2010–2019
Dám Đứng Một Mình
Tháng mười 2011


2:3

Dám Đứng Một Mình

Cầu xin cho chúng ta luôn luôn dũng cảm và sẵn sàng bênh vực cho điều mình tin.

Các anh em thân mến, thật là một đặc ân to lớn để có mặt với các anh em buổi tối hôm nay. Là những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế, chúng ta tạo thành một mối ràng buộc và tình anh em thân thiết.

Chúng ta đọc trong sách Giáo Lý và Giao Ước, tiết 121, câu 36: “Đó là những quyền hạn của chức tư tế gắn liền với các quyền năng trên trời.” Chúng ta được ban cho một ân tứ thật kỳ diệu—nắm giữ chức tư tế “gắn liền với các quyền năng trên trời.” Tuy nhiên, ân tứ quý báu này không những gồm có các phước lành đặc biệt mà còn có những trách nhiệm thiêng liêng nữa. Chúng ta phải sống sao cho chúng ta có thể luôn luôn xứng đáng với chức tư tế mình đang mang. Chúng ta sống trong thời kỳ đầy dẫy những điều nhằm cám dỗ chúng ta đi vào con đường có thể dẫn đến sự hủy diệt. Muốn tránh những con đường như vậy thì phải có quyết tâm và lòng can đảm.

Tôi nhớ lại một thời kỳ—và một số các anh em ở đây buổi tối hôm nay cũng nhớ—khi những tiêu chuẩn của hầu hết mọi người đều rất giống với các tiêu chuẩn của chúng ta. Điều này không còn đúng nữa. Mới đây tôi đọc một bài viết trong tờ báo New York Times về một cuộc nghiên cứu được thực hiện vào mùa hè năm 2008. Một nhà xã hội học nổi tiếng của trường Notre Dame đã dẫn đầu một nhóm nghiên cứu tiến hành những cuộc phỏng vấn chuyên môn với 230 thanh thiếu niên trên khắp nước Mỹ. Tôi tin chúng ta có thể khá hợp lý khi cho rằng ở hầu hết các nơi trên thế giới, kết quả cũng sẽ tương tự.

Tôi chia sẻ với các anh em một phần bài báo rất chi tiết này:

“Những người phỏng vấn đặt ra những câu hỏi bỏ ngỏ về các vấn đề đúng và sai, tình huống đạo đức khó xử và ý nghĩa của cuộc sống. Trong những câu trả lời lan man, … ta thấy những người trẻ tuổi gặp khó khăn khi nói bất cứ điều gì tế nhị về những vấn đề này. Nhưng họ hoàn toàn không có khái niệm hay có vốn từ vựng để làm như vậy.

“Khi được yêu cầu mô tả một tình huống đạo đức khó xử họ đã phải đối phó, thì hai phần ba những người trẻ tuổi đó không thể trả lời câu hỏi ấy hoặc họ mô tả những vấn đề không phải là đạo đức gì cả, chẳng hạn như họ có đủ khả năng để thuê một căn hộ nào đó hoặc họ có đủ tiền xu để bỏ vào đồng hồ đo thời gian đậu xe tại một địa điểm đậu xe hay không.”

Bài báo viết tiếp:

“Hầu hết trong số họ đã nhiều lần lặp đi lặp lại niềm tin tự động, tức là những lựa chọn đạo đức, chỉ là ý thích của cá nhân. Những người trả lời thường nói: ‘Điều đó là vấn đề riêng tư, nó tùy thuộc vào cá nhân. Tôi là ai mà có quyền nói?’

“Vì từ chối không triệt để nghe lời nên nhiều người trong số những người trẻ tuổi đã đi quá xa đến thái cực khác, [khi nói]: ‘Tôi sẽ làm điều tôi nghĩ là sẽ làm cho tôi hạnh phúc hoặc theo cảm giác của tôi. Tôi không có cách nào khác để biết mình phải làm gì, ngoại trừ cảm giác trong lòng tôi’”

Những người đã tiến hành các cuộc phỏng vấn nhấn mạnh rằng đa số những người trẻ tuổi đã nói chuyện với họ “không được cung cấp các nguồn tài liệu—từ trường học, tổ chức [hoặc] gia đình—để phát triển ý thức đạo đức của họ.”1

Thưa các anh em, không một người nào hiện đang nghe tôi nói phải nghi ngờ bất cứ điều gì về đạo đức và không đạo đức, cũng như nghi ngờ bất cứ điều gì được kỳ vọng nơi chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế. Chúng ta đã và đang tiếp tục được giảng dạy về luật pháp của Thượng Đế. Cho dù các anh em có thể thấy hay nghe ở nơi nào khác về điều gì đi nữa, thì các luật pháp này cũng không thay đổi.

Trong cuộc sống hằng ngày, đức tin của chúng ta gần như không thể nào tránh khỏi bị thử thách. Đôi khi chúng ta có thể thấy mình bị những người khác vây quanh và còn thuộc vào nhóm thiểu số hay ngay cả một mình đứng trước điều có thể chấp nhận và điều không thể chấp nhận. Chúng ta có can đảm về mặt đạo đức để bênh vực cho niềm tin của mình không, cho dù sẽ phải đứng một mình khi làm như thế? Là những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế, chúng ta cần phải có khả năng đối đầu với bất cứ thử thách nào đang ở trước mặt mình—với lòng can đảm. Hãy ghi nhớ những lời của Tennyson: “Sức mạnh của tôi giống như sức mạnh của mười người, vì tâm hồn của tôi là thanh khiết.”2

Càng ngày càng có nhiều nhân vật nổi tiếng và những người khác—vì lý do nào đó—có xu hướng nhạo báng tôn giáo nói chung và đôi khi, Giáo Hội nói riêng trước mắt công chúng. Nếu nền tảng của chứng ngôn chúng ta không đủ vững chắc, thì những lời chỉ trích như vậy có thể khiến cho chúng ta nghi ngờ niềm tin hoặc làm lung lay quyết tâm của mình.

Trong khải tượng của Lê Hi về cây sự sống, được ghi lại trong 1 Nê Phi 8, Lê Hi thấy, trong số những người khác, có những người bám vào thanh sắt cho đến khi họ tiến đến và dự phần trái của cây sự sống, mà chúng ta biết là tượng trưng cho tình yêu thương của Thượng Đế. Và rồi, buồn thay, sau khi dự phần trái cây đó, một số người đã thấy hổ thẹn vì bị những người ở trong “tòa nhà rộng lớn vĩ đại,” là những người tượng trưng cho tính kiêu ngạo của con cái loài người, chỉ trỏ và chế nhạo họ; và họ đi lạc vào những lối cấm rồi lạc mất.3 Chế giễu và nhạo báng thật là những công cụ mạnh mẽ của kẻ nghịch thù! Thưa các anh em, một lần nữa, chúng ta có can đảm để đứng vững vàng và mạnh mẽ trước cảnh chống đối khó khăn như vậy không?

Tôi tin rằng kinh nghiệm đầu tiên của tôi về việc can đảm sống theo lòng tin chắc của mình đã xảy ra khi tôi phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến.

Trại huấn luyện tân binh Hải Quân không phải là một kinh nghiệm dễ dàng đối với tôi, cũng như cho bất cứ ai phải chịu đựng cảnh đó. Ba tuần lễ đầu, tôi cảm thấy cuộc sống của mình giống như bị lâm nguy. Hải Quân không cố gắng để huấn luyện tôi, mà cố gắng để giết tôi.

Tôi sẽ luôn luôn nhớ mãi khi đến ngày Chủ Nhật sau tuần lễ đầu tiên. Chúng tôi nhận được tin vui từ vị thượng sĩ. Trong lúc đứng nghiêm tại bãi tập trong làn gió mát mẻ ở California, thì chúng tôi nghe lệnh của ông: “Hôm nay mọi người đi nhà thờ—đúng thế, tất cả mọi người, ngoại trừ tôi. Tôi sẽ nghỉ ngơi!” Rồi ông hét lên: “Tất cả mấy người Công Giáo, các anh nhóm họp ở Trại Decatur—và đừng trở lại cho đến khi ba giờ. Đi, bước!” Một nhóm người khá đông bước ra. Rồi ông hét lên lệnh tiếp: “Những người đạo Do Thái, các anh nhóm họp trong Trại Henry—và đừng trở lại cho đến khi ba giờ. Đi, bước!” Một nhóm người ít hơn bước ra. Rồi ông nói: “Phần còn lại các anh là người Tin Lành, các anh nhóm họp trong hội trường tại Trại Farragut—và đừng trở lại cho đến khi ba giờ. Đi, bước!”

Ngay lập tức một ý nghĩ lóe lên trong tâm trí tôi: “Monson, ngươi không phải là người Công Giáo, ngươi không phải là người theo đạo Do Thái, ngươi không phải là người theo đạo Tin Lành. Ngươi là người Mặc Môn, vậy ngươi đứng ngay đây đi!” Tôi có thể bảo đảm với các anh em rằng tôi cảm thấy hoàn toàn cô đơn. Tôi có cảm thấy can đảm và quyết tâm không, có chứ—nhưng cô đơn.

Và rồi tôi nghe những lời tuyệt vời nhất mà tôi chưa từng nghe vị thượng sĩ đó thốt ra. Ông nhìn về phía tôi và hỏi: “Còn mấy người gọi mình là gì đây?” Cho đến ngay giây phút ấy, tôi cũng không biết là có người nào đó đang đứng cạnh tôi hay sau lưng tôi tại bãi tập. Dường như cùng một lúc, mỗi người chúng tôi đều đáp: “Người Mặc Môn!” Thật khó để mô tả niềm vui tràn đầy tâm hồn tôi khi tôi quay lại và thấy một số ít các thủy thủ khác.

Vị thượng sĩ gãi đầu với vẻ bối rối, nhưng cuối cùng nói: “Vậy thì, đi tìm chỗ nào để nhóm họp đi. Và đừng trở lại cho đến khi 3 giờ. Đi, bước!”

Khi chúng tôi bước đi, tôi nghĩ về những lời tôi đã có lần học được trong Hội Thiếu Nhi nhiều năm trước đó:

Dám là người Mặc Môn;

Dám đứng một mình.

Dám có một mục đích vững chắc;

Dám cho người khác biết mục đích đó.

Mặc dù kinh nghiệm đó hóa ra khác với những gì tôi trông mong, nhưng tôi sẵn sàng đứng một mình, nếu cần phải làm như thế.

Kể từ ngày đó, có nhiều lần khi không có ai đứng sau lưng tôi và tôi đã thật sự đứng một mình. Tôi vô cùng biết ơn đã chọn quyết định từ rất lâu để luôn luôn sống vững mạnh và chân thật, luôn luôn chuẩn bị và sẵn sàng bênh vực tôn giáo của mình, nếu cần.

Thưa các anh em, trong trường hợp chúng ta cảm thấy không thích hợp với các nhiệm vụ trước mắt, thì tôi xin chia sẻ với các anh em một lời nói do Ezra Taft Benson, lúc bấy giờ là Chủ Tịch Giáo Hội, đưa ra vào năm 1987 khi ông ngỏ lời cùng một nhóm đông các tín hữu ở California. Chủ Tịch Benson nói:

“Trong tất cả các thời đại, các vị tiên tri đã nhìn thấy trước thời kỳ của chúng ta. Hàng tỷ người đã chết và những người chưa sinh ra đều trông chờ chúng ta. Đừng hiểu lầm—các anh em là một thế hệ chọn lọc. …

“Trong gần sáu ngàn năm, Thượng Đế đã gìn giữ các anh em cho đến ngày các anh em sinh ra vào những ngày cuối cùng trước khi Chúa tái lâm. Một số người sẽ bỏ đạo, nhưng vương quốc của Thượng Đế sẽ vẫn còn nguyên vẹn để chào mừng sự trở lại của Vị Lãnh Đạo của mình—chính là Chúa Giê Su Ky Tô.

“Trong khi thế hệ này sẽ được so sánh với thời kỳ của Nô Ê về sự tà ác, khi Chúa thanh tẩy trái đất bằng cơn lụt, thì thời nay rất khác biệt: [chính] Thượng Đế đã để dành cho thời kỳ cuối cùng một số con cái mạnh mẽ nhất của Ngài, là những người sẽ giúp mang vương quốc đến chiến thắng.”4

Vâng, thưa các anh em, chúng ta tượng trưng cho một số con cái vững mạnh nhất của Ngài. Trách nhiệm của chúng ta là phải được xứng đáng với tất cả các phước lành vinh quang mà Cha Thiên Thượng đã dành cho chúng ta. Dù có đi bất cứ nơi nào, thì chức tư tế của chúng ta cũng đi với chúng ta. Chúng ta có đứng nơi thánh thiện không? Xin hãy dừng lại cân nhắc hậu quả trước khi các anh em đặt bản thân mình và chức tư tế của mình vào cảnh nguy hiểm bằng cách mạo hiểm đi vào những chỗ hay tham gia vào các sinh hoạt không xứng đáng với mình hoặc với chức tư tế đó. Mỗi người chúng ta đã được truyền giao Chức Tư Tế A Rôn. Trong tiến trình này, mỗi người nhận được quyền năng nắm giữ các chìa khóa của sự phù trợ của các thiên sứ. Chủ Tịch Gordon B. Hinckley nói:

“Các em không thể làm điều gì mà sẽ dựng lên một chướng ngại vật giữa các em với các thiên sứ phù trợ hành động thay cho mình.

“Các em không thể sống đồi bại trụy lạc về bất cứ phương diện nào. Các em không thể sống bất lương. Các em không thể lừa gạt hay gian dối. Các em không thể lấy danh Thượng Đế làm chơi hay sử dụng lời lẽ thô tục mà vẫn có quyền được các thiên sứ phù trợ.”5

Nếu có anh em nào vấp ngã trong cuộc sống, thì tôi muốn các anh em hiểu rằng dù đó là điều gì đi nữa thì chắc chắn cũng có con đường trở lại. Tiến trình này được gọi là sự hối cải. Đấng Cứu Rỗi đã phó mạng sống của Ngài để ban cho các anh em và tôi ân tứ đầy ơn phước đó. Mặc dù thực tế là con đường hối cải không phải dễ dàng, nhưng những lời hứa là có thật. Chúng ta được cho biết rằng: “Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết.”6 “Ta sẽ … chẳng nhớ tội chúng nó nữa.”7 Đây thật là một lời phán kỳ diệu. Đây thật là một phước lành. Đây thật là một lời hứa lớn lao.

Có thể có những người trong các anh em đang tự nghĩ: “Vâng, mặc dù tôi không sống theo tất cả các lệnh truyền và không làm mọi điều cần làm, nhưng cuộc sống của tôi cũng tốt đẹp vậy. Tôi có thể hưởng thụ cuộc sống nhưng không cần phải tuân giữ các lệnh truyền.” Thưa các anh em, tôi hứa với các anh em rằng điều này sẽ không hữu hiệu mãi mãi đâu.

Cách đây không lâu, tôi nhận được một bức thư của một người đã từng nghĩ là tuy mình không tuân theo các lệnh truyền nhưng vẫn sẽ được ban phước. Giờ đây người ấy đã hối cải và làm cho cuộc sống của mình phù hợp với các nguyên tắc phúc âm và các lệnh truyền. Tôi muốn chia sẻ với các anh em một đoạn trong bức thư của người ấy vì nó tiêu biểu cho tính thực tế của lối suy nghĩ sai lạc này: “Tôi đã phải học cho bản thân mình một (bài học khó khăn) rằng Đấng Cứu Rỗi hoàn toàn đúng khi Ngài phán: ‘Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma Môn nữa.’8 Tôi đã cố gắng hết sức giống như bất cứ người nào để phục vụ cả Chúa lẫn Ma Môn. Cuối cùng, tôi chỉ có mọi điều trống rỗng, bóng tối, và nỗi cô đơn mà Sa Tan mang đến cho những người tin vào điều lừa gạt, ảo tưởng và gian dối của nó.”

Để được vững mạnh và chống lại mọi lực lượng lôi kéo chúng ta đi sai hướng hay tất cả những tiếng nói khuyến khích đi sai đường, thì chúng ta cần phải có chứng ngôn của mình. Cho dù các anh em 12 hay 112 tuổi—hoặc thuộc lứa tuổi nào đó ở giữa hai tuổi này—thì các anh em cũng có thể tự mình biết rằng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là chân chính. Hãy đọc Sách Mặc Môn. Hãy suy ngẫm về những lời giảng dạy của sách. Hãy cầu vấn Cha Thiên Thượng xem sách ấy có chân chính không. Chúng ta có lời hứa rằng “nếu các người cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho các ngươi biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.”9

Khi biết Sách Mặc Môn là chân chính, thì chúng ta cũng biết rằng Joseph Smith quả thật là vị tiên tri, và ông đã trông thấy Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Rồi sau đó chúng ta cũng biết rằng phúc âm được phục hồi trong những ngày sau này qua Joseph Smith—kể cả sự phục hồi của Chức Tư Tế A Rôn lẫn Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.

Một khi có được một chứng ngôn, thì chúng ta có trách nhiệm phải chia sẻ chứng ngôn đó với những người khác. Nhiều người trong các anh em đã phục vụ với tư cách là người truyền giáo trên khắp thế giới. Nhiều em trong số các thiếu niên chưa phục vụ. Hãy tự mình chuẩn bị từ bây giờ cho cơ hội đó. Hãy chắc chắn rằng các em sẽ xứng đáng để phục vụ.

Nếu chuẩn bị để chia sẻ phúc âm, thì chúng ta sẵn sàng đáp lại lời khuyên dạy của Sứ Đồ Phi E Rơ: “Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em.”10

Trong suốt cuộc sống của mình, chúng ta sẽ có cơ hội chia sẻ niềm tin của mình, mặc dù chúng ta không phải lúc nào cũng biết khi nào sẽ được kêu gọi để làm như vậy. Một cơ hội như vậy đến với tôi vào năm 1957 khi tôi làm việc trong lãnh vực kinh doanh xuất bản và được yêu cầu đi đến Dallas, Texas, mà đôi khi được gọi là “thành phố của các nhà thờ,” để nói chuyện trong một hội nghị các doanh nhân. Tiếp theo phần bế mạc hội nghị, tôi đi chuyến xe buýt tham quan xuyên qua các vùng ngoại ô của thành phố. Khi chúng tôi đi ngang qua nhiều nhà thờ, thì người tài xế thường nói: “Ở bên trái, quý vị thấy nhà thờ đạo Methodist,” hoặc “Ở bên phải là nhà thờ Công Giáo.”

Khi chúng tôi đi ngang qua một tòa nhà đẹp bằng gạch đỏ nằm trên một ngọn đồi, thì người tài xế nói: “Tòa nhà đó là nơi những người Mặc Môn nhóm họp.” Một phụ nữ ngồi ở phía sau xe buýt kêu lên: “Ông tài ơi, ông có thể nói cho chúng tôi biết thêm một điều gì đó về những người Mặc Môn được không?”

Người tài xế ngừng xe lại ở bên lề đường, quay người lại trong khi vẫn ngồi trên ghế và đáp: “Thưa bà, tôi chỉ biết những người Mặc Môn nhóm họp trong tòa nhà bằng gạch màu đỏ đó thôi. Có ai trên xe buýt này biết thêm bất cứ điều gì về những người Mặc Môn không?”

Tôi chờ cho một người nào đó trả lời. Tôi nhìn vào nét mặt của mỗi người để xem có dấu hiệu nhìn nhận nào đó, một ước muốn nào đó để nói. Không có gì cả. Tôi nhận thấy rằng chính tôi có nhiệm vụ để làm như Sứ Đồ Phi E Rơ đã đề nghị, để “thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em.” Tôi cũng biết sự thật của câu ngạn ngữ: “Khi đến lúc quyết định thì thời gian chuẩn bị đã qua.”

Trong khoảng 15 phút kế tiếp, tôi đã có đặc ân để chia sẻ với những người trên xe buýt chứng ngôn của tôi về Giáo Hội và niềm tin của chúng ta. Tôi biết ơn về chứng ngôn của mình và việc tôi đã được chuẩn bị để chia sẻ chứng ngôn đó.

Tôi hết lòng và hết linh hồn cầu nguyện rằng mỗi người đàn ông nắm giữ chức tư tế sẽ tôn trọng chức tư tế đó và trung thành với sự tin cậy đã được giao phó khi được truyền giao chức tư tế đó. Cầu xin cho mỗi người chúng ta là những người nắm giữ chức tư tế của Thượng Đế biết điều mình tin tưởng. Cầu xin cho chúng ta luôn luôn dũng cảm và sẵn sàng bênh vực cho điều mình tin, và nếu phải đứng một mình trong khi làm như thế, thì cầu xin cho chúng ta làm như vậy một cách dũng cảm, được củng cố bởi sự hiểu biết rằng trong thực tế chúng ta không bao giờ cô đơn một mình khi đứng với Cha Thiên Thượng.

Khi chúng ta suy ngẫm về ân tứ vĩ đại mình đã được ban cho—, là “những quyền hạn của chức tư tế gắn liền với các quyền năng trên trời”—cầu xin cho quyết tâm của chúng ta luôn luôn là để canh giữ và bảo vệ ân tứ đó, và được xứng đáng với những lời hứa trọng đại của ân tứ đó. Thưa các anh em, cầu xin cho chúng ta tuân theo lời chỉ dẫn của Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta, được tìm thấy trong sách 3 Nê Phi: “Các ngươi hãy đưa cao sự sáng của mình cho nó chiếu sáng trong thế gian. Này, ta là sự sáng mà các ngươi sẽ đưa cao–như các ngươi đã thấy ta làm.”11

Cầu xin cho chúng ta luôn luôn tuân theo sự sáng đó và giơ cao nó lên để tất cả thế gian thấy được, là lời cầu nguyện và phước lành của tôi dành cho tất cả những người đang nghe tôi nói đây, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

  1. David Brooks, “If It Feels Right …, ” New York Times, ngày 12 tháng Chín năm 2011, nytimes.com.

  2. Alfred, Lord Tennyson, “Sir Galahad,” trong Poems of the English Race, do Raymond Macdonald Alden tuyển chọn (1921), 296.

  3. Xin xem 1 Nê Phi 8:26–28.

  4. Ezra Taft Benson, “In His Steps” (buổi họp đặc biệt fireside của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, ngày 8 tháng Hai năm 1987); xin xem thêm “In His Steps,” trong 1979 Devotional Speeches of the Year: BYU Devotional and Fireside Addresses (1980), 59.

  5. Gordon B. Hinckley, “Personal Worthiness to Exercise the Priesthood,” Liahona, tháng Bảy năm 2002, 59.

  6. Ê Sai 1:18.

  7. Giê Rê Mi 31:34.

  8. Ma Thi Ơ 6:24.

  9. Mô Rô Ni 10:4.

  10. 1 Phi E Rơ 3:15.

  11. 3 Nê Phi 18:24.