2013
Tại Sao Chúng Ta Cần Sách Mặc Môn
Tháng Tư năm 2013


Tại Sao Chúng Ta Cần Sách Mặc Môn

Kinh Thánh, Sách Mặc Môn

Hình ảnh do Bryan Beach minh họa; video capture © 2001 IRI

Một số người có thể hỏi các em tại sao chúng ta cần Sách Mặc Môn khi chúng ta đã có Kinh Thánh rồi. Thật ra, Chúa Giê Su Ky Tô đã làm chứng rằng điều này sẽ xảy ra (xin xem 2 Nê Phi 29:3). Có nhiều lý do tại sao Sách Mặc Môn là quan trọng trong thời kỳ chúng ta (ví dụ, xin xem 2 Nê Phi 29:7–11). Đây chỉ là một vài lý do tại sao Sách Mặc Môn là thiết yếu.

Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô

Thánh thư cho chúng ta thấy một mẫu mực về việc sử dụng nhiều bằng chứng để thiết lập lẽ thật trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô. Sách Mặc Môn thêm một bằng chứng thứ hai cho Kinh Thánh với tính cách là một lời chứng về Đấng Ky Tô. Anh Cả Mark E. Petersen (1900–84) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ có lần đã nói: “Lý do chính chúng ta có Sách Mặc Môn là vì mọi việc sẽ định cứ lời khai của hai hoặc ba nhân chứng. (Xin xem 2 Cô Rinh Tô 13:1). Chúng ta có Kinh Thánh; chúng ta cũng có Sách Mặc Môn. Chúng tạo thành hai tiếng nói—hai quyển thánh thư—từ hai dân tộc thời xưa cách xa nhau, cả hai dân tộc này đều làm chứng về thiên tính của Chúa.”1 Chủ Tịch Ezra Taft Benson (1899–1994) đã thêm vào: “Chúng ta không được quên rằng chính Chúa đã cung ứng Sách Mặc Môn làm lời chứng chính yếu của Ngài.”2

Phúc Âm Trọn Vẹn

Chúng ta biết rằng “những điều minh bạch quý báu đã bị lấy đi khỏi” Kinh Thánh trong suốt thời kỳ (1 Nê Phi 13:40). Sách Mặc Môn làm sáng tỏ giáo lý của Đấng Ky Tô và mang đến phúc âm trọn vẹn cho thế gian một lần nữa (xin xem 1 Nê Phi 13:38–41). Ví dụ, Sách Mặc Môn giúp chúng ta biết rằng phép báp têm cần phải được thực hiện bằng cách dìm mình xuống nước (xin xem 3 Nê Phi 11:26) và rằng trẻ nhỏ không cần phải chịu phép báp têm (xin xem Mô Rô Ni 8:4–26).

Trọng Tâm của Giáo Hội Phục Hồi

Joseph Smith làm chứng rằng Sách Mặc Môn là “nền tảng của tôn giáo chúng ta.”3 Vì chúng ta biết điều này, nên dường như không phải là một điều ngẫu nhiên rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được tổ chức vào ngày 6 tháng Tư năm 1830, chỉ 11 ngày sau khi Sách Mặc Môn có sẵn lần đầu tiên để bán cho công chúng vào ngày 26 tháng Ba năm 1830. Giáo Hội không được tổ chức cho đến khi thánh thư nền tảng của Giáo Hội có sẵn cho các tín hữu của Giáo Hội.

Một Phước Lành trong Cuộc Sống của Chúng Ta

Về Sách Mặc Môn, Joseph Smith đã dạy rằng “một người sẽ đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó thay vì tuân theo bất cứ cuốn sách nào khác.”4 Sách có quyền năng thay đổi các cuộc sống—kể cả những cuộc sống của các anh chị em lẫn những người mà các anh chị em chia sẻ Sách Mặc Môn với họ. Chủ Tịch Henry B. Eyring, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã làm chứng: “Ảnh hưởng của Sách Mặc Môn đối với cá tính, khả năng và lòng can đảm của các anh chị em để làm nhân chứng cho Thượng Đế là chắc chắn. Giáo lý và các tấm gương quả cảm trong sách đó sẽ nâng đỡ, hướng dẫn và khuyến khích các anh chị em. … Việc thành tâm nghiên cứu Sách Mặc Môn sẽ xây đắp đức tin nơi Thượng Đế Đức Chúa Cha, nơi Con Trai Yêu Dấu của Ngài, và nơi phúc âm của Ngài. Điều này sẽ xây đắp đức tin của các anh chị em nơi các vị tiên tri của Thượng Đế, thời xưa lẫn thời nay. … Sách này có thể mang các anh chị em đến gần Thượng Đế hơn bất cứ quyển sách nào khác. Sách này có thể thay đổi cuộc sống để được tốt đẹp hơn.”5

Ghi Chú

  1. Mark E. Petersen, “Evidence of Things Not Seen,” Ensign, tháng Năm năm 1978, 63.

  2. The Teachings of Ezra Taft Benson (1988), 204.

  3. Joseph Smith, trong lời giới thiệu Sách Mặc Môn.

  4. Joseph Smith, trong lời giới thiệu Sách Mặc Môn.

  5. Henry B. Eyring, “Một Chứng Thư,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 69–70.

Các Bài Học trong Ngày Chủ Nhật

Đề Tài của Tháng Này: Sự Bội Giáo và Sự Phục Hồi