiêu ngạo thì sao? Nếu các khuyết điểm của bản thân được bộc lộ ra, hy vọng rằng chúng ta sẽ quan tâm và cẩn trọng hơn một chút khi đối xử với người khác, cũng như cách họ đối xử với chúng ta khi chúng ta cần thay đổi những điều cần thiết trong cuộc sống của mình. Tôi thực sự thích ngửi được mùi thuốc lá trong nhà thờ, vì nó cho thấy một người nào đó đang cố gắng thay đổi. Họ cần vòng tay chào đón của chúng ta xung quanh họ.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói một cách khôn ngoan: Một trong những cách dễ dàng nhất để nhận ra một tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô là cách người đó đối xử nhân từ với người khác.”11

Phao Lô đã viết cho các tín đồ ở Ê Phê Sô rằng: “Hãy ở với nhau cách nhơn từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Ky Tô vậy.”12

Là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta được yêu cầu phải tin cậy Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi và không cố gắng thay thế hai Ngài. Chúa Giê Su Ky Tô hoàn toàn biết rõ những khuyết điểm của mọi người và sẽ xét đoán họ một cách hoàn hảo.

Dấu hiệu thứ tư của hạnh phúc là việc duy trì một quan điểm vĩnh cửu. Kế hoạch của Đức Chúa Cha trải dài đến thời vĩnh cửu; thật dễ dàng để tập trung vào thực tại và quên đi cuộc sống mai sau.

Cách đây nhiều năm, tôi đã được cô con gái 16 tuổi của chúng tôi là Jennifer dạy bài học này một cách mạnh mẽ. Lúc đó, nó sắp được cấy ghép cả hai lá phổi, trong đó năm thùy phổi bị bệnh của nó sẽ được loại bỏ hoàn toàn và thay thế bằng hai thùy phổi nhỏ khỏe mạnh hơn, được hiến tặng bởi hai người bạn tuyệt vời giống như Đấng Ky Tô. Đó là một phương pháp nhiều rủi ro, nhưng vào đêm trước khi phẫu thuật, Jennifer, lúc đó chỉ nặng có 41 ký, gần như thuyết giảng cho tôi rằng: “Cha đừng lo! Ngày mai nếu con không tỉnh dậy với hai lá phổi mới, thì con cũng sẽ thức dậy ở một nơi tốt hơn. Viễn cảnh nào cũng sẽ tuyệt vời.” Đó là đức tin; đó là quan điểm vĩnh cửu! Việc nhìn nhận cuộc sống bằng quan điểm vĩnh cửu mang lại sự sáng suốt, an ủi, can đảm, và hy vọng.

Sau cuộc giải phẫu, khi cái ngày được chờ đợi từ lâu đã đến để tháo ống thở và tắt máy trợ thở cho Jennifer, chúng tôi nóng lòng chờ đợi xem liệu hai cái thùy phổi nhỏ hơn của nó có hoạt động không. Khi hít hơi thở đầu tiên, ngay lập tức nó bắt đầu khóc. Khi thấy chúng tôi lo lắng, nó nhanh chóng thốt lên: “Thật tuyệt khi được thở.” 

Kể từ ngày hôm đó, tôi đã tạ ơn Cha Thiên Thượng cả ngày lẫn đêm vì đã cho tôi có thể tự thở được. Chúng ta được vây quanh bởi vô số phước lành mà chúng ta dễ dàng xem là hiển nhiên nếu chúng ta không lưu tâm. Ngược lại, khi chúng ta bất ngờ nhận được điều gì đó ngoài sự mong đợi, thì cuộc sống trở nên kỳ diệu.

Chủ Tịch Nelson đã nói: “Mỗi sớm mai là một ân tứ từ Thượng Đế. Ngay cả bầu không khí chúng ta thở cũng là một ân từ đầy yêu thương từ Ngài. Ngài bảo tồn chúng ta ngày này qua ngày khác và hỗ trợ chúng ta từ lúc này đến lúc khác. Do đó, việc làm cao quý đầu tiên của chúng ta vào buổi sớm mai là dâng lên một lời cầu nguyện biết ơn khiêm nhường.”13

Điều đó dẫn tôi đến nhận xét thứ năm và cuối cùng của mình, đó là anh chị em sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc nếu anh chị em không biết ơn.

Chúa đã phán: “Và kẻ nào tiếp nhận mọi điều với lòng biết ơn thì sẽ được làm vinh quang.”14 Có lẽ đó là vì lòng biết ơn đã sinh ra vô số các đức hạnh khác.

Nhận thức của chúng ta sẽ thay đổi như thế nào nếu mỗi buổi sáng chúng ta thức dậy chỉ với các phước lành mà chúng ta biết ơn trong đêm hôm trước. Việc không biết ơn các phước lành có thể dẫn chúng ta đến cảm giác bất mãn, mà có thể cướp đi niềm vui và hạnh phúc đến từ lòng biết ơn. Những người ở trong tòa nhà rộng lớn vĩ đại cám dỗ chúng ta nhìn xa quá điểm nhắm, do đó hoàn toàn mất dấu những điều quan trọng.

Trên thực tế, hạnh phúc và phước lành lớn nhất của cuộc sống trần thế sẽ được tìm thấy nơi con người mà chúng ta trở thành qua ân điển của Thượng Đế khi chúng ta lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng với Ngài. Đấng Cứu Rỗi sẽ cải tiến và tinh luyện chúng ta qua công lao nơi sự hy sinh chuộc tội của Ngài và Ngài đã phán về những người sẵn lòng noi theo Ngài: “Những kẻ ấy sẽ thuộc về ta, làm cơ nghiệp riêng của ta trong ngày ta làm.”15

Tôi hứa với anh chị em rằng nếu chúng ta xây dựng cuộc sống của mình trên nền móng của Chúa Giê Su Ky Tô; quý trọng nguồn gốc thực sự của chúng ta là các con trai và con gái của Thượng Đế; ghi nhớ giá trị của mỗi con người; duy trì một quan điểm vĩnh cửu; với lòng biết ơn về các phước lành của mình, đặc biệt là lời mời của Đấng Ky Tô để đến cùng Ngài, thì chúng ta có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực trong cuộc phiêu lưu trần thế này. Cuộc sống sẽ vẫn còn có những thử thách, nhưng chúng ta sẽ có thể đối phó với chúng tốt hơn với một ý thức về mục đích và sự bình an nhờ vào các lẽ thật vĩnh cửu mà chúng ta hiểu và sống theo.

Tôi làm chứng về sự hiện hữu của Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và của Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi cũng làm chứng về các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải tại thế. Thật là một phước lành để nhận được lời khuyên dạy từ thiên thượng thông qua họ. Như Đấng Cứu Rỗi đã phán rõ ràng rằng: “Dẫu bằng chính tiếng nói của ta hoặc bằng tiếng nói của tôi tớ ta thì cũng như nhau.”16 Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.