Được Tìm Thấy qua Quyền Năng của Sách Mặc Môn
Tất cả đều phải có kinh nghiệm với những lẽ thật chứa đựng trong Sách Mặc Môn và được tìm thấy bởi quyền năng của những lẽ thật đó.
Khi đến thăm nhà của những người cải đạo theo Giáo Hội, tôi thường hỏi họ làm thế nào họ cùng gia đình biết về Giáo Hội và rồi chịu phép báp têm. Bất kể người được hỏi vào thời điểm đó có thể là một tín hữu tích cực hay đã không tham dự nhà thờ trong nhiều năm, thì câu trả lời luôn giống nhau. Với một nụ cười và vẻ mặt rạng rỡ, họ bắt đầu kể lại câu chuyện về việc họ được tìm thấy như thế nào. Trên thực tế, câu chuyện cải đạo dường như luôn luôn là câu chuyện về việc chúng ta được tìm thấy như thế nào.
Chúa Giê Su Ky Tô là Chúa của những thứ bị lạc mất. Ngài quan tâm đến những điều bị lạc mất. Đó chắc hẳn là lý do tại sao Ngài đã giảng dạy ba câu chuyện ngụ ngôn mà chúng ta tìm thấy trong chương thứ 15 trong sách Lu Ca: câu chuyện ngụ ngôn về con chiên đi lạc, về đồng tiền bị mất, và cuối cùng, về đứa con trai hoang phí. Tất cả các câu chuyện này có một điểm chung: lý do tại sao thứ đó bị mất thì không quan trọng. Việc thứ đó có biết mình bị lạc mất không lại càng không quan trọng. Mỗi trường hợp đều có một cảm xúc vui mừng ngập tràn đến nỗi phải thốt lên rằng: “Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được [thứ] bị mất.”1 Cuối cùng thì chẳng có điều gì thật sự bị lạc mất với Ngài cả.2
Buổi chiều hôm nay, xin cho phép tôi chia sẻ với anh chị em một trong những điều quý giá nhất đối với tôi—câu chuyện về chính bản thân tôi đã được tìm thấy như thế nào.
Ngay trước khi tôi tròn 15 tuổi, cậu của tôi là Manuel Bustos, đã mời tôi dành thời gian đến thăm ông và gia đình ông ở Mỹ. Đó là một cơ hội tuyệt vời để tôi học tiếng Anh. Cậutôi đã cải đạo theo Giáo Hội nhiều năm trước đó, và ông có một tinh thần truyền giáo tuyệt vời. Đó có thể là lý do tại sao mẹ tôi đã nói chuyện với ông mà không cho tôi biết rằng bà sẽ đồng ý lời mời với một điều kiện: cậu tôi không được cố gắng thuyết phục tôi trở thành một tín hữu của Giáo Hội. Chúng tôi đã theo đạo Công Giáo, đó là truyền thống gia đình qua nhiều thế hệ, và cũng không có lý do gì để thay đổi. Cậu tôi hoàn toàn đồng ý và đã giữ lời đến mức ông không muốn trả lời ngay cả những câu hỏi đơn giản nhất về Giáo Hội.
Tất nhiên, điều mà cậu tôi và người vợ dịu hiền của ông là Marjorie, không thể né tránh được là con người thật của họ.3
Tôi được dọn cho ở trong một căn phòng mà có một thư viện sách lớn. Tôi có thể thấy rằng trong thư viện này có khoảng 200 quyển Sách Mặc Môn bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, 20 quyển trong số đó được viết bằng tiếng Tây Ban Nha.
Một ngày nọ, vì hiếu kỳ, tôi đã lấy xuống một quyển Sách Mặc Môn bằng tiếng Tây Ban Nha.
Quyển sách đó có bìa màu xanh da trời, với hình thiên sứ Mô Rô Ni ở bìa trước. Khi tôi mở sách ra thì thấy ngay trên trang đầu tiên có ghi lời hứa sau đây: “Và khi nào các người nhận được những điều này, tôi khuyên nhủ các người hãy cầu vấn Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu, trong danh Đấng Ky Tô, để xem những điều này có thật không; và nếu các người cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô, thì Ngài sẽ biểu lộ lẽ thật của điều này cho các người biết, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.”
Và sau đó, lời hứa còn được ghi thêm: “Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, các người sẽ có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều.”4
Thật khó để giải thích các câu thánh thư này đã tác động lên tâm trí và tấm lòng tôi như thế nào. Thú thật, tôi đã không tìm kiếm “lẽ thật.” Tôi chỉ là một cậu thiếu niên yêu đời và vui thích với nền văn hóa mới mẻ này.
Tuy nhiên, với lời hứa đó trong tâm trí, tôi bắt đầu lén lút đọc sách. Tôi càng đọc thì càng hiểu ra rằng nếu tôi thật sự muốn lời hứa này ứng nghiệm cho mình thì tôi nên bắt đầu cầu nguyện. Và, tất cả chúng ta đều biết quá rõ điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta quyết định không chỉ đọc mà còn cầu nguyện về Sách Mặc Môn nữa. Vâng, điều đó đã xảy đến với tôi. Đó là một điều thật đặc biệt và độc đáo—vâng, chính điều đó cũng đã xảy đến với hàng triệu người khác trên khắp thế giới. Tôi biết được bởi quyền năng của Đức Thánh Linh rằng Sách Mặc Môn là chân chính.
Sau đó, tôi đi tìm cậu tôi để giải thích cho ông chuyện gì đã xảy ra và rằng tôi đã sẵn sàng để chịu phép báp têm. Cậu tôi không thể kìm nén được sự kinh ngạc. Ông bước lên xe, lái đến sân bay, và sau đó trở lại với vé máy bay khứ hồi của tôi cùng với một dòng thư nhắn đơn giản cho mẹ tôi rằng: “Em không có liên can đến việc này!”
Theo một phương diện nào đó, ông nói đúng. Tôi đã được tìm thấy trực tiếp qua quyền năng của Sách Mặc Môn.
Nhiều người có thể đã được tìm thấy qua những người truyền giáo tuyệt vời ở trên khắp thế giới, mỗi trường hợp đều là qua những cách thức phi thường. Hoặc, có lẽ họ đã được tìm thấy qua những người bạn mà Thượng Đế đã cố tình đặt vào con đường của họ. Họ cũng có thể đã được tìm thấy bởi những người thuộc thế hệ này hoặc qua một trong những người tổ tiên của họ.5 Bất kể tình huống là gì đi nữa thì để tiến triển đến sự cải đạo cá nhân chân chính, không sớm thì muộn, họ đều phải có kinh nghiệm với những lẽ thật chứa đựng trong Sách Mặc Môn và được tìm thấy bởi quyền năng của những lẽ thật đó. Đồng thời, họ phải tự quyết định để nghiêm túc cam kết với Thượng Đế rằng họ sẽ cố gắng tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.
Khi tôi trở về quê hương ở Buenos Aires, mẹ tôi nhận ra rằng tôi thật sự muốn chịu phép báp têm. Bởi vì tôi có tính cách khá nổi loạn nên thay vì ngăn cản tôi, bà đã vô cùng khôn ngoan ủng hộ quyết định của tôi. Và bà đã tự thực hiện cuộc phỏng vấn phép báp têm với tôi mà không hề hay biết. Quả thật, tôi tin rằng cuộc phỏng vấn của bà còn chi tiết hơn cả những cuộc phỏng vấn mà những người truyền giáo của chúng ta thực hiện nữa. Bà nói với tôi: “Nếu con muốn chịu phép báp têm thì mẹ sẽ ủng hộ. Nhưng trước hết, mẹ sẽ hỏi con một vài câu hỏi, và mẹ muốn con suy nghĩ kỹ và thành thật trả lời mẹ. Con có cam kết sẽ tham dự nhà thờ đầy đủ mỗi ngày Chủ Nhật không?”
Tôi nói với bà: “Dạ có, tất nhiên con sẽ tham dự nhà thờ đầy đủ vào mỗi ngày Chủ Nhật.”
“Con có biết lễ nhà thờ kéo dài bao lâu không?”
Tôi nói: “Dạ có.”
Bà đáp lại: “Vậy, nếu con chịu phép báp têm thì mẹ sẽ đảm bảo là con sẽ tham dự nhà thờ.” Rồi bà hỏi tôi có thật sự sẵn lòng không bao giờ uống rượu bia hay hút thuốc không.
Tôi trả lời: “Dạ có, tất nhiên con cũng sẽ tuân giữ lệnh truyền này.”
Bà còn nói thêm: “Nếu con chịu phép báp têm thì mẹ sẽ đảm bảo việc này đúng là như vậy.” Và bà lần lượt hỏi tôi theo mẫu mực này về hầu hết các lệnh truyền.
Cậu tôi đã gọi cho mẹ tôi và nói bà đừng lo, rằng tôi rồi sẽ hết hứng thú với Giáo Hội thôi. Bốn năm sau, khi tôi nhận được sự kêu gọi phục vụ trong Phải Bộ Truyền Giáo Uruguay Montevideo, mẹ tôi đã gọi cho cậu tôi để hỏi ông xem chính xác là khi nào tôi mới hết hứng thú với Giáo Hội. Sự thật là từ khi tôi chịu phép báp têm, mẹ tôi đã trở nên vui vẻ hơn.
Tôi biết được rằng Sách Mặc Môn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình cải đạo của tôi vì tôi đã tự mình kinh nghiệm với lời hứa rằng “một người sẽ đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó.”6
Nê Phi đã giải thích mục đích trọng tâm của Sách Mặc Môn theo cách này:
“Vì chúng tôi cố gắng cần mẫn viết ra để thuyết phục con cháu chúng [tôi], và luôn cả các anh em chúng [tôi] nữa, để họ biết tin vào Đấng Ky Tô, và để được hòa hiệp với Thượng Đế. …
“Và [vì thế] chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ nơi Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, [và] chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô … để cho con cháu chúng [tôi] có thể biết được nguồn gốc nào chúng có thể tìm kiếm một sự xá miễn các tội lỗi của mình.”7
Toàn bộ Sách Mặc Môn chứa đầy cùng mục đích thiêng liêng này.
Vì lý do này nên bất cứ người nào đọc sách đó cùng cam kết để thành tâm học tập sách đó, với một tinh thần cầu nguyện, sẽ không chỉ học về Đấng Ky Tô mà còn học từ Đấng Ky Tô—đặc biệt là khi họ đưa ra quyết định sẽ “thử dùng tới hiệu năng của lời Thượng Đế”8 và không vội vàng chối bỏ nó vì lòng không tin tưởng do định kiến9 đến từ những gì người khác nói về những điều họ chưa bao giờ đọc.
Chủ Tịch Russell M. Nelson nhớ lại: “Khi tôi nghĩ về Sách Mặc Môn, tôi nghĩ về chữ quyền năng. Những lẽ thật của Sách Mặc Môn có quyền năng để chữa lành, khuyên giải, phục hồi, giúp đỡ, củng cố, an ủi, và cổ vũ tâm hồn chúng ta.”10
Lời mời của tôi trong buổi chiều hôm nay dành cho mỗi người chúng ta, bất kể chúng ta đã là tín hữu Giáo Hội được bao lâu rồi, là hãy cho phép quyền năng của các lẽ thật của Sách Mặc Môn tìm kiếm và bao bọc chúng ta một lần nữa và ngày qua ngày khi chúng ta chuyên tâm tìm kiếm sự mặc khải cá nhân. Sách ấy sẽ tìm thấy và bao bọc chúng ta nếu chúng ta cho phép nó.
Tôi long trọng làm chứng rằng Sách Mặc Môn chứa đựng phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô và rằng Đức Thánh Linh sẽ xác nhận lẽ thật của sách lần này qua lần khác với những ai tìm kiếm sự hiểu biết về sự cứu rỗi linh hồn họ, với một tấm lòng chân thành.11 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Tô, A Men.