2015
Kế Hoạch Hạnh Phúc
Tháng Năm năm 2015


Kế Hoạch Hạnh Phúc

Kết quả cuối cùng của tất cả sinh hoạt trong Giáo Hội là để thấy rằng một người đàn ông và một người phụ nữ cùng với con cái của mình đều đang hạnh phúc ở nhà, được làm lễ gắn bó trong thời tại thế và suốt thời vĩnh cửu.

Cách đây nhiều năm, sau Đệ Nhị Thế Chiến, tôi đang theo học đại học. Nơi đó, tôi đã gặp Donna Smith. Vào lúc đó, tôi có đọc về hai thành phần thiết yếu cho một cuộc hôn nhân thành công là một cái bánh quy và một nụ hôn. Tôi nghĩ đó là một sự cân bằng khá tốt.

Tôi đi học ở đại học vào buổi sáng, rồi sau đó trở lại Brigham City để làm việc trong tiệm sửa ô tô của cha tôi vào buổi chiều. Lớp học cuối cùng vào buổi sáng của Donna là lớp kinh tế gia đình. Tôi dừng lại bên lớp học của cô ấy trước khi về. Cánh cửa có kính mờ, nhưng nếu tôi đứng gần cửa kính, thì cô ấy có thể nhìn thấy bóng của tôi ở bên ngoài. Cô ấy sẽ lẻn ra khỏi lớp với một cái bánh quy và một nụ hôn. Kết quả là hiển nhiên rồi. Chúng tôi kết hôn trong Đền Thờ Logan, và điều đó bắt đầu cuộc phiêu lưu kỳ thú của cuộc sống chúng tôi.

Trong những năm qua tôi thường dạy một nguyên tắc quan trọng: kết quả cuối cùng của tất cả sinh hoạt trong Giáo Hội là để thấy rằng một người đàn ông và một người phụ nữ cùng với con cái của mình đều đang hạnh phúc ở nhà, được làm lễ gắn bó trong thời tại thế và suốt thời vĩnh cửu.

Lúc ban đầu:

“Các Thượng Đế đi xuống làm nên loài người theo hình ảnh của các Ngài, các Ngài tạo dựng loài người, người nam cùng người nữ, theo hình ảnh của họ.

“Và các Thượng Đế phán: Chúng ta sẽ ban phước lành cho họ. Và các Thượng Đế phán: Chúng ta sẽ làm cho họ được sinh sôi nẩy nở, làm cho đầy dẫy đất, và làm cho đất phục tùng” (Áp Ra Ham 4:27–28).

Và như vậy chu kỳ của cuộc sống con người đã bắt đầu trên trái đất này khi “A Đam ăn ở với vợ mình; và người sinh cho hắn các con trai và con gái, và họ bắt đầu sinh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy đất.

“Và … các con trai và con gái của A Đam bắt đầu phân ra thành từng cặp hai người trong xứ, … và họ cũng sinh nhiều con trai và con gái” (Môi Se 5:2–3).

Lệnh truyền phải sinh sôi nẩy nở và làm cho đầy dẫy đất chưa bao giờ được bãi bỏ. Đó là điều thiết yếu cho kế hoạch cứu chuộc và là nguồn hạnh phúc của con người. Qua việc sử dụng ngay chính khả năng này, chúng ta có thể đến gần với Cha Thiên Thượng và có được niềm vui trọn vẹn, thậm chí còn là thiêng liêng nữa. Khả năng sinh sản không phải là một phần phụ của kế hoạch: đó là kế hoạch hạnh phúc; đó là chìa khóa cho hạnh phúc.

Ước muốn được lấy nhau của loài người là bất biến và rất mạnh mẽ. Hạnh phúc của chúng ta trong cuộc sống hữu diệt, niềm vui và sự tôn cao của chúng ta tùy thuộc vào cách chúng ta đáp ứng với những ham muốn thể chất hấp dẫn liên tục này. Khi khả năng sinh sản phát triển lúc tuổi trưởng thành của người nam và người nữ thì những mối cảm xúc rất riêng tư xảy ra, theo một cách tự nhiên, không giống như bất cứ kinh nghiệm thể xác nào khác.

Lý tưởng nhất, việc lấy nhau bắt đầu với tình cảm lãng mạn. Mặc dù các truyền thống có thể khác nhau, nhưng điều đó nảy nở với tất cả những tình cảm đầy phấn khởi và mong đợi tuyệt vời như trong tiểu thuyết, thậm chí đôi khi còn có sự từ chối nữa. Có ánh trăng và hoa hồng, những bức thư tình, những bài hát về tình yêu, những bài thơ tình, cầm tay nhau, và những cách biểu lộ khác về tình cảm giữa một thanh niên và một thiếu nữ. Cặp nam nữ đó chỉ biết có nhau, và họ cảm nhận được những cảm giác vui sướng.

Và nếu các anh chị em cho rằng tất cả hạnh phúc vô ngần của tình yêu lãng mạn của tuổi trẻ là tổng hợp của các khả năng bắt nguồn từ sinh sản, thì các anh chị em chưa hề sống để thấy sự tận tâm và thoải mái của tình yêu hôn nhân lâu năm. Các cặp vợ chồng đều bị thử thách bởi những cám dỗ, hiểu lầm, vấn đề tài chính, cuộc khủng hoảng gia đình, và bệnh tật, và trong khi trải nghiệm những điều này thì tình yêu phát triển mạnh mẽ hơn. Tình yêu chín chắn mang đến một niềm hạnh phúc mà những cặp vợ chồng mới cưới không tưởng tượng được.

Tình yêu đích thực đòi hỏi phải chờ cho đến sau khi kết hôn để chia sẻ tình cảm đó mà sẽ mở ra những khả năng thiêng liêng trong nguồn sống đó. Điều đó có nghĩa là tránh xa những tình huống mà niềm khao khát của thể xác có thể dành quyền điều khiển. Tình yêu thanh khiết giả định rằng chỉ sau khi một lời cam kết chung thủy vĩnh viễn, một nghi lễ hợp pháp và hợp thức, và lý tưởng nhất là sau khi giáo lễ gắn bó trong đền thờ, thì tất cả những khả năng sinh sản đó mới được thực hiện dưới mắt của Thượng Đế để có thể biểu lộ tình yêu trọn vẹn. Tình yêu đó chỉ được chia sẻ với người bạn đời vĩnh cửu của các anh chị em mà thôi.

Khi được cam kết một cách xứng đáng, tiến trình này kết hợp những cảm xúc tuyệt vời nhất và tôn cao nhất về thể chất, tình cảm và thuộc linh với từ tình yêu. Phần đó của cuộc sống là độc nhất vô nhị trong tất cả kinh nghiệm của con người. Khi các giao ước được lập và tuân giữ, thì phần đó sẽ tồn tại vĩnh viễn, “vì bên trong ngôi nhà này có các chìa khóa của thánh chức tư tế mới được sắc phong, để các ngươi có thể nhận được vinh hiển và vinh quang” (GLGƯ 124:34), “mà vinh quang này là sự trọn vẹn và sự tiếp nối dòng dõi mãi mãi và đời đời” (GLGƯ 132:19).

Nhưng tình yêu lãng mạn là không đủ; đó chỉ là bắt đầu mà thôi. Tình yêu được nuôi dưỡng với sự ra đời của con cái từ nguồn sống đã được giao phó cho các cặp vợ chồng trong hôn nhân. Sự thụ thai diễn ra trong một sự kết hợp gắn bó giữa vợ chồng. Một cơ thể nhỏ bé bắt đầu hình thành từ khuôn mẫu gắn bó tuyệt vời. Một đứa trẻ ra đời nhờ phép lạ sinh nở, được tạo ra theo hình ảnh của cha mẹ trần thế của nó. Ở bên trong cơ thể của nó là một linh hồn có thể cảm thấy và cảm nhận được những sự việc thiêng liêng. Nằm sâu trong cơ thể của đứa trẻ này là khả năng để sinh con đẻ cái theo hình ảnh của chính nó.

“Linh hồn cùng thể xác tạo thành bản thể con người” (GLGƯ 88:15), và phải tuân theo những luật pháp về thuộc linh và thể chất nếu muốn được hạnh phúc. Có những luật pháp vĩnh cửu, kể cả luật pháp liên quan đến khả năng sinh sản, “Có một luật pháp ở trên trời, được lập ra và không thể hủy bỏ được trước khi có sự tạo dựng thế gian này, mà theo đó mọi phước lành đều được căn cứ vào đó” (GLGƯ 130:20). Đây là những luật pháp thuộc linh xác định tiêu chuẩn đạo đức cho nhân loại (xem Joseph Smith Translation, Rô Ma 7:14–15 [trong phụ lục Kinh Thánh]; 2 Nê Phi 2:5; GLGƯ 29:34; 134:6). Chúng ta có các giao ước làm ràng buộc, gắn bó, và bảo vệ cùng đưa ra lời hứa về các phước lành vĩnh cửu.

An Ma đã khuyên nhủ con trai mình là Síp Lân rằng: “Hãy lưu ý kềm chế mọi dục vọng của mình, để cho con được tràn đầy tình thương” (An Ma 38:12). Sợi dây cương được sử dụng để hướng dẫn, chỉ dẫn, kiềm chế. Niềm đam mê của chúng ta phải được kiềm chế. Khi được sử dụng hợp pháp, khả năng sinh sản sẽ ban phước và sẽ thánh hoá (xin xem Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith [1998], 158).

Cám dỗ luôn luôn xảy ra. Vì kẻ nghịch thù không thể sinh sản nên nó ganh tị với tất cả những người có khả năng thiêng liêng đó. Nó và những người đi theo nó bị đuổi ra và bị cất đi quyền có được một thể xác hữu diệt. “Nó rất muốn tìm cách làm cho tất cả loài người phải đau khổ như nó vậy” (2 Nê Phi 2:27) Nếu có thể được, nó sẽ cám dỗ để làm suy thoái, bại hoại, và, nếu có thể, còn hủy diệt ân tứ này để qua đó chúng ta có thể có sự tiến triển vĩnh cửu nếu chúng ta xứng đáng (xin xem GLGƯ 132:28–31).

Nếu chúng ta làm nhơ bẩn nguồn sống của mình hay dẫn dắt người khác phạm tội, thì sẽ có hình phạt “cùng cực” và “gánh chịu khổ sở” (GLGƯ 19:15) hơn tất cả khoái lạc thể xác có thể có.

An Ma nói với con trai của mình là Cô Ri An Tôn: “Hỡi con trai của cha, con không biết rằng đó là điều khả ố trước mặt Chúa hay sao? Phải, đó là điều khả ố hơn hết mọi tội lỗi khác, ngoại trừ tội làm đổ máu người vô tội hay tội chối bỏ Đức Thánh Linh?” (An Ma 39:5). Chúng ta không thể thoát khỏi những hậu quả khi chúng ta phạm tội.

Cách duy nhất để được phép và có hợp pháp để thực hiện các khả năng sinh sản là giữa vợ chồng, một người nam và một người nữ, đã kết hôn hợp pháp và hợp thức. Bất cứ điều gì khác hơn điều này đều là vi phạm các lệnh truyền của Thượng Đế. Đừng nhượng bộ những cám dỗ khủng khiếp của kẻ nghịch thù, vì mỗi món nợ về sự phạm giới phải được trả “còn thiếu một đồng tiền, thì không ra khỏi tù được” (Ma Thi Ơ 5:26).

Không ở đâu có lòng quảng đại và thương xót của Thượng Đế hiển nhiên hơn ở sự hối cải.

Thể xác của chúng ta, khi bị tổn thương, có thể tự sửa chữa, đôi khi với sự giúp đỡ của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu thiệt hại là quá lớn, thì một vết sẹo còn sót lại sẽ là một điều nhắc nhở về thương tích đó.

Thể linh của chúng ta lại là một vấn đề khác. Linh hồn của chúng ta bị tổn thương khi chúng ta phạm phải lỗi lầm và phạm tội. Nhưng không giống như trường hợp thể xác của chúng ta, khi tiến trình hối cải đã trọn vẹn thì không còn để lại vết sẹo nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Lời hứa là: “Này, kẻ nào biết hối cải những tội lỗi của mình, thì kẻ đó sẽ được tha thứ, và ta, là Chúa, sẽ không còn nhớ tới những tội lỗi đó nữa” (GLGƯ 58:42).

Khi chúng ta nói về hôn nhân và cuộc sống gia đình, chắc chắn là điều này sẽ đến với tâm trí: “Còn các trường hợp ngoại lệ thì sao?” Một số người sinh ra với những hạn chế và không thể sinh con đẻ cái. Một số người vô tội mà hôn nhân của họ bị đổ vỡ vì người phối ngẫu không chung thủy. Những người khác không kết hôn và sống một cuộc sống độc thân xứng đáng.

Vậy thì, tôi xin đưa ra lời an ủi này: Thượng Đế là Cha của chúng ta! Tất cả tình yêu thương và lòng quảng đại thể hiện ở người cha trần thế lý tưởng được làm vinh hiển nơi Ngài là Đức Chúa Cha và Thượng Đế của chúng ta đều vượt quá khả năng thấu hiểu của trí óc người trần thế. Sự phán xét của Ngài là công bình; Lòng thương xót của Ngài không có giới hạn; Quyền năng đền bù của Ngài vượt quá bất cứ sự so sánh nào trên thế gian. “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Ky Tô về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết” (1 Cô Rinh Tô 15:19).

Bây giờ tôi muốn nói đến từ đền thờ một cách tôn kính. Tôi hình dung ra một căn phòng làm lễ gắn bó và một bàn thờ với một cặp vợ chồng trẻ đang quỳ ở đó. Giáo lễ đền thờ thiêng liêng này có ý nghĩa nhiều hơn cả đám cưới, vì cuộc hôn nhân này có thể được đóng ấn bởi Đức Thánh Linh hứa hẹn, và thánh thư dạy rằng chúng ta “sẽ thừa hưởng các ngai vàng, vương quốc, chấp chính, và quyền năng, quyền thống trị” (GLGƯ 132:19). Tôi thấy niềm vui đang chờ đợi những người chấp nhận và sử dụng ân tứ thiêng liêng này một cách xứng đáng.

Chị Donna Smith Packer và tôi đã sát cánh bên nhau trong hôn nhân được gần 70 năm. Khi nói về vợ tôi, là mẹ của các con chúng tôi, thì tôi không có đủ lời để diễn tả. Tình cảm vô cùng sâu đậm và lòng biết ơn mạnh mẽ nhiều đến nỗi tôi không thể diễn tả thành lời. Phần thưởng lớn nhất chúng tôi đã nhận được trong cuộc sống này, và cuộc sống mai sau, là con cháu của chúng tôi. Vào lúc cuối đời của chúng tôi với nhau, tôi biết ơn về mỗi giây phút có được vợ tôi ở bên cạnh và về lời hứa Chúa đã ban cho là sẽ không có kết thúc.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô và Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống. Ngài đứng đầu Giáo Hội. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài và quyền năng của chức tư tế, các gia đình mà đã được bắt đầu trên trần thế có thể được ở với nhau suốt thời vĩnh cửu. Sự Chuộc Tội, mà có thể cứu chuộc mỗi người chúng ta, không lưu lại dấu vết tội lỗi nào. Điều đó có nghĩa là cho dù chúng ta có làm điều gì đi nữa hoặc chúng ta đang ở đâu hay một điều gì đó đã xảy ra, mà nếu chúng ta thực sự hối cải, thì Ngài đã hứa rằng Ngài sẽ chuộc tội. Và khi Ngài chuộc tội thì tội lỗi đã được giải quyết rồi. Có rất nhiều người trong chúng ta đang luẩn quẩn với mặc cảm tội lỗi, không biết làm thế nào để thoát khỏi. Các anh chị em thoát ra bằng cách chấp nhận Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, và tất cả điều đó là nỗi đau khổ có thể biến thành vẻ đẹp, tình yêu thương và sự vĩnh cửu.

Tôi rất biết ơn về các phước lành của Chúa Giê Su Ky Tô, về khả năng sinh sản, về quyền năng cứu chuộc, về Sự Chuộc Tội—Sự Chuộc Tội mà có thể rửa sạch mọi vết nhơ cho dù có khó khăn đến đâu, bao lâu hoặc bao nhiêu lần lặp đi lặp lại. Sự Chuộc Tội có thể đưa các anh chị em thoát ra một lần nữa để tiến bước, một cách trong sạch và xứng đáng, để theo đuổi con đường mà các anh chị em đã chọn trong cuộc sống.

Tôi làm chứng rằng Thượng Đế hằng sống, Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, và Sự Chuộc Tội không phải là một điều chung cho toàn thể Giáo Hội. Sự Chuộc Tội là dành cho cá nhân, và nếu các anh chị em có một điều gì đó đang làm phiền lòng mình—đôi khi điều đó xảy ra cách đây khá lâu, các anh chị em có thể hầu như không nhớ được nữa—thì hãy sử dụng Sự Chuộc Tội để giải quyết. Sự Chuộc Tội sẽ tẩy sạch, và các anh chị em, cũng như Ngài, sẽ không nhớ tới các tội lỗi của các anh chị em nữa. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.