Các Chương Trình Phát Sóng Thường Niên
Cái Neo Thuộc Linh


Cái Neo Thuộc Linh

Buổi Phát Sóng Thường Niên của LGL&VGL tháng Một năm 2024

Thứ Sáu ngày 26 tháng Một năm 2024

Vợ tôi, Kristi, lớn lên gần bờ biển ở Nam California và luôn luôn yêu thích đại dương. Một trong những điều ưa thích của cô ấy là tham quan các ngọn hải đăng. Mặc dù hiện giờ đang sống xa đại dương, nhưng chúng tôi đã cùng nhau đến tham quan khoảng 15 ngọn hải đăng khác nhau, và tôi đã hiểu được lý do tại sao cô ấy yêu thích chúng đến thế. Tôi xúc động trước hình ảnh của một ngọn hải đăng đứng sừng sững trước những cơn gió và các ngọn sóng bởi vì nó đã được neo rất sâu vào nền đá và vững chắc đến mức dù có những cơn bão tố dữ dội, cũng chẳng thể xô ngã nó khỏi nền móng mà nó đã được cố định trên đó. Theo cách tương tự, niềm hy vọng của chúng tôi là các học viên của mình sẽ có thể đứng vững trước bất kỳ cơn bão tố nào có thể ập đến trong cuộc sống của họ. Cảm ơn anh chị em đã cung ứng cái neo thuộc linh mà họ cần và đã giúp họ xây dựng nền móng của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Nhờ vào những nỗ lực phi thường của anh chị em trong hai năm qua mà viện giáo lý đã tăng thêm 57.000 học viên, và số học viên ghi danh vào lớp giáo lý đã tăng lên 22.000 người mặc dù có ít học viên tiềm năng hơn. Chúng ta hiện đang có số lượng học viên ghi danh vào lớp giáo lý đạt tỷ lệ cao nhất trong các đợt ghi danh mà chúng ta đã từng báo cáo. Cảm ơn anh chị em đã đáp ứng lời mời của Chủ Tịch Nelson để giúp quy tụ một thế hệ. Như Chủ Tịch Nelson đã dạy, bất cứ khi nào anh chị em làm điều gì nhằm giúp đỡ bất cứ ai … để lập và tuân giữ các giao ước của họ với Thượng Đế, thì anh chị em cũng đang giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên.1 Ngoài số lượng ghi danh gia tăng, năm ngoái còn có hơn 25.000 bạn bè thuộc các tín ngưỡng khác tham dự các lớp học và 9.000 người trong số họ đã chịu phép báp têm.

Cảm ơn anh chị em về những lời mời cá nhân của anh chị em, cảm ơn anh chị em vì đã làm việc với các vị lãnh đạo Giáo Hội và các bậc cha mẹ, cũng như đã khuyến khích các học viên mời bạn bè của họ. Những gì anh chị em đang làm là tạo ra sự khác biệt phi thường, chứ không chỉ là số lượng ghi danh. Sự khác biệt thực sự là ở sự tác động mà anh chị em đang có. Mỗi ngày, cuộc sống đang dần thay đổi khi họ tham dự các lớp học, khi họ cảm nhận được tình yêu thương và đức tin của anh chị em, cũng như khi họ chấp nhận lời mời của anh chị em để học thánh thư và lắng nghe tiếng nói của Thượng Đế. Xin cảm ơn anh chị em đã thực hành đức tin của mình để ban phước cho ngày càng nhiều con cái của Cha Thiên Thượng khi anh chị em cung ứng cái neo thuộc linh mà họ rất cần.

Trong nỗ lực để tiếp tục khám phá những cách tốt hơn để ban phước cho các học viên của mình, cách đây vài năm chúng tôi đã thực nghiệm một khóa học mới trong lớp giáo lý. Trong một học kỳ, chúng tôi đã dạy các học viên năm thứ nhất của lớp giáo lý một phiên bản đã được sửa đổi của khóa học viện giáo lý Scripture Study Fundamentals (Các Nguyên Tắc Cơ Bản của Việc Học Thánh Thư). Sau một học kỳ, các học viên trong những lớp học đó đã tiến bộ đáng kể so với các học viên khác cùng khóa, về khả năng học tập thánh thư cá nhân và tham gia vào các cuộc thảo luận trong lớp học. Đồng thời, một chương trình có tên là Succeed in School (Thành Công ở Trường Học) đã đạt được thành công lớn khi giúp học viên học tốt hơn ở trường và chuẩn bị kỹ hơn cho các cơ hội học vấn trong tương lai. Cả hai kinh nghiệm này đã thu hút sự chú ý của Anh Cả Gilbert, và ông bắt đầu tăng cường khuyến khích chúng tôi cân nhắc điều Chúa đang dạy chúng tôi.

Trong khi điều này đang diễn ra, các cuộc thảo luận bắt đầu với các thành viên của Sở Truyền Giáo về nhiều điều hơn nữa mà lớp giáo lý có thể làm được để giúp chuẩn bị những người truyền giáo tương lai. Các cuộc thảo luận khác đang diễn ra với các thành viên của Sở Đền Thờ về việc giúp những người lần đầu tham dự đền thờ có được một kinh nghiệm đầy ý nghĩa trong đền thờ và hiểu các giao ước mà họ sẽ lập. Những người khác thì bàn thảo với các thành viên của Sở Dịch Vụ An Sinh và Tự Lực Cánh Sinh về việc giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về khả năng phục hồi về mặt cảm xúc và sự tự lực. Đồng thời, ước muốn từ lâu của nhiều người để tập trung nhiều hơn vào những lời giảng dạy của các vị tiên tri hiện đại cũng đang được thảo luận.

Giống như các nhánh đang chảy về cùng một con sông, nhiều ý tưởng đang kết hợp lại với nhau mà tất cả dường như đang hướng chúng tôi theo cùng một hướng. Khi xem xét các khả năng, chúng tôi nhận ra rằng lớp giáo lý đang ở một vị trí độc nhất vô nhị. Có những người thiện lành khác, chẳng hạn như các cố vấn trường học hoặc các nhà trị liệu gia đình, có thể giúp giải quyết các đề tài cần thiết và có thể giúp ích rất nhiều, nhưng chúng ta là người duy nhất có khả năng giải quyết các đề tài đó qua lăng kính của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cũng nhận biết rằng chúng ta độc nhất vô nhị ngay cả trong Giáo Hội chỉ vì chúng ta dành đủ thời gian cho giới trẻ của mình mỗi tuần.

Chúng ta cũng đang ở một vị thế độc nhất vô nhị trong dòng lịch sử của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý. Kể từ lúc điều chỉnh lịch trình của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý cho phù hợp với tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta, hiện giờ chúng ta đang học cùng một quyển thánh thư với tư cách là riêng cá nhân tín hữu, gia đình, và cả các lớp học khác của Giáo Hội. Điều này khiến chúng tôi tự hỏi liệu chúng ta có thể dành ra một ít thời gian quý báu của mình để trực tiếp đề cập đến các đề tài cụ thể trong bối cảnh nghiên cứu thánh thư của mình không. Với tất cả những ý tưởng này đang kết hợp lại trong dòng suy nghĩ của mình, chúng tôi tiếp tục giữ vững một vài ý tưởng cơ bản. Chúng ta cam kết luôn luôn tập trung vào Đấng Ky Tô, dựa trên thánh thư, và tập trung vào học viên. Chúng ta sẽ luôn luôn cố gắng mời Đức Thánh Linh đến và tập trung vào mục tiêu của mình để gia tăng sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài.

Khi thành tâm cân nhắc những điều này có liên quan đến các nỗ lực của mình để ban phước cho giới trẻ, chúng ta đã được nhắc nhở về điều mà Anh Cả David A. Bednar đã dạy về giá trị của việc học thánh thư theo ba cách: theo trình tự, theo đề tài, và theo chủ đề. Ông dạy rằng:

Việc đọc một quyển thánh thư từ đầu đến cuối tạo nên dòng nước sự sống tuôn chảy vào cuộc sống của chúng ta bằng cách giới thiệu chúng ta với các câu chuyện quan trọng, các giáo lý phúc âm và các nguyên tắc bất hủ. …

“… Việc học theo chủ đề giúp chúng ta hiểu sâu hơn.”

Anh Cả Bednar nói thêm:

“Việc chuyên cần tìm kiếm những mối liên hệ, mẫu mực, và chủ đề là một phần ý nghĩa của việc ‘nuôi dưỡng’ những lời của Đấng Ky Tô. Cách tiếp cận này có thể mở rộng nguồn dự trữ thuộc linh, làm sáng tỏ sự hiểu biết của chúng ta qua Thánh Linh của Ngài, và tạo ra một sự biết ơn sâu [sắc] đối với thánh thư và một mức độ cam kết về mặt thuộc linh mà không thể nhận được bằng bất cứ cách nào khác. Việc tìm kiếm như vậy cho phép chúng ta xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta và chống lại những ảnh hưởng mạnh mẽ của sự tà ác trong những ngày sau này.”2

Vì biết rằng chúng ta cần phải thành thực với lịch sử lâu dài và trân quý của việc giảng dạy thánh thư theo tuần tự, đồng thời tiếp tục nhận được lợi ích từ sự liên kết của chúng ta với tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta, và cũng vì biết rằng giới trẻ của chúng ta có những thử thách cụ thể và sự cần thiết để chuẩn bị cho tương lai của các em, chúng tôi đã đưa ra lời đề nghị sau đây lên Hội Đồng Giáo Dục. Giờ đây tôi xin đọc các ghi chú của buổi họp hội đồng đó.

“[Ban điều hành Lớp Giáo Lý và Học Viện Tôn Giáo] đã đề nghị xây dựng chương trình giảng dạy lớp giáo lý mà giảng dạy thánh thư theo trình tự trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta từ 3–4 ngày mỗi tuần, và các bài học theo chủ đề từ 1–2 lần mỗi tuần (được phát triển từ các đề tài như truyền giáo, đền thờ, và chuẩn bị cho học vấn; các kỹ năng học thánh thư; khả năng phục hồi về mặt cảm xúc; kỹ năng sống; và những lời giảng dạy của các vị tiên tri ngày sau). Các bài học theo chủ đề cũng sẽ được dựa trên thánh thư và tập trung vào các nguyên tắc phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô.”

Đề nghị này đã được nhiệt tình chấp thuận để được thực thi trên toàn cầu bắt đầu từ tháng Một năm 2025.

Xin lưu ý rằng mỗi tuần chúng ta sẽ tiếp tục giảng dạy thánh thư theo trình tự. Điều quan trọng là chúng ta cần phải tiếp tục giúp học viên của mình tin tưởng vào khả năng học tập và hiểu thánh thư cũng như biết và sống theo các nguyên tắc mà thánh thư giảng dạy. Chúng ta cũng sẽ tiếp tục giúp giới trẻ tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi của các em qua các nguyên tắc đạt được sự hiểu biết thuộc linh và đạt được những lợi ích của việc thông thạo giáo lý. Các bài học mới theo đề tài, được gọi là “các bài học chuẩn bị cho cuộc sống,” cũng sẽ được thêm vào chương trình giảng dạy mới. Các bài học này sẽ giải quyết các nhu cầu cụ thể của học viên trong lớp giáo lý của chúng ta theo những cách mà sẽ tiếp tục tập trung vào Đấng Ky Tô, dựa trên thánh thư, và tập trung vào người học.

Các bài học này sẽ cho phép anh chị em sử dụng các kỹ năng, kinh nghiệm, và ân tứ mà anh chị em đã sử dụng với tư cách là các giảng viên giảng dạy thánh thư theo trình tự. Đây không phải là bắt đầu lại. Chúng tôi không yêu cầu anh chị em trở thành chuyên gia về bất cứ đề tài nào trong số các đề tài mới này. Trong thực tế, chúng tôi hy vọng rằng không một ai trong các em sẽ đảm nhận vai trò cha mẹ hoặc nhà trị liệu, cố vấn, hoặc chuyên gia. Chúng tôi chỉ yêu cầu anh chị em luôn bám sát theo những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô như đã được nêu trong các tài liệu mới có tính tương quan và được chấp thuận này.

Để giúp anh chị em chuẩn bị cho năm 2025, các tài liệu mới sẽ được gửi đến anh chị em vào tháng Bảy năm 2024, mà sẽ gồm có cả các bài học trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta và các bài học chuẩn bị cho cuộc sống. Chúng tôi khuyến khích anh chị em xem lại các bài học này vào thời điểm đó và cũng khuyến khích anh chị em bắt đầu chia sẻ thông báo này với các bậc cha mẹ, các vị lãnh đạo địa phương, và các viên chức ở trường học để giúp khuyến khích thêm giới trẻ ghi danh vào lớp giáo lý. Bằng cách kết hợp các phương pháp học thánh thư theo trình tự và theo chủ đề, chúng ta hy vọng sẽ mở ra một nguồn dự trữ thuộc linh không giống như bất cứ điều gì chúng ta đã từng thấy trước đây.

Hy vọng của chúng tôi là giúp chuẩn bị cho một thế hệ giới trẻ biết cách học thánh thư và tập trung vào những lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế. Một thế hệ giới trẻ kiên cường về mặt cảm xúc mà có kỹ năng và khả năng để thành công ở trường học và trở thành những người cha và người mẹ ngay chính, và là những người sẽ lãnh đạo trong Giáo Hội và trong cộng đồng của họ. Hy vọng của chúng tôi là giúp một thế hệ được chuẩn bị để hiểu các giao ước của đền thờ, là những người cam kết sâu sắc để tuân giữ các giao ước đó, và một thế hệ những người truyền giáo xứng đáng, hội đủ điều kiện, tràn đầy năng lượng thuộc linh, và sẵn sàng để đại diện cho Đấng Cứu Rỗi trong việc mời gọi thế gian đến cùng Ngài.

Hy vọng của chúng tôi là chuẩn bị một thế hệ các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, là những người được cải đạo sâu sắc theo Ngài và phúc âm phục hồi của Ngài trong suốt cuộc sống của họ. Một lần nữa xin cảm ơn anh chị em đã quy tụ một thế hệ và ảnh hưởng đáng kể mà anh chị em mang lại cho họ. Chúng tôi biết có rất nhiều điều được đòi hỏi ở anh chị em. Xin cảm ơn về tất cả những điều tuyệt vời mà anh chị em đang làm. Khi anh chị em tiếp tục thực hành đức tin của mình, tôi tin rằng anh chị em sẽ thấy các phép lạ, rằng Chúa đã sẵn sàng để củng cố và bảo vệ học viên của chúng ta cũng như chống lại những cơn bão tố của những ngày sau này. Chúa sẽ tiếp tục giúp đỡ anh chị em. Đó là điều Ngài làm. Đó chính là Ngài. Tôi làm chứng về Ngài trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Russell M. Nelson và Wendy W. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” (buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018), Thư Viện Phúc Âm.

  2. David A. Bednar, “A Reservoir of Living Water” (buổi họp đặc biệt devotional của trường Brigham Young University, ngày 4 tháng Hai năm 2007), trang 3, speeches.byu.edu.

In