Quyền Năng của Thánh Thư
Thánh thư cũng giống như những tia sáng nhỏ soi rọi tâm trí và chuẩn bị chúng ta để được hướng dẫn và cảm ứng từ trên cao.
Những người trong chúng tôi đến bục giảng này trong lúc đại hội đều cảm thấy quyền năng của những lời cầu nguyện của các anh chị em. Chúng tôi cần những lời cầu nguyện đó và chúng tôi cám ơn các anh chị em đã cầu nguyện cho chúng tôi.
Cha Thiên Thượng hiểu rằng nếu chúng ta muốn được tiến bộ trong cuộc sống trần thế của mình, thì chúng ta sẽ cần phải đối phó với những thử thách khó khăn. Một số thử thách này sẽ gần như không cưỡng lại được. Ngài đã ban cho công cụ để giúp chúng ta được thành công trong cuộc sống trần thế của mình. Một bộ công cụ đó là thánh thư.
Suốt các thời đại, Cha Thiên Thượng đã cảm ứng những người đàn ông và người phụ nữ chọn lọc để tìm ra giải pháp cho những vấn đề phức tạp nhất, qua sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Ngài đã cảm ứng các tôi tớ được phép đó nhằm ghi lại những giải pháp để tạo thành một loại sách hướng dẫn cho con cái của Ngài là những người có đức tin nơi kế hoạch hạnh phúc của Ngài và nơi Con Trai Yêu Dấu của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có thể sử dụng quyển sách hướng dẫn này qua kho tàng mà chúng ta gọi là các tác phẩm tiêu chuẩn—đó là Các Kinh Cựu Ước và Tân Ước, Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước, và Trân Châu Vô Giá.
Thánh thư là lẽ thật thuần khiết, vì được tạo ra từ sự giao tiếp đầy soi dẫn qua Đức Thánh Linh. Chúng ta không cần phải lo lắng về tính hợp lệ của những khái niệm chứa đựng trong các tác phẩm tiêu chuẩn vì Đức Thánh Linh là công cụ thúc đẩy và cảm ứng những người chép lại thánh thư.
Thánh thư cũng giống như những tia sáng nhỏ soi rọi tâm trí và chuẩn bị chúng ta để được hướng dẫn và cảm ứng từ trên cao. Ánh sáng này có thể trở thành chìa khóa để khai mở hệ thống giao tiếp với Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Quý của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.
Khi được trích dẫn chính xác, thánh thư mang đến thẩm quyền cho lời nói của chúng ta. Thánh thư có thể trở thành những người bạn trung thành là những người chúng ta có thể tìm đến bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào. Thánh thư luôn luôn có sẵn khi cần đến. Việc sử dụng thánh thư cung ứng một nền tảng lẽ thật có thể được Đức Thánh Linh tác động. Việc học hỏi, suy ngẫm, tra cứu, và ghi nhớ thánh thư cũng giống như lưu giữ vào tủ hồ sơ đựng bạn bè, giá trị, và lẽ thật mà có thể tìm đến bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Quyền năng lớn lao có thể đến từ việc ghi nhớ thánh thư. Ghi nhớ một câu thánh thư tức là tạo ra một tình bạn mới. Điều đó giống như khám phá ra một người bạn mới là người có thể giúp đỡ trong lúc mình cần, để soi dẫn, an ủi, và là một nguồn động lực khi cần thay đổi. Ví dụ, đối với tôi, việc cam kết ghi nhớ câu thánh thư này là một nguồn quyền năng và hiểu biết:
“Đất và muôn vật trên đất, Thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê Hô Va.
“Vì Ngài đã lập đất trên các biển, Và đặt nó vững trên các nước lớn.
“Ai sẽ được lên núi Đức Giê Hô Va? Ai sẽ được đứng nổi trong nơi thánh của Ngài?
“Ấy là người có tay trong sạch và lòng thanh khiết, Chẳng hướng linh hồn mình về sự hư không, Cũng chẳng thề nguyện giả dối.
“Người ấy sẽ được phước từ nơi Đức Giê Hô Va, Và sự công bình từ nơi Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi người” (Thi Thiên 24:1–5).
Việc suy ngẫm một đoạn thánh thư như thế mang đến sự hướng dẫn quan trọng cho cuộc sống. Thánh thư có thể tạo thành một nền tảng hỗ trợ. Thánh thư có thể là một nguồn vô tận những bạn bè sẵn lòng và có thể giúp đỡ chúng ta. Một câu thánh thư được ghi nhớ trở thành một người bạn lâu năm mà không hề suy yếu với thời gian.
Việc suy ngẫm một đoạn thánh thư có thể là một chìa khóa để khai mở sự mặc khải, hướng dẫn, và cảm ứng của Đức Thánh Linh. Thánh thư có thể trấn an một tâm hồn hoảng hốt, mang đến bình an, hy vọng, và phục hồi sự tin tưởng vào khả năng của một người để khắc phục những thử thách trong cuộc sống. Thánh thư có quyền năng mạnh mẽ để chữa lành những thử thách về mặt tình cảm khi có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi. Thánh thư có thể nhanh chóng chữa lành thể xác.
Thánh thư có thể truyền đạt nhiều ý nghĩa khác nhau vào những lúc khác nhau trong cuộc sống tùy theo nhu cầu của chúng ta. Một câu thánh thư mà chúng ta có thể đã đọc nhiều lần cũng có thể chứa đựng những ý nghĩa mới mẻ và sâu sắc khi chúng ta đối phó với một thử thách mới trong cuộc sống.
Bản thân các anh chị em sử dụng thánh thư như thế nào? Các anh chị em có đánh dấu quyển thánh thư của mình không? Các anh chị em có ghi chú ở ngoài lề trang để ghi nhớ về một giây phút được Thánh Linh hướng dẫn hoặc một kinh nghiệm đã dạy cho mình một bài học thâm thúy không? Các anh chị em có sử dụng tất cả các tác phẩm tiêu chuẩn, kể cả Kinh Cựu Ước không? Trong các trang Kinh Cựu Ước, tôi đã tìm thấy những lẽ thật quý báu chính là phần tử quan trọng cho nền tảng của lẽ thật dùng để hướng dẫn cuộc sống của tôi và cũng là tài liệu khi tôi cố gắng chia sẻ một sứ điệp của phúc âm với những người khác. Vì lý do đó, tôi yêu thích Kinh Cựu Ước. Tôi tìm thấy lẽ thật quý báu vô giá ở khắp nơi trong các trang của quyển Kinh Thánh này. Ví dụ:
“Sa Mu Ên nói: Đức Giê Hô Va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (1 Sa Mu Ên 15:22).
“Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va, Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con.
“Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, Thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.
“Chớ khôn ngoan theo mắt mình; Hãy kính sợ Đức Giê Hô Va, và lìa khỏi sự ác. …
“Hỡi con, chớ khinh điều sửa phạt của Đức Đức Giê Hô Va, Chớ hiềm lòng khi Ngài quở trách;
“Vì Đức Giê Hô Va yêu thương ai thì trách phạt nấy. Như một người cha đối cùng con trai yêu dấu mình.
“Người nào tìm đặng sự khôn ngoan, Và được sự thông sáng, có phước thay!” (Châm Ngôn 3:5–7, 11–13).
Kinh Tân Ước cũng là một nguồn lẽ thật quý báu:
“Đức Chúa Giê Su đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.
“Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết.
“Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.
“Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” (Ma Thi Ơ 22:37–40).
“Hỡi Si Môn, Si Môn, nầy quỉ Sa Tan đã đòi sàng sảy ngươi như lúa mì.
“Song ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn. Vậy, đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình.
“Phi E Rơ thưa rằng: Thưa Chúa, tôi sẵn lòng đi theo Chúa, đồng tù đồng chết.
“Đức Chúa Giê Su đáp rằng: Hỡi Phi E Rơ, ta nói cùng ngươi, hôm nay khi gà chưa gáy, ngươi sẽ ba lần chối không biết ta. …
“Một con đòi kia thấy Phi E Rơ ngồi gần lửa, thì ngó chăm chỉ, mà nói rằng: Người nầy vốn cũng ở với người ấy.
“Song Phi E Rơ chối Đức Chúa Giê Su, nói rằng: Hỡi đàn bà kia, ta không biết người đó.
“Một lát, có người khác thấy Phi E Rơ, nói rằng: Ngươi cũng thuộc về bọn đó! Phi E Rơ đáp rằng: Hỡi người, ta không phải thuộc về bọn đó đâu.
“Độ cách một giờ, có kẻ khác đề quyết như vậy mà rằng: Thật người nầy cũng ở với Chúa Giê Su, vì người là dân Ga Li Lê.
“Nhưng Phi E Rơ cãi rằng: Hỡi người, ta không biết ngươi nói chi! Đang lúc Phi E Rơ còn nói, thì gà liền gáy;
“Chúa xây mặt lại ngó Phi E Rơ. Phi E Rơ nhớ lại lời Chúa đã phán cùng mình rằng: Hôm nay trước khi gà chưa gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần;
“Rồi đi ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.” (Lu Ca 22:31–34, 56–62).
Lòng tôi đau đớn biết bao về điều đã xảy ra cho Phi E Rơ vào dịp đó.
Câu thánh thư này từ sách Giáo Lý và Giao Ước đã ban phước cho tôi rất dồi dào: “Chớ tìm cách rao truyền lời của ta, mà trước hết hãy tìm kiếm để thu nhận lời của ta, và rồi lưỡi ngươi sẽ được thong thả; rồi nếu ngươi ước muốn, ngươi sẽ có được Thánh Linh của ta và lời của, phải, quyền năng của Thượng Đế để thuyết phục loài người” (GLGƯ 11:21).
Theo ý kiến tôi, Sách Mặc Môn giảng dạy lẽ thật một cách rõ ràng và với quyền năng độc đáo. Ví dụ:
“Và giờ đây, tôi mong rằng đồng bào hãy khiêm nhường, biết phục tùng và hiền lành; dễ dạy; lòng đầy kiên nhẫn và nhịn nhục; ôn hòa trong mọi việc; chuyên tâm tuân giữ những lệnh truyền của Thượng Đế bất cứ lúc nào; chuyên tâm bất cứ những gì mình cần, về vật chất lẫn tinh thần; luôn luôn biết dâng lời tạ ơn Thượng Đế về bất cứ những gì mình nhận được.
“Và hãy lưu ý rằng mình có đức tin, hy vọng, và lòng bác ái, và rồi đồng bào sẽ luôn luôn làm nhiều việc tốt lành.” (An Ma 7:23–24).
Và một câu khác nữa:
“Và lòng bác ái có thể nhịn nhục lâu dài, và là nhân từ, không ganh tỵ, không cao ngạo, không tìm lợi lộc cho cá nhân mình, không dễ khiêu khích, không nghĩ đến điều xấu xa, và không vui trong sự bất chính, mà chỉ vui trong lẽ thật, chịu đựng mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự và nhẫn nại mọi sự.
“Vậy nên, hỡi các đồng bào yêu mến của tôi, nếu không có lòng bác ái, thì các người chẳng ra gì cả, vì lòng bác ái không bao giờ hư mất. Vậy nên, hãy gắn bó với lòng bác ái, nó là một điều vĩ đại nhất trong mọi điều, vì tất cả mọi điều sẽ tàn lụi—
“Nhưng lòng bác ái là tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô, và nó bền bỉ mãi mãi; và vào ngày sau cùng ai được tìm thấy rằng có được nó thì sẽ được mọi điều tốt lành.
“Vậy nên, hỡi các đồng bào yêu mến của tôi, các người hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình thương này, là tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô; ngõ hầu các người có thể trở thành con cái của Thượng Đế; để khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ trông thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy; để chúng ta có hy vọng ấy; ngõ hầu chúng ta được thanh khiết giống như Ngài thanh khiết vậy.” (Mô Rô Ni 7:45–48).
Jeanene, người vợ yêu quý của tôi, yêu thích Sách Mặc Môn. Khi còn trẻ, ở tuổi niên thiếu, sách này đã trở thành nền tảng của cuộc sống bà. Sách này là nguồn chứng ngôn và giảng dạy trong thời gian bà phục vụ truyền giáo toàn thời gian ở miền tây bắc Hoa kỳ. Khi chúng tôi phục vụ truyền giáo ở Cordoba, Argentina, bà đã hết lòng khuyến khích việc sử dụng Sách Mặc Môn trong các nỗ lực giảng đạo của chúng tôi. Từ lúc còn thơ ấu, Jeanene đã khẳng định rằng những ai thường xuyên đọc Sách Mặc Môn đều được ban phước với nhiều Thánh Linh của Chúa hơn, một quyết tâm lớn hơn để tuân theo các lệnh truyền của Ngài, và một chứng ngôn vững mạnh hơn về thiên tính của Vị Nam Tử của Thượng Đế.1 Mỗi năm, trong nhiều năm như vậy, tôi không biết là trong bao nhiêu năm, trong khi gần đến cuối năm, tôi thường thấy bà ngồi lặng lẽ, đọc hết quyển Sách Mặc Môn thêm một lần nữa trước khi năm đó chấm dứt.
Vào năm 1991, tôi muốn tặng một món quà Giáng Sinh đặc biệt cho gia đình của mình. Tôi đã ghi lại trong nhật ký của mình cách tôi thực hiện ước muốn đó: “Bây giờ là 12 giờ 38 phút trưa, thứ Tư ngày 18 tháng Mười Hai năm 1991. Tôi mới vừa thu thanh xong quyển Sách Mặc Môn cho gia đình tôi. Đây là một kinh nghiệm đã làm gia tăng chứng ngôn của tôi về công việc thiêng liêng này và củng cố ước muốn để được quen thuộc hơn với những trang sách đó, để học được từ những thánh thư này các lẽ thật được sử dụng trong việc phục vụ Chúa. Tôi yêu thích quyển sách này. Tôi hết lòng làm chứng rằng sách này là chân chính, sách này đã được chuẩn bị vì phước lành của Gia Tộc Y Sơ Ra Ên, và tất cả những người thuộc gia tộc này đang phân tán trên khắp thế gian. Tất cả những người nào chịu nghiên cứu sứ điệp của sách này một cách khiêm nhường, trong đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì sẽ biết được lẽ trung thực của sách cũng như sẽ tìm thấy một kho tàng dẫn họ đến hạnh phúc, bình an và thành tựu lớn lao hơn trong cuộc sống này. Tôi làm chứng theo một cách thiêng liêng nhất rằng sách này là chân chính.”
Cầu xin cho mỗi người chúng ta nhận được các phước lành dồi dào do việc học thánh thư. Tôi cầu nguyện rong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.