Sứ Mệnh và Giáo Vụ của Chúa Giê Su Ky Tô
Từ một bài nói chuyện trong buổi họp đặc biệt devotional đưa ra vào ngày 18 tháng Tám năm 1998, tại trường Brigham Young University. Để có được toàn bộ bài nói chuyện bằng tiếng Anh, xin mời vào trang mạng speeches.byu.edu.
Bằng chứng hiển nhiên nhất về lòng kính mến của chúng ta đối với Chúa Giê Su Ky Tô là noi theo Ngài.
Là một trong số “những nhân chứng đặc biệt cho tôn danh của Đấng Ky Tô trên khắp thế giới” (GLGƯ 107:23), tôi tin rằng tôi phục vụ hữu hiệu nhất nếu tôi giảng dạy và làm chứng về Ngài. Trước hết, tôi có thể đặt ra những câu hỏi giống như những câu hỏi Ngài đã có lần đặt ra cho người Pha Ri Si: “Về Đấng Ky Tô, các ngươi nghĩ thể nào? Ngài là con ai?” (Ma Thi Ơ 22:42).
Những câu hỏi này thường đến với tâm trí khi tôi gặp gỡ các vị lãnh đạo của các chính phủ và các giáo phái tôn giáo khác nhau. Một số người nhìn nhận rằng “Chúa Giê Su là một Đấng thầy vĩ đại.” Những người khác nói: “Ngài là một vị tiên tri.” Những người khác nữa thì hoàn toàn không biết gì về Ngài cả. Chúng ta không nên hoàn toàn ngạc nhiên. Xét cho cùng, tương đối rất ít người có các lẽ thật phúc âm đã được phục hồi như chúng ta có. Các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô chỉ là một thiểu số nhỏ trong số những người tự cho là Ky Tô hữu.
Tình huống của chúng ta ngày nay đã được Nê Phi thấy trước cách đây nhiều thế kỷ:
“Và chuyện rằng, tôi trông thấy giáo hội của Chiên Con của Thượng Đế, và con số người thuộc giáo hội rất ít … ; tuy nhiên, tôi thấy giáo hội của Chiên Con, là các thánh đồ của Thượng Đế, cũng hiện diện khắp trên mặt đất; và quyền thống trị của họ trên mặt đất rất nhỏ nhoi. …
“Và chuyện rằng, tôi, Nê Phi, thấy quyền năng của Chiên Con của Thượng Đế giáng xuống trên các thánh hữu trong giáo hội của Chiên Con, và trên dân giao ước của Chúa đã bị phân tán khắp mặt đất; và họ được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại” (1 Nê Phi 14:12, 14).
Sự ngay chính, quyền năng và vinh quang đó—quả thật, tất cả nhiều phước lành của chúng ta—bắt nguồn từ sự hiểu biết, sự vâng lời, lòng biết ơn và kính mến của chúng ta đối với Chúa Giê Su Ky Tô.
Trong thời gian tương đối ngắn ngủi của Ngài trên trần thế, Đấng Cứu Rỗi đã hoàn thành hai mục tiêu chính. Một mục tiêu là “công việc của [Ngài] và sự vinh quang của [Ngài]—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39). Ngài chỉ phán về mục tiêu kia là: “Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi” (Giăng 13:15).
Mục tiêu đầu tiên của Ngài mà chúng ta biết là Sự Chuộc Tội. Đây là sứ mệnh kỳ diệu của Ngài trên trần thế. Chúa phục sinh đã phán về sứ mệnh của Ngài cho dân ở Châu Mỹ thời xưa:
“Ta đến thế gian để thực hiện ý muốn của Cha ta, vì Cha ta đã sai ta đến.
“Và Cha ta sai ta đến để ta bị treo trên thập tự giá; và sau khi ta đã bị treo trên thập tự giá, để ta có thể thu hút tất cả mọi người đến cùng ta. … (3 Nê Phi 27:13–14).
Khi tiếp tục bài giảng của Ngài, Ngài đã tiết lộ mục tiêu thứ hai—là Đấng gương mẫu của chúng ta: “Các ngươi biết những điều gì mình phải làm … ; vì những công việc mà các ngươi thấy ta làm, các ngươi cũng sẽ phải làm như vậy” (3 Nê Phi 27:21).
Tôi đã định nghĩa mục tiêu đầu tiên của Ngài là sứ mệnh của Ngài. Tôi muốn gọi mục tiêu thứ hai của Ngài là giáo vụ của Ngài. Chúng ta hãy xem xét hai thành phần này trong cuộc sống của Ngài—sứ mệnh của Ngài và giáo vụ của Ngài.
Sứ Mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô—Sự Chuộc Tội
Sứ mệnh của Ngài là Sự Chuộc Tội. Sứ mệnh đó là sứ mệnh độc nhất của Ngài. Sinh ra từ một người mẹ hữu diệt và một Đức Chúa Cha bất diệt, Ngài là Đấng duy nhất có thể tự nguyện hy sinh mạng sống của Ngài và sống lại lần nữa (xin xem Giăng 10:14–18). Những kết quả vinh quang của Sự Chuộc Tội của Ngài là vô hạn và vĩnh cửu. Ngài lấy cái nọc ra khỏi sự chết và làm cho nỗi buồn về sự chết thành tạm thời (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:54–55). Trách nhiệm của Ngài về Sự Chuộc Tội đã được biết tới ngay cả trước khi có Sự Sáng Tạo và Sự Sa Ngã. Không những mang đến sự phục sinh và sự bất diệt cho tất cả nhân loại, mà Sự Chuộc Tội còn có thể cho phép chúng ta được tha thứ các tội lỗi của mình—theo điều kiện đã được Ngài đề ra. Do đó Sự Chuộc Tội của Ngài đã khai mở con đường để nhờ đó chúng ta có thể được đoàn tụ với Ngài và với gia đình mình vĩnh viễn. Chúng ta xem viễn cảnh này như là cuộc sống vĩnh cửu—ân tứ lớn nhất của Thượng Đế ban cho loài người (xin xem GLGƯ 14:7).
Không một người nào khác có thể thực hiện được Sự Chuộc Tội. Không một người nào khác, thậm chí với sự giàu có và quyền lực vĩ đại nhất, có thể cứu rỗi một linh hồn—ngay cả linh hồn của chính mình (xin xem Ma Thi Ơ 19:24–26). Và không một cá nhân nào khác sẽ được đòi hỏi hay được phép đổ máu vì sự cứu rỗi vĩnh cửu của một người khác. Chúa Giê Su làm điều đó “một lần đủ cả” (Hê Bơ Rơ 10:10).
Mặc dù Sự Chuộc Tội được hoàn thành trong thời Tân Ước, nhưng những sự kiện của thời Cựu Ước thường báo trước tầm quan trọng của Sự Chuộc Tội. A Đam và Ê Va được truyền lệnh dâng lên của lễ hy sinh như là một” biểu tượng cho sự hy sinh của Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha” (Môi Se 5:7). Bằng cách nào? Bằng sự đổ máu. Từ kinh nghiệm của họ, họ đã xác nhận câu thánh thư rằng “vì sanh mạng của xác thịt ở trong huyết” (Lê Vi Ký 17:11).
Các y sĩ biết rằng bất cứ lúc nào máu ngừng chảy tới một cơ quan, thì bắt đầu có vấn đề. Nếu máu chảy tới một chân bị gián đoạn thì có thể tiếp theo là bệnh thối hoại. Nếu máu ngừng chảy tới óc thì có thể đưa đến một cơn đột quỵ. Nếu máu không luân lưu bình thường qua một động mạch vành, thì có thể xảy ra cơn đau tim. Và nếu không kiềm chế được cơn xuất huyết thì sẽ đưa đến cái chết.
A Đam, Ê Va và các thế hệ tiếp theo đã học được rằng bất cứ lúc nào họ làm đổ máu một con vật, thì mạng sống của con vật này bị kết liễu. Không phải bất cứ con vật nào cũng có thể làm lễ vật hy sinh của họ. Phải là con vật đầu lòng của bầy và một con vật không có tì vết (ví dụ, xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 12:5). Những điều kiện này cũng là biểu tượng cho sự hy sinh cuối cùng của Chiên Con không tì vết của Thượng Đế.
A Đam và Ê Va được ban cho một lệnh truyền: “Vậy nên, ngươi phải làm tất cả mọi điều mà ngươi làm trong danh của Vị Nam Tử, và ngươi phải hối cải cùng cầu gọi Thượng Đế trong danh của Vị Nam Tử mãi mãi” (Môi Se 5:8). Từ thời đó cho đến thời trung thế, lễ hy sinh các con vật tiếp tục là một khuôn mẫu và biểu tượng của Sự Chuộc Tội cuối cùng của Vị Nam Tử của Thượng Đế.
Khi Sự Chuộc Tội được thực hiện, lễ hy sinh vĩ đại và cuối cùng đó đã làm tròn luật Môi Se (xin xem An Ma 34:13–14) và chấm dứt sự thực hành của lễ hy sinh các con vật mà đã giảng dạy rằng “sanh mạng của xác thịt [là] ở trong huyết” (Lê Vi Ký 17:11). Chúa Giê Su giải thích việc các nguyên tố của lễ hy sinh thời xưa đã không còn cần thiết nữa vì nhờ vào Sự Chuộc Tội và thay vì thế được tưởng nhớ một cách tượng trưng bởi Tiệc Thánh. Hãy lưu ý một lần nữa đến những đoạn tham khảo về cuộc sống, xác thịt và máu:
“Đức Chúa Giê Su bèn phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu.
“Ai ăn thịt và uống huyết ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, ta sẽ khiến người đó sống lại” (Giăng 6:53–54).
Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, nên tất cả nhân loại—tất cả những ai muốn được cứu chuộc—sẽ được cứu chuộc. Đấng Cứu Rỗi bắt đầu đổ máu cho tất cả nhân loại không phải trên cây thập tự mà trong Vườn Ghết Sê Ma Nê. Nơi đó Ngài đã mang lấy gánh nặng của tội lỗi của tất cả những người từng sống. Dưới gánh nặng đó, Ngài đã rớm máu từng lỗ chân lông (xin xem GLGƯ 19:18). Nỗi thống khổ của Sự Chuộc Tội được hoàn tất trên cây thập tự tại Đồi Sọ.
Tầm quan trọng của Sự Chuộc Tội đã được Tiên Tri Joseph Smith tóm lược. Ông nói rằng: “Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của Các Sứ Đồ và Các Vị Tiên Tri về Chúa Giê Su Ky Tô rằng Ngài đã chết, được chôn cất, và sống lại vào ngày thứ ba, và thăng lên trời; và tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo của chúng ta chỉ là phần phụ vào chứng ngôn đó mà thôi.”1
Tôi giảng dạy và làm chứng về Ngài như vậy với thẩm quyền và lòng biết ơn vô cùng.
Giáo Vụ của Chúa Giê Su Ky Tô—Đấng Gương Mẫu
Mục tiêu vĩnh cửu thứ hai của Chúa trên trần thế là nêu gương cho chúng ta. Cuộc sống gương mẫu của Ngài tạo thành giáo vụ trần thế của Ngài. Giáo vụ này gồm có những lời giảng dạy, các câu chuyện ngụ ngôn và các bài giảng của Ngài. Giáo vụ này bao gồm các phép lạ, lòng nhân từ và nhịn nhục của Ngài đối với con cái loài người (xin xem 1 Nê Phi 19:9). Giáo vụ này bao gồm việc sử dụng thẩm quyền chức tư tế của Ngài với lòng trắc ẩn. Giáo vụ này gồm có òng phẫn nộ ngay chính của Ngài khi Ngài lên án tội lỗi (xin xem Rô Ma 8:3) và khi Ngài lật đổ bàn của những kẻ đổi tiền (xin xem Ma Thi Ơ 21:12). Giáo vụ này cũng gồm có nỗi đau lòng của Ngài. Ngài bị chính dân Ngài chế nhạo, đánh bằng roi và từ bỏ (xin xem Mô Si A 15:5)—thậm chí còn bị một môn đồ phản bội và một môn đồ khác chối bỏ (xin xem Giăng 18:2–3, 25–27).
Mặc dù những hành động Ngài thực hiện trong giáo vụ của Ngài thật là kỳ diệu, nhưng các hành động này không phải và vẫn không phải là độc nhất đối với Ngài. Con số những người noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô thì không hạn chế. Các hành động tương tự đã được các vị tiên tri và sứ đồ của Ngài và những người khác trong số các tôi tớ được phép của Ngài thực hiện. Nhiều người đã chịu đựng sự ngược đãi vì Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 5:10; 3 Nê Phi 12:10). Trong thời kỳ của chúng ta, các anh chị em biết những người anh em và chị em đã nghiêm chỉnh cố gắng—thậm chí với một cái giá khủng khiếp—để noi theo gương của Chúa.
Điều đó cần phải như thế. Đó là hy vọng của Ngài dành cho chúng ta. Chúa phán bảo chúng ta phải noi theo gương của Ngài. Ngài đã dạy rất rõ ràng:
-
“Các ngươi nên là những người như thế nào? … Các ngươi phải giống như ta vậy” (3 Nê Phi 27:27; xin xem thêm 3 Nê Phi 12:48).
-
“Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người” (Ma Thi Ơ 4:19).
-
“Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi” (Giăng 13:15; xin xem thêm Giăng 14:6).
Các câu thánh thư này và các câu thánh thư tương tự khác không phải được viết ra như là những lời đề nghị. Mà là các lệnh truyền thiêng liêng! Chúng ta phải noi theo gương của Ngài!
Để tạo điều kiện cho ước muốn của chúng ta noi theo Ngài, có lẽ chúng ta có thể xem xét năm khía cạnh về cuộc sống của Ngài để chúng ta có thể bắt chước theo.
Tình yêu thương
Nếu tôi có hỏi các anh chị em sẽ nhận ra trước hết đặc tính nào trong cuộc sống của Ngài, thì tôi nghĩ các anh chị em có thể kể ra thuộc tính yêu thương của Ngài. Thuộc tính ấy sẽ gồm có lòng trắc ẩn, nhân từ, bác ái, tận tụy, khoan dung, thương xót, sự công bình và còn nhiều nữa. Chúa Giê Su Ky Tô yêu mến Cha Ngài và mẹ Ngài (xin xem Giăng 19:25–27). Ngài yêu thương gia đình Ngài và Các Thánh Hữu (xin xem Giăng 13:1; 2 Tê Sa Lô Ni Ca 2:16). Ngài yêu thương kẻ phạm tội mà không tha thứ tội lỗi (xin xem Ma Thi Ơ 9:2; GLGƯ 24:2). Và Ngài dạy chúng ta về cách có thể cho thấy lòng kính mến của mình đối với Ngài. Ngài phán: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” (Giăng 14:15). Rồi để nhấn mạnh rằng tình yêu thương của Ngài không phải là vô điều kiện, Ngài phán thêm: “Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài” (Giăng 15:10; xin xem thêm GLGƯ 95:12; 124:87).
Một cách bày tỏ khác về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi là sự phục vụ của Ngài. Ngài phục vụ Cha Ngài, và Ngài phục vụ những người cùng sống và làm việc với Ngài. Trong cả hai cách thức chúng ta đều phải noi theo gương Ngài. Chúng ta phải phục vụ Thượng Đế, “đi theo các đạo Ngài, hết lòng hết ý kính mến … Giê Hô Va Đức Chúa Trời” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:12; xin xem thêm 11:13; Giô Suê 22:5; GLGƯ 20:31; 59:5). Và chúng ta phải yêu thương kẻ lân cận của mình bằng cách phục vụ họ (xin xem Ga La Ti 5:13; Mô Si A 4:15–16). Chúng ta bắt đầu với gia đình của mình. Tình yêu thương sâu đậm mà ràng buộc cha mẹ với con cái được tạo thành bởi sự phục vụ con cái trong suốt thời kỳ con cái hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Về sau trong cuộc đời, con cái hiếu kính có thể có cơ hội để đền đáp lại tình yêu thương đó khi họ phục vụ cha mẹ già của họ.
Các giáo lễ
Một khía cạnh thứ hai của cuộc sống gương mẫu của Đấng Cứu Rỗi là lời nhấn mạnh của Ngài về các giao ước thiêng liêng. Trong thời gian giáo vụ của Ngài trên trần thế, Ngài đã cho thấy tầm quan trọng của các giáo lễ cứu rỗi. Ngài được Giăng làm phép báp têm trong Sông Giô Đanh. Ngay cả Giăng cũng hỏi: “Tại Sao?”
Chúa Giê Su Ky Tô giải thích: “Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy” (Ma Thi Ơ 3:15; sự nhấn mạnh được thêm vào). Không những giáo lễ là thiết yếu, mà tấm gương do Chúa Giê Su Ky Tô và Giăng nêu lên cũng thiết yếu nữa.
Về sau, Chúa thiết lập giáo lễ Tiệc Thánh. Ngài giải thích biểu tượng của Tiệc Thánh và thực hiện các biểu tượng của Tiệc thánh cho các môn đồ của Ngài thấy (xin xem Ma Thi Ơ 26:26–28; Mác 14:22–24; Lu Ca 24:30).
Cha Thiên Thượng cũng đưa ra lời chỉ dẫn về các giáo lễ. Ngài phán: “Các ngươi phải được tái sinh trong vương quốc thiên thượng bằng nước và Thánh Linh, và được tẩy sạch bằng máu, đó là máu của Con Độc Sinh của ta; để các ngươi có thể được thánh hóa khỏi mọi tội lỗi, và hưởng những lời về cuộc sống vĩnh cửu trong thế gian này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau, đó là vinh quang bất diệt” (Môi Se 6:59).
Các giáo lễ cao hơn của sự tôn cao đã được mặc khải trong thời gian giáo vụ sau khi Chúa chết (GLGƯ 124:40–42). Ngài đã cung ứng các giáo lễ này trong các đền thờ thánh của Ngài. Trong thời kỳ của chúng ta, những lễ thanh tẩy, xức dầu và lễ thiên ân được ban cho những người đã được chuẩn bị một cách thích hợp (xin xem GLGƯ 105:12, 18, 33; 110:9; 124:39). Trong đền thờ, một cá nhân có thể được làm lễ gắn bó với chồng hay vợ, với tổ tiên, và với con cháu (xin xem GLGƯ 132:19). Đức Thầy của chúng ta là Thượng Đế của luật pháp và trật tự (xin xem GLGƯ 132:18). Sự tập trung của Ngài vào các giáo lễ là một phần mạnh mẽ về tấm gương của Ngài đối với chúng ta.
Sự cầu nguyện
Một khía cạnh thứ ba về giáo vụ mẫu mực của Chúa là sự cầu nguyện. Chúa Giê Su Ky Tô cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng và cũng dạy chúng ta cách cầu nguyện. Chúng ta phải cầu nguyện lên Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu trong tôn danh của Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, qua quyền năng của Đức Thánh Linh (xin xem Ma Thi Ơ 6:9–13; 3 Nê Phi 13:9–13; Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 6:9–15). Tôi thích Lời Cầu Nguyện Hộ tuyệt diệu do Chúa dâng lên đã được ghi lại trong sách Giăng, chương 17. Trong lời cầu nguyện này, Vị Nam Tử giao tiếp một cách thoải mái với Cha Ngài thay mặt cho các môn đồ của Ngài là những người Ngài yêu mến. Đó là mẫu mực cầu nguyện hữu hiệu và đầy lòng thương xót.
Sự hiểu biết
Khía cạnh thứ tư về tấm gương của Chúa là việc sử dụng sự hiểu biết thiêng liêng của Ngài. Như đã được đề cập trước đây, nhiều người không phải là Ky Tô Hữu nhìn nhận rằng Chúa Giê Su Ky Tô là một Đấng thầy vĩ đại. Ngài quả thật là như vậy. Nhưng điều gì thật sự đã phân biệt được lời giảng dạy của Ngài? Ngài có phải là một giảng viên tài giỏi về kỹ thuật công trình, toán học hay khoa học không? Là Đấng Sáng Tạo của thế giới này và các thế giới khác (xin xem Môi Se 1:33), chắc chắn là Ngài có thể làm được như vậy. Hoặc, với tư cách là Tác Giả các thánh thư, Ngài có lẽ đã giảng dạy cách viết văn rất hay.
Đặc điểm để phân biệt lời giảng dạy của Ngài hơn tất cả các giảng viên khác là Ngài đã giảng dạy lẽ thật của ý nghĩa vĩnh cửu. Chỉ có Ngài mới có thể mặc khải mục đích của chúng ta trong cuộc sống. Chỉ qua Ngài, chúng ta mới có thể học được về cuộc sống tiền dương thế và về tiềm năng sau khi chết của chúng ta.
Trong một dịp nọ, Đức Thầy đã phán bảo cùng những người đang lắng nghe với nỗi nghi ngờ rằng họ đã có ba nhân chứng về Ngài:
-
Giăng Báp Tít.
-
Những hành động mà Chúa Giê Su đã hoàn thành.
-
Lời của Thượng Đế Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu (xin xem Giăng 5:33–37).
Rồi Ngài ban cho một sự làm chứng thứ tư: “Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh Thánh làm chứng về ta vậy” (Giăng 5:39).
Từ tưởng trong cụm từ đó thoạt tiên có thể dường như không đúng chỗ. Nhưng từ đó cần thiết cho ý nghĩa mà Chúa Giê Su Ky Tô đã cố gắng truyền đạt. Ngài biết rằng nhiều người lắng nghe Ngài quả thật tưởng rằng cuộc sống vĩnh cửu là trong thánh thư. Nhưng họ đã lầm. Chỉ riêng thánh thư không thể ban cho cuộc sống vĩnh cửu. Dĩ nhiên có quyền năng trong thánh thư, nhưng quyền năng đó chính là từ Chúa Giê Su Ky Tô mà đến. Ngài là Ngôi Lời: Logos. Quyền năng của cuộc sống vĩnh cửu là nơi Ngài, là Đấng “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” (Giăng 1:1; xin xem thêm 2 Nê Phi 31:20; 32:3). Sau đó, vì thái độ ngoan cố của những người nghi ngờ Ngài, nên Chúa Giê Su tiếp tục khiển trách họ: “Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống [đời đời]” (Giăng 5:40).”
Đức Thầy có thể làm cho chúng ta tràn đầy sự hiểu biết thiêng liêng của Ngài, nhưng Ngài đã không làm như vậy. Ngài tôn trọng quyền tự quyết của chúng ta. Ngài để cho chúng ta có được niềm vui khám phá. Ngài khuyến khích chúng ta hối cải tội lỗi của mình. Ngài cho phép chúng ta có được kinh nghiệm về sự tự do đến từ việc chúng ta sẵn lòng tuân theo luật pháp thiêng liêng của Ngài. Vâng, cách Ngài sử dụng sự hiểu biết của Ngài cung ứng cho chúng ta một tấm gương vĩ đại.
Lòng kiên trì
Khía cạnh thứ năm của giáo vụ của Chúa là sự cam kết của Ngài để kiên trì đến cùng. Ngài không bao giờ rút lui ra khỏi công việc chỉ định của Ngài. Mặc dù Ngài đã trải qua nỗi đau khổ vượt quá sự hiểu biết của chúng ta, nhưng Ngài không bỏ cuộc. Qua những thử thách càng ngày càng gay go, Ngài đã kiên trì đến cuối cùng trong công việc chỉ định của Ngài: cứu chuộc các tội lỗi của toàn thể nhân loại. Những lời cuối cùng của Ngài khi Ngài bị treo lên cây thập tự là: “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30).
Sự Áp Dụng cho Cuộc Sống của Chúng Ta
Năm khái niệm này về giáo vụ của Ngài có thể được áp dụng trong cuộc sống của chúng ta. Chắc chắn là bằng chứng hiển nhiên nhất về sự kính mến của chúng ta đối với Chúa Giê Su là việc noi theo Ngài.
Khi bắt đầu ý thức rằng Chúa Giê Su là ai và điều Ngài đã làm cho mình, thì chúng ta có thể hiểu, ở một mức độ nào đó, lập luận của giáo lệnh đầu tiên và lớn: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi” (Mác 12:30). Nói cách khác, tất cả những gì chúng ta suy nghĩ, làm và nói cần phải là kết quả của lòng kính mến của chúng ta dành cho Ngài và Cha Ngài.
Hãy tự hỏi: “Liệu có bất cứ ai mà tôi yêu mến hơn Chúa không?” Rồi so sánh câu trả lời của các anh chị em cho các tiêu chuẩn này đã được Chúa quy định:
-
“Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta.”
-
“Ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta” (Ma Thi Ơ 10:37).
Tình yêu thương dành cho gia đình và bạn bè, dù cho có thể lớn lao đi nữa, thì sẽ sâu đậm hơn khi được đặt trên tình yêu mến Chúa Giê Su Ky Tô. Tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái có ý nghĩa nhiều hơn ở nơi đây và sau này là nhờ vào Ngài. Tất cả các mối quan hệ yêu thương đều được cải tiến nơi Ngài. Tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mang đến sự soi sáng, soi dẫn và động cơ để yêu thương những người khác trong một cách cao quý hơn.
Các giáo lễ mang đến một sự tập trung vào sự phục vụ của giá trị vĩnh cửu. Cha mẹ nên xem xét giáo lễ nào là cần thiết cho mỗi đứa con. Các thầy giảng tại gia nên nghĩ về một giáo lễ thích hợp cần thiết kế tiếp trong mỗi gia đình họ phục vụ.
Tấm gương của Đấng Cứu Rỗi về sự cầu nguyện nhắc chúng ta nhớ rằng sự cầu nguyện riêng cá nhân, cầu nguyện chung gia đình và việc thành tâm theo đuổi các công việc chỉ định của chúng ta trong Giáo Hội nên trở thành một phần cuộc sống của mình. Việc biết và làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha mang đến sức mạnh thuộc linh lớn lao và sự tin tưởng (xin xem GLGƯ 121:45). Chính là ở bên phía Chúa là điều chúng ta muốn.
Sự hiểu biết về “những điều đúng với sự thật hiện hữu, và đúng với sự thật mà những điều ấy sẽ có (Gia Cốp 4:13) cho phép chúng ta hành động theo các nguyên tắc và giáo lý chân chính. Sự hiểu biết đó sẽ cải tiến hành vi của chúng ta. Những hành động mà có thể thúc đẩy bởi lòng ham muốn và mối xúc động sẽ được thay thế bởi những hành động hình thành bởi lý trí và điều phải.
Sự cam kết phải kiên trì đến cùng có nghĩa là chúng ta sẽ không xin được giải nhiệm khỏi một sự kêu gọi để phục vụ. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ kiên trì trong việc đeo đuổi một mục đích xứng đáng. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc đối với một người thân đang lầm đường lạc lối. Và điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ luôn luôn quý trọng mối quan hệ gia đình vĩnh cửu, thậm chí phải trải qua những ngày khó khăn đầy bệnh tật, đau yếu hoặc chết chóc.
Tôi hết lòng cầu nguyện rằng ảnh hưởng thay đổi của Chúa có thể tạo ra một sự khác biệt sâu xa trong cuộc sống của các anh chị em. Sứ mệnh và giáo vụ của Ngài có thể ban phước cho mỗi chúng ta bây giờ và mãi mãi.