Các Buổi Họp Đặc Biệt Devotional năm 2023
Bênh Vực cho Lẽ Thật


Bênh Vực cho Lẽ Thật

Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu dành cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi

Ngày 21 tháng Năm năm 2023

Chủ Tịch Dallin H. Oaks: Cảm ơn về phần âm nhạc tuyệt vời đó. Và cảm ơn Ủy Viên Gillbert về lời giới thiệu thú vị đó.

Các em thành niên trẻ tuổi thân mến, kể cả các học sinh trung học sắp tốt nghiệp, Chị Oaks và tôi rất vui để bày tỏ tình yêu thương của chúng tôi với các em và ngỏ lời cùng các em trong buổi họp đặc biệt devotional quan trọng này. Đây là những thời điểm căng thẳng đối với tất cả chúng ta, nhưng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mang đến cho chúng ta nhiều lý do để hân hoan. Qua vị tiên tri của Ngài, Thượng Đế đã đưa ra cho chúng ta thử thách để kiên trì vượt qua nghịch cảnh, và những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô vạch ra đường lối để tiến bước tới số mệnh thiêng liêng của chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu.

I.

Khi ngỏ lời với một cử tọa như các em, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra lời khuyên bảo quan trọng này: “Khi thế gian ngày càng trở nên trần tục và ít thuộc linh hơn, thì sự tăng trưởng của các em cũng phải ngày càng thuộc linh hơn và ít trần tục hơn. Hãy cố gắng bảo vệ nguyên tắc thay vì những việc mang tính đại chúng.”

Sau đó, ông đưa ra lời yêu cầu này, mà chúng tôi chọn làm tiêu đề cho buổi họp devotional của chúng ta: “Biết được lẽ thật và bênh vực cho lẽ thật, ngay cả khi lẽ thật không được ưa chuộng về mặt chính trị.”1

Mục tiêu của chúng ta trong cuộc sống trần thế của mình và đường lối chúng ta nên tuân theo để chiếm ưu thế được đưa ra trong kế hoạch cứu rỗi và gần đây hơn là trong “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.” Hãy xem xét quan điểm trong bản tóm tắt quý báu này của Chủ Tịch Nelson:

“Cuộc sống không phải là một vở kịch chỉ có một màn. Thực sự có một thời kỳ tiền dương thế. Và thực sự có cuộc sống sau khi chết. Phần tiền dương thế và trần thế chỉ là đoạn mở đầu cho cuộc sống sau khi chết của chúng ta. Sự hiểu biết về ba mức độ vinh quang, như đã được mặc khải cho các vị tiên tri, mang đến cho chúng ta một chút hiểu biết về tiềm năng của mình sau khi chết. Cuộc sống vĩnh cửu thật vinh quang và rất đáng để tìm kiếm.”2

Là Các Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta được ban phước với sự mặc khải hiện đại mà mang đến cho chúng ta một sự hiểu biết nhiều hơn về mục đích của cuộc sống trần thế này. Giống như Chủ Tịch Nelson đã nói, chúng ta không xem cuộc sống trần thế như là một vở kịch chỉ có một màn. Đối với chúng ta, có ít nhất ba màn trong cuộc hành trình vĩnh cửu của mình. Màn 1 là cuộc sống tiền dương thế của chúng ta. Tiếp theo là cuộc sống hiện tại trên trần thế của chúng ta, giống như màn 2. Cuộc sống sau khi chết của chúng ta là màn 3. Màn cuối này gồm có Sự Phục Sinh thực sự của tất cả những ai đã từng sống và Sự Phán Xét Cuối Cùng chỉ định chúng ta đến một vương quốc vinh quang mà những hành động, quyết định và ước muốn của chúng ta đã hội đủ điều kiện cho chúng ta để nhận được.

Phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô mang đến quyền tiếp cận độc nhất với lẽ thật về kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng nhân từ dành cho con cái của Ngài.

Mục đích của cuộc sống chúng ta trên thế gian, màn 2, là tăng trưởng hướng tới số mệnh của cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta. Chúng ta làm điều này bằng cách khắc phục điều mà Sách Mặc Môn mô tả là sự tương phản trong mọi sự việc, kể cả nhiều cám dỗ để vi phạm các lệnh truyền của Thượng Đế. Đương đầu và vượt qua cám dỗ, đồng thời đến gần Thượng Đế hơn qua những lựa chọn đúng đắn và sự hối cải từ những điều sai trái, giúp chúng ta đạt được sự tăng trưởng vĩnh cửu, chính là mục đích của cuộc sống trần thế của con cái Thượng Đế.

Chúng ta là những người có ân tứ Đức Thánh Linh và sự mặc khải hiện đại đầy soi sáng đều được ban phước với nhiều sự hiểu biết sâu sắc. Ví dụ, Sách Mặc Môn hứa rằng những người nào chuyên tâm tìm “thì sẽ gặp; và những điều kín nhiệm của Thượng Đế sẽ được vén lên cho họ biết, nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh.”3 Tôi cầu nguyện rằng tất cả những người tôi yêu mến—và bao gồm tất cả con cái của Thượng Đế đang nghe tôi nói—sẽ hành động theo lời mời đó để tìm và biết được lẽ thật.

II.

Lẽ thật đầu tiên liên quan đến hôn nhân. Hôn nhân là trọng tâm của mục đích của cuộc sống trần thế và những gì theo sau. Chúng ta là con cái của Cha Thiên Thượng nhân từ, là Đấng đã tạo ra chúng ta với khả năng tuân theo lệnh truyền của Ngài là phải sinh sôi nảy nở và làm đầy dẫy mặt đất. Khả năng sáng tạo đó là một trong số những ân tứ quý báu nhất mà chúng ta có được trong cuộc sống trần thế. Nhưng trọng tâm của ân tứ đó là luật trinh khiết, lệnh truyền rằng khả năng sinh sản của chúng ta chỉ được thể hiện trong hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Lệnh truyền đó là trọng tâm của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Thực tế đó giải thích lý do tại sao chúng ta có những giá trị khác nhau và kiềm chế một số hành vi nào đó mà dường như phổ biến ở nhiều người xung quanh chúng ta.

Thái độ của chúng ta đối với định nghĩa về hôn nhân và đối với hôn nhân là những ví dụ về thực tế đó. Các vị lãnh đạo của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đặc biệt quan tâm đến những thay đổi gần đây về bản chất và quy mô của hôn nhân ở Hoa Kỳ. Điều này gồm có khuynh hướng ngày càng tăng của công dân Hoa Kỳ, kể cả một số thanh niên và thiếu nữ Thánh Hữu Ngày Sau xứng đáng, trì hoãn kết hôn. Để giải thích khuynh hướng đó, chúng ta hãy xem hai biểu đồ về hôn nhân. Tuy những con số này là ở Hoa Kỳ nhưng chúng cũng tiêu biểu cho một vấn đề toàn cầu.

Biểu đồ đầu tiên này cho thấy sự giảm sút đáng kể về tỷ lệ phần trăm công dân ở Hoa Kỳ đã từng kết hôn. Trong 30 năm vừa qua, tỷ lệ phần trăm này giảm từ tám đến chín phần trăm đối với đàn ông lẫn phụ nữ. Rõ ràng, hôn nhân đang trên đà suy giảm ở Hoa Kỳ.

Biểu đồ thứ hai này cho thấy một sự gia tăng liên quan đến tuổi kết hôn của các Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi. Biểu đồ này mô tả độ tuổi trung bình của những người nam và người nữ Thánh Hữu Ngày Sau vào thời điểm kết hôn lần đầu của họ. Nó cho thấy sự gia tăng khoảng 5 năm cho cả người nam lẫn người nữ.4

Hãy xem xét điều mà Các Thánh Hữu Ngày Sau thành niên trẻ tuổi đã bỏ lỡ khi hôn nhân của họ bị cố tình trì hoãn trong một thời gian dài: các cơ hội bị đánh mất và các phước lành bị chậm trễ. Điều này có nghĩa là trì hoãn sự tăng trưởng quan trọng của cá nhân xảy ra trong mối quan hệ giữa vợ chồng, sự tăng trưởng về những đức tính như sự hy sinh và lòng khiêm nhường. Điều này có nghĩa là cơ hội để cùng nhau xây đắp vương quốc của Thượng Đế bị giảm sút. Và quan trọng nhất, điều này có nghĩa là có ít con cái hơn được sinh ra và lớn lên với các phước lành của phúc âm. Các em biết tất cả những điều này và các em cần biết rằng các vị lãnh đạo của các em biết rằng nhiều người độc thân trong chúng ta không kết hôn sớm hơn vì những lý do nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Tôi sẽ nói thêm về điều đó sau này.

Kristen, xin thêm ý kiến của em về điều này.

Chị Kristen M. Oaks: Được ạ. Quả thực, hôn nhân là một ân tứ. Hôn nhân không những mang đến cho chúng ta cơ hội có thêm con cái mà còn cho chúng ta cơ hội và động cơ để bắt đầu một cuộc hành trình cùng nhau tăng trưởng. Chúng ta học cách hy sinh và phục vụ khi có thể được theo một số cách khác.

Tôi thường tìm kiếm các cơ hội để phục vụ khi còn độc thân. Giờ đây, tại mỗi bữa ăn tối, đối tượng của dự án phục vụ của tôi ngồi đối diện với tôi. Tôi học cách yêu thương và giúp đỡ chồng mình nhiều hơn; Tôi có một người bạn để cùng cười và cùng khóc. Rồi tôi có một người ủng hộ, người thầy và người cổ vũ lần lượt giúp đỡ tôi. Hôn nhân là một cơ hội cố hữu để học hỏi cách giao tiếp và chia sẻ quan điểm. Tôi muốn các em biết rằng cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn khi hôn nhân của chúng tôi bắt đầu được kết nối với một điều gì đó vĩ đại hơn bản thân chúng tôi và gần gũi hơn với Đấng Cứu Rỗi. Và tôi mong muốn điều đó cho tất cả các em.

Trong vở kịch Những Người Khốn Khổ có câu: “Yêu thương người khác là thấy được mặt Thượng Đế.”5 Không có nơi nào mà điều đó xảy ra lại tốt hơn trong hôn nhân.

Chủ Tịch Oaks: Về mặt thế tục, việc trì hoãn có con—thậm chí là việc không quý trọng chúng—đã thể hiện rõ trong khuynh hướng vừa được báo cáo trong một cuộc thăm dò ý kiến quốc gia có uy tín mà cho thấy tầm quan trọng của việc có con đối với những người thành niên đã giảm trong 25 năm qua từ 66 phần trăm xuống còn 33 phần trăm.6

Kristen và tôi đã nghĩ đến ý nghĩa đối với Giáo Hội phục hồi về việc quốc gia này đánh giá thấp tầm quan trọng của trẻ em khi chị gái của Kristen đã thuật lại một lời nhận xét của đứa con trai nhỏ của chị ấy. Khi họ cùng nhau đọc tạp chí Bạn Hữu và nhìn vào bức hình của Chúa Giê Su, thì chị ấy lúng túng về việc Đấng Cứu Rỗi ra hiệu cho các trẻ em đến với Ngài. Anders, bốn tuổi, đã trả lời với lời giải thích đầy cảm hứng này: “Mẹ không hiểu sao? Chúa Giê Su yêu thương trẻ con.”

Chỉ cần nhớ rằng, Cha Thiên Thượng nhân từ có một kế hoạch dành cho các thành niên trẻ tuổi của Ngài, và một phần của kế hoạch đó là hôn nhân và con cái.

Bây giờ, chỉ để cho vui thôi, chúng tôi muốn chia sẻ những gì chúng tôi đã từng giảng dạy về việc hẹn hò và đi chơi. Đây là video về những gì tôi đã nói vào năm 2005, khi các thành niên lớn tuổi nhất đang có mặt với chúng ta hôm nay chỉ khoảng 12 tuổi, và những người còn lại chỉ là trẻ em hoặc thậm chí còn chưa sinh ra đời.

Trong nhiều năm, Giáo Hội đã khuyên bảo giới trẻ của chúng ta không nên hẹn hò trước 16 tuổi. Có lẽ một số người thành niên trẻ tuổi, nhất là nam giới, đã tuân theo lời khuyên khôn ngoan đó một cách thái quá và quyết định không hẹn hò trước 26 tuổi hoặc thậm chí trước 36 tuổi. Bây giờ tôi mời các em quay lại với tôi và xem video này từ năm 2005.

Chủ Tịch Oaks [video]: “Các em thanh niên, nếu các em đã trở về từ công việc truyền giáo của mình và các em vẫn đang tuân theo các mẫu mực về nam nữ mà các em đã được khuyên bảo phải tuân theo khi các em 15 tuổi, thì đã đến lúc các em phải trưởng thành. Hãy thu hết can đảm và tìm kiếm ai đó để kết đôi. Hãy bắt đầu hẹn hò với nhiều thiếu nữ khác nhau, và khi giai đoạn đó mang lại triển vọng tốt, thì hãy tiến tới việc tìm hiểu. Đã đến lúc kết hôn rồi. Đó là điều Chúa dự định cho các con trai và con gái thành niên trẻ tuổi của Ngài. Thanh niên có quyền chủ động, và thanh niên các em nên tiếp tục với điều đó. Nếu các em không biết hẹn hò là gì thì có lẽ định nghĩa này sẽ hữu ích. Tôi đã nghe định nghĩa đó từ đứa cháu gái 18 tuổi của tôi. Một ‘buổi hẹn hò’ phải vượt qua ba cuộc trắc nghiệm: (1) hoạch định trước, (2) chi trả tiền và (3) kết đôi. …

“Các bạn trẻ độc thân của tôi, chúng tôi khuyên các em nên hướng mối quan hệ của mình với người khác giới vào các khuôn mẫu hẹn hò mà có khả năng dẫn đến hôn nhân, chứ không phải các khuôn mẫu đi chơi mà chỉ có triển vọng phát triển thành các môn thể thao đồng đội như môn bóng bầu dục. Hôn nhân không phải là một sinh hoạt nhóm—ít nhất là cho đến khi có đủ số con cái sinh ra.”7

[kết thúc video]

Các chị em phụ nữ thân mến, hình như các chị em rất thích những chỉ dẫn đó dành cho những thanh niên độc thân. Bây giờ, Kristen có vài lời dành cho các phụ nữ độc thân.

Chị Oaks: Thưa Chủ Tịch Oaks, video về việc hẹn hò đó thực sự đã cũ rồi, nhưng nguyên tắc vẫn không thay đổi—hẹn hò vẫn phải đi trước hôn nhân.

Vì tôi kết hôn khi 53 tuổi, nên tôi biết cảm giác chờ đợi một người bạn đời xứng đáng là như thế nào và thường kèm theo nỗi khao khát, đau khổ và nước mắt rơi ướt đẫm gối. Nhưng tôi có thể làm chứng về tình yêu thương của Chúa dành cho các chị em dũng cảm thấy mình đang chờ đợi, vì tôi đã cảm nhận được tình yêu thương đó. Và tôi cũng đồng cảm với các anh em trung tín mà cũng mong muốn điều này. Nỗi vật vã là có thật. Việc hẹn hò và ngay cả không hẹn hò cũng có thể gây căng thẳng.

Khi đức tin và tương lai của tôi dường như bị thử thách—khi tôi tự hỏi tại sao cuộc sống lại dường như quá khó khăn khi tôi đang cố gắng hết sức mình để sống theo phúc âm—thì đôi khi tôi cảm thấy chắc hẳn mình đã làm điều gì sai. Tôi đã không có làm điều gì sai cả.

Như Chị Michelle D. Craig đã nói: “Thử thách không có nghĩa là kế hoạch bị thất bại.” Kế hoạch gồm có sự tăng trưởng và nhằm giúp chúng ta tìm kiếm Thượng Đế. Chị Craigh nói thêm: “Cha Thiên Thượng quan tâm đến sự tăng trưởng của [các em] với tư cách là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô hơn là sự an nhàn [của các em].”8

Nếu các em thấy mình đang để cho thời gian trôi qua trong khi chờ đợi một triển vọng kết hôn thì hãy đừng chờ đợi nữa và bắt đầu chuẩn bị. Hãy tự chuẩn bị mình cho cuộc sống—bằng học vấn, kinh nghiệm, và hoạch định. Đừng chờ đợi hạnh phúc lao tới mình. Hãy tìm kiếm cơ hội phục vụ và học tập. Và quan trọng nhất, hãy tin cậy nơi Chúa, “kêu gọi tôn danh Chúa hằng ngày cùng đứng vững trong đức tin đối với những điều sẽ phải xảy đến.”9 Và tôi hứa rằng khi các em làm như vậy thì hạnh phúc sẽ đến với các em.

Chủ Tịch Oaks: Kristen đã đưa ra cho các chị em một số lời khuyên quý giá. Lời khuyên của bà không lỗi thời. Thật ra, lời khuyên của tôi dành cho các thanh niên độc thân cũng không lỗi thời. Các vị lãnh đạo Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô cũng đang quan tâm đến hôn nhân như chúng tôi cách đây 20 năm. Mối quan tâm của chúng tôi gồm có các nguyên nhân, chẳng hạn như tình trạng thiếu nhà ở mà các cặp vợ chồng trẻ có thể mua được và số tiền nợ tiền học ngày càng tăng.

Như các em thành niên trẻ tuổi biết rất rõ, các em không phải là nguyên nhân mà là nạn nhân của những hoàn cảnh đó. Vậy thì phải làm gì? Hãy tiến bước với đức tin và cố gắng hết sức trong hoàn cảnh thị trường nhà ở kém thuận lợi hơn những gì tôi và ông bà của các em gặp phải trong những năm đầu đời của chúng tôi. Và, nhất là, hãy làm việc để giảm thiểu nợ tiền học.

Trong kế hoạch của Thượng Đế, chúng ta có thể có tất cả, nhưng không phải theo trình tự mà thế giới dường như áp đặt. Chúng tôi muốn giúp đỡ bằng cách nhắc nhở các em về kế hoạch của Thượng Đế và những tấm gương xứng đáng của những người tiền nhiệm của chúng ta. Những người tiền phong Mặc Môn thời xưa của chúng ta đã rời bỏ nhà cửa và tài sản của họ để đưa gia đình họ đến nơi an toàn về mặt thuộc linh ở vùng Mountain West. Ngày nay, chúng tôi khuyến khích các em đừng rời bỏ nơi an toàn thuộc linh và gia đình để có được của cải vật chất.

III.

Giờ đây, tôi đề cập đến một số vấn đề mà cũng là mối quan tâm cho các em học sinh trung học yêu quý trong số cử tọa của chúng tai.

Trên toàn quốc, bạn bè của các em bị ảnh hưởng bởi nỗi lo lắng, dễ bị nghiện ma túy, nghiện mạng truyền thông xã hội và tìm kiếm sự tư vấn với số lượng kỷ lục. Các em bị nhiễm những ảnh hưởng này, nhưng đối với các em, thì tin mừng vượt xa tất cả những điều đó.

Các em biết mình là con cái của Thượng Đế, một di sản cao quý duy nhất. Thượng Đế yêu thương các em. Ngài là một Đấng Thầy đầy quyền năng và Ngài đã hứa sẽ giúp đỡ các em nếu các em tìm kiếm Ngài theo cách Ngài đã dạy. Hãy đặt vào tâm trí và những ưu tiên cá nhân của các em lẽ thật mạnh mẽ rằng các em là con cái yêu dấu của Thượng Đế. Tình yêu của Ngài ban cho các em lòng tự trọng, sức mạnh và động lực để chống lại bất cứ vấn đề nào các em gặp phải trong cuộc sống. Và đừng bao giờ quên rằng các tôi tớ của Ngài cũng yêu thương các em. Chúng tôi yêu mến các em.

Tôi vừa nhận được một lá thư đáng quý từ một cô gái 16 tuổi sống ở một tiểu bang mà chúng ta có ít tín hữu. Tôi sẽ gọi em ấy là Amy. Lá thư của em ấy rất quan trọng vì em ấy bày tỏ những cảm nghĩ thông thường ở những người trẻ tuổi trong khắp Giáo Hội. Lá thư dài của Amy gồm có những phần này. Tôi đã yêu cầu một người bạn của các em đọc những lời của em ấy.

Amy: “Em cảm thấy như đôi khi mình nhận được những sứ điệp không nhất quán và khó hiểu từ Giáo Hội. Trong cuộc sống hằng ngày của mình, em thấy các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô trên mạng truyền thông xã hội hành động như thể họ không thuộc về phúc âm này. … Em cảm thấy như thể mình là thiếu nữ độc nhất trong tiểu giáo khu của mình mà nhìn thấy những điều mà em thấy thế gian sai. … Em thực sự không hiểu tại sao có rất nhiều thanh thiếu niên trong nhà thờ chúng ta không thấy có vấn đề gì với việc những người khác thay đổi giới tính của họ cách mỗi ngày, hẹn hò với những người cùng giới hoặc xác định là không có giới tính. …

“Tại các buổi sinh hoạt của giới trẻ trong tiểu giáo khu hoặc giáo khu, em được hỏi về cách xưng hô của em, hoặc ở trường, em được mời khiêu vũ với một cô gái mà nghĩ rằng cô ấy là con trai. Em biết là chúng ta phải yêu thương mọi người và cho thấy sự tôn trọng đối với họ, và em luôn luôn làm vậy. Em [chỉ] cảm thấy rằng họ đã vượt qua giới hạn. … Em ước gì chúng em được nghe thêm bài nói chuyện từ các vị lãnh đạo Giáo Hội về vấn đề này.”10

Chủ Tịch Oaks: Đây là một lá thư của một thiếu nữ trạc tuổi học sinh lớp 12 trung học trong cử tọa này. Tại sao lá thư của em ấy lại tác động sâu xa đến tôi nhiều như vậy? Em ấy muốn làm điều đúng, nhưng lại cảm thấy bị bao vây bởi những giá trị và hành vi mà em ấy cảm thấy là sai trái, và em ấy không biết phải làm gì về điều đó. Em ấy muốn bênh vực lẽ thật nhưng không biết cách làm điều đó với tình yêu thương. Trong một buổi họp đặc biệt devotional dành cho các thành niên trẻ tuổi tại trường Ensign College, Anh Cả Clark G. Gilbert và tôi đã mô tả thử thách để cương quyết đứng vững với tình yêu thương trong khi rao truyền lẽ thật. Chúng ta vẫn có thể yêu thương người khác và tìm thấy điểm chung mà không thỏa hiệp về các lẽ thật mà chúng ta biết.11

Trong lá thư của Amy, em ấy viết về những người bạn trong Giáo Hội đang hoang mang về giới tính của họ, một tình trạng được gọi là chứng rối loạn định dạng giới. Nỗi hoang mang này có thể mang những hình thức khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời của một người. Do đó, những người và những người trong gia đình bị ảnh hưởng nên nhìn xa và tìm cách dựa vào và hành động theo các nguyên tắc vĩnh cửu. Có một dạo, tôi đã suy ngẫm về vấn đề này. Giờ đây, với tình yêu thương tôi cảm nhận cho những người quan tâm đến những vấn đề như vậy, Thánh Linh đã thúc giục tôi sử dụng cơ hội này nhằm nhấn mạnh một số lẽ thật quý báu mà phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mặc khải hầu giúp chúng ta giải quyết những điều hoang mang như vậy.

Các em thanh niên và thiếu nữ thân mến, Giáo Hội và các vị lãnh đạo, các giảng viên lớp giáo lý và viện giáo lý cùng với cha mẹ của các em có trách nhiệm và sự soi dẫn để giảng dạy các em về các lẽ thật của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Các em có cuốn sách nhỏ quý giá Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ xây dựng dựa trên các nguyên tắc trong kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, và các giao ước chúng ta đã lập khi chịu phép báp têm và các giao ước mà chúng ta tái lập vào mỗi ngày Sa Bát bằng cách dự phần Tiệc Thánh. Những trang đầu tiên của sách này ghi lại lời hứa này: “Với những lẽ thật này là sự hướng dẫn của các em, các em có thể đưa ra những lựa chọn truyền cảm hứng mà sẽ ban phước cho các em trong suốt thời vĩnh cửu.”12

Khi Chúa Giê Su được hỏi giáo lệnh nào là lớn nhất, Ngài đã đưa ra hai giáo lệnh. Thứ nhất là yêu mến Thượng Đế, điều mà chúng ta cho thấy bằng cách tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Thứ hai là yêu thương người lân cận của chúng ta.13 Chúng ta phải làm theo cả hai, và điều đó không dễ dàng. Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng ít chú ý hơn đến việc yêu thương người lân cận của mình và quá chú trọng đến việc tuân giữ luật pháp (các giáo lệnh). Điều đó chắc chắn là khuynh hướng của tôi vì tôi được đào tạo về luật pháp. Xét cho cùng, việc yêu mến Thượng Đế và cho thấy tình yêu thương của chúng ta đối với Thượng Đế bằng cách tuân giữ các giáo lệnh của Ngài là giáo lệnh lớn thứ nhất. Và dĩ nhiên, sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta để phán xét bản thân mình và những người khác về việc liệu chúng ta có tuân thủ luật pháp hay không. Tuy nhiên, điều quan trọng đối với mỗi người chúng ta là phải tuân giữ giáo lệnh thứ hai, đó là “cũng như vậy,”14 phải yêu thương những người lân cận của mình theo cách mà Chúa Giê Su đã yêu thương chúng ta.15

Tấm gương thiêng liêng ưa thích nhất của tôi về việc kết hợp và tuân giữ cả hai giáo lệnh lớn này là điều mà Đấng Cứu Rỗi đã làm khi gặp phải vấn đề này. Chương tám của sách Giăng thuật lại việc một nhóm thầy thông giáo và người Pha Ri Si mang một người đàn bà đến để Chúa Giê Su xét xử. Động cơ của họ là gài bẫy Đấng Cứu Rỗi để chọn làm trái luật Môi Se hoặc luật pháp La Mã, vốn không cho phép án tử hình do luật Môi Se chỉ dẫn trong một tình huống như vậy. Nhưng giá trị của tấm gương đối với chúng ta ngày nay là cách Chúa Giê Su tránh được cái bẫy giăng và giảng dạy một bài học mạnh mẽ về cách áp dụng cả hai giáo lệnh lớn.

Trước hết, Đấng Cứu Rỗi đã thực sự vô hiệu hóa những người tìm cách áp dụng ngay luật pháp. Ngài đã làm điều này bằng cách buộc họ phải xem xét lại bản thân họ. Ngài phán: “Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người.”16 Khi đám đông xấu hổ bỏ đi, Đấng Cứu Rỗi đã áp dụng quyền năng yêu thương. Ngài xót thương từ chối kết tội người đàn bà và hành động yêu thương ấy đã nâng đỡ bà ấy vào một cuộc sống mới. Việc áp dụng luật pháp sẽ xảy ra sau đó, khi bà ấy sẽ bị phán xét trong suốt cuộc đời mình kể cả sự hối cải. Nhưng vào dịp trước đó, Đấng Cứu Rỗi đã ban cho tình yêu thương và lòng thương xót bằng cách không kết tội và sau đó còn xác nhận luật pháp bằng cách phán: “Hãy đi, đừng phạm tội nữa.”17

Sự cần thiết để kết hợp và áp dụng cả luật pháp lẫn tình yêu thương, với kỳ định đầy cảm hứng, đều luôn hiện hữu. Anh Cả Christofferson đã nhắc nhở chúng ta rằng “việc đặt ưu tiên cho giáo lệnh thứ nhất không làm giảm bớt hoặc hạn chế khả năng của chúng ta để tuân giữ giáo lệnh thứ hai. Ngược lại, giáo lệnh thứ nhất làm gia tăng và củng cố giáo lệnh thứ hai. … Tình thương yêu Thượng Đế gia tăng khả năng của chúng ta để yêu thương người khác một cách trọn vẹn và hoàn hảo hơn vì về cơ bản chúng ta cộng tác với Thượng Đế trong việc chăm sóc con cái của Ngài.”18

Hãy xem xét hai cách diễn đạt này, một cách của một người nói chuyện mới đây tại BYU và cách kia trong một bài nói chuyện trước đây của một Vị Thẩm Quyền Trung Ương.

“Toàn thể công việc của kế hoạch cứu rỗi, mà tột đỉnh là sự hy sinh chuộc tội vĩ đại của Chúa Giê Su Ky Tô, nhằm giúp chúng ta trở thành những người có tình yêu thương trong hình thức liên kết sâu sắc nhất với những người khác. …

“Điều này dạy chúng ta rằng các giáo lệnh và [tất cả sự hướng dẫn của vị tiên tri]—kể cả các lẽ thật quý báu trong bản tuyên ngôn về gia đình—đều nhằm hướng dẫn chúng ta theo đường lối của Thượng Đế để chúng ta có thể trở thành những người có tình yêu thương.”19

Bây giờ, về bài nói chuyện kia:

“Việc cố gắng để làm hài lòng người khác trước khi làm hài lòng Thượng Đế là làm ngược lại với các giáo lệnh thứ nhất và thứ hai. Chúng ta quên là mình phải tập trung vào điều gì. Tuy nhiên, chúng ta đều lầm lỗi như thế vì sợ loài người. …

“Đấng Cứu Rỗi, Đấng Gương Mẫu vĩ đại của chúng ta, luôn luôn tập trung vào Cha Ngài. Ngài yêu thương và phục vụ đồng bào của Ngài, nhưng Ngài phán: ‘Ta chẳng cầu vinh hiển bởi người ta mà đến đâu’ (Giăng 5:41). Ngài muốn những người Ngài đã giảng dạy phải noi theo Ngài, nhưng Ngài không tìm kiếm lợi lộc của họ.”20

Những phần mô tả này về tình yêu thương và luật pháp đều là những hướng dẫn đúng đắn về những gì Thượng Đế đã truyền lệnh cho chúng ta phải làm. Trước đây tôi đã đề cập đến việc chúng ta “tiếp tục [cố gắng] cân bằng hai giáo lệnh về tình yêu thương và luật pháp,”21 nhưng giờ đây tôi tin rằng mục tiêu đó sẽ được cho thấy rõ hơn khi cố gắng sống theo cả hai giáo lệnh này một cách trọn vẹn hơn. Bất cứ ai không đối xử bằng tình yêu thương và nhân phẩm với những cá nhân đang gặp phải những thử thách về sự nhận dạng giới tính đều không phù hợp với những lời dạy của giáo lệnh thứ nhất và thứ hai. Vì vậy, về vấn đề luật pháp của Thượng Đế, chúng ta cần nhớ rằng Thượng Đế đã nhiều lần mặc khải rằng Ngài đã tạo ra người nam và người nữ.22 Và trong đề tài về bổn phận phải yêu thương người lân cận của mình, chúng ta cần nhớ rằng Thượng Đế đã truyền lệnh cho chúng ta phải yêu thương ngay cả những người không tuân giữ tất cả các giáo lệnh.

Nếu các em, một người trong gia đình hay một người bạn đang vật lộn với những vấn đề nhầm lẫn về sự nhận dạng này thì tôi khuyên các em nên áp dụng luật phúc âm lẫn tình yêu thương và lòng thương xót của Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, là Đấng sẽ giúp đỡ và hướng dẫn các em nếu các em kiên nhẫn bước đi trong đường lối của Ngài. Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng đã phán rằng Ngài là “sự sáng của thế gian,”23 dạy chúng ta đường lối mà chúng ta cần phải tuân theo để nhận biết các phước lành chọn lọc nhất của Cha Thiên Thượng. Ngài giảng dạy chúng ta qua thánh thư, qua các vị tiên tri của Ngài và qua sự mặc khải cá nhân. Ngài yêu thương chúng ta và sẽ hướng dẫn chúng ta khi chúng ta tìm cách đi theo nơi nào Ngài dẫn dắt chúng ta đi.

IV.

Một vấn đề liên quan và quen thuộc hơn là cảm giác bị thu hút về mặt tình cảm với những người cùng giới tính. Dĩ nhiên, nếu không hành động theo, thì những sự thu hút như vậy không phải là tội lỗi. Nhưng làm sao chúng ta đối phó với những cảm giác như vậy, nơi chúng ta hay nơi người khác?

Lời khuyên đầu tiên của tôi là hãy nhớ rằng bất kể sự khác biệt của chúng ta trong những tạo vật đa dạng của Cha Thiên Thượng là gì đi nữa, thì Ngài cũng yêu thương tất cả chúng ta, và kế hoạch hạnh phúc trọn vẹn của Ngài đều dành cho tất cả mọi người. Chúng ta cho thấy tình yêu mến của mình dành cho Ngài bằng cách tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, kể cả tình yêu thương dành cho con cái của Ngài.

Khi mọi người và những người trong gia đình trải qua những cảm giác như vậy thì họ nên cẩn thận với biệt danh. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói về điều này trong buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu vào năm ngoái. Ông dạy rằng việc gán cho danh hiệu định ra giới hạn cho mọi người vì nó chia rẽ và hạn chế cách mọi người nghĩ về bản thân mình và nghĩ về nhau. Do đó, ông dạy rằng: “Không có danh hiệu nào được chiếm chỗ, thay thế, hoặc ưu tiên hơn ba tên gọi vĩnh cửu này: ‘con của Thượng Đế,’ ‘con của giao ước,’ và ‘môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.’” Rồi ông cảnh báo:

Bất cứ danh hiệu nào không phù hợp với ba tên gọi cơ bản này thì cuối cùng sẽ làm cho các em thất vọng. Cuối cùng, những danh hiệu khác rồi sẽ làm các em thất vọng vì chúng không có khả năng để dẫn dắt các em hướng tới cuộc sống vĩnh cửu trong vương quốc thượng thiên của Thượng Đế.”24

Điều gì quả thật có khả năng dẫn chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu và thượng thiên giớ chính là các giao ước chúng ta lập. Một lần nữa, Chủ Tịch Nelson đã dạy chúng ta mới năm ngoái đây:

“Một khi anh chị em và tôi lập giao ước với Thượng Đế, mối quan hệ của chúng ta với Ngài trở nên gần gũi hơn nhiều so với trước khi giao ước. Giờ đây chúng ta được ràng buộc với nhau. Nhờ giao ước của chúng ta với Thượng Đế, Ngài sẽ không bao giờ mệt mỏi trong những nỗ lực của Ngài để giúp đỡ chúng ta, và chúng ta sẽ không bao giờ làm cạn kiệt sự kiên nhẫn thương xót của Ngài đối với chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có một vị trí đặc biệt trong lòng của Thượng Đế.”25

Sau đó, chỉ cách đây vài tháng, Chủ Tịch Nelson một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng “việc tuân giữ các giao ước thực sự làm cho cuộc sống được dễ dàng hơn! Mỗi người lập giao ước … đều có thêm khả năng tiếp cận với quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô.”26

Thêm vào khả năng cá nhân mà đi kèm với việc tuân giữ các giao ước là lời dạy tuyệt vời của Đấng Cứu Rỗi rằng giữa những thử thách của cuộc sống trần thế, chúng ta nên “vui vẻ lên.”27

Trong một bài nói chuyện toàn cầu cách đây vài tháng, Anh Cả Jeffrey R. Holland đã nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giê Su đưa ra lời dạy đó vào đêm trước khi Ngài bị đóng đinh. Làm thế nào Ngài có thể nói về sự vui vẻ ở giữa mọi nỗi thống khổ mà Ngài gặp phải? Anh Cả Holland đã giải thích:

“Ngay cả trong bầu không khí đầy quyết định mà chắc hẳn đã bao trùm trong Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, Đấng Ky Tô cũng vẫn nhắc nhở các môn đồ của Ngài về lý do và bổn phận của họ phải ‘vững lòng’ [Giăng 16:33]. …

“… Chắc chắn là sự biểu lộ này về đức tin của Ngài, niềm hy vọng và lòng bác ái của Ngài có được nhờ vào Ngài biết hồi kết của câu chuyện. Ngài biết sự ngay chính sẽ chiến thắng lúc cuối đời. Ngài biết rằng ánh sáng luôn luôn chế ngự bóng tối mãi mãi và vĩnh viễn.”28

Kristen, em có muốn nói vài lời kết thúc với tập thể yêu quý này không?

Chị Oaks: Tất cả những gì chúng ta đã nói ở đây đều có thể mang lại các phước lành cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đều biết câu chuyện về con cái Y Sơ Ra Ên bị rắn độc tấn công trong vùng hoang dã. Nhưng tối nay đây cũng chính là câu chuyện về các em. Theo lệnh của Thượng Đế, Môi Se đã làm một cây gậy quyền tượng trưng cho Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Sau đó, Môi Se kêu gọi mọi người nhìn lên và họ sẽ được chữa lành vết thương của họ.

Tối nay, giống như dân Y Sơ Ra Ên, chúng ta đang bị tấn công vì nhiều sự tin tưởng khác nhau mà chúng ta coi là thiêng liêng. Tôi cũng yêu cầu các em hãy nhìn lên Thượng Đế để sống. Hãy chú ý đến những lời được nói ra buổi tối hôm nay, những lời của vị tiên tri của chúng ta, thánh thư, kế hoạch cứu rỗi và các phước lành tộc trưởng của các em. Hãy cầu nguyện và Chúa sẽ ở cùng các em. Điều đó không có nghĩa là bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ được vô sự, mà điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không đơn độc một mình, và chúng ta sẽ tiến bước và được hướng dẫn và bảo vệ khỏi những điều xấu xa xung quanh chúng ta. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ biết được lẽ thật và vui hưởng trong Thánh Linh. Tôi mời các em hướng tới Thượng Đế để sống.

V.

Chủ Tịch Oaks: Chúng tôi đã nói về kế hoạch cứu rỗi—cả ba màn đã được mặc khải, nhất là mục đích của cuộc sống trần thế này.

Chúng tôi đã nói về vai trò và kỳ định của hôn nhân và con cái.

Chúng tôi đã dạy rằng chúng ta nên chuyên tâm tìm cách để biết Chúa Giê Su Ky Tô, cảm nhận được tình yêu thương của Ngài, và có đức tin nơi Ngài và sự hướng dẫn đầy yêu thương của Ngài dọc theo con đường giao ước dẫn đến số mệnh vĩnh cửu của chúng ta.

Chúng tôi đã nói về hai giáo lệnh lớn—yêu mến Thượng Đế và yêu thương những người lân cận của chúng ta—và đã dạy rằng cả hai giáo lệnh này phải được tuân theo.

Trong tất cả các mối quan tâm của mình, khi chúng ta vượt qua mọi thử thách của mình, chúng tôi khuyên chúng ta hãy vui lên, vì Ngài đã thắng thế gian. Chúng ta cũng có thể làm như vậy được. Hãy nhớ rằng kế hoạch của Cha Thiên Thượng là một kế hoạch hạnh phúc.

Tôi làm chứng về Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô, Ngài chính là đường đi, lẽ thật và sự sống. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

In