“Hãy Quy Tụ—Đừng Phân Tán,” Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, tháng Bảy năm 2023.
Hãy Đến Mà Theo Ta
Hãy Quy Tụ—Đừng Phân Tán
Thượng Đế không cho thấy sự thiên vị giữa mọi người, và chúng ta cũng nên như vậy.
Một vài tuần sau khi tôi đến Đức với tư cách là một người truyền giáo, người huấn luyện của tôi và tôi gõ cửa nhà của một phụ nữ lớn tuổi, là người đã đồng ý cho chúng tôi giảng dạy cho bà.
Trong bài học đầu tiên của chúng tôi, chúng tôi đã mời bà đọc to một câu thánh thư. Qua cặp kính dày, bà đọc rất khó khăn, bị vấp từ. Và câu trả lời của bà cho những câu hỏi của chúng tôi rất ngắn. Chúng tôi không chắc bà hiểu được bao nhiêu.
Chúng tôi yêu cầu bà đọc một số đoạn trong Sách Mặc Môn trước khi chúng tôi đến lần sau. Khi chúng tôi trở lại, bà đã đọc những đoạn đó nhưng dường như không hiểu được. Chúng tôi tự hỏi liệu bà có thể gặp một số khó khăn trong việc học hay không. Chúng tôi tự hỏi liệu mình có nên tiếp tục giảng dạy bà không. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục.
Vào lần đến thăm kế tiếp của chúng tôi, chúng tôi rất ngạc nhiên khi bà nói rằng bà muốn chịu phép báp têm. Sau đó, khi chúng tôi tiếp tục giảng dạy bà, chúng tôi nhận thấy rằng khả năng đọc của bà thực sự đã tốt hơn. Câu trả lời của bà cho các câu hỏi của chúng tôi vẫn còn ngắn nhưng dường như rõ ràng hơn và chắc chắn hơn.
Chẳng bao lâu tôi được thuyên chuyển đến một thành phố khác, nhưng người huấn luyện của tôi đã viết thư cho tôi để nói rằng người phụ nữ này đã chịu phép báp têm và được các tín hữu trong chi nhánh hỗ trợ. Nếu cách đây vài tuần, anh chị em hỏi chúng tôi ai trong số tất cả những người mà chúng tôi tiếp xúc có nhiều khả năng sẽ chịu phép báp têm và thuộc vào Giáo Hội, thì bà ấy sẽ không phải là người đầu tiên trong danh sách của chúng tôi.
Và vì thế chúng tôi đã học được một bài học cũ—cũng chính bài học mà Sứ Đồ Phi E Rơ đã học được cách đây rất lâu và mỗi người chúng ta cần phải tiếp tục học hỏi: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34).
Một Sự Thay Đổi Lớn Lao
Phi E Rơ chủ tọa Giáo Hội vào thời điểm quan trọng. Đấng Cứu Rỗi đã phán cùng các sứ đồ của Ngài rằng: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người.” (Mác 16:15). Nhưng cho đến lúc bấy giờ họ chỉ thuyết giảng và làm phép báp têm giữa dân Do Thái mà thôi.
Rồi một số điều phi thường đã xảy ra. Một thầy đội La Mã tên là Cọt Nây—một người Dân Ngoại, không phải người Do Thái, một người lính mặc đồng phục giống như những người đã đóng đinh Chúa Giê Su Ky Tô—đã trông thấy thiên sứ trong một khải tượng. Vị thiên sứ bảo Cọt Nây sai một người tên là Phi E Rơ đến giảng dạy cho ông. Không lâu sau đó, Phi E Rơ đã có một khải tượng mà trong đó ông thấy thức ăn bị cấm theo luật pháp Do Thái, nhưng ông được phán bảo phải ăn nó vì Thượng Đế đã làm cho thức ăn được sạch. Ngay sau khi Phi E Rơ nhận được khải tượng này, các tôi tớ của Cọt Nây đến và yêu cầu ông đi với họ. Thánh Linh phán bảo Phi E Rơ hãy đi.
Sau khi gặp Cọt Nây và thấy ông tốt lành và chân thật biết bao, Phi E Rơ biết ý nghĩa của khải tượng của mình. Phúc âm cũng cần phải đến với dân Ngoại giống như Cọt Nây. Đó là khi Phi E Rơ nói: “Quả thật, ta biết Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ Ngài và làm sự công bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34–35). Phi E Rơ giảng dạy Cọt Nây về Chúa Giê Su Ky Tô và mời ông và gia đình ông chịu phép báp têm. (Xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 10.)
Việc mang phúc âm đến cho Dân Ngoại đánh dấu một sự thay đổi lớn lao cho Giáo Hội thời kỳ đầu. Một số người đã gặp khó khăn khi chấp nhận sự thay đổi này. Nhưng đó là điều đúng, và nó đã dạy một lẽ thật cơ bản về Thượng Đế và đồng bào của chúng ta.
Không Thiên Vị
Khi ban phước cho con cái của Ngài, Thượng Đế không cho thấy sự thiên vị dựa trên quốc tịch, chủng tộc, giới tính, sự giàu có, học vấn, khả năng, diện mạo, hoặc bất cứ sự khác biệt nào khác mà phân chia con người.1 Ngài “xem mọi xác thịt như nhau; kẻ nào ngay chính thì được Thượng Đế ưu đãi” (1 Nê Phi 17:35). Tất cả mọi người đều có thể đến cùng Ngài, vì “tất cả mọi người đều như nhau trước mặt Thượng Đế” (2 Nê Phi 26:33). Ngài “nhìn thấy trong lòng” (1 Sa Mu Ên 16:7). Ngài chấp nhận những người “làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường” (Mi Chê 6:8).
Bất cứ ai cũng có thể chọn đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô, lập giao ước với Cha Thiên Thượng, và đi theo đường lối của hai Ngài. Và lẽ thật này nên hướng dẫn cách chúng ta chia sẻ phúc âm của Chúa và tình yêu thương của Ngài.
Chúng ta không thể chỉ nhìn vào những đặc tính bên ngoài của một người nào đó và nghĩ rằng họ không phải là “kiểu mẫu” của phúc âm. Chúng ta không thể chỉ áp dụng những nhãn mác của thế gian cho người khác và nghĩ rằng những nhãn hiệu đó làm cho họ không đủ tư cách để được chào đón trong nhà thờ. Chúng ta không thể chỉ quyết định không phục vụ một người nào đó chỉ vì họ có những quan điểm chính trị, sở thích, hoặc thị hiếu khác với chúng ta.
Thượng Đế không xem một người như là một tập hợp các nhãn mác tượng trưng cho các nhóm hoặc thuộc tính khác nhau. Ngài nhìn thấy một cá nhân—con của Ngài. Và đó là cách chúng ta nên nhìn nhận mỗi người—là một cá nhân độc nhất vô nhị với một cơ hội và khả năng đồng đều để đến cùng Thượng Đế.
Hãy là Người Quy Tụ
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã khuyến khích chúng ta tham gia vào sự quy tụ Y Sơ Ra Ên.2 Nhưng nếu chúng ta, không giống như Thượng Đế, chọn làm “người tôn trọng” khi nói đến việc chia sẻ phúc âm và kể cả những người ở nhà thờ, thì chúng ta có thể đang phân tán hoặc chia rẽ nhiều hơn là chúng ta đang quy tụ và đoàn kết.
Mỗi người chúng ta hãy lập một cam kết: đừng phân tán nữa. Hãy là người quy tụ. Yêu thương, chia sẻ, và mời gọi.
Người bạn đồng hành của tôi và tôi không chắc là người phụ nữ mà chúng tôi đang giảng dạy ở Đức có khả năng chịu phép báp têm hay không. Chúng tôi không biết tấm lòng của bà, nhưng Thượng Đế biết. Tôi hài lòng vì chúng tôi cảm thấy được thúc giục để tiếp tục giảng dạy bà ấy.
Khi cố gắng tuân theo Thánh Linh và cố gắng không vị nể ai, anh chị em sẽ được hướng dẫn để giúp những người xung quanh mình đến cùng Đấng Ky Tô, bất kể những khác biệt của họ.