2010–2019
Hiểu Biết, Yêu Thương, và Phát Triển
đại hội trung ương tháng Mười năm 2019


2:3

Hiểu Biết, Yêu Thương, và Phát Triển

Cầu xin cho tất cả chúng ta tiến đến việc hiểu biết phần vụ của mình trong công việc phục sự vĩ đại này để chúng ta có thể trở nên giống như Ngài hơn.

Vào năm 2016, Đại Ca Đoàn Tabernable Choir at Temple Square đã đến thăm Hà Lan và Bỉ. Và nhờ tham gia vào sự kiện thú vị đó mà tôi đã có cơ hội thưởng thức màn trình diễn của họ hai lần.

Người đánh chiêng

Trong suốt màn trình diễn của họ tôi đã luôn nghĩ về nỗ lực to lớn biết bao để di chuyển một ca đoàn với số lượng lớn như vậy. Tâm trí của tôi lập tức tập trung vào cái chiêng lớn mà rất khó khăn và có thể khá tốn kém để vận chuyển so với cây vĩ cầm, cây kèn đồng, và những nhạc cụ khác mà anh chị em có thể dễ dàng cặp dưới cánh tay. Nhưng khi xem xét mức độ sử dụng thực sự của cái chiêng, tôi nhận ra rằng nó chỉ được đánh vài lần, trong khi những nhạc cụ nhỏ hơn khác lại được sử dụng nhiều hơn trong phần lớn buổi hòa nhạc. Tôi đã suy ngẫm rằng nếu không có âm thanh của cái chiêng, thì buổi trình diễn sẽ không được như vậy cho nên mọi người đã phải nỗ lực đem cái chiêng lớn này từ tận phía bên kia đại dương.

Người đánh chiêng cùng với dàn nhạc

Cũng giống như cái chiêng đó, đôi lúc chúng ta cảm thấy chỉ đủ khả năng để đóng một vai trò nhỏ nhoi trong màn trình diễn. Nhưng hãy để tôi nói cho anh chị em biết rằng âm thanh của anh chị em đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Chúng ta cần tất cả mọi nhạc cụ. Vài người trong chúng ta tiếp thu nhanh và học rất giỏi ở trường, trong khi những người khác thì có các tài năng về nghệ thuật. Một số người thì làm công việc thiết kế và xây dựng hoặc chăm sóc, bảo vệ, hoặc giảng dạy những người khác. Tất cả chúng ta đều được cần đến để mang đến màu sắc và ý nghĩa cho thế gian này.

Tôi muốn truyền tải thông điệp cho tất cả mọi người, từ những ai cảm thấy rằng họ không có điều gì để cống hiến hoặc tin tưởng rằng họ không quan trọng hoặc có giá trị gì cho bất kỳ ai, cho đến những người có thể cảm thấy rằng họ đang ở trên đỉnh cao của thế gian.

Bất kể đang ở đâu trên đường đời, một số anh chị em có thể cảm thấy quá nhiều gánh nặng đến nỗi thậm chí không còn muốn đi trên con đường đó. Tôi muốn mời anh chị em bước ra khỏi bóng tối để đón lấy ánh sáng. Ánh sáng của phúc âm mà sẽ cung cấp sự ấm áp và chữa lành và sẽ giúp anh chị em hiểu mình thực sự là ai và mục đích trong cuộc sống của mình là gì.

Một số người trong chúng ta vẫn đang lang thang trên những ngõ cấm để cố gắng tìm kiếm hạnh phúc.

Chúng ta được mời gọi bởi một Cha Thiên Thượng đầy tình yêu thương để bước trên con đường làm môn đồ và để trở về với Ngài. Ngài yêu thương chúng ta với tình yêu thương trọn vẹn.1

Cách đó là gì? Cách đó là giúp cho nhau hiểu được chúng ta là ai bằng việc phục sự lẫn nhau.

Đối với tôi, phục sự là cách để thể hiện tình yêu thương thiêng liêng.2 Theo cách đó chúng ta có thể tạo ra một môi trường nơi mà cả người cho lẫn người nhận đều có được mong muốn để hối cải. Nói cách khác, chúng ta thay đổi đường lối để trở nên gần gũi hơn và giống với Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, là Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

Ví dụ, chúng ta không cần phải liên tục nói cho người phối ngẫu hoặc con cái mình biết cách mà họ có thể cải thiện bản thân; họ đã biết điều đó rồi. Chỉ trong việc tạo ra bầu không khí yêu thương này thì họ mới được giúp sức để đưa ra những thay đổi cần thiết trong cuộc sống và trở thành con người tốt hơn.

Theo cách này thì sự hối cải trở thành một tiến trình tôi luyện hằng ngày mà có thể bao gồm việc xin lỗi cho những hành vi sai trái. Tôi ghi nhớ và vẫn còn trải qua những tình huống mà trong đó tôi đã quá nhanh để xét đoán hoặc quá chậm để lắng nghe. Và vào cuối ngày, trong lời cầu nguyện cá nhân của mình tôi đã cảm nhận được lời khuyên dạy đầy yêu thương từ thiên thượng để hối cải và trở nên tốt hơn. Bầu không khí yêu thương mà đầu tiên được tạo nên bởi cha mẹ và anh chị em tôi, và sau đó bởi vợ con và bạn bè của tôi đã giúp tôi trở thành một người tốt hơn.

Tất cả chúng ta đều biết những điều mình cần cải thiện. Chúng ta không cần nhắc nhở nhau nhiều lần, nhưng thay vào đó cần phải yêu thương và phục sự lẫn nhau và khi làm như vậy, chúng ta mang lại một môi trường giúp người khác sẵn sàng thay đổi.

Cũng trong môi trường đó mà chúng ta biết được mình là ai và vai trò của chúng ta trong chương cuối cùng này của lịch sử thế gian trước Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

Nếu anh chị em đang tự hỏi về vai trò của mình, tôi mời gọi anh chị em hãy tìm kiếm một nơi mà anh chị em có thể ở một mình và cầu vấn Cha Thiên Thượng cho anh chị em biết về vai trò của mình. Câu trả lời có thể sẽ đến một cách chậm rãi và sau đó sẽ rõ ràng hơn khi chúng ta đã bước vững vàng hơn trên con đường giao ước và phục sự.

Chúng ta đang trải qua một số trong cùng những khó khăn mà Joseph Smith đã gặp phải trong lúc mà ông đang “ở giữa [một] trận khẩu chiến và xung đột về quan điểm.” Khi chúng ta đọc về lời tường thuật của riêng ông, ông thường tự nhủ với chính mình: “Bây giờ mình phải làm gì đây? Trong số các giáo phái này, giáo phái nào đúng, hay là tất cả họ đều sai lầm? Nếu có một giáo phái nào đúng, thì đó là giáo phái nào, và làm sao tôi biết được?”3

Với sự hiểu biết mà ông tìm thấy trong Thư của Gia Cơ, có nói: “Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho,”4 Joseph “sau cùng đã quyết định ‘cầu vấn Thượng Đế.’”5

Chúng ta đọc tiếp rằng “đó là lần đầu tiên trong đời [của ông] mà [ông] đã thử làm một việc như vậy, vì lẽ giữa tất cả mọi bối rối lo âu [của ông], [ông] vẫn chưa bao giờ thử cầu nguyện thành lời.”6

Và điều đó cũng có thể như vậy đối với chúng ta trong lần đầu tiên ngỏ lời cùng Đấng Sáng Tạo của mình theo cách mà chúng ta chưa bao giờ làm.

Do nỗ lực của Joseph, Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã hiện đến cùng ông, gọi tên ông, và kết quả là chúng ta có một sự hiểu biết rõ ràng hơn về việc chúng ta là ai và rằng chúng ta thực sự quan trọng.

Chúng ta đọc tiếp rằng trong lứa tuổi niên thiếu của ông, Joseph “đã bị ngược đãi bởi những người đáng lý ra phải là bạn bè [của ông] và [đáng lẽ] phải đối xử [với ông] một cách tử tế.”7 Và cũng như vậy, chúng ta có thể gặp phải những sự đối nghịch khi sống cuộc sống của một người môn đồ.

Nếu anh chị em hiện đang cảm thấy rằng mình không thể dự phần vào dàn nhạc và con đường để hối cải dường như quá khó khăn, xin hãy biết rằng nếu chúng ta tiếp tục cố gắng thì gánh nặng sẽ được cất khỏi vai mình và trở nên nhẹ nhàng trở lại. Cha Thiên Thượng sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta khi chúng ta cố gắng tìm đến Ngài. Chúng ta có thể vấp ngã và đứng lên và Ngài sẽ giúp chúng ta phủi sạch bụi khỏi đầu gối của mình.

Một số người trong chúng ta bị thương, nhưng bộ dụng cụ sơ cứu của Chúa có băng đủ lớn để che phủ tất cả các vết thương của chúng ta.

Cũng chính là tình yêu thương đó, tình yêu thương hoàn hảo mà chúng ta còn gọi là lòng bác ái hay “tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô,”8 mà chúng ta cần có trong gia đình mình nơi mà cha mẹ phục sự con cái mình và con cái phục sự cha mẹ chúng. Qua tình yêu thương đó, các tấm lòng sẽ được thay đổi và ước muốn được sinh ra để thực thi ý muốn của Ngài.

Chúng ta cần tình yêu thương đó khi cư xử với nhau với tư cách là những con cái của Cha Thiên Thượng và những tín hữu trong Giáo Hội của Ngài, và tình yêu thương đó sẽ giúp chúng ta gồm vào tất cả các nhạc cụ trong dàn nhạc của mình để có thể trình diễn một cách đầy vinh quang cùng những ca đoàn của thiên thượng khi Đấng Cứu Rỗi tái lâm.

Chính là tình yêu thương và ánh sáng ấy mà chúng ta cần để soi sáng môi trường xung quanh trong cuộc sống hằng ngày của mình. Người khác sẽ để ý thấy ánh sáng ấy và được thu hút đến gần. Đó là loại công việc truyền giáo mà sẽ thu hút người khác để “đến và xem, đến và giúp đỡ, và đến và ở lại.9 Khi chúng ta đã nhận được chứng ngôn về công việc vĩ đại này và vai trò của mình trong đó, xin chúng ta hãy cùng vui mừng với vị tiên tri yêu dấu của mình là Joseph Smith khi ông tuyên bố: “Vì tôi đã trông thấy một khải tượng; tôi biết điều đó, và tôi biết là Thượng Đế biết như vậy, và tôi không thể phủ nhận được.”10

Tôi làm chứng với anh chị em rằng tôi biết mình là ai, và tôi cũng biết anh chị em là ai. Chúng ta đều là con cái của một Cha Thiên Thượng là Đấng yêu thương chúng ta. Và Ngài đã không gửi chúng ta đến đây để thất bại mà là để vinh quang trở về cùng Ngài. Tôi cầu xin cho tất cả chúng ta có thể tiến đến sự hiểu biết về vai trò của mình trong công việc phục sự lớn lao này để chúng ta có thể trở nên giống như Ngài hơn khi Đấng Cứu Rỗi tái lâm, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.