Các Chương Trình Phát Sóng Thường Niên
Tin cậy nơi Thượng Đế


23:27

Tin cậy nơi Thượng Đế

Buổi Phát Sóng Thường Niên của LGL&VGL tháng Một năm 2024

Thứ Sáu ngày 26 tháng Một năm 2024

Là một phước lành để được ngỏ lời cùng anh chị em—anh chị em là những người đã làm rất nhiều để dẫn dắt các thế hệ trẻ hơn đến với Đấng Ky Tô. Công việc của anh chị em là giảng dạy và cải đạo. Đức Thánh Linh đồng hành cùng anh chị em. Sự tưởng thưởng của anh chị em không thể nào diễn tả được. Theo lời của Đấng Cứu Rỗi, “Sự vui mừng của các ngươi … trong vương quốc của Cha ta sẽ lớn lao biết bao!”1

Tôi biết ơn những điều chúng ta đã nghe từ ủy viên giáo dục, Anh Cả Clark G. Gilbert, và quản trị viên Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý, Anh Chad H. Webb. Tôi khâm phục và thích phục vụ với cả hai người họ. Tôi tán thành sự hướng dẫn và lời khuyên sáng suốt mà chúng ta vừa nhận được từ mỗi người họ. Họ biết điều họ nói. Tôi rất phấn khởi về sự tăng trưởng trong cả lớp giáo lý lẫn viện giáo lý mà Anh Webb đã báo cáo. Xin chúc mừng và cảm ơn tất cả những ai đã có bất kỳ đóng góp nào trong sự tăng trưởng đó.

Tôi hy vọng anh chị em sẽ nhớ tới những lời của Anh Cả Gilbert về việc nghiên cứu và khuếch đại những điều chú trọng mang tính tiên tri của Chủ Tịch Russell M. Nelson cùng với những vị sứ đồ và tiên tri khác. Các ví dụ mà ông đã trích dẫn về cách điều này được thực hiện, và được thực hiện một cách hiệu quả, đều đặc biệt hữu ích. Anh chị em có thể làm theo nhiều trong số các cách đó và tìm kiếm sự soi dẫn cho những cách áp dụng khác trong hoàn cảnh của mình. Đây là một sáng kiến quan trọng trong nền giáo dục của Giáo Hội và sẽ mang lại những thành quả quan trọng.

Tôi đặc biệt phấn khởi—thậm chí bị thu hút—bởi điều mà Anh Webb đã công bố về các bài học theo chủ đề trong lớp giáo lý. Ông nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng phương pháp giảng dạy thánh thư theo trình tự của mình làm nền tảng cho chương trình giảng dạy lớp giáo lý, nhưng chúng ta sẽ thêm vào nhiều bài học khác nhau trong hầu hết các tuần để đề cập đến các chủ đề như phục vụ truyền giáo, đền thờ, sự chuẩn bị học tập, các kỹ năng học thánh thư, khả năng phục hồi cảm xúc, kỹ năng sống, những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau, v.v. Đối với tôi, điều này giống như là thêm một ít trái cây và một chút gia vị mới vào chiếc bánh. Nó sẽ rất ngon. Cùng với anh chị em, tôi nóng lòng muốn học hỏi từ phương pháp này, và tôi hân hoan vì có thể cung cấp thêm một điều gì đó cho những người đã nỗ lực và hy sinh để tham dự lớp giáo lý. Dù sao đi nữa, hãy thưởng thức cái bánh nhé!

Tôi muốn nói về một mối quan tâm dường như đang làm chúng ta đau đầu hơn bao giờ hết trong các thế hệ trẻ hơn của chúng ta. Tôi đang đề cập đến chính những cảm giác lo âu và trầm cảm thật sự và hậu quả mà những cảm giác này có thể gây ra—bao gồm, ở mức cực đoan, lạm dụng chất gây nghiện, tự làm hại bản thân, và thậm chí tự tử. Một vài số liệu thống kê:

Trên toàn cầu, từ năm 2004 đến năm 2021, các báo cáo về tỷ lệ trầm cảm nặng ở thanh thiếu niên đã tăng từ 13,1% đến 29,2% đối với nữ và từ 5% đến 11,5% đối với nam.2 Trong số các thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi, 21% đã trải qua giai đoạn trầm cảm nặng ít nhất một lần trong đời và 15% bị mắc chứng trầm cảm trong năm qua.3 Những số liệu này không cho thấy thách thức nhỏ hơn nhưng đáng kể gây ra bởi chứng trầm cảm và lo âu nhẹ mà ảnh hưởng đến nhiều thanh thiếu niên hơn.4 Theo WebMD, gần 60% những người mắc chứng lo âu cũng bị trầm cảm, và ngược lại.5

Các cuộc nghiên cứu định kỳ của Giáo Hội về giới trẻ là tín hữu cho thấy rằng trong năm 2018, có đến 29% giới trẻ trên toàn cầu đã vật lộn với các chứng lo âu ở mức độ nặng. Dĩ nhiên, con số này thay đổi tùy theo quốc gia và có thể không đại diện cho tất cả giới trẻ ở mỗi quốc gia, nhưng con số cho thấy hội chứng lo âu ở mức độ nặng, ví dụ như ở Hoa Kỳ, là 28%; Chile, 32%; Pháp và Bỉ, 16%; Nam Phi, 46%; Đài Loan, 18%; New Zealand, 32%.6

Tất nhiên, có thể có nhiều yếu tố góp phần hoặc liên quan đến sự phát triển chứng trầm cảm và lo âu. Trong một số trường hợp, đó có thể là do yếu tố di truyền. Cũng có thể do một vài yếu tố bên ngoài góp phần tác động vào, chẳng hạn như nghịch cảnh (bao gồm tổn thương tâm lý và bị bỏ rơi), tiếp xúc với căng thẳng, cách nuôi dạy con cái, khuynh hướng tình dục, ảnh hưởng của bạn bè và nhóm xã hội, các yếu tố ở trường học, và tính tình, cùng những yếu tố khác.

Một yếu tố tương đối mới, liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ lo âu và trầm cảm là do sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Điều này đã thu hút sự quan tâm và cảnh báo từ văn phòng Tổng Bác Sĩ Phẫu Thuật Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, người ta ước tính rằng 95% thanh thiếu niên có liên kết với phương tiện truyền thông xã hội, với gần hai phần ba trong số đó sử dụng phương tiện truyền thông xã hội mỗi ngày. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các thanh thiếu niên này dành trung bình 3,5 tiếng mỗi ngày trên phương tiện truyền thông xã hội và báo cáo rằng điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tự nhận thức của họ. Có những hành vi nhất định khi sử dụng mạng internet thường mang lại kết quả xấu: bắt nạt trên mạng, nhắn tin gợi dục, và doomscrolling. (Nhân tiện, đối với các anh chị em chưa bao giờ nghe về “Doomscrolling” như tôi, nó đề cập đến việc dành nhiều thời gian trên điện thoại hoặc máy vi tính để tập trung vào những câu chuyện tin tức tiêu cực. Rõ ràng, đối với một số người, thói quen đó thật khó bỏ và có phần giúp họ cảm thấy được an ủi.) Việc thụ động sử dụng phương tiện truyền thông xã hội—nghĩa là dành thời gian xem lại nội dung trên phương tiện truyền thông xã hội một cách vô thức—làm tăng những cảm giác tự ti và so sánh tiêu cực, trong khi việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội một cách tích cực hoặc có mục đích (như đăng bài, bình luận, và kết nối) thì không có cùng những mối liên hệ tiêu cực.

Cuộc nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có một số yếu tố bảo vệ nhất định mà có thể giúp ngăn ngừa chứng lo âu và trầm cảm. Chúng bao gồm hoạt động thể chất, tình cảm, sự kiên trì, và sự tự chủ.

Cá nhân tôi tin rằng phần lớn sự chán nản và chứng lo âu là vì không hiểu hoặc không nhớ kế hoạch của Thượng Đế và tin cậy vào quyền năng của Ngài khi gặp khó khăn. Nếu không có sự hiểu biết và lòng tin chắc về tính xác thực của Thượng Đế, tình yêu thương, và kế hoạch hạnh phúc của Ngài dành cho con cái của Ngài, thì những tâm hồn non nớt có thể thấy tương lai của chúng thật ảm đạm và mong manh. Chúng ta không mong đợi các giảng viên lớp giáo lý và viện giáo lý trở thành các cố vấn hoặc chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Thay vì vậy, chúng ta cung cấp một giải pháp xoa dịu các yếu tố trong xã hội mà khiến làm tăng mức độ lo âu và trầm cảm. Chúng ta là những người mang đến hy vọng. Chúng ta cất lên niềm hy vọng bắt nguồn từ đức tin và sự trông cậy nơi Thượng Đế.

Việc hiểu về kế hoạch cứu chuộc của Cha Thiên Thượng—đặc biệt là yếu tố chính yếu của kế hoạch đó, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô—mang đến sự bảo đảm tột bậc. Nó xây đắp và bảo tồn khả năng phục hồi về mặt thuộc linh cũng như cảm xúc—biết được lý do của sự tồn tại và mục đích của chúng ta trong cuộc sống trần thế. Chúng ta giảng dạy bằng lời chỉ giáo và bằng tấm gương cho những người có thể đang tìm kiếm sự giải thoát và hỗ trợ. Hãy để cho những lời của Đấng Cứu Rỗi còn mãi trong lòng họ: “Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi.”7 Các giao ước của chúng ta ràng buộc chúng ta với Ngài, và cùng với Ngài, chúng ta cũng sẽ thắng thế gian.

Chúng ta có thể giúp các học viên và những người khác thiết lập nền tảng cá nhân của họ trên “đá của Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế,” để cho “khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, phải, những mũi tên trong cơn gió lốc của nó, phải, khi những trận mưa đá và những cơn bão tố mãnh liệt của nó tới tấp đổ xuống trên [họ], thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo [họ] xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được.”8 Chủ Tịch Russell M. Nelson đã diễn tả điều đó như thế này: “Chúa đã phán rằng bất chấp những thử thách mới mẻ của ngày nay, những người nào xây dựng nền móng của họ dựa trên Chúa Giê Su Ky Tô và đã học cách tiếp cận quyền năng của Ngài, đều không cần phải nhượng bộ những lo lắng độc nhất chỉ có trong thời đại này.”9

Chúng ta có một cơ hội có một không hai với khóa học Sách Mặc Môn năm nay. Không có quyển thánh thư nào khác trình bày rõ ràng kế hoạch cứu chuộc như thế. Không có quyển sách nào khác giảng dạy một cách thuyết phục hơn về tính xác thực và ý nghĩa của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Không có phần nào khác trong sách kinh thánh mà có được quyền năng cải đạo của Sách Mặc Môn trong lời chứng của sách rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô và Ngài đã khắc phục cái chết, cả thể xác lẫn thuộc linh. Sách Mặc Môn là lời giải thích minh bạch về lẽ thật phúc âm và niềm vui được tìm thấy trong việc tuân theo các lệnh truyền phúc âm. Câu chuyện trong sách chứa đầy những ví dụ về việc khắc phục. Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế, và “hiệu năng của lời [Ngài]”10 khi giúp tạo ra đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi—là đức tin mà đẩy lùi những nghi ngờ, trầm cảm, và lo âu mà có thể khiến chúng ta kiệt quệ và thay thế chúng bằng sức mạnh và sự tin chắc.

Hãy xem xét một vài tình huống:

Đó là lời hứa quen thuộc được Vua Bên Gia Min tuyên bố: “Và ngoài ra, tôi mong rằng các người hãy nên suy ngẫm về trạng thái đầy phước lành và hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế. Vì này, họ được ban phước lành trong tất cả mọi điều, cả vật chất lẫn tinh thần; và nếu họ trung thành cho đến cùng thì họ sẽ được thu nhận vào thiên thượng, để nhờ đó họ có thể ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận. Hãy ghi nhớ, hãy ghi nhớ rằng những điều này là có thật; vì Đức Chúa Trời đã phán vậy.”11

Hãy nhớ lời tuyên bố đầy trấn an của Nê Phi khi ông đối mặt với sự ngược đãi và bị trầm cảm vào lúc cha ông qua đời:

“Tuy nhiên, mặc dù với tấm lòng nhân từ bao la của Chúa, khi cho tôi thấy những công việc vĩ đại và kỳ diệu của Ngài, nhưng lòng tôi cũng không khỏi thốt nên lời: Ôi, khốn thay cho thân tôi! Phải, lòng tôi sầu khổ … vì sự bất chính của tôi.

“Tôi bị bao vây bởi những cám dỗ và những tội lỗi, chúng đã quấy nhiễu tôi một cách quá dễ dàng.

“Và mỗi khi tôi muốn được hoan hỉ thì tim tôi lại rên rỉ vì những tội lỗi của tôi; tuy nhiên, tôi biết mình đã đặt lòng tin cậy nơi ai rồi. …

“Hỡi ôi, thế thì một khi tôi đã được trông thấy những việc quá vĩ đại như vậy, và nếu Chúa, với tấm lòng hạ cố của Ngài đối với con cái loài người đã đến viếng thăm loài người với biết bao thương xót, thì tại sao lòng tôi lại than khóc, và tâm hồn tôi phải lưu lạc trong thung lũng phiền muộn, và xác thịt tôi phải héo mòn, sức lực tôi phải suy yếu, cũng vì những nỗi đau khổ của chính tôi? …

“Hỡi Chúa, con đã tin cậy nơi Ngài, và con sẽ tin cậy Ngài mãi mãi.”12

An Ma kể lại niềm vui được sinh lại và rồi trông cậy vào Thượng Đế:

“Và bấy giờ, suốt ba ngày ba đêm cha đã bị xâu xé với những nỗi đau đớn của một linh hồn bị kết tội.

“Và chuyện rằng, trong lúc cha bị khốn khổ với cực hình, trong lúc cha bị ray rứt bởi sự hồi tưởng tới bao tội lỗi của mình, này, cha bỗng nhớ lại lời tiên tri của phụ thân cha đã tiên tri cho dân chúng biết về sự hiện đến của một Chúa Giê Su Ky Tô, tức là Vị Nam Tử của Thượng Đế, để chuộc tội lỗi cho thế gian.

“Bấy giờ, khi tâm trí cha vừa nghĩ đến điều đó, thì cha liền kêu cầu trong lòng mà rằng: Hỡi Chúa Giê Su, là Vị Nam Tử của Thượng Đế, xin Ngài hãy thương xót con là kẻ đang ở trong mật đắng và đang bị bao vây bởi xiềng xích vĩnh viễn của cõi chết.

“Và bấy giờ, này, cha vừa nghĩ xong điều ấy, thì cha không còn nhớ đến những sự đau đớn nữa; phải, cha không còn bị ray rứt bởi sự hồi tưởng tới các tội lỗi của mình nữa.

“Và ô kìa, sự vui mừng biết bao, và cha đã được trông thấy một ánh sáng kỳ diệu làm sao; phải, tâm hồn cha tràn đầy nỗi vui mừng quá lớn lao chẳng khác chi sự đau đớn mà cha đã trải qua vậy! …

“Phải, và từ đó đến giờ, cha đã lao lực không ngừng, để cha có thể mang nhiều linh hồn đến sự hối cải; để cha có thể mang họ đến để nếm được nỗi vui mừng khôn tả như cha đã được nếm qua; ngõ hầu họ cũng có thể được Thượng Đế sinh ra và được đầy dẫy Đức Thánh Linh. …

“Và cha đã được nâng đỡ trong những thử thách và khó khăn đủ loại, phải, và trong mọi hình thức thống khổ; phải, Thượng Đế đã giải thoát cha ra khỏi ngục tù, ra khỏi mọi dây trói buộc, ra khỏi sự chết; phải, và cha đã đặt sự tin cậy vào Ngài, và Ngài sẽ còn giải thoát cho cha nữa.”13

Chẳng ai có thể có lý do nào để lo âu và trầm cảm nặng hơn Mặc Môn, người đã than khóc: “Một cảnh tượng về những điều tà ác và khả ố liên tục xảy ra trước mắt [họ] kể từ ngày [họ] có đủ trí óc để quan sát những hành vi của loài người.”14 Tuy nhiên, mặc cho chiến tranh và đau thương trong suốt cuộc đời ông, ông vẫn có thể nói với Mô Rô Ni: “Hỡi con trai của cha, hãy trung thành nơi Đấng Ky Tô; và cha mong rằng những điều cha viết cho con đây sẽ không làm cho con quá đau buồn đến nỗi con bị nặng lòng đến chết; nhưng cha cầu xin Đấng Ky Tô sẽ nâng con lên, và cầu xin những nỗi thống khổ và cái chết của Ngài, cùng sự xuất hiện trong thể xác của Ngài cho tổ phụ chúng ta trông thấy [Sự Phục Sinh của Ngài] và lòng thương xót và sự nhịn nhục của Ngài, cùng niềm hy vọng về sự vinh quang của Ngài và về cuộc sống vĩnh cửu sẽ tồn tại mãi mãi trong tâm trí con.”15

An Ma đã mô tả tấm gương của chính Đấng Cứu Rỗi trong việc ứng phó với nỗi đau khổ không thể hiểu nổi và làm thế nào chúng ta, thay vì tuyệt vọng, có thể tìm đến Ngài để được trợ giúp và chữa lành.

“Và Ngài sẽ đi ra ngoài đời để chịu đựng mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ; và Ngài phải chịu như vậy là để cho lời báo trước được ứng nghiệm, lời đó là: Ngài sẽ mang lấy những đau đớn và bệnh tật của dân Ngài.

“Và Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.

“… Vị Nam Tử của Thượng Đế vẫn phải chịu thống khổ theo thể cách xác thịt ngõ hầu Ngài có thể mang lấy những tội lỗi của dân Ngài, để Ngài có thể xóa bỏ sự phạm tội của họ qua quyền năng giải thoát của Ngài; và giờ đây này, đây là chứng ngôn hằng có trong tôi.

“Giờ đây tôi nói cho đồng bào hay rằng, đồng bào phải hối cải, và phải được tái sinh; vì Thánh Linh có phán rằng, nếu đồng bào không được tái sinh thì đồng bào sẽ không được thừa hưởng vương quốc thiên thượng. Vậy nên, hãy đến đây và chịu phép báp têm để hối cải, ngõ hầu đồng bào có thể được tẩy sạch tội lỗi của mình, và có được đức tin nơi Chiên Con của Thượng Đế, là Đấng cất bỏ tội lỗi của thế gian, là Đấng có quyền năng để cứu rỗi và tẩy sạch mọi điều bất chính.”16

Trong Sách Mặc Môn, chúng ta học được ý nghĩa thật sự và tiến trình được sinh lại và việc “trở thành một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa.”17 Nếu chúng ta có thể dẫn dắt giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi đến sự sinh lại phần thuộc linh, thì họ sẽ không còn trầm cảm và sẽ kiểm soát được bất cứ nỗi lo âu nào trong cuộc sống của họ, (như là nỗi lo âu khi phải nói chuyện trong buổi phát sóng trên toàn cầu) sẽ hoàn toàn có thể kiểm soát được. Ngay cả cái chết cũng không thể đe dọa sự bình an của họ một khi họ được sinh ra bởi Thánh Linh và đã học cách tin cậy nơi Thượng Đế.

Anh Cả Neal A. Maxwell có lần đã nói về “tình trạng khó khăn của nhân loại,” thực tế là mọi người ai cũng phải chết. Những thành tựu, những điều đạt được, những mối quan hệ của chúng ta, tất cả đều sẽ chấm dứt, và nếu không có gì khác hơn, thì như “Người Thuyết Giảng” trong sách Truyền Đạo đã nói “[hết] thảy đều hư không, [bay] theo luồng gió thổi.”18 Cái chết là một thực tế, và chúng ta buộc phải thừa nhận rằng nếu không có quyền năng khắc phục cái chết, thì cuộc sống của chúng ta sẽ không có mục đích lâu dài. May thay, chúng ta biết rằng cái chết đã được khắc phục, cuộc sống có mục đích và ý nghĩa, và tất cả đều không phải là hư không. Nhờ sự chuộc tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã khắc phục cái chết-sự khó khăn của nhân loại, và giờ đây, như Anh Cả Neal A. Maxwell đã nói: “chỉ còn lại những khó khăn cá nhân [tội lỗi, sai lầm, và thất bại của mỗi chúng ta], và chúng ta có thể được giải cứu khỏi những điều này nhờ tuân theo những lời dạy của Ngài là Đấng đã giải cứu chúng ta khỏi cái chết chung.”19

Trong tất cả những điều này, chúng ta đang thúc đẩy quan điểm rộng hơn được ghi lại trong cụm từ gần đây của Chủ Tịch Nelson: “Hãy Nghĩ Tới Những Điều Vĩnh Cửu của Thượng Thiên.” Chúng ta phải giúp thế hệ đang vươn lên bác bỏ tư tưởng: “Hãy ăn đi, hãy uống đi, và hãy vui chơi thỏa thích đi! Vì ngày mai chúng ta sẽ chết” đang ngày càng rõ rệt trong nhiều nền văn hóa. Cách tiếp cận cuộc sống theo chủ nghĩa thất bại này bỏ qua kế hoạch cứu chuộc và hạnh phúc vĩ đại mà chỉ tập trung vào những thú vui trước mắt. Điều này dẫn đến các thói quen và lối sống không bền vững. Đó là con đường trực tiếp dẫn đến chứng lo âu suy nhược và trầm cảm đầy tai hại. Chủ Tịch Nelson đã đề cập đến vấn đề này trong bài nói chuyện của ông tại đại hội trung ương vào tháng Mười vừa qua. Ông đã khuyên rằng:

“Cuộc sống trần thế là một lớp học cao cấp về việc học cách chọn những điều có tầm quan trọng vĩnh cửu lớn nhất. Có quá nhiều người đã sống như thể cả cuộc sống này chỉ có thế thôi. Tuy nhiên, những lựa chọn của anh chị em ngày nay sẽ quyết định ba điều: anh chị em sẽ sống ở nơi nào trong suốt thời vĩnh cửu, anh chị em sẽ được phục sinh với loại thể xác nào và anh chị em sẽ sống vĩnh viễn với những người nào. Vì vậy, hãy nghĩ tới những điều vĩnh cửu của thượng thiên.”20

Trong một quyển sách ông vừa xuất bản có tựa đề Heart Matter (Trọng Tâm của Vấn Đề) Chủ Tịch Nelson nói thêm về ý nghĩ này khi trích dẫn một kinh nghiệm cá nhân hãi hùng. Ông ấy nói:

“Nhiều lần trong đời, tôi đã đối mặt với cái chết. Một trong những trường hợp đó đã xảy ra ở Maputo, Mozambique, vào cuối tháng Năm năm 2009. Trong khi đang ăn tối tại nhà của phái bộ truyền giáo cùng với Anh Cả William W. Parmley, Chủ Tịch Giáo Vùng Đông Nam Châu Phi, và vợ của ông là Shanna, cùng với chủ tịch Phái Bộ Truyền Giáo Mozambique Maputo Blair J. Packard và vợ ông là Cindy, thì có ba người đàn ông trang bị vũ khí tự động, xông thẳng vào phòng.

“Trong cuộc hỗn chiến sau đó, một tên cướp chĩa súng vào đầu tôi nói rằng họ đến để giết tôi và bắt cóc vợ tôi, và rồi bóp cò. Khẩu súng phát ra tiếng click nhưng đạn không nổ. Phát súng không nổ khiến tên cướp tức giận, sau đó hắn đã đá vào mặt tôi và khiến tôi ngã gục xuống sàn. Tôi chắc chắn rằng đây là kết thúc dành cho tôi. Tôi nhớ mình đã nghĩ, ‘mình sắp rời bỏ cuộc sống này và bước vào cuộc sống mai sau. Đây sẽ là một kinh nghiệm rất thú vị.’

“Cùng lúc đó, một tên cướp khác chĩa súng vào lưng Wendy, bắt đầu lay cái ghế nhằm cố gắng kéo cô ấy ra khỏi cái ghế và nói: ‘Cô sẽ đi cùng chúng tôi! Cô sẽ đi cùng chúng tôi!’

“Qua một loạt các sự kiện kỳ diệu—và đặc biệt là nhờ vào những hành động dũng cảm của Chị Cindy Packard—mạng sống của chúng tôi đã được tha. Tuy nhiên, như tôi đã trải qua một trong số trường hợp hãi hùng trước đây, tôi nhận ra rằng cuộc sống thật mong manh biết bao và rất ít điều trên thế gian này có ý nghĩa vĩnh cửu. Khi những tên cướp đó đe dọa mạng sống của chúng tôi, tôi không nghĩ đến các giải thưởng, bằng cấp học vấn hay lời tán tụng. Tôi đang nghĩ về gia đình mình và các giao ước tôi đã lập với Chúa.

“Tôi sợ rằng có quá nhiều người trong chúng ta đang sống như thể cuộc sống này chỉ có thế thôi và rằng cuộc sống sẽ không tiếp tục sau khi chết, và những gì chúng ta làm ở đây không ảnh hưởng đến tương lai. Điều đó hoàn toàn không đúng.

“Điều bắt buộc là chúng ta không được xao lãng và bị lệch ra khỏi con đường giao ước bởi ‘những vật chất hào nhoáng của thế gian,’ tức là danh dự và sự quan tâm của con người. Những sự kiện đó chẳng quan trọng gì trong thế giới mai sau. Điều quan trọng là liệu chúng ta có lập giao ước với Thượng Đế và tuân giữ các giao ước đó hay không.”21

Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ có thể giúp tất cả những ai mà chúng ta có bất kỳ ảnh hưởng nào để họ lập giao ước với Thượng Đế và tuân giữ các giao ước đó. Giúp họ trau dồi đức tin và tin cậy nơi Thượng Đế và tìm kiếm hy vọng. Giúp họ hối cải và tiếp tục ở trong ân điển cứu chuộc của Đấng Cứu Rỗi và tìm thấy sự bình an. Giúp họ được sinh lại làm “con cái của Đấng Ky Tô, các con trai và con gái của Ngài”22, và tìm thấy niềm vui. Và cầu xin cho anh chị em nhận được lời êm ái của Thượng Đế: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm.”23

Tôi xin gửi đến các anh chị em lời chứng vững chắc và chắc chắn của tôi về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự kiện về Sự Phục Sinh của Ngài chứng minh lẽ thật về những điều chúng ta giảng dạy trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và xác nhận rằng Ngài có tất cả quyền năng trên trời và dưới thế gian—rằng Ngài có thể và sẽ làm tròn những lời hứa của Ngài. Ngài hằng sống! Anh chị em là những người phụ giúp chăn chiên của Ngài, và tôi ban phước cho anh chị em với tình yêu thương của Ngài và với khả năng lớn lao hơn để giảng dạy và chăm sóc các chiên con của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.