Tìm Kiếm Chúa
Khi chúng ta hiểu rõ hơn về Đấng Cứu Rỗi, thì sẽ có một ước muốn gia tăng để sống vui vẻ và có một lòng tin chắc rằng niềm vui có thể đạt được.
Các anh chị em thân mến, tôi đứng đây trước các anh chị em với niềm vui lớn lao trong khi chúng ta cùng nhau tham gia vào đại hội trung ương này. Việc lắng nghe những lời thông sáng, khuyên dạy, an ủi và cảnh báo được đưa ra trong các đại hội trung ương trong nhiều năm qua đã là một phước lành to lớn đối với Chị Teixeira, gia đình chúng tôi, và tôi.
Vào dịp đặc biệt này trong năm, nhất là vào ngày Sa Bát Lễ Phục Sinh này, tôi không thể nào không suy ngẫm về ý nghĩa của những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi và tấm gương nhân từ và yêu thương của Ngài trong cuộc sống của tôi.
Một sự hiểu biết sâu sắc hơn về Chúa Giê Su Ky Tô sẽ mang đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao hơn cho tương lai, và tự tin hơn trong việc đạt được các mục tiêu ngay chính của mình, dù có phần không hoàn hảo. Điều này cũng sẽ cho chúng ta một ước muốn nhiều hơn để phục vụ đồng bào của mình.
Chúa phán: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi.”1 Việc tìm kiếm Chúa và cảm nhận sự hiện diện của Ngài là một công cuộc tìm kiếm hàng ngày, một nỗ lực đáng bõ công.
Thưa các anh chị em, hơn bất cứ lúc nào khác, ngày nay chúng ta có sẵn các cơ hội và phương tiện đặc biệt để gia tăng sự hiểu biết của mình về những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô và về Sự Chuộc Tội của Ngài. Việc sử dụng các phương tiện này một cách thích hợp sẽ giúp chúng ta sống một cuộc sống có ích và tràn đầy niềm vui.
Trong phép ẩn dụ về cây nho và cành nho của Đấng Cứu Rỗi, Ngài phán: “Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được.”2
Chúng ta càng hiểu rõ vai trò đặc biệt của Đấng Ky Tô trong cuộc sống của mình, thì càng có ý thức hơn về mục đích của chúng ta ở nơi trần thế này, tức là để có niềm vui. Tuy nhiên, niềm vui đó không ngăn chúng ta khỏi việc trải nghiệm những thử thách và khó khăn, thậm chí một số thử thách quá lớn và phức tạp mà có thể dẫn chúng ta đến việc nghĩ rằng không thể có được hạnh phúc trong những hoàn cảnh như vậy.
Tôi biết bằng kinh nghiệm cá nhân rằng niềm vui của việc sống trong sự ngay chính và ở trong Đấng Ky Tô có thể tiếp tục bất kể những hoạn nạn thường xảy ra trên trần thế. Cuối cùng, những hoạn nạn này thường làm phong phú, tôi luyện, và hướng dẫn chúng ta đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về mục đích của cuộc sống nơi đây trên trần thế và của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Thật vậy, niềm vui trọn vẹn chỉ có thể đạt được nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô.3
Ngài phán: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.”4
Tôi tin rằng khi chúng ta hiểu rõ hơn về Đấng Cứu Rỗi, thì sẽ có một ước muốn gia tăng để sống vui vẻ và có một lòng tin chắc rằng niềm vui có thể đạt được. Do đó, chúng ta sẽ có nhiều khả năng hơn để sống mỗi ngày với nhiều nhiệt tình hơn đối với cuộc sống và tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn.
Chúng ta đừng trì hoãn đến ngày mai để làm điều chúng ta có thể làm ngày hôm nay. Chính là bây giờ chúng ta phải đến cùng Đấng Ky Tô, vì “nếu [chúng ta] tin [Ngài], thì [chúng ta] sẽ làm lụng trong thời gian được gọi là ngày nay.”5
Mỗi ngày chúng ta nên suy xét kể cả những ảnh hưởng qua lại thường xuyên với những lời dạy của Đấng Ky Tô. Các cử chỉ cùng hành vi nhỏ nhặt và tầm thường hàng ngày sẽ:
-
Gia tăng sự hiểu biết về ý nghĩa của Chúa trong cuộc sống của chúng ta, và
-
Giúp chúng ta chia sẻ sự hiểu biết này với các thế hệ đang vươn lên, là những người chắc chắn sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, khi họ nhìn thấy tấm gương chân thành sống theo phúc âm của chúng ta.
Vì vậy, một số hành vi tầm thường nào trong thời hiện đại này sẽ trở thành một nhũ hương cho linh hồn chúng ta trong việc củng cố chứng ngôn của mình về Đấng Ky Tô và sứ mệnh của Ngài?
Trong năm 2014, cuộc thi ảnh đẹp của National Geographic đã nhận được hơn 9.200 tấm ảnh của các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và những người đam mê nhiếp ảnh từ hơn 150 quốc gia. Bức ảnh đoạt giải mô tả một người phụ nữ ở giữa một chiếc xe lửa chở đầy hành khách. Ánh sáng phát ra từ máy điện thoại di động của người ấy rọi sáng khuôn mặt của người ấy. Người ấy truyền đạt một thông điệp rõ ràng cho các hành khách khác: mặc dù thể xác của người ấy hiện diện ở đó, nhưng tâm hồn thì không thực sự ở đó.6
Dữ liệu di động, điện thoại thông minh, và các mạng xã hội đã thay đổi tận gốc cách chúng ta có mặt trên thế giới và cách giao tiếp với người khác.
Trong thời đại kỹ thuật số này, chúng ta có thể nhanh chóng tự mang mình đi đến những nơi chốn và các hoạt động mà có thể nhanh chóng loại bỏ chính mình khỏi những gì là cần thiết cho một cuộc sống tràn đầy niềm vui lâu dài.
Cuộc sống này trong thời đại Internet, nếu không kiểm soát được, có thể dành ưu tiên cho các mối quan hệ với những người mà chúng ta không biết hoặc chưa bao giờ gặp mặt, thay vì với những người chúng ta đang sống cùng, chính là gia đình của chúng ta!
Trái lại, chúng ta đều biết rằng chúng ta được ban phước với các phương tiện trực tuyến tuyệt vời, kể cả những phương tiện do Giáo Hội triển khai như các phiên bản bằng văn bản và thu thanh của các thánh thư và đại hội trung ương, các tác phẩm video về cuộc đời và những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô, các ứng dụng để ghi lại lịch sử gia đình của chúng ta, và các cơ hội để lắng nghe âm nhạc đầy soi dẫn.
Các lựa chọn và ưu tiên chúng ta đưa ra với thời gian trực tuyến của mình tạo ra nhiều ảnh hưởng. Chúng có thể xác định sự tiến bộ của chúng ta về phần thuộc linh và sự trưởng thành trong phúc âm và ước muốn của chúng ta để đóng góp cho một thế giới tốt đẹp hơn và để sống một cuộc sống hữu dụng hơn.
Vì những lý do này, hôm nay tôi muốn đề cập đến ba thói quen đơn giản mà sẽ thiết lập sinh hoạt trực tuyến lành mạnh. Những thói quen này sẽ tạo ra sự tự đánh giá hàng ngày mà cần thiết cho chúng ta để đến gần hơn với những lời dạy của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô.
Thói Quen Số 1: Vào xem Trang Mạng Chính Thức của Giáo Hội để Có Những Tài Liệu
Những lần thường xuyên vào xem các tài liệu này trong tuần sẽ giúp chúng ta luôn luôn nhạy cảm với những lời dạy của phúc âm và khuyến khích gia đình cùng bạn bè của chúng ta suy nghĩ và suy ngẫm về điều gì là quan trọng nhất.
Thói quen Số 2: Đăng Ký với Mạng Xã Hội Chính Thức của Giáo Hội
Sự lựa chọn này sẽ mang đến cho màn hình của các anh chị em nội dung thiết yếu để đào sâu cuộc tìm kiếm và hướng tới Chúa và những lời dạy của Ngài, đồng thời cũng sẽ củng cố ước muốn của các anh chị em để hiểu phúc âm. Quan trọng hơn nữa, điều này sẽ giúp các anh chị em nhớ điều Đấng Ky Tô kỳ vọng ở mỗi người chúng ta.
Cũng giống như “không có đất tốt nếu không có một nông dân tốt,”7 sẽ không có kết quả tốt từ hành vi trực tuyến tốt trừ khi chúng ta dành ưu tiên từ ban đầu về những điều nào có thể tiếp cận bằng các ngón tay và tâm trí của mình.
Thói quen Số 3: Dành Ra Thời Gian để Bỏ Qua Một Bên Các Thiết Bị Di Động của Mình
Thật là một điều thú vị để bỏ qua một bên các thiết bị điện tử của chúng ta trong một thời gian và thay vì thế giở ra các trang thánh thư hay dành thời gian để trò chuyện với gia đình và bạn bè. Đặc biệt vào ngày của Chúa, hãy có được bình an của việc tham dự vào một buổi lễ Tiệc Thánh mà không hề được thôi thúc liên tục để xem mình có một tin nhắn mới hoặc một bài nào mới được đăng không.
Thói quen bỏ qua một bên thiết bị di động của các anh chị em trong một thời gian sẽ làm phong phú và mở rộng tầm nhìn của các anh chị em về cuộc sống, vì cuộc sống không giới hạn trong một màn hình bốn in sơ (10 centimét).
Chúa Giê Su phán: “Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của ta.”8 Thượng Đế muốn chúng ta có niềm vui và cảm nhận được tình yêu thương của Ngài. Đấng Ky Tô làm cho niềm vui như vậy thành một điều khả thi cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có phương tiện để biết Ngài rõ hơn và sống theo phúc âm của Ngài.
Tôi làm chứng về niềm vui có được khi chúng ta tuân giữ các giáo lệnh và về sự bình an và an toàn mà chúng ta cảm nhận được khi ở trong tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Trong tôn danh Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.