Khả Năng Thuộc Linh
Là môn đồ trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em có thể nhận được sự soi dẫn và mặc khải cá nhân, phù hợp với các lệnh truyền của Ngài, mà dành riêng cho anh chị em.
Khi tôi rời khỏi một buổi cắm trại của Hội Thiếu Nữ mùa hè năm nay, một em thiếu nữ dễ thương đưa cho tôi một tờ giấy nhỏ. Trên tờ giấy đó, em hỏi: “Làm thế nào em có thể nhận biết được khi Thượng Đế đang cố gắng phán cùng em điều gì đó?” Tôi thích câu hỏi của em. Linh hồn chúng ta mong mỏi được kết nối với ngôi nhà thiên thượng của chúng ta. Chúng ta muốn cảm thấy hữu ích và được cần đến. Nhưng đôi khi, chúng ta vật lộn với việc phân biệt giữa ý nghĩ của riêng mình và những ấn tượng dịu dàng của Thánh Linh. Các vị tiên tri từ xưa đến nay đã dạy rằng nếu một điều “mời mọc và thuyết phục làm điều thiện thì điều đó đến từ Đấng Ky Tô.”1
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đưa ra một lời mời giản dị và hùng hồn: “Thưa các anh chị em thân mến của tôi, tôi khẩn nài anh chị em hãy gia tăng khả năng thuộc linh của mình để nhận được sự mặc khải. … Hãy chọn làm công việc thuộc linh được đòi hỏi này để vui hưởng ân tứ Đức Thánh Linh và nghe được tiếng nói của Thánh Linh thường xuyên hơn và rõ ràng hơn.”2
Ước muốn của tôi buổi sáng hôm nay là nói chuyện chân thành với anh chị em về bốn cách nhằm gia tăng khả năng thuộc linh của anh chị em để nhận được sự mặc khải.
1. Chủ Tâm Dành Thời Gian và Tạo Không Gian để Lắng Nghe Tiếng Nói của Thượng Đế
Khi anh chị em sử dụng quyền tự quyết của mình để dành thời giờ mỗi ngày để đến gần tiếng nói của Thượng Đế, đặc biệt là trong Sách Mặc Môn, thì theo thời gian, tiếng nói của Ngài sẽ trở nên rõ ràng và quen thuộc hơn với anh chị em.
Ngược lại, sự xao lãng và tiếng ồn mà tràn ngập thế gian và ngôi nhà cùng cuộc sống của chúng ta có thể khiến chúng ta khó nghe được tiếng nói của Ngài hơn. Những sự xao lãng này có thể chiếm hết tâm trí và tấm lòng chúng ta đến nỗi chúng ta sẽ không còn chỗ dành cho những sự thúc giục dịu dàng của Đức Thánh Linh nữa.
Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng thường thì Thượng Đế sẽ tự biểu hiện “cho các cá nhân, ở nơi kín đáo; trong vùng hoang dã hoặc các cánh đồng, và thường thường thì không ồn ào hoặc náo động.”3
Sa Tan muốn chia cách chúng ta khỏi tiếng nói của Thượng Đế bằng cách ngăn cản chúng ta bước vào những nơi yên tĩnh đó. Nếu Thượng Đế phán cùng chúng ta bằng một tiếng nói nhỏ nhẹ êm ái thì anh chị em và tôi cần phải tiến đến gần để nghe được Ngài. Hãy thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta quyết tâm giữ vững kết nối với thiên thượng như với Wi-Fi vậy! Hãy chọn ra thời gian và không gian, và lắng nghe tiếng nói của Thượng Đế mỗi ngày. Và xin giữ đúng cuộc hẹn thiêng liêng này vì có rất nhiều điều tùy thuộc vào nó!
2. Hành Động Không Chần Chừ
Khi anh chị em nhận được những sự thúc giục và rồi hành động với chủ ý thì Chúa có thể sử dụng anh chị em. Anh chị em càng hành động thì tiếng nói của Thánh Linh sẽ càng trở nên quen thuộc. Anh chị em sẽ càng nhận ra sự hướng dẫn của Thượng Đế và rằng Ngài “sẵn lòng … mặc khải tâm trí và ý muốn của Ngài.”4 Nếu chần chừ, anh chị em có thể quên đi sự thúc giục hoặc bỏ lỡ cơ hội giúp đỡ ai đó cho Thượng Đế.
3. Nhận Công Việc của Mình từ Chúa
Lời cầu nguyện mà Cha Thiên Thượng dường như sẵn lòng đáp ứng là lời cầu xin để được dẫn dắt đến những người cần sự giúp đỡ của chúng ta. Chủ Tịch Henry B. Eyring đã dạy chúng ta hãy tìm kiếm sự mặc khải bằng cách cầu vấn Thượng Đế xem chúng ta có thể giúp đỡ ai cho Ngài. “Nếu anh chị em đặt những câu hỏi như vậy thì Đức Thánh Linh sẽ đến và anh chị em sẽ cảm thấy sự thúc giục về những điều anh chị em có thể làm cho người khác. Khi anh chị em đi và làm những điều này thì anh chị em đang làm công việc của Chúa, và khi anh chị em làm công việc của Chúa thì anh chị em sẽ có đủ điều kiện để nhận được ân tứ Đức Thánh Linh.”5
Anh chị em có thể cầu nguyện và hỏi xin Ngài ban cho công việc để làm. Khi anh chị em cầu nguyện và hỏi xin thì Ngài có thể sử dụng những kỹ năng bình thường của anh chị em để hoàn thành công việc phi thường của Ngài.
Ông ngoại của tôi, Fritz Hjalmar Lundgren, đã di cư từ Thụy Điển khi ông 19 tuổi. Ông một mình đặt chân đến Mỹ với một cái va-li và sáu năm học vấn. Tuy không biết một câu tiếng Anh nào nhưng ông đã tự tìm đường đến Oregon và làm tiều phu ở đó và rồi về sau, gia nhập Giáo Hội cùng với bà ngoại và mẹ tôi. Ông chưa bao giờ chủ tọa một tiểu giáo khu, nhưng với tư cách là một thầy giảng tại gia trung tín, ông đã mang hơn 50 gia đình khác nhau đến tham gia sinh hoạt trong Giáo Hội. Ông đã làm điều đó bằng cách nào?
Sau khi ông ngoại qua đời, tôi đã thu xếp thùng giấy tờ của ông và tình cờ đọc được một lá thư viết bởi một người đã tích cực trở lại trong Giáo Hội nhờ tình yêu thương của ông. Lá thư viết rằng: “Tôi tin rằng bí mật của Anh Fritz là anh ấy lúc nào cũng làm công việc của Cha Thiên Thượng.”
Lá thư đó đến từ Anh Wayne Simonis. Ông ngoại đã đến thăm Anh Simonis và làm quen với mỗi người trong gia đình. Theo thời gian, ông ngoại tôi nói với họ rằng họ được cần đến, và ông mời họ đi nhà thờ. Nhưng vào ngày Chủ Nhật đó, Anh Simonis thức dậy và thấy mình trong một tình thế khó xử—ông chưa lợp xong mái nhà mới, và trời có thể mưa trong tuần đó. Ông quyết định sẽ đi đến nhà thờ, bắt tay với ông ngoại tôi, và rồi quay về nhà để lợp cho xong cái mái. Gia đình ông có thể tham dự lễ Tiệc Thánh mà không có ông.
Kế hoạch của ông đã thành công cho tới khi từ trên mái nhà ông nghe thấy có người nào đó đang leo lên thang. Theo lời ông kể: “Khi tôi ngước lên, … Anh Fritz đã đứng ở trên đỉnh thang rồi. Anh tươi cười với tôi. Ban đầu, tôi cảm thấy xấu hổ và cảm thấy mình như một đứa trẻ bị bắt quả tang trốn học. Rồi … tôi cảm thấy tức giận. [Nhưng Anh Fritz chỉ] cởi áo vest của mình ra và treo nó lên thang. Anh vừa vén tay áo sơ mi trắng của mình vừa nói với tôi: ‘Anh Simonis này, anh còn cây búa nào nữa không? Việc này chắc phải quan trọng với anh lắm nên anh mới để gia đình mình ở lại, và nếu như vậy thì tôi muốn phụ anh một tay.’ Khi tôi nhìn vào mắt anh, tôi chỉ thấy sự tử tế và tình yêu thương giống như Đấng Ky Tô. Cơn tức giận của tôi tan biến. … Ngày Chủ Nhật đó, tôi đã đặt dụng cụ của mình xuống và theo người bạn tốt của tôi leo xuống thang và quay trở lại giáo đường.”
Ông ngoại tôi đã nhận được công việc của mình từ Chúa, và ông biết mình phải tìm kiếm những con chiên lạc. Cũng giống như bốn người đã khiêng người bạn bị bại liệt của họ lên nóc nhà và rồi thả người đó xuống để Chúa Giê Su Ky Tô chữa lành,6 công việc của ông ngoại tôi cũng đưa ông lên nóc nhà. Chúa ban sự mặc khải cho những ai tìm kiếm cách giúp đỡ người khác.
4. Tin Tưởng và Tin Cậy
Gần đây, tôi đã đọc trong thánh thư về một người truyền giáo tuyệt vời khác cũng nhận được công việc của mình từ Chúa. A Rôn đang giảng dạy cho vua của dân La Man, và vua muốn biết tại sao anh của A Rôn là Am Môn đã không cùng đến để giảng dạy vua. “A Rôn bèn trả lời vua rằng: Này, Thánh Linh của Chúa đã kêu gọi ông ta đi hướng khác.”7
Thánh Linh phán bảo cùng tấm lòng tôi rằng: mỗi người chúng ta đều có nhiệm vụ khác nhau để thực hiện, và đôi khi Thánh Linh có thể kêu gọi chúng ta “đi hướng khác.” Có nhiều cách để xây đắp vương quốc của Thượng Đế với tư cách là các môn đồ lập giao ước và giữ giao ước của Chúa Giê Su Ky Tô. Là môn đồ trung tín của Ngài, anh chị em có thể nhận được sự soi dẫn và mặc khải cá nhân, phù hợp với các lệnh truyền của Ngài, mà dành riêng cho anh chị em. Anh chị em có những nhiệm vụ và vai trò độc nhất để thực hiện trong cuộc sống và sẽ được ban cho sự hướng dẫn đặc biệt để hoàn thành chúng.
Nê Phi, anh của Gia Rết, và ngay cả Môi Se đều phải vượt qua những vùng nước lớn—và mỗi người đều vượt biển theo những cách khác nhau. Nê Phi đã sử dụng “mộc liệu theo một phương thức khác thường.”8 Anh của Gia Rết đã làm ra những chiếc thuyền mà “đóng kín mít như một cái dĩa.”9 Và, Môi Se đã “đi giữa biển như trên đất cạn.”10
Mỗi người họ đều nhận được sự chỉ dẫn dành riêng cho họ, và mỗi người đều đã tin tưởng và hành động. Chúa quan tâm đến những ai vâng lời, và theo như lời của Nê Phi, Ngài sẽ “chuẩn bị sẵn một đường lối để [chúng ta] có thể thực hiện được những điều Ngài phán truyền.”11 Xin lưu ý rằng Nê Phi nói là “một đường lối”—chứ không phải “là đường lối.”
Chúng ta có bỏ lỡ hay bỏ qua những công việc cá nhân từ Chúa bởi vì Ngài đã chuẩn bị “một đường lối” khác với đường lối chúng ta kỳ vọng không?
Ông ngoại tôi đã được dẫn dắt đến một nơi khác thường—trong một bộ vest, trên một mái nhà, vào ngày Chủ Nhật. Hãy tin cậy Thượng Đế sẽ dẫn dắt anh chị em, ngay cả khi đường lối đó có vẻ khác với điều anh chị em kỳ vọng hoặc khác với những đường lối khác.
Các Thánh Hữu Ngày Sau có thể khác biệt về nhiều mặt, nhưng tất cả “đều như nhau trước mặt Thượng Đế”—“dù là da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ,” độc thân hãy đã kết hôn, giàu sang hay nghèo khó, trẻ cũng như già, tín hữu lâu năm hay mới cải đạo.12 Bất kể anh chị em là ai hoặc đang phải đối mặt với điều gì, tất cả đều được mời đến bàn tiệc của Chúa.13
Khi việc tìm kiếm và làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha trở thành một mẫu mực thông thường trong cuộc sống hằng ngày của anh chị em thì anh chị em tất nhiên sẽ được dẫn dắt để thay đổi và hối cải.
Chương trình mới của Giáo Hội dành cho trẻ em và giới trẻ được xây dựng trên nền tảng của việc học cách tìm kiếm sự mặc khải, khám phá những điều Chúa muốn chúng ta làm, và sau đó hành động theo sự chỉ dẫn đó. Mỗi người chúng ta, bất kể tuổi tác hay hoàn cảnh, đều có thể cố gắng tìm kiếm, tiếp nhận, và hành động. Khi tuân theo mẫu mực vĩnh cửu này mà đã được thiết lập trong thời kỳ của chúng ta, anh chị em sẽ đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn—tình yêu thương, ánh sáng, sự chỉ dẫn, sự bình an, cũng như quyền năng chữa lành và làm cho có khả năng của Ngài. Và anh chị em sẽ gia tăng khả năng thuộc linh của mình để trở thành những công cụ hằng ngày trong tay Ngài để hoàn thành công việc vĩ đại của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.