2010–2019
Trái Cây
đại hội trung ương tháng Mười năm 2019


2:3

Trái Cây

Hãy giữ cho đôi mắt và tấm lòng của anh chị em tập trung vào Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô và niềm vui vĩnh cửu chỉ có được nhờ Ngài.

Tôi biết anh chị em đang nghĩ gì! Chỉ một người nói chuyện nữa thôi và chúng ta sẽ được nghe từ Chủ Tịch Nelson. Với hy vọng sẽ giúp anh chị em tỉnh táo thêm vài phút trong khi chúng ta chờ đợi vị tiên tri yêu dấu của mình, tôi đã chọn một chủ đề rất hấp dẫn: đó chính là trái cây.

Trái Cây

Với màu sắc, cấu trúc, và vị ngọt của các loại quả mọng, chuối, dưa hấu và xoài, hoặc các loại trái cây kỳ lạ hơn như dưa kiwano hay lựu, trái cây từ lâu đã là một món ngon quý giá.

Trong giáo vụ trần thế của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã so sánh trái tốt với những điều có giá trị vĩnh cửu. Ngài phán: “Các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được.”1 “Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt.”2 Ngài khuyến khích chúng ta thâu chứa “hoa lợi cho sự sống đời đời.”3

Trong một giấc mơ sống động mà tất cả chúng ta biết rõ trong Sách Mặc Môn, vị tiên tri Lê Hi đã thấy mình ở trong “một vùng hoang dã âm u tiêu điều.” Ở đó có dòng suối có nước dơ bẩn, một đám sương mù tối đen, những con đường xa lạ, những lối cấm và một thanh sắt4 dài chạy dọc theo lối đi thẳng và hẹp dẫn đến một cái cây xinh đẹp có đầy “trái hấp dẫn, [mà làm] người ta cảm thấy vui sướng.” Lê Hi kể lại giấc mơ: “cha liền … hái một trái ăn. … trái cây ấy có một hương vị ngọt ngào hơn hết tất cả những trái cây khác mà cha đã từng nếm.… [Và] nó làm cho tâm hồn cha chan hòa một niềm hân hoan cực độ.” Trái cây này “hấp dẫn [hơn bất kỳ loại] trái cây [nào] khác.”5

Cây sự sống với trái ngon ngọt của cây ấy

Ý Nghĩa của Cây và Trái Cây

Cây này và trái cây quý giá nhất của nó tượng trưng cho điều gì? Nó tượng trưng cho “tình yêu thương của Thượng Đế”6 và chỉ ra kế hoạch cứu chuộc kỳ diệu của Cha Thiên Thượng của chúng ta. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”7

Trái cây quý giá này tượng trưng cho những phước lành kỳ diệu của Sự Chuộc Tội vô song của Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta không chỉ sống lại một lần nữa sau cuộc sống hữu diệt của mình, mà nhờ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, và việc tuân giữ các lệnh truyền, chúng ta còn có thể được tha thứ tội lỗi của mình và một ngày nào đó sẽ đứng một cách trong sạch và thanh khiết trước Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài.

Việc ăn trái cây ấy cũng tượng trưng rằng chúng ta sẵn lòng chấp nhận các giáo lễ và giao ước của phúc âm phục hồi—chịu phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và bước vào ngôi nhà của Chúa để được ban cho quyền năng từ trên cao. Nhờ ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô và nhờ sự tôn trọng các giao ước của mình, chúng ta nhận được lời hứa vô giá về việc sống với gia đình ngay chính của mình trong suốt thời vĩnh cửu.8

Không có gì ngạc nhiên khi thiên sứ mô tả trái cây ấy là “niềm vui sướng nhất cho tâm hồn.”9 Thực sự là như vậy!

Thử Thách của Việc Luôn Trung Thành

Như tất cả chúng ta đã biết, kể cả sau khi đã nếm trái cây quý giá của phúc âm phục hồi thì việc luôn trung thành và trung tín với Chúa Giê Su Ky Tô vẫn không phải là dễ dàng. Như đã được nói đến nhiều lần trong đại hội này, chúng ta tiếp tục đối mặt với những sự xao lãng và lừa gạt, mơ hồ và rối loạn, dụ dỗ và cám dỗ mà cố gắng lôi kéo tấm lòng của chúng ta ra khỏi Đấng Cứu Rỗi cũng như những niềm vui và vẻ đẹp chúng ta đã kinh nghiệm được khi noi theo Ngài.

Vì nghịch cảnh này mà giấc mơ của Lê Hi cũng mang một lời cảnh báo! Ở bên kia bờ sông là một tòa nhà rộng lớn vĩ đại với những người thuộc mọi lứa tuổi đang chỉ trỏ, nhạo báng và giễu cợt những người ngay chính theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Những người trong tòa nhà đang chế giễu và cười nhạo những người tuân giữ các giáo lệnh, hy vọng sẽ gây sự nghi ngờ và nhạo báng đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Và vì những lời lăng mạ gây nghi ngờ hoặc lời lẽ khinh bỉ nhắm vào các tín đồ nên một số người tuy đã nếm thử trái cây nhưng bắt đầu cảm thấy xấu hổ với phúc âm mà họ đã từng chấp nhận. Những cám dỗ sai lạc của thế gian đã dụ dỗ họ; họ quay lưng với cái cây và trái cây đó; và như lời của thánh thư: “đi lạc vào những lối cấm rồi lạc mất luôn.”10

Trong thế giới của chúng ta ngày nay, đội xây dựng của kẻ nghịch thù đang làm việc thêm giờ, khẩn trương cơi nới thêm tòa nhà rộng lớn vĩ đại. Phần cơi nới đã lan rộng qua sông, hy vọng bao vây nhà của chúng ta, trong khi những người chỉ trỏ và chế giễu tiếp tục gào thét qua những nội dung không phù hợp trên mạng internet cả ngày lẫn đêm.11

Chủ tịch Nelson đã giải thích: “Kẻ nghịch thù đang gia tăng gấp bội nỗ lực của nó để hủy hoại các chứng ngôn và cản trở công việc của Chúa.”12 Chúng ta hãy nhớ những lời của Lê Hi: “Chúng tôi không lưu ý đến họ.”13

Mặc dù chúng ta không cần phải sợ hãi, nhưng cần phải cẩn trọng. Đôi khi, những điều nhỏ bé có thể đảo lộn sự cân bằng thuộc linh của chúng ta. Xin đừng để những thắc mắc, những lời lăng mạ của người khác, những người bạn không đáng tin cậy hoặc những sai lầm và sự thất vọng đáng tiếc của anh chị em làm cho anh chị em rời xa những phước lành ngọt ngào, thanh khiết và thỏa mãn tâm hồn đến từ trái cây quý giá. Hãy giữ cho đôi mắt và tấm lòng của anh chị em tập trung vào Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô và niềm vui vĩnh cửu chỉ có được nhờ Ngài.

Đức Tin của Jason Hall

Vào tháng Sáu, vợ của tôi, chị Kathy và tôi đã tham dự tang lễ của Jason Hall. Khi qua đời, anh ấy được 48 tuổi và đang phục vụ với tư cách là chủ tịch nhóm túc số các anh cả.

Sau đây là những lời của Jason về một sự kiện mà đã thay đổi cuộc đời anh ấy:

“[Lúc 15 tuổi,] tôi [đã] bị tai nạn khi đang đi lặn. … Tôi [bị gãy] cổ và bị liệt từ phần ngực trở xuống. Tôi hoàn toàn mất kiểm soát đôi chân và một phần cánh tay. Tôi không thể đi, đứng, … hay tự ăn uống nữa. Tôi chỉ có thể thở và nói chuyện.14

“Tôi đã cầu xin: ‘Thưa Cha [Thiên Thượng], nếu con có thể điều khiển được hai bàn tay, con biết con có thể vượt qua khó khăn này. Làm ơn thưa Cha, xin làm ơn. …

“… ‘Cha cứ giữ lấy đôi chân của con; con chỉ [cầu xin để] sử dụng được hai bàn tay thôi.’”15

Jason đã không bao giờ sử dụng được hai bàn tay của anh. Anh chị em có thể nghe thấy những tiếng nói vọng từ tòa nhà rộng lớn không? “Jason Hall, Thượng Đế không nghe lời cầu nguyện của anh đâu! Nếu Thượng Đế là một Thượng Đế nhân từ, thì tại sao Ngài lại để anh bị như vậy? Tại sao lại phải có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô chứ?” Jason Hall đã nghe thấy tiếng nói của họ nhưng anh không để ý đến họ. Thay vào đó, anh ấy đã ăn trái cây. Đức tin của anh nơi Chúa Giê Su Ky Tô đã trở nên không thể lay chuyển. Anh đã tốt nghiệp đại học và kết hôn với Kolette Coleman trong đền thờ; anh nói chị ấy là tình yêu của cuộc đời anh.16 Sau 16 năm kết hôn, một phép lạ khác, đứa con trai Coleman yêu dấu của họ đã chào đời.

Jason và Kolette Hall
Gia đình Hall

Họ đã tăng trưởng đức tin của mình như thế nào? Kolette giải thích: “Chúng tôi đã tin tưởng vào kế hoạch của Thượng Đế. Nó cho chúng tôi hy vọng. Chúng tôi biết rằng [vào một ngày nào đó trong tương lai] Jason sẽ trở nên toàn vẹn. … Chúng tôi biết rằng Thượng Đế đã gửi Đấng Cứu Rỗi đến với chúng tôi, sự hy sinh chuộc tội của Ngài giúp chúng tôi có thể tiếp tục nhìn về phía trước khi chúng tôi muốn bỏ cuộc.”17

Coleman Hall

Nói chuyện tại tang lễ của Jason, cậu bé Coleman 10 tuổi đã nói, cha của cậu đã dạy cậu “Cha Thiên Thượng [đã] có một kế hoạch cho chúng ta, cuộc sống trên thế gian sẽ rất tuyệt vời, và chúng ta có thể sống cùng gia đình. … Nhưng … chúng ta sẽ phải vượt qua những khó khăn và chúng ta sẽ phạm sai lầm.”

Coleman tiếp tục nói: “Cha Thiên Thượng đã gửi Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su, đến thế gian. Nhiệm vụ của Ngài là trở nên hoàn hảo. Chữa lành cho dân chúng. Yêu thương họ. Và rồi phải chịu đựng tất cả những nỗi đau, nỗi buồn, và tội lỗi của chúng ta. Rồi Ngài đã chết cho chúng ta.” Sau đó Coleman nói thêm: Bởi vì Ngài đã làm điều này, nên Chúa Giê Su biết cảm giác của tôi bây giờ.

“Ba ngày sau khi Chúa Giê Su chết, Ngài … đã sống lại với một thể xác hoàn hảo. Điều này rất quan trọng với tôi bởi vì tôi biết rằng … thể xác [của cha tôi] sẽ trở nên hoàn hảo và chúng tôi sẽ cùng sống với nhau với tư cách là một gia đình.”

Gia đình Hall

Coloman kết luận: “Mỗi buổi tối từ khi tôi còn là một đứa bé, cha tôi đã nói: ‘Cha yêu thương con, Cha Thiên Thượng yêu thương con, và con là một đứa bé ngoan.’”18

Niềm Vui Đến Nhờ Chúa Giê Su Ky Tô

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giải thích tại sao gia đình Hall cảm thấy niềm vui và hy vọng. Ông nói:

“Niềm vui mà chúng ta cảm thấy không tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của chúng ta mà mọi điều đều tùy thuộc vào điểm tập trung trong cuộc sống của chúng ta.

“Khi điểm tập trung trong cuộc sống của chúng ta là vào kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế … và Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, thì chúng ta có thể cảm thấy niềm vui bất kể điều gì đang xảy ra—hoặc không xảy ra—trong cuộc sống của mình. Niềm vui đến từ Ngài và vì Ngài. Ngài là nguồn gốc của tất cả mọi niềm vui. …

Nếu chúng ta trông cậy vào thế gian … , thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được niềm vui. … [Niềm vui] là ân tứ đến từ ý định cố gắng để sống một cuộc sống ngay chính, như đã được Chúa Giê Su Ky Tô dạy.”19

Lời Hứa Khi Chúng Ta Quay Lại

Nếu anh chị em đã lâu không nếm trái cây ấy thì xin hãy biết rằng cánh tay của Đấng Cứu Rỗi vẫn dang ra cho chúng ta. Ngài khẩn nài một cách yêu thương: “Hãy hối cải mà đến cùng ta.”20 Trái cây của Ngài luôn dồi dào và vào mùa. Nó không thể mua được bằng tiền, và không ai thật lòng mong muốn nhận được nó sẽ bị từ chối.21

Nếu anh chị em mong muốn trở lại cái cây và nếm trái của cây đó một lần nữa, hãy bắt đầu bằng việc cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng. Hãy tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng của sự hy sinh cứu cuộc của Ngài. Tôi hứa với anh chị em rằng khi anh chị em tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi “trong mọi ý nghĩ,”22 thì trái của cây đó sẽ lại là của anh chị em, ngon ngọt như ý muốn của anh chị em, vui sướng cho tâm hồn của anh chị em, “là một ân tứ lớn lao hơn hết thảy mọi ân tứ khác của Thượng Đế.”23

Anh Cả Andersen với các Thánh Hữu ở Portuguese tại buổi lễ cung hiến đền thờ Lisbon

Ba tuần trước, tôi đã thấy niềm vui của trái cây của Đấng Cứu Rỗi rất rõ ràng khi Kathy và tôi tham dự lễ cung hiến Đền Thờ Lisbon Bồ Đào Nha. Các lẽ thật của phúc âm phục hồi đã đến Bồ Đào Nha vào năm 1975 khi nơi đây có sự tự do tôn giáo. Nhiều Thánh Hữu cao quý, những người đầu tiên đã nếm thử trái cây ấy khi chưa có giáo đoàn, chưa có giáo đường, và chưa có đền thờ trong vòng 1.600 km, đã vui mừng với chúng tôi rằng trái quý giá của cây đó hiện đang ở trong ngôi nhà của Chúa tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Tôi tôn vinh và kính trọng các Thánh Hữu Ngày Sau này biết bao; họ là những người đã giữ tấm lòng của họ gắn kết với Đấng Cứu Rỗi.

Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.”24

Sáng nay, Chủ Tịch Nelson đã nói với các tín hữu trên khắp thế giới rằng: “Thưa anh chị em thân mến của tôi, anh chị em chính là tấm gương về các phước lành đến từ việc tuân theo những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.” Rồi ông nói thêm: “Tôi cảm ơn anh chị em! Tôi yêu thương anh chị em!”25

Chúng tôi yêu mến ông, Chủ Tịch Nelson.

Tôi là một nhân chứng cho quyền năng của sự mặc khải ở cùng Chủ Tịch thân yêu của chúng ta. Ông là vị tiên tri của Thượng Đế. Giống như Lê Hi thời xưa, Chủ Tịch Russell M. Nelson khẩn nài chúng ta và tất cả gia đình của Thượng Đế hãy đến và ăn trái cây ấy. Tôi hy vọng rằng chúng ta có lòng khiêm nhường và sức mạnh để tuân theo lời khuyên dạy của ông.

Tôi khiêm nhường làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế. Tình yêu thương của Ngài, quyền năng của Ngài, và ân điển của Ngài mang đến tất cả những gì có giá trị vĩnh cửu. Tôi làm chứng về những điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Ma Thi Ơ 7:16.

  2. Ma Thi Ơ 7:17.

  3. Giăng 4:36.

  4. Đầu tháng Một năm 2007, trong khi đang chuẩn bị một bài nói chuyện cho buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University với tư cách là một thành viên của Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi sẽ diễn ra vào ngày 4 tháng Ba năm 2007, tôi đã hỏi Anh Cả David A. Bednar ông đã chuẩn bị điều gì cho bài nói chuyện của mình trong buổi họp tại trường Brigham Young University vào ngày 4 tháng Hai năm 2007. Tôi đã ngạc nhiên khi ông trả lời rằng bài nói chuyện của ông là về việc bám chắc vào thanh sắt. Đây đúng là chủ đề mà tôi đã chọn cho bài nói chuyện của mình. Sau khi chia sẻ bản thảo với nhau, chúng tôi nhận ra rằng cách tiếp cận của chúng tôi là khác nhau. Bài nói chuyện của ông có tựa đề là “A Reservoir of Living Water (Mỏ Nước Sự Sống),” nhấn mạn vào thanh sắt, hay là lời của Thượng Đế, như sự so sánh trong thánh thư. Trong bài nói chuyện của mình, ông đã hỏi: “Các em và tôi có mỗi ngày đọc, học tập, và tra cứu thánh thư theo cách mà cho phép chúng ta bám chặt vào thanh sắt không?” (speeches.byu.edu).

    Và rồi chỉ một tuần sau cuộc nói chuyện của tôi với Anh Cả Bednar, Chủ Tịch Boyd K. Packer đã chia sẻ một bài nói chuyện tại buổi họp đặc biệt devotional tại trường BYU có tựa đề là “Lehi’s Dream and You (Giấc Mơ của Lê Hi và Các Em).” Chủ Tịch Parker đã nhấn mạnh thanh sắt như là sự mặc khải và soi dẫn cá nhân mà đến với chúng ta qua Đức Thánh Linh. Ông đã nói: “Nếu các em bám vào thanh sắt, các em có thể cảm nhận được con đường phía trước của mình với ân tứ Đức Thánh Linh. … Hãy bám vào thanh sắt, và đừng buông ra. Qua quyền năng của Đức Thánh Linh, các em có thể cảm nhận được đường đời của mình” (ngày 16 tháng Một năm 2007, speeches.byu.edu).

    Chủ đề của tôi là “Hold Fast to the Words of the Prophets (Bám Chắc vào Lời của các Vị Tiên Tri),” vào tháng Ba năm 2007 là thanh sắt tượng trưng cho lời của các vị tiên tri tại thế (ngày 4 tháng Ba năm 2007, speeches.byu.edu).

    Sự liên kết của ba bài nói chuyện này không phải là ngẫu nhiên. Chúa đã sắp xếp ba bài nói chuyện, được chuẩn bị cho cùng thính giả, chỉ ra ba khía cạnh của thanh sắt, hay lời của Thượng Đế: (1) thánh thư, hay lời của các vị tiên tri thời xưa; (2) lời của các vị tiên tri tại thế; và (3) quyền năng của Đức Thánh Linh. Đó là một kinh nghiệm học tập quan trọng đối với tôi.

  5. Xin xem 1 Nê Phi 8:4–12.

  6. 1 Nê Phi 11:25.

  7. Giăng 3:16.

  8. Xin xem thêm David A. Bednar, “Giấc Mơ của Lê Hi: Bám Chặt vào Thanh Sắt,” Ensign, tháng Mười năm 2011, trang 32–37.

  9. 1 Nê Phi 11:23.

  10. 1 Nê Phi 8:28.

  11. Xin xem Boyd K. Packer, “Lehi’s Dream and You” (Buổi họp đặc biệt devotional tại trường đại học Brigham Young University, ngày 16 tháng Một năm 2007), speeches.byu.edu.

  12. Russell M. Nelson, “Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Nên Tốt Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 68.

  13. 1 Nê Phi 8:33.

  14. Stephen Jason Hall, “The Gift of Home,” New Era, tháng Mười Hai năm 1994, trang 12.

  15. Stephen Jason Hall, “Helping Hands,” New Era, tháng Mười năm 1995, trang 46, 47.

  16. Thư riêng của Kolette Hall gửi cho Anh Cả Andersen.

  17. Thư riêng của Kolette Hall gửi cho Anh Cả Andersen.

  18. Bài nói chuyện trong tang lễ bởi Coleman Hall được Kolette Hall chia sẻ với Anh Cả Andersen.

  19. Russell M. Nelson, “Niềm Vui và Sự Sống Còn của Phần Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 82, 84.

  20. 3 Nê Phi 21:6.

  21. Xin xem 2 Nê Phi 26:25, 33.

  22. Giáo Lý và Giao Ước 6:36.

  23. 1 Nê Phi 3:36.

  24. Giăng 15:5.

  25. Russell M. Nelson, “Giáo Lệnh Lớn Thứ Hai,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 100.