2010–2019
Giáo Lệnh Lớn Thứ Hai
đại hội trung ương tháng Mười năm 2019


2:3

Giáo Lệnh Lớn Thứ Hai

Niềm vui lớn nhất của chúng ta đến khi chúng ta giúp đỡ các anh chị em mình.

Anh chị em thân mến, xin cảm ơn về tất cả những gì anh chị em đang làm để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên ở cả hai bên bức màn che, để củng cố gia đình của mình, và để ban phước cho cuộc sống của những người đang hoạn nạn. Xin cảm ơn anh chị em đang sống như các tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.1 Anh chị em biết rõ và thích tuân theo hai giáo lệnh lớn của Ngài là yêu thương Thượng Đế và yêu thương người lân cận của mình.2

Trong sáu tháng qua, Chị Nelson và tôi đã gặp hàng ngàn Thánh Hữu khi chúng tôi đi đến Trung và Nam Mỹ, các đảo Thái Bình Dương, và nhiều thành phố khác nhau tại Hoa Kỳ. Trong chuyến hành trình, hy vọng của chúng tôi là để xây đắp đức tin của anh chị em. Tuy nhiên, khi trở về thì đức tin của chúng tôi lại luôn luôn được củng cố bởi các tín hữu và những người bạn mà chúng tôi gặp. Tôi xin chia sẻ ba khoảnh khắc đầy ý nghĩa từ những kinh nghiệm gần đây của chúng tôi.

Chủ Tịch Nelson tại New Zealand
Chủ Tịch Nelson tại New Zealand

Vào tháng Năm, Chị Nelson và tôi đã đi cùng Anh Cả Gerrit W. Gong và Chị Susan Gong đến Nam Thái Bình Dương. Trong lúc ở Auckland, New Zealand, chúng tôi đã có vinh dự được gặp gỡ với các lãnh tụ Hồi Giáo đến từ hai thánh đường Hồi Giáo ở Christchurch, New Zealand, nơi mà chỉ hai tháng trước đó, các tín đồ vô tội đã bị bắn chết trong một hành động bạo lực khủng khiếp.

Chúng tôi đã có lời chia buồn với những người anh em khác tín ngưỡng này và tái khẳng định sự cam kết chung của hai bên về tự do tôn giáo.

Chúng tôi cũng đề nghị cung cấp các tình nguyện viên và sự hỗ trợ tài chính khiêm tốn để giúp xây dựng lại các thánh đường của họ. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với các vị lãnh đạo Hồi Giáo này tràn đầy những biểu hiện tuyệt vời của tình anh em.

Những người được nhận xe lăn tại Argentina
Những người được nhận xe lăn tại Argentina

Vào tháng Tám, cùng với Anh Cả Quentin L. Cook và Chị Mary Cook, Chị Nelson và tôi đã gặp những người dân ở Buenos Aires, Argentina—hầu hết không cùng tín ngưỡng với chúng ta—mà cuộc sống của họ đã được thay đổi nhờ vào những chiếc xe lăn được cung cấp thông qua Hội Từ Thiện Thánh Hữu Ngày Sau. Chúng tôi đã được soi dẫn khi họ bày tỏ lòng biết ơn và niềm vui tràn đầy về khả năng di chuyển mới của họ.

Khoảng khắc quý báu thứ ba chỉ xảy ra cách đây vài tuần trước tại Salt Lake City. Khoảnh khắc ấy đến từ một lá thư độc đáo mà tôi nhận được vào ngày sinh nhật của mình từ một thiếu nữ mà tôi sẽ gọi là Mary—14 tuổi.

Mary đã viết về những điểm tương đồng giữa em ấy và tôi: “Chủ Tịch có 10 người con. Gia đình của cháu cũng có 10 đứa trẻ. Chủ tịch nói tiếng Quan Thoại. Bảy đứa trẻ trong gia đình cháu, kể cả cháu, được nhận nuôi từ Trung Quốc, vì vậy tiếng Quan Thoại cũng là ngôn ngữ đầu tiên của chúng cháu. Chủ tịch là bác sĩ phẫu thuật tim. Chị của cháu từng trải qua hai [cuộc phẫu thuật] tim hở. Chủ tịch thích đi nhà thờ hai tiếng đồng hồ. Chúng cháu cũng thích đi nhà thờ hai tiếng đồng hồ. Chủ tịch có khả năng cảm âm tuyệt đối. Anh của cháu cũng có khả năng đó. Anh ấy cũng bị mù như cháu.”

Những lời của Mary đã làm tôi vô cùng xúc động, chúng không chỉ biểu lộ tinh thần mạnh mẽ của em ấy mà còn cho thấy sự tận tâm của cha mẹ em ấy.

Các Thánh Hữu Ngày Sau, cũng như những môn đồ khác của Chúa Giê Su Ky Tô, luôn luôn tìm cách để giúp đỡ, nâng đỡ, và yêu thương người khác. Họ là những người mong muốn được gọi là dân của Chúa để “sẵn lòng mang gánh nặng lẫn cho nhau, … than khóc với những ai than khóc; … và [để] an ủi những ai cần được an ủi.”3

Họ thực sự tìm cách sống theo giáo lệnh lớn thứ nhất và thứ hai. Khi chúng ta hết lòng yêu mến Thượng Đế, thì Ngài sẽ xoay đổi lòng chúng ta đến sự an lạc của người khác theo một chu kỳ tốt đẹp và đức hạnh.

Chúng ta không thể nào tính được thời lượng phục vụ mà các Thánh Hữu Ngày Sau đã thực hiện trên khắp thế giới mỗi ngày trong năm, nhưng chúng ta có thể tính được những điều tốt lành mà Giáo Hội với tư cách là một tổ chức đã thực hiện để ban phước cho tất cả những người nam và người nữ—các em trai và em gái—đang cần sự giúp đỡ.

Chương trình nhân đạo của Giáo Hội đã được phát động vào năm 1984. Sau đó toàn thể Giáo Hội đã nhịn ăn để gây quỹ nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi một trận hạn hán tàn khốc ở Đông Phi. Các tín hữu của Giáo Hội đã hiến tặng 6,4 triệu đô la trong chỉ một ngày nhịn ăn ấy.

Chủ Tịch M.<nb/>Russell Ballard, lúc bấy giờ là Anh Cả Ballard, tại Ethiopia

Chủ Tịch M. Russell Ballard, lúc bấy giờ là Anh Cả Ballard, và Anh Glenn L. Pace đã được phái đến Ethiopia để đánh giá về cách hữu hiệu nhất để sử dụng ngân quỹ dâng hiến đó. Nỗ lực này cho thấy sự khởi đầu của những gì sau này được gọi là Hội Từ Thiện Thánh Hữu Ngày Sau.

Từ đó, Hội Từ Thiện Thánh Hữu Ngày Sau đã cung cấp hơn hai tỉ đô la viện trợ để hỗ trợ cho những người hoạn nạn trên toàn thế giới. Sự hỗ trợ này được cấp cho người nhận bất kể là họ thuộc vào giáo hội, quốc tịch, chủng tộc, xu hướng tình dục, giới tính, hay khuynh hướng chính trị nào.

Đó chưa phải là hết. Để hỗ trợ các tín hữu của Giáo Hội của Chúa trong cơn hoạn nạn, chúng ta yêu mến và sống theo luật pháp thời xưa về việc nhịn ăn.4 Chúng ta nhịn ăn để giúp đỡ những người đang bị đói. Mỗi tháng một ngày, chúng ta nhịn ăn và hiến tặng chi phí của phần thức ăn đó (và nhiều hơn thế) để giúp đỡ những người túng thiếu.

Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến đi đầu tiên của mình đến Tây Phi vào năm 1986. Rất đông các Thánh Hữu đã đến các buổi họp của chúng tôi. Mặc dù có rất ít của cải vật chất, nhưng đa số họ đã mặc những bộ quần áo trắng tinh khi đến buổi họp.

Tôi đã hỏi vị chủ tịch giáo khu về cách mà anh chăm sóc cho các tín hữu túng thiếu này. Anh ta đáp rằng các vị giám trợ biết rất rõ các tín hữu trong giáo đoàn của họ. Nếu các tín hữu có khả năng lo liệu hai bữa ăn một ngày, thì họ không cần giúp đỡ. Nhưng nếu như họ chỉ có thể lo liệu một bữa ăn hoặc ít hơn—thậm chí là với sự giúp đỡ của gia đình—thì các vị giám trợ sẽ cung cấp thức ăn với số tiền trích từ các của lễ nhịn ăn. Sau đó anh ta nói thêm sự thật đáng chú ý này: những sự đóng góp cho của lễ nhịn ăn thường nhiều hơn các chi phí của họ. Số của lễ nhịn ăn thặng dư sau đó được gửi đến những người ở nơi khác mà túng thiếu hơn họ. Các Thánh Hữu người Châu Phi kiên cường ấy đã dạy cho tôi một bài học lớn lao về quyền năng của luật pháptinh thần nhịn ăn.

Là các tín hữu của Giáo Hội, chúng ta thông cảm với những người chịu đau khổ dưới bất kỳ hình thức nào.5 Là các con trai và con gái của Thượng Đế, tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau. Chúng ta lưu tâm đến lời khuyên dạy trong Kinh Cựu Ước: “Khá sè tay mình ra cho anh em bị âu lo và nghèo khó ở trong xứ ngươi.”6

Chúng ta cũng cố gắng sống theo những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô như đã được ghi lại trong Ma Thi Ơ 25:

“Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta:

“Ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta. …

“… Hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”7

Tôi xin trích dẫn một vài ví dụ về cách mà Giáo Hội tuân theo những lời giảng dạy này của Đấng Cứu Rỗi.

Nhà kho của giám trợ

Để giúp làm giảm nạn đói, Giáo Hội đang điều hành 124 nhà kho của giám trợ trên toàn thế giới. Qua những nhà kho ấy, mỗi năm có khoảng 400,000 đơn nhận thực phẩm đã được trao cho những người hoạn nạn. Ở những nơi không có nhà kho của giám trợ, thì các vị giám trợ và chủ tịch chi nhánh sử dụng ngân quỹ từ các của lễ nhịn ăn của Giáo Hội để cung cấp thực phẩm và đồ dùng cho những tín hữu túng thiếu.

Tuy nhiên, thách thức của nạn đói đã vượt xa ranh giới của Giáo Hội. Nó đang gia tăng trên toàn thế giới. Một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc cho biết rằng số lượng người suy dinh dưỡng trên thế giới hiện nay đã vượt quá 820 triệu người—hoặc gần một phần chín dân số của trái đất.8

Thật là một con số thống kê đáng báo động! Chúng tôi biết ơn rất nhiều cho những đóng góp của anh chị em. Nhờ vào lòng hảo tâm chân thành của anh chị em, mà hàng triệu người trên toàn thế giới sẽ nhận được thực phẩm, quần áo, chỗ ở tạm thời, xe lăn, thuốc men, nước sạch và nhiều thứ khác mà họ rất cần.

Nhiều bệnh tật trên toàn thế giới bắt nguồn từ nước bị nhiễm bẩn. Cho tới nay, sáng kiến nhân đạo của Giáo Hội đã giúp cung cấp nước sạch cho hàng trăm cộng đồng ở 76 quốc gia.

Một dự án ở Luputa, thuộc Cộng Hòa Dân Chủ Congo, là một ví dụ tuyệt vời. Với dân số hơn 100.000 người, thị trấn này không có nước sạch. Người dân phải đi bộ rất xa để có được nguồn nước an toàn. Một mạch nước ngầm trên núi đã được phát hiện cách đó 29 cây số, nhưng người dân trong thị trấn không thể tiếp cận nguồn nước đó thường xuyên được.

Đào rãnh để dẫn nước

Khi những người truyền giáo trong chương trình nhân đạo biết được về khó khăn này, họ đã làm việc với những người lãnh đạo của Luputa bằng cách cung cấp nguyên vật liệu và sự huấn luyện để dẫn nước về thị trấn. Người dân Luputa mất ba năm để đào một cái rãnh sâu một mét xuyên qua đá và rừng rậm. Bằng cách làm việc cùng nhau, ngày vui ấy cuối cùng đã đến khi nước sạch đã đến với tất cả mọi người trong thị trấn ấy.

Xách nước

Giáo Hội cũng giúp đỡ những người tị nạn, cho dù là do các cuộc nội chiến, sự tàn phá của thiên nhiên, hay đàn áp tôn giáo. Hơn 70 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ.9

Phục Sự Những Người Tị Nạn

Chỉ trong năm 2018, Giáo Hội đã phân phát các đồ tiếp liệu khẩn cấp cho những người tị nạn ở 56 quốc gia. Thêm vào đó, nhiều tín hữu Giáo Hội đã tình nguyện dành thời gian của họ để giúp người tị nạn hòa nhập vào cộng đồng mới. Chúng tôi cảm ơn mỗi anh chị em đã tìm đến giúp đỡ những người đang cố gắng thiết lập nơi ở mới.

Phân phối quần áo

Qua các khoản đóng góp rộng rãi tới các cửa hàng Deseret Industries tại Hoa Kỳ, hàng triệu kí-lô quần áo được thu góp và phân loại hằng năm. Mặc dù các giám trợ địa phương sử dụng số lượng hàng hóa khổng lồ này để giúp đỡ các tín hữu túng thiếu, phần lớn nhất của các hàng hóa ấy được hiến tặng cho các tổ chức từ thiện khác để phân phát đi khắp thế giới.

Và chỉ mới năm ngoái, Giáo Hội đã cung cấp dịch vụ chăm sóc thị lực cho hơn 300.000 người ở 35 quốc gia, dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh cho hàng ngàn người mẹ và em bé ở 39 quốc gia, và tặng xe lăn cho hơn 50.000 người sống ở hàng chục quốc gia.

Giáo Hội nổi tiếng là một trong những đơn vị cứu trợ đầu tiên khi có thảm họa xảy ra. Ngay cả trước khi một cơn bão đổ bộ, các vị lãnh đạo và nhân viên của Giáo Hội ở những nơi bị ảnh hưởng đã lên kế hoạch về cách mà họ sẽ gửi hàng cứu trợ và tình nguyện viên đến giúp những người bị ảnh hưởng.

Phục vụ cùng với những người thuộc nhóm Helping Hands (Những Bàn Tay Giúp Đỡ)

Chỉ riêng năm ngoái, Giáo Hội đã thực hiện hơn 100 dự án cứu trợ thiên tai trên toàn thế giới, để giúp đỡ nạn nhân của các cơn bão, hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, và các thiên tai khác. Bất cứ khi nào có thể, các tín hữu của Giáo Hội chúng ta, trong những chiếc áo khoác màu vàng có hàng chữ Helping Hands (Những Bàn Tay Giúp Đỡ), tụ họp lại với con số đông đảo để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Sự phục vụ này, do rất nhiều anh chị em thực hiện, chính là cốt lõi của việc phục sự.

Thưa anh chị em thân mến của tôi, những hoạt động mà tôi vừa miêu tả chỉ là một phần nhỏ trong chương trình an sinh và nhân đạo đang ngày càng phát triển của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.10anh chị em chính là những người làm cho tất cả những điều này có thể thực hiện được. Nhờ vào cuộc sống gương mẫu, tấm lòng rộng lượng, và bàn tay giúp đỡ của anh chị em, mà không có gì bất ngờ khi có nhiều cộng đồng và các vị lãnh đạo chính phủ đang ca ngợi nỗ lực của anh chị em.11

Từ khi trở thành Chủ Tịch của Giáo Hội, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi có không biết bao nhiêu tổng thống, thủ tướng, và đại sứ đã chân thành cảm ơn tôi cho sự viện trợ nhân đạo của chúng ta dành cho người dân của họ. Và họ cũng đã bày tỏ lòng biết ơn cho sức mạnh mà các tín hữu trung tín của chúng ta mang đến cho đất nước của họ với tư cách là những công dân trung thành và biết đóng góp.

Tôi cũng đã ngạc nhiên khi các vị lãnh đạo trên thế giới đã đến thăm Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và bày tỏ niềm hy vọng của họ rằng Giáo Hội sẽ được thiết lập trong xứ của họ. Tại sao? Bởi vì họ biết rằng các Thánh Hữu Ngày Sau sẽ giúp xây dựng những gia đình và cộng đồng vững mạnh, giúp cho những người khác có cuộc sống tốt hơn ở bất cứ nơi nào họ cư ngụ.

Bất kể sinh sống ở đâu, các tín hữu của Giáo Hội cảm nhận một cách sâu sắc về vai trò thiên phụ của Thượng Đế và về tình anh em của tất cả mọi người. Do đó, niềm vui lớn nhất của chúng ta đến khi chúng ta giúp đỡ các anh chị em của mình, bất kể là chúng ta đang sống ở đâu trên thế giới tuyệt vời này.

Việc giúp đỡ người khác—tận tâm lo lắng cho người khác cũng như hoặc nhiều hơn là chúng ta lo lắng cho bản thân mình—là niềm vui của chúng ta. Đặc biệt, tôi muốn nói thêm, là khi điều đó không thuận tiện và đòi hỏi chúng ta phải làm một điều gì đó mà chúng ta thường không thoải mái để làm. Việc sống theo giáo lệnh lớn thứ hai chính là mấu chốt để trở thành một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.

Thưa anh chị em thân mến của tôi, anh chị em chính là tấm gương về các phước lành đến từ việc tuân theo những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi cảm ơn anh chị em! Tôi yêu thương anh chị em!

Tôi biết rằng Thượng Đế hằng sống. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Giáo Hội của Ngài đã được phục hồi trong những ngày sau cùng này để làm tròn các mục đích thiêng liêng của Giáo Hội. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.