Lòng Bác Ái Không Bao Giờ Hư Mất
Hãy khẩn nài để có được một ước muốn tràn đầy ân tứ về lòng bác ái, tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô.
Vợ chồng tôi mới vừa đi thăm thành phố Nauvoo, Illinois. Trong khi ở đó, chúng tôi ngồi trong căn phòng trên lầu của Cửa hàng Red Brick, là nơi Tiên Tri Joseph Smith đặt một văn phòng và làm nơi buôn bán. Chúng tôi chăm chú lắng nghe người hướng dẫn viên vạch ra những nét chính của một số sự kiện lịch sử của Sự Phục Hồi đã xảy ra ở đó.
Tôi nghĩ về sự thành lập của Hội Phụ Nữ và một vài điều giảng dạy mà các chị em Hội Phụ Nữ đã nhận được từ Tiên Tri Joseph chính trong căn phòng đó. Những điều giảng dạy đó trở thành các nguyên tắc nền tảng để thành lập Hội Phụ Nữ. Các mục đích của việc gia tăng đức tin, củng cố gia đình của Si Ôn và tìm kiếm cùng giúp đỡ những người hoạn nạn đã được thiết lập từ lúc ban đầu. Các mục đích này luôn luôn phù hợp với những lời giảng dạy của các vị tiên tri của chúng ta.
Tại một buổi họp trong số những buổi họp ban đầu đó, Tiên Tri Joseph đã trích dẫn từ những bài viết của Phao Lô gửi cho người Cô Rinh Tô. Trong bài giảng hùng hồn của ông về lòng bác ái, Phao Lô đã nói đến đức tin, hy vọng, và lòng bác ái, kết thúc với câu “nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương (tức là lòng bác ái).”1
Ông mô tả các đức tính được gồm trong lòng bác ái. Ngài phán:
“Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép,
“… Chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ;
“Chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật.
“Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.
“Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ.”2
Khi ngỏ lời cùng các chị em phụ nữ, Tiên Tri Joseph nói: “Đừng giới hạn tầm nhìn của các chị em về đức hạnh của người lân cận mình. … Các chị em cần phải mở rộng tình cảm của mình đối với những người khác nếu các chị em muốn làm giống như Chúa Giê Su. … Khi phát triển tính vô tội và đức hạnh, khi phát triển lòng nhân từ, thì hãy để cho lòng mình được rộng mở—hãy để cho lòng mình được rộng mở đối với những người khác—các chị em phải có lòng nhịn nhục và chịu đựng những lỗi lầm của nhân loại. Linh hồn của con người thật là quý giá biết bao!”3
Câu thánh thư “Lòng bác ái không bao giờ hư mất” đã trở thành phương châm của Hội Phụ Nữ vì câu này chấp nhận những lời giảng dạy và trách nhiệm mà Tiên Tri Joseph Smith đã đưa ra cho các chị em Hội Phụ Nữ để “an ủi người nghèo khó” và “cứu vớt các linh hồn.”4
Các nguyên tắc nền tảng này đã được các chị em Hội Phụ Nữ trên khắp thế giới chấp nhận vì đây chính là bản chất của công việc Hội Phụ Nữ.
Lòng bác ái là gì? Làm thế nào chúng ta có được lòng bác ái?
Tiên Tri Mặc Môn định nghĩa lòng bác ái là “tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô,”5 trong khi Phao Lô dạy rằng “lòng yêu thương (tức là lòng bác ái) … là dây liên lạc của sự trọn lành,”6 và Nê Phi nhắc chúng ta nhớ rằng “Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho tất cả mọi người phải có lòng bác ái, và lòng bác ái đó tức là tình thương yêu vậy.”7
Khi xem lại lời mô tả trước đây của Phao Lô về lòng bác ái, chúng ta biết được rằng lòng bác ái không phải là một hành động đơn lẻ hay điều chúng ta ban phát, mà là một trạng thái, một trạng thái của tấm lòng, những cảm nghĩ nhân từ nảy sinh ra những hành động nhân từ.
Mặc Môn cũng dạy rằng lòng bác ái được ban cho các môn đồ chân chính của Chúa và rằng lòng bác ái thanh tẩy những người có lòng bác ái đó.8 Ngoài ra, chúng ta biết được rằng lòng bác ái là một ân tứ thiêng liêng mà chúng ta cần phải tìm kiếm và cầu xin. Chúng ta cần phải có lòng bác ái để được thừa hưởng thượng thiên giới.9
Với sự hiểu biết rằng Chúa đã phán bảo chúng ta phải “khoác lên mình sợi dây ràng buộc của lòng bác ái,”10 chúng ta cần phải hỏi các đức tính nào sẽ giúp chúng ta phát triển lòng bác ái.
Trước hết, chúng ta cần phải có ước muốn phát triển lòng bác ái và trở thành giống như Đấng Ky Tô hơn.
Bước kế tiếp là cầu nguyện. Mặc Môn khuyên nhủ chúng ta phải “cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh liệt của lòng mình, để [chúng ta] được tràn đầy tình thương này.” Tình yêu thương thánh thiện này chính là lòng bác ái, và khi chúng ta được tràn đầy tình yêu thương này, thì “chúng ta sẽ được giống như Ngài.”11
Việc đọc thánh thư hằng ngày có thể mang tâm trí chúng ta đến Đấng Cứu Rỗi và ước muốn được giống như Ngài hơn.
Trong văn phòng mình, tôi đã chọn treo lên một bức tranh của Minerva Teichert có tên là Rescue of the Lost Lamb (Giải Cứu Chiên Con Bị Thất Lạc). Bức tranh này mô tả Đấng Cứu Rỗi đứng ở giữa các con chiên của Ngài và dịu dàng ôm một con chiên nhỏ trong tay Ngài. Bức tranh này giúp tôi suy nghĩ về lời khẩn nài của Ngài: “Hãy chăn chiên ta,”12 điều đó đối với tôi có nghĩa là phục sự tất cả những người xung quanh các chị em và lưu tâm đến những người hoạn nạn.
Đấng Cứu Rỗi là tấm gương hoàn hảo về cách thể hiện lòng bác ái. Trong giáo vụ trên trần thế của Ngài, Ngài đã cho thấy lòng trắc ẩn đối với người đói, người phạm tội, người khổ sở và người đau yếu. Ngài đã phục sự người nghèo khó và người giàu có; đã phục sự phụ nữ, trẻ em và đàn ông, gia đình, bạn bè và người lạ. Ngài đã tha thứ cho những người buộc tội Ngài, Ngài đã chịu thống khổ và chết cho tất cả nhân loại.
Trong suốt cuộc sống của mình, Tiên Tri Joseph Smith cũng đã thể hiện lòng bác ái với tình huynh đệ rộng mở và kính trọng những người khác. Ông nổi tiếng về lòng nhân từ, tình cảm, lòng trắc ẩn, và mối quan tâm đối với những người xung quanh.
Ngày nay, chúng ta được ban phước có một vị tiên tri là hiện thân của lòng bác ái. Chủ Tịch Thomas S. Monson là một tấm gương cho chúng ta và cho thế gian. Ông là người có lòng bác ái. Ông nhân từ, đầy lòng trắc ẩn và rộng lượng; một người thừa hành chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.
Chủ Tịch Monson dạy rằng: “Lòng bác ái là kiên nhẫn đối với một người nào đó làm cho chúng ta thất vọng. Đó là không để bị thúc đẩy để trở nên bị tổn thương dễ dàng. Đó là chấp nhận những yếu kém và khuyết điểm. Đó là chấp nhận bản tính thật của người khác. Đó là cái nhìn vượt quá diện mạo bên ngoài đến những thuộc tính mà sẽ không giảm bớt với thời gian. Đó là không để bị thúc đẩy để phê phán những người khác.”13
Khi có lòng bác ái, chúng ta sẵn lòng phục vụ và giúp đỡ những người khác khi điều đó không thuận tiện và không hề nghĩ đến việc được ghi nhận hay đền đáp. Chúng ta không phải chờ để được chỉ định giúp đỡ vì lòng bác ái chính là bản tính tự nhiên của chúng ta. Khi chọn sống nhân từ, có lòng quan tâm, rộng lượng, kiên nhẫn, chấp nhận, tha thứ, mời mọi người khác tham gia, và vị tha, thì chúng ta khám phá ra rằng mình tràn đầy lòng bác ái.
Hội Phụ Nữ cung ứng vô số cách thức để phục vụ những người khác. Một trong những cách thức quan trọng nhất để thể hiện lòng bác ái là qua việc thăm viếng giảng dạy. Qua việc thăm viếng giảng dạy một cách hữu hiệu, chúng ta có nhiều cơ hội để yêu thương, phục sự và phục vụ những người khác. Việc biểu lộ lòng bác ái, hay tình yêu thương, thanh tẩy và thánh hóa tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.
Tôi kinh ngạc khi chứng kiến vô số hành động bác ái được thực hiện hằng ngày bởi các giảng viên thăm viếng trên khắp thế giới là những người phục sự một cách vị tha nhu cầu cá nhân của các chị em phụ nữ và gia đình của họ. Tôi xin thưa cùng các giảng viên thăm viếng trung tín này: “Qua những hành động bác ái nhỏ bé đó, các chị em đã noi theo Đấng Cứu Rỗi và hành động với tư cách là công cụ trong tay Ngài khi giúp đỡ, chăm sóc, nâng đỡ, an ủi, lắng nghe, khuyến khích, nuôi dưỡng, giảng dạy, và củng cố các chị em đang được mình chăm sóc.” Tôi xin chia sẻ một vài ví dụ ngắn về giáo vụ như vậy.
Rosa mắc bệnh tiểu đường làm suy nhược, và các căn bệnh khác. Chị gia nhập Giáo Hội cách đây một vài năm. Chị là một người mẹ đơn chiếc với một đứa con trai còn tuổi vị thành niên. Chị thường phải nằm bệnh viện mỗi lần một vài ngày. Các giảng viên thăm viếng nhân từ của chị không những đưa chị đến bệnh viện, mà họ còn đến thăm và an ủi chị tại bệnh viện đồng thời trông nom đứa con trai của chị ở nhà và trường học. Các giảng viên thăm viếng của chị phục vụ với tư cách là những người bạn và gia đình của chị.
Sau một vài lần đầu tiên thăm viếng một chị phụ nữ nọ, Kathy nhận ra rằng chị này không biết đọc nhưng rất muốn học đọc. Kathy đề nghị giúp đỡ chị này mặc dù Kathy biết là sẽ cần rất nhiều thời giờ, lòng kiên nhẫn và kiên trì.
Emily là một người vợ trẻ đang tìm kiếm lẽ thật. Chồng của chị là Michael không quan tâm đến tôn giáo. Khi Emily bị bệnh và nằm bệnh viện một thời gian, thì một chị trong Hội Phụ Nữ và cũng là người hàng xóm của chị tên là Cali mang thức ăn đến cho gia đình, trông đứa con nhỏ của họ, dọn dẹp nhà cửa, và sắp xếp để Emily nhận được một phước lành của chức tư tế. Những hành động bác ái này đã làm mềm lòng Michael. Anh ấy đã quyết định tham dự các buổi họp nhà thờ và gặp những người truyền giáo. Emily và Michael mới vừa chịu phép báp têm.
“Lòng bác ái không bao giờ hư mất. … Lòng bác ái là nhân từ, không tìm lợi lộc cho cá nhân mình, chịu đựng mọi sự, nhẫn nại mọi sự.14
Chủ Tịch Henry B. Eyring nói:
“Lịch sử của Hội Phụ Nữ đầy dẫy những câu chuyện phi thường về sự phục vụ vô vị kỷ. …
“… Hội Phụ Nữ này gồm có các phụ nữ là những người có cảm nghĩ bác ái xuất phát từ những tấm lòng được thay đổi nhờ hội đủ điều kiện và tuân giữ các giao ước chỉ được ban cho trong Giáo Hội chân chính của Chúa. Những cảm nghĩ bác ái của họ đến từ Ngài qua Sự Chuộc Tội của Ngài. Hành động bác ái của họ được hướng dẫn qua tấm gương của Ngài—và phát sinh từ lòng biết ơn về ân tứ thương xót vô hạn của Ngài—và qua Đức Thánh Linh, do Ngài gửi đến để đi cùng với các tôi tớ của Ngài trong sứ mệnh thương xót của họ. Bởi vì thế, họ đã làm và có thể làm những điều hiếm thấy cho những người khác cũng như tìm thấy niềm vui mặc dù họ có rất nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng.”15
Việc phục vụ và thể hiện lòng bác ái đối với những người khác giúp chúng ta khắc phục những nỗi khó khăn của mình và làm cho những nỗi khó khăn này dường như bớt gay go hơn.
Giờ đây tôi trở lại với những lời giảng dạy của Tiên Tri Joseph dành cho các chị em phụ nữ trong những thời kỳ ban đầu của Sự Phục Hồi. Khi khuyến khích các chị em đó thể hiện lòng bác ái và nhân từ, ông nói: “Nếu các chị em sống theo các nguyên tắc này, thì phần thưởng của các chị em sẽ lớn lao và vinh quang biết bao trong thượng thiên giới! Nếu các chị em sống theo các đặc ân của mình, thì các thiên sứ không thể bị ngăn trở để làm những người cộng sự với các chị em.”16
Giống như thời kỳ ban đầu ở Nauvoo, là nơi các chị em phụ nữ đi đây đi đó để tìm cách giúp đỡ những người hoạn nạn thì ngày hôm nay cũng như vậy. Các chị em phụ nữ trong vương quốc là những cột trụ vĩ đại về sức mạnh thuộc linh, sự phục vụ với lòng trắc ẩn và tận tụy. Các giảng viên thăm viếng đầy lòng tận tụy đi thăm viếng và chăm sóc cho nhau. Họ noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi và làm theo Ngài.
Tất cả các chị em trong Hội Phụ Nữ đều có thể tràn đầy tình yêu thương vì biết rằng những hành động bác ái nhỏ bé của họ có được một quyền năng chữa lành cho những người khác và cho chính họ. Họ dần dần biết chắc rằng lòng bác ái là tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô và không bao giờ hư mất.
Khi đọc lịch sử của Hội Phụ Nữ, lịch sử này sẽ soi dẫn các chị em để nhận biết rằng nguyên tắc phúc âm quan trọng này là một đề tài chung trong suốt quyển sách đó.
Tôi kết thúc với một lời mời tất cả các phụ nữ trong Giáo Hội hãy khẩn nài để có được một ước muốn tràn đầy ân tứ về lòng bác ái, tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô. Hãy sử dụng tất cả những phương tiện của các chị em để làm điều thiện, mang đến sự an ủi và cứu rỗi cho những người xung quanh, kể cả gia đình của mình. Chúa sẽ ban phước để các nỗ lực của các chị em được thành công.
Cầu xin cho sự hiểu biết của chúng ta về tình yêu thương lớn lao mà Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử dành cho chúng ta, cũng như đức tin cùng lòng biết ơn của chúng ta về Sự Chuộc Tội, thúc đẩy chúng ta phát triển và sử dụng lòng bác ái đối với tất cả những người xung quanh mình. Đây là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.