Những Người Tiền Phong trong Mọi Đất Nước
Sự Cải Đạo và Thay Đổi ở Chile
Các lễ báp têm đầu tiên diễn ra vào năm 1956. Bây giờ Giáo Hội có 1 đền thờ, 9 phái bộ truyền giáo, 74 giáo khu, và gần 600.000 tín hữu ở Chile.
Trong 58 năm lịch sử của họ, các tín hữu của Giáo Hội ở Chile đã cho thấy khả năng của họ để thay đổi hướng đi, điều chỉnh một số điều trong cuộc sống của họ theo lời hướng dẫn của các vị tiên tri. Tinh thần này đã góp phần vào mức tăng trưởng phi thường của Giáo Hội ở đó trong nửa thế kỷ qua. Ngày nay, Chile đã có gần 600.000 tín hữu, cứ mỗi 30 người Chile là có 1 tín hữu của Giáo Hội.1
Một Vị Sứ Đồ Đến Thăm Chile
Vào năm 1851, Anh Cả Parley P. Pratt (1807–1857) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đến Valparaíso với ý định thiết lập Giáo Hội. Tuy nhiên, ông và những người bạn đồng hành của ông đã không nói được tiếng Tây Ban Nha, nguồn tài chính của họ rất hạn hẹp, và đất nước này thiếu tự do tôn giáo, vì vậy họ đã không thể thiết lập Giáo Hội.
Anh Cả Pratt đã đề nghị với Chủ Tịch Brigham Young (1801–77): “Sách Mặc Môn và một số ấn phẩm rẻ tiền nên được dịch sang tiếng Tây Ban Nha và in ra, và sau đó phúc âm được mang đến các quốc gia này trong khi một Chức Tư Tế tại thế được đi kèm với một cái gì đó cho họ đọc—thậm chí cả những bài viết có những lời hứa của Thượng Đế, những lời cầu nguyện và đức tin của những người thời xưa, và quyền năng cùng Thánh Linh của Thượng Đế để làm việc với họ trong việc phục hồi gia tộc Y Sơ Ra Ên.”2
Giáo Hội Được Thiết Lập
Mặc dù nỗ lực trước đó của Anh Cả Pratt, nhưng hơn 100 năm trôi qua trước khi Giáo Hội được thiết lập vĩnh viễn ở Chile. Vào năm 1956, hai Anh Cả Joseph Bentley và Verle Allred đã được gửi đi từ Phái Bộ Truyền Giáo Argentina để thuyết giảng phúc âm ở Chile, lúc bấy giờ đang vui mừng được chấp nhận tự do tôn giáo. Ở Santiago, những người truyền giáo này đã có sự hỗ trợ của gia đình Fotheringham, họ là các tín hữu đã dọn đến từ Panama và đã hy vọng rằng những người truyền giáo sẽ tới.
Các phép báp têm đầu tiên đã được thực hiện ở Chile vào ngày 25 tháng Mười Một năm 1956, trong một hồ bơi tại một câu lạc bộ thể thao ở Santiago. Anh Cả Allred nhớ lại: “Chúng tôi đi đến câu lạc bộ thể thao trước khi mặt trời mọc và đã có một buổi lễ với lời cầu nguyện và các bài nói chuyện ngắn. Tôi bước vào nước với Anh Garcia; tôi làm phép báp têm cho anh ấy đầu tiên, rồi tiếp theo anh ấy là tám người khác. Đây là một dịp rất đặc biệt. Tất cả những điều chúng tôi cảm thấy không thể nào quên được. … Các tín hữu này sẽ là những người tiền phong của Giáo Hội ở Chile và tôi tin rằng mỗi một người trong số họ vẫn trung thành cho đến khi chết: Gia đình Garcías, gia đình Saldaños, và Chị Lanzarotti.”3
Kêu Gọi Các Vị Lãnh Đạo
Vào tháng Hai năm 1959, Spencer W. Kimball (1895–1985) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đến thăm Chile và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải phát triển giới lãnh đạo địa phương. Một trong các vị lãnh đạo địa phương đầu tiên là Carlos Cifuentes, là một cố vấn cho chủ tịch phái bộ truyền giáo, Robert Burton. Anh Cả Julio Jaramillo, sau này trở thành Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Giáo Vùng và chủ tịch đền thờ, kể lại kinh nghiệm này: “Tôi nhận được ấn tượng đầu tiên về Anh Cifuentes khi tôi được mời đến một buổi họp chức tư tế sau phép báp têm của tôi. Khi buổi họp bắt đầu, anh ấy đến bên bục giảng và điều duy nhất tôi thấy là móng tay anh ấy bẩn và đen. Tôi nghĩ: ′Làm thế nào người đàn ông này có thể điều khiển một buổi họp cùng với chủ tịch phái bộ truyền giáo nếu có bàn tay bẩn như vậy?′ Cho đến khi anh ấy bắt đầu nói chuyện và tôi đã quên mọi thứ khác thì tôi cảm nhận được Thánh Linh. Với những lời nói giản dị, anh ấy đã đưa ra các khái niệm sâu sắc cho chúng tôi. Anh ấy là một người thợ cơ khí máy móc hạng nặng và vào những ngày thứ Bảy, anh ấy làm việc trễ, rồi sau đó sẽ rửa tay sạch, nhưng với một ít phương tiện có sẵn tại hãng xưởng của mình, anh ấy đã không thể rửa sạch hết tất cả dầu mỡ. Ngay lúc đó, tôi đã học được cách không phê phán con người bằng diện mạo mà thay vì thế phải quý trọng họ về con người thực sự của họ.”4
Củng Cố Thế Hệ Đang Vươn Lên
Trong các thập niên 1960 và 1970, Giáo Hội ở Chile đã được củng cố không những bởi các vị lãnh đạo địa phương càng ngày càng có kinh nghiệm mà còn bởi các chương trình xây cất và giáo dục mới. Những chương trình này bao gồm việc xây cất các giáo đường cùng với việc thiết lập trường học, các lớp giáo lý và viện giáo lý của Giáo Hội.
Vào tháng Ba năm 1964, hai ngôi trường tiểu học đầu tiên do Giáo Hội điều hành được thành lập ở Chile. Cuối cùng một vài trường học được mở ra, và số học sinh ghi danh đã lên đến hơn 2.600. Vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, các trường công lập thích hợp trở nên phổ biến rộng rãi hơn, và Giáo Hội loan báo đóng cửa các trường học ở Chile.
Khi đề cập về chương trình giáo dục, Anh Cả Eduardo A. Lamartine, một cựu Thầy Bảy Mươi có Thẩm Quyền Giáo Vùng và hiện là cố vấn về lịch sử Giáo Hội ở Chile nhận xét: “Các trường học ở Chile là một ảnh hưởng lớn trong việc huấn luyện về học vấn và phần thuộc linh của hàng ngàn người trẻ tuổi, và các trường học này đã đóng góp vào việc chuẩn bị cho các vị lãnh đạo và những người truyền giáo trong những năm tiếp theo.”5
Chương trình các lớp giáo lý và các viện giáo lý đã bắt đầu ở Chile vào năm 1972. Lúc đầu, các học viên tham gia một chương trình học ở nhà với các lớp học hàng tuần. Về sau, nhiều lớp học thường xuyên hơn đã được tổ chức. Các chương trình này ban phước cho những người trẻ tuổi của đất nước này và giúp họ chuẩn bị cho việc phục vụ với tư cách là những người truyền giáo toàn thời gian. Anh Cả Eduardo Ayala, một cựu thành viên trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, là một trong số các giảng viên lớp giáo lý đầu tiên và về sau làm việc cho Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội ở Chile. Ông nói: “Chúa đã chọn những người trẻ tuổi đã ở đó vào lúc đó và nhiều người trong số họ là những người truyền giáo được giải nhiệm trở về nhà và là các vị lãnh đạo tuyệt vời với gia đình tốt. … Đối với tôi, lớp giáo lý và viện giáo lý là một phương tiện cứu rỗi trong thời gian có quá nhiều xung đột ở nước chúng tôi và tôi biết ơn đã được kêu gọi để làm việc với hệ thống giáo dục.”6
Giáo Khu Đầu Tiên
Vào ngày 19 tháng Mười Một năm 1972, Anh Cả Gordon B. Hinckley (1910–2008), lúc bấy giờ thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, đã tổ chức Giáo Khu Santiago Chile, với Carlos Cifuentes là chủ tịch.
Việc chuẩn bị cho giáo khu đã cho thấy cá tính của Các Thánh Hữu ở Chile và sự sẵn lòng của họ để tuân theo các vị tiên tri. Anh Cả Hinckley đã đến Chile vài tháng trước đó để tổ chức giáo khu. Nhưng sau khi tổ chức các cuộc phỏng vấn, thì việc đó đã bị hoãn lại. Vào lúc đó, nhiều người đang trải qua các khó khăn về tài chính, và một số tín hữu đang gặp khó khăn trong việc tuân thủ luật thập phân.
Anh Cả Hinckley giải thích: “Tôi trở lại sáu tháng sau đó, và trong khi đang phỏng vấn thì tôi thấy sự gia tăng của đức tin; một lần nữa họ đã bước đi một cách chân thật trước mặt Chúa, giáo khu đã được tổ chức, và kể từ đó họ đã tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ.”7
Những Người Tiền Phong trên Các Biên Giới
Ngày nay có hai giáo khu ở Arica, thành phố ở cực Bắc của Chile. Câu chuyện về Gladys và Juan Benavidez, hai người cải đạo đầu tiên ở Arica, minh họa tinh thần tiền phong và ảnh hưởng thiêng liêng trong việc thiết lập Giáo Hội ở khắp Chile.
Anh Benavidez được giới thiệu với Giáo Hội vào năm 1961 khi gió thổi một số giấy tờ về phía anh. Anh nói: “Hóa ra đó là những trang tạp chí Reader′s Digest Selections với một bài viết rất dài về ‘Những Người Mặc Môn,’ mô tả cuộc sống và niềm tin của họ.”
Chẳng bao lâu sau đó, anh mắc một căn bệnh ngặt nghèo làm cho anh phải được điều trị y tế ở Santiago. Anh nói: “Trong khi ở đó, tôi đã đến thăm người chị gái và biết được rằng chị ấy đã trở thành một tín hữu của Giáo Hội.” “Chị ấy mời tôi đến một đại hội đặc biệt. Trong khi lắng nghe lời cầu nguyện mở đầu và thầm nhẩm theo những lời này, tôi cảm thấy một niềm vui lớn lao khắp châu thân mình và nhận ra ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Vào cuối buổi đại hội, những người truyền giáo đưa tôi lên bắt tay với vị thẩm quyền đang đến thăm, Anh Cả Ezra Taft Benson (1899–1994), lúc bấy giờ là thuộc vào Nhóm Túc Số Mười Hai.”
Anh Benavidez trở lại Arica và chia sẻ những kinh nghiệm của anh với người bạn gái là Gladys Aguilar, bây giờ là vợ của anh. Hai ngày sau, Gladys thấy hai người truyền giáo đi ngang qua nhà của mình. Anh Benavidez nói: “Chúng tôi nhanh chóng đi tìm họ.” “Vào ngày 1 tháng Bảy năm 1961, chúng tôi chịu phép báp têm cùng với gia đình của vợ tôi. Ngày nay chúng tôi có con cháu trong Giáo Hội. Tôi rất biết ơn Chúa về cơn gió mạnh đó đã thổi các thông tin về Giáo Hội vào tay tôi.”8
Một Thời Kỳ Thử Thách
Trong những cuộc bầu cử vào năm 1970, Tiến sĩ Salvador Allende đã trở thành tổng thống và thành lập một chính phủ theo chủ nghĩa Mác Xít. Các tín hữu Giáo Hội gặp khó khăn vì tình trạng khan hiếm thực phẩm và thuốc men, sự quấy rối thường xuyên những người truyền giáo, và sự chú ý tiêu cực của giới truyền thông.
Năm 1973, cuộc khủng hoảng tài chính và xã hội đã dẫn đến một cuộc đảo chính quân sự và một chế độ độc tài kéo dài cho đến năm 1990. Ngày nay, mặc dù Chile có một nền dân chủ phát triển mạnh, nhưng hai thập niên đó đã là một thời kỳ khó khăn đối với các tín hữu. Các nhóm chống lại chế độ độc tài quân sự đã tấn công các giáo đường và các tín hữu vì họ nghĩ rằng Giáo Hội đại diện cho quyền lợi của chính phủ Hoa Kỳ. Anh Cả Ayala, một chủ tịch giáo khu vào lúc đó, đã nói: “Chúng tôi thường họp với Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, và họ thường nói với chúng tôi: ‘Xin hãy áp dụng sự thông sáng, hãy cầu nguyện nhiều, làm những điều đúng, để các tín hữu sẽ duy trì trật tự trong các giáo đoàn.’”9
Mặc dù có những khó khăn tài chính của đất nước và sự đối kháng chính trị mà đã chia rẽ xã hội Chile vào đầu thập niên 1980, nhưng Giáo Hội vẫn phát triển nhanh chóng. Giữa năm 1970 và 1985, con số các tín hữu ở Chile gia tăng từ 15.728 người đến 169.361 người.
Đền Thờ Santiago
Vào năm 1980, Các Thánh Hữu đã được ban phước với lời loan báo rằng một ngôi đền thờ sẽ được xây cất ở Santiago, Chile.
Khi Chủ Tịch Spencer W. Kimball làm lễ cung hiến khu đất dùng để cất đền thờ, thì ông đã rất yếu; nhưng sự hiện diện của ông ở đó cho thấy tình yêu thương của ông dành cho Các Thánh Hữu ở Nam Mỹ, ông đã làm việc với họ từ năm 1959. Chị Adriana Guerra de Sepúlveda, là người thông dịch cho chị Kimball tại buổi lễ này, đã nói: “Khi tôi nhìn thấy vị tiên tri, một người có dáng vóc nhỏ bé với khuôn mặt thiên thần, thì tôi bắt đầu khóc và không thể tìm ra lời nào để nói chuyện với ông. Đây là lần đầu tiên tôi được ở bên cạnh một vị tiên tri. Việc nhìn thấy người phát ngôn của Chúa ở nơi đây trên thế gian và trong đất nước của tôi là một điều kỳ diệu.”10
Ngôi đền thờ đã được làm lễ cung hiến vào năm 1983, trở thành ngôi đền thờ thứ hai ở Nam Mỹ và ngôi đền thờ đầu tiên trong một quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.
Anh Cả Jeffrey R. Holland ở Chile
Vào tháng Tám năm 2002, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã chỉ định hai thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ chủ tọa hai khu vực của Giáo Hội: Anh Cả Dallin H. Oaks đã được chỉ định cho nước Philippines, và Anh Cả Jeffrey R. Holland cho nước Chile. Giáo vụ và ảnh hưởng của Anh Cả Holland trong khi ở Chile thật là vô hạn, và tác động của điều này sẽ vẫn còn tồn tại trong nhiều thế hệ.
Lời nhấn mạnh chính của Anh Cả Holland là mang đến một tấm gương lãnh đạo theo cách của Chúa. Ông đã giúp huấn luyện các vị lãnh đạo mới và giám sát việc tổ chức lại, việc đình chỉ, và kết hợp hàng trăm tiểu giáo khu và hàng chục giáo khu. Việc tổ chức lại và huấn luyện này là cần thiết vì sự phát triển nhanh chóng của Giáo Hội trong đất nước này. Sự lãnh đạo của ông đã giúp củng cố các đơn vị và chuẩn bị Giáo Hội ở Chile cho tương lai.
Ngoài ra, Anh Cả Holland còn tạo ra một số mối kết nối quan trọng ở Chile. Anh Cả Carl B. Pratt thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, một cố vấn trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng đó, đã mô tả một số mối quan hệ quan trọng này: “Anh Cả Holland thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ với Ricardo Lagos [tổng thống Chile] và vợ của ông; họ đã thực hiện một vài dự án viện trợ nhân đạo. Anh Cả Holland đã quen biết được với Apostolic Nuncio [một chức sắc Công Giáo cao cấp] và các nhân vật quan trọng khác ở Chile.”11
Tin Tưởng vào Tương Lai
Các nỗ lực của hai Anh Cả Parley P. Pratt và Jeffrey R. Holland, những hy sinh của những người truyền giáo đầu tiên đến Santiago, sự tận tâm của các vị lãnh đạo như Carlos Cifuentes và những người tiền phong đầu tiên khác của Chile, kết hợp với đức tin và sự tận tâm của hàng trăm ngàn người đã gia nhập Giáo Hội trong hơn nửa thế kỷ đã xây đắp một nền tảng vững mạnh cho Giáo Hội ở Chile. Ngày nay, đất nước này là nơi có một đền thờ (với một ngôi đền thờ khác đã được loan báo), một trung tâm huấn luyện truyền giáo, 9 phái bộ truyền giáo và 74 giáo khu. Tương lai không hề giới hạn trong công việc thuộc linh để mời tất cả mọi người đến cùng Đấng Ky Tô.