Đại Hội Các Nhà Giáo Dục Tôn Giáo CES
Tiếp Cận và Tác Động Các Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý


20:53

Tiếp Cận và Tác Động Các Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý

Đại Hội Các Nhà Giáo Dục Tôn Giáo CES tháng Sáu năm 2024

Hôm nay, tôi rất vui được chia sẻ với anh chị em thông tin cập nhật về các nỗ lực của các Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý để gia tăng khả năng tiếp cận và tác động của chúng ta cũng như những gì đang diễn ra với giới trẻ và các thành niên trẻ tuổi trên khắp thế giới. Một vài anh chị em chắc hẳn đã xem hoặc nghe các phần khác nhau của bài này ở nhiều bối cảnh khác nhau. Nhưng tôi tin rằng vẫn có giá trị khi hiểu các nỗ lực khác nhau bổ sung cho nhau như thế nào và suy nghĩ về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Đối với những người không làm việc trong Lớp Giáo Lý&Viện Giáo Lý, thì tôi hy vọng rằng thông tin này sẽ được anh chị em quan tâm và cũng trở nên hữu ích cho anh chị em.

Tất cả chúng tôi, là những người làm việc trong Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, không ngừng suy nghĩ về cách chúng tôi có thể xây đắp đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi và hỗ trợ hữu hiệu hơn cho học viên của mình trong nỗ lực của họ để sống theo phúc âm. Cách đây khoảng năm hoặc sáu năm trước, khi chúng tôi nhận thấy rằng số lượng ghi danh vào viện giáo lý đã giảm trong vài năm, thì điều này đã khiến chúng tôi rất lo lắng. Ngoài ra, khi nhận ra rằng nhiều thành niên trẻ tuổi trải qua những thử thách rất khó khăn đối với đức tin của họ, chúng tôi cũng muốn giúp đỡ vì biết rằng viện giáo lý có thể là một cách tuyệt vời để họ nhận được sự hỗ trợ mà họ cần. Chúng tôi muốn biết mình có thể làm gì hơn nữa, không những để khuyến khích họ tham gia mà còn để biết cách chúng tôi có thể tạo ra sự tác động lớn hơn trong cuộc sống của họ. Chúng tôi đã nghĩ rằng điều quan trọng là phải tìm cách thực sự lắng nghe họ, hiểu những thử thách của họ và tìm hiểu xem viện giáo lý có thể làm gì để giúp đỡ. Vì vậy, chúng tôi đã thành lập một nhóm ở bên trong Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý mà ban đầu chúng tôi gọi là Ủy Ban Đổi Mới Viện Giáo Lý.

Lúc đầu, ủy ban này làm việc với đội Nghiên Cứu Tương Quan để nghiên cứu về những thành niên trẻ tuổi trong Giáo Hội. Sau đó, họ làm việc với BYU AdLab để xem chúng tôi có thể thực hiện những thay đổi nào nhằm giúp những thành niên trẻ tuổi đáp ứng nhu cầu của họ.

Những kinh nghiệm này rất hữu ích nhưng cũng khiến chúng tôi muốn làm nhiều hơn nữa để xác định các cơ hội mở rộng thêm phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng của viện giáo lý. Vậy nên chúng tôi đã ký hợp đồng với Bonneville Communications để thực hiện một cuộc phân tích chính xác hơn.

Họ đã thực hiện các nhóm tập trung và khảo sát với trên 5.000 thành niên trẻ tuổi, kể cả nhiều người hiện không tham dự viện giáo lý hoặc Giáo Hội. Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên năm lục địa và cung cấp thông tin vô cùng quý giá.

Những thành niên trẻ tuổi nói với chúng tôi là họ muốn và cần bốn điều tối quan trọng:

Họ muốn viện giáo lý trở nên thích hợp hơn trong việc đáp ứng nhu cầu của họ và giải đáp các thắc mắc của họ.

Họ muốn có cảm giác được thuộc vào—thuộc vào một nhóm người mà giúp họ sống theo phúc âm và thuộc vào một chính nghĩa, cảm thấy họ là một phần của một điều quan trọng nào đó.

Họ cũng yêu cầu chúng tôi làm cho viện giáo lý trở nên dễ tiếp cận hơn để họ có thể tham gia bất chấp lịch trình dày đặc cũng như những đòi hỏi về thời giờ và sự chú ý của họ.

Câu trả lời thông thường nhất là họ muốn cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và cảm thấy gần gũi hơn với Đấng Cứu Rỗi. Câu trả lời này chúng tôi gọi là “sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô.” Anh Cả Gilbert đã giúp chúng tôi nhận biết rằng câu trả lời này vốn khác với các câu trả lời khác.

Mục đích của viện giáo lý là gia tăng sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài. Các câu trả lời khác là phương tiện để đạt được mục đích đó. Chúng phải được kết nối với mục tiêu cải đạo, nếu không chúng sẽ không bao giờ thực sự mang lại lợi ích lâu dài mà các thành niên trẻ tuổi độc thân cần. Chúng tôi có thể tạo nên sự thích đáng mà không dẫn đến sự cải đạo hoặc thuộc vào một câu lạc bộ hay đội thể thao. Nhưng đó không phải là điều chúng tôi đang cố gắng đạt được. Chúng tôi cần giúp họ thấy được phúc âm giải đáp những thắc mắc trong tâm hồn họ như thế nào và giúp họ đối phó với những thử thách hằng ngày. Và chúng tôi cần phải tạo ra việc thuộc vào giao ước. Mọi việc chúng tôi làm đều phải dẫn đến sự cải đạo.

Vì vậy, chúng tôi tiếp tục theo sát với những người thành niên trẻ tuổi để hỏi họ: “Sự việc sẽ như thế nào nếu viện giáo lý trở nên thích hợp hơn, tạo nên sự thuộc vào và dễ tiếp cận hơn theo những cách mà sẽ củng cố sự cải đạo?”

Kết quả là tạo ra một vài sáng kiến mà đã được thực hiện trong các chương trình cụ thể trong bốn năm qua. Đây là một vài ví dụ.

Để làm cho viện giáo lý trở nên phù hợp hơn, chúng tôi đã tổ chức các buổi hội thảo. Các buổi hội thảo là các buổi họp chuyên đề kéo dài từ hai đến năm tuần, đặc biệt dựa trên những nhu cầu được những người thành niên trẻ tuổi nhận ra. Vì vậy, ngoài các lớp học theo kiểu học kỳ ra, họ còn có thể đến và trực tiếp giải quyết trong một khoảng thời gian ngắn những gì họ đang suy nghĩ. Những buổi hội thảo này vẫn dựa trên thánh thư và những lời giảng dạy của các vị tiên tri hiện nay cũng như các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội.

Chúng tôi cũng đã thêm các lớp học mới. Ví dụ, chúng tôi đã tạo một lớp học dựa theo cuốn sách The Divine Gift of Forgiveness của Anh Cả Andersen, mà đã được đón nhận một cách đặc biệt nồng nhiệt.

Chúng tôi cũng biết ơn Anh Cả Uchtdorf đã giới thiệu tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi cho tất cả các giảng viên của chúng tôi. Tài liệu đó là nền tảng cho phần huấn luyện của chúng tôi, kể cả cách làm cho các lớp học của chúng tôi trở nên thích hợp hơn.

Trong một nỗ lực nhằm gia tăng cảm giác được thuộc vào, chúng tôi đã nhấn mạnh ý kiến của Chủ Tịch Nelson rằng bất cứ khi nào anh chị em làm bất cứ điều gì để giúp bất cứ ai đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô cũng như lập và tuân giữ các giao ước thì anh chị em đang quy tụ Y Sơ Ra Ên vậy. Xin cảm ơn anh chị em đã làm việc cật lực để đưa ra lời mời và khuyến khích mọi học viên tương lai.

Ví dụ như, chỉ riêng năm ngoái ở Trung Mỹ, các giảng viên của chúng tôi đã đích thân mời hơn 25.000 thanh thiếu niên và người thành niên trẻ tuổi đến tham dự các lớp học. Chúng tôi cũng yêu cầu các học viên của mình mời bạn bè của họ. Kết quả là đã có hơn 30.000 người bạn thuộc các tôn giáo khác đến tham dự, dẫn đến hơn 9.000 lễ báp têm. Đối với tất cả những thay đổi mà chúng tôi đã thực hiện, tôi nghĩ lý do quan trọng nhất khiến số lượng ghi danh lớp giáo lý và viện giáo lý gia tăng là vì rất nhiều anh chị em đã thấu hiểu và làm theo tầm nhìn do Chủ Tịch Nelson giảng dạy để quy tụ một thế hệ thanh thiếu niên và các thành niên trẻ tuổi. Xin cảm ơn anh chị em đã có tấm lòng của người quy tụ và mang rất nhiều người trẻ tuổi đến với Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta càng liên kết với tầm nhìn được giảng dạy bởi vị tiên tri thì chúng ta sẽ càng có nhiều quyền năng hơn trong công việc này.

Chúng tôi đã thực hiện những việc khác, chẳng hạn như cải tiến các lớp học và nhấn mạnh vào việc đáp ứng nhu cầu của học viên thay vì chỉ giảng dạy theo tài liệu. Thậm chí, chúng tôi còn cho phép học viên góp ý thêm về phần nào trong chương trình giảng dạy của chúng tôi mà họ muốn dành nhiều hoặc ít thời gian hơn.

Về khả năng tiếp cận, sự thay đổi lớn nhất là viện giáo lý trực tuyến. Số lượng ghi danh trực tuyến hằng năm đã tăng lên đến 25.000 người, tăng từ 9.000 người cách đây hai năm. Điều này chủ yếu là do sự hợp tác của chúng tôi với chương trình BYU–Pathway Worldwide và sẽ là lý do chính cho sự phát triển liên tục của chúng tôi trong tương lai.

Chúng tôi cũng đã linh động hơn về giờ giấc và địa điểm học để giúp học viên tham dự dễ dàng hơn.

Chúng tôi đã đem các sinh hoạt và những nguồn lực khác đến các tòa nhà của viện giáo lý, mà đã mang lại nhiều năng lượng và hứng thú hơn cũng như có thêm nhiều người trẻ tham dự viện giáo lý. Chúng tôi cũng đang hợp tác với các đơn vị của Giáo Hội để cung cấp viện giáo lý ở những địa điểm quy tụ mới đã được chấp thuận.

Để khuyến khích thêm nhiều học viên tham dự, Chủ Tịch Nelson đã đưa ra một lời mời qua video. Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến của học viên về kinh nghiệm của họ ở viện giáo lý. Chúng tôi gọi video đó là “I Love Institute” (Tôi Rất Thích Viện Giáo Lý). Đây là một đoạn video kết hợp cả hai phân đoạn trên.

[video]

Kofi: Tôi nghĩ rằng viện giáo lý đã giúp tôi thực sự biết Đấng Cứu Rỗi và không chỉ biết về Ngài mà còn học hỏi về Ngài, và biết khía cạnh nào trong cuộc sống mà tôi có thể cố gắng để trở nên giống như Ngài.

Lily: Tôi thích viện giáo lý vì tôi yêu mến Chúa Giê Su Ky Tô và viện giáo lý là một nơi mà tôi có thể nói về Ngài. Và có quyền năng khi nói về Chúa Giê Su Ky Tô. Và tôi cảm thấy quyền năng đó trong cuộc sống của mình.

Chủ Tịch Russell M. Nelson: Các em thân mến, tôi yêu thương các em. Tôi thường xuyên nghĩ về các em và cầu nguyện cho các em. Các em đang sống trong một thời đại không giống như bất cứ thời đại nào khác. Các em đang ở độ tuổi phải đưa ra những quyết định quan trọng, những quyết định mà sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của cuộc sống trần thế và vĩnh cửu của các em. Việc đưa ra những quyết định này đôi khi có thể dường như quá sức hoặc thậm chí còn đáng sợ, nhưng cũng thật là thú vị vì chúng ta đang sống trong một thời kỳ quan trọng.

Tôi muốn mời các em làm một điều mà sẽ giúp ích cho các em theo một cách thức mà ít có điều nào khác có thể làm được: tham dự viện giáo lý. Cho đến hiện tại, tôi đã chứng kiến các con, các cháu và nhiều chắt của tôi tham dự viện giáo lý. Việc tham dự viện giáo lý đã thay đổi cuộc đời chúng. Viện giáo lý đã giúp đỡ chúng, và cũng sẽ giúp các em gia tăng sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô. Việc tham dự viện giáo lý sẽ giúp các em cảm nhận được thêm tình yêu thương bao la của Cha Thiên Thượng dành cho các em.

Viện giáo lý sẽ mang đến cho các em những người giảng viên đầy soi dẫn, những người bạn trung tín, và một cảm giác được thuộc vào. Điều đó sẽ giúp các em hiểu được lý do tại sao việc sống theo phúc âm sẽ dẫn đến niềm hạnh phúc vĩnh cửu. Việc tham dự viện giáo lý sẽ giúp các em sống theo phúc âm và cảm thấy nhiều niềm vui hơn ngay bây giờ.

Nếu các em muốn biết lẽ thật về con người thật của mình, hãy tham dự viện giáo lý. Nếu các em muốn biết mục đích của cuộc sống, hãy tham dự viện giáo lý. Nếu các em muốn ở trên con đường giao ước, hãy tham dự viện giáo lý. Nếu các em muốn học cách để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình, hãy tham dự viện giáo lý. Nếu các em muốn trở thành người hòa giải, hãy tham dự viện giáo lý.

Tôi hứa với các em những phước lành này và bày tỏ tình yêu thương của tôi dành cho các em, trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

[kết thúc video]

Các video này có ở trên trang web của Giáo Hội. Chúng đã được sử dụng trên phương tiện truyền thông xã hội, trong lớp học, với các vị lãnh đạo chức tư tế, và nhiều người trong số anh chị em đã sử dụng chúng trong các buổi họp đặc biệt devotional của YSA (Người Thành Niên Trẻ Tuổi Độc Thân). Xin cảm ơn anh chị em đã sử dụng những tài liệu này để đưa ra những lời mời và lời hứa của vị tiên tri.

Tôi rất thích những video về các học viên. Các video này không có bản viết sẵn, và rất nhiều người trong số họ đã nói về ảnh hưởng mà lớp học của họ đang có trong việc giúp họ tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi và noi theo Ngài. Vì vậy, xin cảm ơn về những gì anh chị em đang làm; Tôi thích nghe chứng ngôn của họ. Và dĩ nhiên, chúng tôi rất biết ơn Chủ Tịch Nelson về sứ điệp của ông mà đã thực sự làm cảm động lòng một số người thành niên trẻ tuổi.

Khi tôi đến San Diego với Anh Cả Stevenson, có một thiếu nữ đến bên tôi sau buổi họp đặc biệt devotional và nói rằng em ấy tưởng rằng mình đã học xong hết các lớp của viện giáo lý sau khi tốt nghiệp. Nhưng sau khi nghe vị tiên tri chia sẻ những lời hứa của ông, thì ngay lập tức em ấy ghi danh học lần nữa một lớp học, và đó quả là một phước lành lớn đối với em ấy.

Kết quả của tất cả những nỗ lực này và nhiều nỗ lực khác nữa là viện giáo lý ngày càng phát triển.

Sau năm năm suy giảm, chúng tôi đã có thêm 57.000 sinh viên trong hai năm qua. Đó là mức tăng 20 phần trăm—và chúng tôi biết rằng cũng có một số lượng lớn sinh viên theo học nhưng không chính thức ghi danh. Đây là con số cao nhất trong tám năm và chúng tôi rất vui mừng được thấy sự phát triển liên tục trong hai năm qua.

Số lượng ghi danh tăng chỉ là một phần của câu chuyện. Đi đến đâu tôi cũng nghe những câu chuyện về cuộc sống của nhiều người đang được thay đổi. Khi những người trẻ tuổi bắt đầu nghiên cứu thánh thư một cách nghiêm túc, thì họ được ban phước và nhận được sự soi dẫn cũng như niềm hy vọng. Và điều đó đang diễn ra hằng ngày trong các lớp học của chúng tôi.

Ngoài số lượng ghi danh hằng năm này, chúng tôi biết rằng có khoảng 95 phần trăm những người thành niên trẻ tuổi độc thân tích cực còn theo học viện giáo lý vào một thời điểm nào đó, phần lớn ở độ tuổi từ 18 đến 24. Nhưng chúng tôi không hài lòng với thống kê này; chúng tôi đang cố gắng hết sức để tiếp cận tất cả những người thành niên trẻ tuổi tích cực lẫn kém tích cực. Vì vậy, hy vọng rằng tỷ lệ phần trăm sẽ cao hơn 100 phần trăm số người tích cực khi viện giáo lý có thể tiếp cận tất cả các em YSA hiện đang tham gia trong Giáo Hội và cả nhiều em YSA hiện không tham gia nhằm giúp họ quay trở lại tích cực.

Năm nay, chúng tôi đang trên đà có thêm 20.000 sinh viên nữa cho viện giáo lý. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ có thêm hơn 77.000 sinh viên viện giáo lý trong ba năm qua, với hơn 100.000 học viên trong lớp giáo lý và viện giáo lý cộng lại. Tôi xin lặp lại. Có thêm hơn 100.000 học viên trong ba năm—nhờ vào nỗ lực của anh chị em!

Điều đó có nghĩa là có thêm hơn 100.000 người có cơ hội hiểu được tầm quan trọng của phúc âm trong cuộc sống của họ, cảm thấy được thuộc vào, và củng cố sự cải đạo của họ theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài. Xin cảm ơn!

Vậy điều gì cần làm tiếp theo cho viện giáo lý?

Chúng tôi phải luôn tập trung và liên kết với mục tiêu của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý của mình. Chúng tôi không chỉ đổi mới vì mục đích phải đổi mới. Chúng tôi đang đổi mới để mở rộng phạm vi tiếp cận và gia tăng ảnh hưởng của mình.

Để giúp thực hiện điều đó, chúng tôi đang cung cấp thêm sự hướng dẫn và một tiến trình đổi mới trong tương lai. Tiến trình này bắt đầu bằng việc lắng nghe để giúp các thành niên trẻ tuổi cảm thấy được yêu thương và lắng nghe. Cố gắng hiểu các nhu cầu của họ. Mời họ tham gia vào tiến trình này.

Kế đến, cùng nhau hội ý và khám phá các giải pháp khả thi trong khi cân nhắc các chính sách và nguồn lực sẵn có.

Sau đó, tìm kiếm sự chấp thuận để thực hiện các giải pháp đó và đo lường những kết quả, đánh giá hiệu quả của các kết quả và lắng nghe cử tọa một lần nữa.

Trong suốt tiến trình liên tục và lặp đi lặp lại này, hãy làm việc chặt chẽ với giám đốc khu vực hoặc vùng của anh chị em. Họ sẽ cung cấp sự hướng dẫn và chỉ dẫn đáng kể.

Như Anh Cả NeilL. Andersen mới gần đây đã nói:

“Chúng ta đều là những người đổi mới. Vấn đề là phải giữ được tinh thần đó trong tâm trí chúng ta và nhận biết Giáo Hội này là một Giáo Hội đổi mới. Chúng ta là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô, vậy nên những nguyên tắc đó cũng lâu đời như thời vĩnh cửu. Nhưng chúng ta đổi mới vì chúng ta luôn thích nghi, chúng ta luôn phát triển, chúng ta luôn làm điều gì đó hay hơn một chút. Nhưng đồng thời, tôi cũng kỳ vọng rằng chúng ta là những người làm theo rất giỏi. … Mỗi người đều là người đổi mới.”

Tôi rất thích tinh thần của những điều mà Anh Cả Andersen đã giảng dạy. Một số điều sẽ không bao giờ thay đổi, chẳng hạn như các nguyên tắc vĩnh cửu của phúc âm. Nhưng chúng tôi chỉnh sửa các chương trình của Giáo Hội để đáp ứng hữu hiệu hơn nhu cầu của các tín hữu Giáo Hội.

Điều cốt lõi của những gì chúng tôi sẽ luôn làm là giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô như được tìm thấy trong lời của Thượng Đế với Đức Thánh Linh.

Trong nỗ lực của mình để thực hiện điều này theo cách tập trung vào học viên, chúng tôi khuyến khích anh chị em tham gia vào tiến trình lắng nghe và đáp ứng cho học viên.

Và xin nhớ rằng, tất cả những gì chúng tôi làm trong việc đổi mới viện giáo lý cần phải phù hợp với mục tiêu và giúp những người thành niên trẻ tuổi củng cố sự cải đạo của họ theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Vậy, bây giờ, lớp giáo lý thì sao? Như tôi đã đề cập, lớp giáo lý cũng có phát triển. Nó không ấn tượng như viện giáo lý, nhưng chúng tôi đã có 5 phần trăm gia tăng trong hai năm qua ở lớp giáo lý. Đây là một tiến bộ đáng kể vì mặc dù tiềm năng lớp giáo lý giảm khoảng 50.000 học sinh kể từ năm 2018, nhưng chúng tôi vẫn đang phát triển. Năm ngoái, chúng tôi đã đạt được 54,4 phần trăm số người ghi danh tiềm năng vào lớp giáo lý. Đó là tỷ lệ phần trăm cao nhất mà chúng tôi từng báo cáo và nó tăng từ mức 49 phần trăm cách đây năm năm. Năm nay, chúng tôi đang tiến triển để tăng tỷ lệ đó một lần nữa lên 56 phần trăm và có thêm 3.000 học sinh nữa.

Chúng tôi rất vui mừng với số liệu này. Chúng tôi từng có một giám đốc của một đơn vị trong Tòa Nhà Văn Phòng Giáo Hội, là người bất thình lình reo lên: “Tôi sẽ đãi mọi người một chầu kem!” khi nhóm của ông ấy làm một điều gì đó thành công. Tôi cũng muốn nói điều đó với cả thế giới, phải không?” Tất cả công việc đặc biệt này mà anh chị em đã thực hiện để gia tăng số lượng ghi danh và ảnh hưởng mà anh chị em đang có, quả thật là—xin mời mọi người ăn kem. Và ăn mừng! Đây thật là một điều tuyệt vời đang diễn ra. Xin cảm ơn, cảm ơn. Tuy nhiên, trong tinh thần vui mừng nhưng chưa hài lòng, chúng tôi tiếp tục tự hỏi: “Chúng ta có thể làm gì hơn nữa để ban phước cho những người trẻ tuổi trong lớp giáo lý?”

Cách đây một vài năm, tôi đã chia sẻ rằng điều tốt nhất chúng tôi có thể làm để đổi mới lớp giáo lý là tiếp tục thực hiện chương trình thông thạo giáo lý. Chúng tôi càng có thể kết hợp chương trình thông thạo giáo lý theo cách nó đã được dự định thì nó sẽ càng ban phước cho giới trẻ của Giáo Hội. Chương trình thông thạo giáo lý sẽ mang đến những kinh nghiệm củng cố sự cải đạo, tính thích đáng và sự thuộc về dành cho các học sinh lớp giáo lý của chúng tôi.

Kể từ đó, chúng tôi đã gồm vào một sáng kiến​quan trọng khác. Bắt đầu từ năm 2025, chúng tôi sẽ giới thiệu các bài học chuẩn bị cho cuộc sống trên toàn cầu nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại mà giới trẻ và các vị lãnh đạo của chúng tôi đã xác định.

Những bài học đầy soi dẫn này đề cập đến các đề tài như sự chuẩn bị cho người truyền giáo và đền thờ, học vấn, sức khỏe thể chất và cảm xúc, những lời giảng dạy của các vị tiên tri hiện nay, và nhiều điều khác nữa. Các bài học sẽ bổ sung cho các nỗ lực liên tục giảng dạy thánh thư và chương trình thông thạo giáo lý của chúng tôi.

Khi ngỏ lời cùng giới trẻ, vị ủy viên của chúng tôi, Anh Cả Clark G. Gilbert, đã nói: “Các bài học chuẩn bị cuộc sống này nhằm giúp các em củng cố mối quan hệ của mình với Thượng Đế và nhận được sự giúp đỡ của Ngài!”

Ông nói tiếp: “Chủ Tịch Nelson đã hứa rằng bằng cách tham dự lớp giáo lý, ‘[giới trẻ] sẽ nhận được câu trả lời cho một số câu hỏi khó nhất của [các em]. [Các em] sẽ tìm được những người bạn [mà các em] có thể tin cậy được. [Các em] sẽ trở thành môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.’

Vậy, nếu anh chị em đang muốn biết về việc đổi mới lớp giáo lý, thì bây giờ, hãy tập trung vào việc giảng dạy thánh thư một cách hùng hồn, theo trình tự, áp dụng hoàn toàn chương trình thông thạo giáo lý, và thực hiện một cách hiệu quả các bài học chuẩn bị cho cuộc sống. Đó là cách mà tôi tin rằng chúng tôi sẽ đáp ứng tốt nhất những nhu cầu của giới trẻ trong Giáo Hội ngay lúc này.

Xin cảm ơn về tất cả những gì anh chị em làm để hỗ trợ giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi ở khắp mọi nơi. Các nỗ lực của anh chị em đang mở rộng phạm vi tiếp cận và củng cố ảnh hưởng của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý theo những cách đáng kể.

Không có điều gì phấn khởi hơn khi nghĩ đến việc có thêm 100.000 học viên trong các lớp của chúng tôi trong vài năm qua—và sự gia tăng nơi mức độ thích đáng, sự thuộc về và khả năng tiếp cận mà đang dẫn đến sự cải đạo của họ theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Chúng ta hãy tiếp tục duy trì cái đà tuyệt vời này trong những năm tới để ban phước cho càng ngày càng nhiều con cái của Cha Thiên Thượng.

Tôi làm chứng rằng Chúa đang gấp rút làm công việc của Ngài. Thật là một đặc ân khi được dự phần vào công việc đó. Và tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi của thế gian; rằng Cha Thiên Thượng có một kế hoạch hoàn hảo cho con cái của Ngài; rằng Chúa Giê Su Ky Tô là nhân vật chính trong kế hoạch hoàn hảo đó để cứu rỗi và tôn cao con cái của Cha Thiên Thượng. Đây là vương quốc của Ngài trên thế gian, và thật là một đặc ân để được trở thành một phần của vương quốc theo bất cứ cách thức nào. Việc tận dụng cả cuộc đời của chúng ta để làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô là một đặc ân. Tôi rất biết ơn được trở thành một phần của chứng ngôn đó và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội chân chính của Ngài trên thế gian, về các vị tiên tri tại thế, về Sách Mặc Môn, về tất cả các phước lành mà chúng ta đã được ban cho nhờ vào phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô trên thế gian. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Russell M. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” (buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho giới trẻ, ngày 3 tháng Sáu năm 2018), Thư Viện Phúc Âm.

  2. Neil L. Andersen, buổi họp lãnh đạo cấp cao, ngày 8 tháng Ba năm 2024.

  3. Russell M. Nelson, “Personal Invitation to Attend Seminary,” ChurchofJesusChrist.org.