2015
Phúc Âm Vẫn Còn Tuyệt Vời với Các Anh Chị Em Chứ?
Tháng Năm năm 2015


Phúc Âm Vẫn Còn Tuyệt Vời với Các Anh Chị Em Chứ?

Việc kinh ngạc trước những điều kỳ diệu của phúc âm là một dấu hiệu về đức tin. Đó chính là để nhận ra bàn tay của Chúa trong cuộc sống của chúng ta và trong mọi sự việc xung quanh.

Vợ chồng tôi đã có niềm vui lớn lao để nuôi dạy năm đứa con ở gần thành phố Paris tráng lệ. Trong những năm đó, chúng tôi muốn cho chúng có những cơ hội phong phú để khám phá ra những điều kỳ diệu của thế gian này. Mỗi mùa hè, gia đình chúng tôi thực hiện các chuyến đi dài tới thăm các đài tưởng niệm, các di tích lịch sử và các kỳ quan thiên nhiên của châu Âu. Cuối cùng, sau khi đã sống 22 năm ở khu vực Paris, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để dọn đi. Tôi vẫn còn nhớ cái ngày các con tôi đến nói với tôi rằng: “Cha ơi, thật là vô cùng xấu hổ! Chúng ta đã sống ở đây suốt cả đời mà chúng ta chưa bao giờ đến Tháp Eiffel cả!”

Có rất nhiều kỳ quan trên thế giới này. Tuy nhiên, đôi khi vì chúng ta liên tục thấy chúng trước mắt nên chúng ta cho chúng là đương nhiên. Chúng ta nhìn, nhưng chúng ta không thực sự thấy; chúng ta nghe, nhưng chúng ta không thực sự lắng nghe.

Trong thời gian giáo vụ trần thế của Ngài, Chúa Giê Su đã phán cùng các môn đồ của Ngài:

“Phước cho mắt nào được thấy điều các ngươi thấy!

“Vì ta nói cùng các ngươi, có nhiều đấng tiên tri và vua chúa ước ao thấy điều các ngươi thấy, mà chẳng từng thấy, ước ao nghe điều các ngươi nghe, mà chẳng từng nghe.”1

Tôi thường tự hỏi nếu được sống vào thời kỳ của Đấng Cứu Rỗi thì sẽ ra sao. Các anh chị em có thể tưởng tượng mình ngồi dưới chân của Ngài không? cảm thấy được vòng tay ôm của Ngài? chứng kiến khi Ngài phục sự cho những người khác? Và còn rất nhiều người đã gặp Ngài mà không nhận—“thấy”—rằng chính Vị Nam Tử của Thượng Đế đang sống ở giữa họ.

Chúng ta cũng có đặc ân để sống trong một thời kỳ đặc biệt. Các vị tiên tri thời xưa đã thấy công việc Phục Hồi là “một công việc lạ lùng … phải, một công việc lạ lùng và một điều kỳ diệu.”2 Không có gian kỳ nào trước đây mà có rất nhiều người truyền giáo được kêu gọi, rất nhiều quốc gia đã mở cửa cho sứ điệp phúc âm, và rất nhiều đền thờ được xây cất trên khắp thế giới.

Đối với chúng ta, là Các Thánh Hữu Ngày Sau, những điều kỳ diệu cũng xảy ra trong cuộc sống riêng tư. Những điều kỳ diệu này gồm có sự cải đạo cá nhân của chúng ta, những sự đáp ứng chúng ta nhận được cho những lời cầu nguyện của mình, và các phước lành đầy yêu thương của Thượng Đế trút xuống chúng ta hàng ngày.

Việc kinh ngạc trước những điều kỳ diệu của phúc âm là một dấu hiệu về đức tin. Đó chính là để nhận ra bàn tay của Chúa trong cuộc sống của chúng ta và trong mọi sự việc xung quanh. Việc chúng ta kinh ngạc cũng mang lại sức mạnh thuộc linh, mang đến cho chúng ta nghị lực để duy trì một chứng ngôn vững mạnh và để dấn thân vào công việc cứu rỗi.

Nhưng chúng ta hãy cẩn thận. Khả năng của chúng ta để kinh ngạc là mỏng manh. Trong thời gian dài, những điều như tuân giữ các lệnh truyền một cách thất thường, thờ ơ, hoặc thậm chí sự mệt mỏi đương nhiên có thể bắt đầu và làm cho chúng ta không nhạy cảm với những dấu hiệu và phép lạ đáng kể nhất của phúc âm.

Sách Mặc Môn mô tả một thời kỳ, rất giống với thời kỳ của chúng ta, xảy ra trước sự hiện đến của Đấng Mê Si ở châu Mỹ. Đột nhiên các điềm triệu về sự giáng sinh của Ngài xuất hiện trên các tầng trời. Dân chúng sửng sốt nhiều đến nỗi họ đã hạ mình, và gần như tất cả đều được cải đạo. Tuy nhiên, chỉ có bốn năm ngắn ngủi sau đó, “dân chúng bắt đầu quên những điềm triệu và những điều kỳ diệu mà họ đã được nghe, và họ cũng bắt đầu bớt ngạc nhiên về một điềm triệu hay điều kỳ diệu trên trời … và bắt đầu không tin tất cả những gì họ đã được nghe và thấy.”3

Các anh chị em thân mến, phúc âm vẫn còn tuyệt vời với các anh chị em chứ? Các anh chị em có thể còn trông thấy, nghe thấy, cảm thấy, và ngạc nhiên chứ? Hay là khả năng nhạy bén thuộc linh của các anh chị em đã giảm bớt rồi? Cho dù hoàn cảnh cá nhân của chúng ta là gì đi nữa, thì tôi mời các anh chị em nên làm ba việc.

Thứ nhất, không bao giờ mệt mỏi khám phá hoặc tái khám phá các lẽ thật của phúc âm. Nhà văn Marcel Proust nói: “Các chuyến đi khám phá thật sự không gồm có việc tìm kiếm cảnh quan mới, mà là trong việc suy nghĩ về những điều theo cách mới mẻ.”4 Các anh chị em có nhớ lần đầu tiên đọc một câu thánh thư và cảm thấy như thể Chúa đang phán bảo riêng cho mình không? Các anh chị em có thể nhớ lại lần đầu tiên các anh chị em đã cảm nhận ảnh hưởng tuyệt vời của Đức Thánh Linh đến với mình, có lẽ trước khi nhận biết rằng đó là Đức Thánh Linh không? Có phải đây là những giây phút thiêng liêng, đặc biệt không?

Mỗi ngày, chúng ta nên đói khát sự hiểu biết thuộc linh. Cách thực hành cá nhân này được dựa trên việc học hỏi, suy ngẫm và cầu nguyện. Đôi khi chúng ta có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng: “Tôi không cần phải học thánh thư hôm nay; tôi đã đọc tất cả thánh thư trước đây rồi” hoặc “Tôi không cần phải đi nhà thờ ngày hôm nay; ở đó không có gì mới mẻ cả.”

Nhưng chúng ta có thể luôn luôn học được những điều mới mẻ về phúc âm. Luôn luôn có một điều gì đó mới mẻ để học hỏi và cảm nhận mỗi ngày Chủ Nhật, trong mỗi buổi họp, và trong mỗi câu thánh thư. Trong đức tin, chúng ta giữ lời hứa rằng nếu chúng ta “tìm, … [chúng ta] sẽ gặp.”5

Thứ hai, đặt đức tin của các anh chị em trong các lẽ thật minh bạch và đơn giản của phúc âm. Nỗi kinh ngạc của chúng ta cần bắt nguồn từ các nguyên tắc cốt lõi của đức tin mình, trong sự thuần khiết của các giao ước và giáo lễ của chúng ta, và trong các hành động phục vụ giản dị nhất.

Một chị truyền giáo kể câu chuyện về ba người đàn ông chị đã gặp trong một đại hội giáo hạt ở châu Phi. Họ đến từ một ngôi làng hẻo lánh xa xôi đông đúc dân cư ở nơi mà Giáo Hội vẫn chưa được tổ chức, nhưng có 15 tín hữu trung thành và gần 20 người tầm đạo. Trong hơn hai tuần những người đàn ông này đã đi bộ, hành trình hơn 300 dặm (480 kilômét) trên con đường bùn lầy vì mùa mưa, để họ có thể tham dự đại hội và mang tiền thập phân của các tín hữu trong nhóm của họ. Họ dự định ở lại trong suốt một tuần lễ để có thể vui hưởng đặc ân để dự phần Tiệc Thánh vào ngày Chủ Nhật kế tiếp và sau đó hy vọng sẽ bắt đầu chuyến đi trở về và đội lên đầu mấy cái thùng chứa đầy các quyển Sách Mặc Môn để tặng cho dân chúng trong ngôi làng của họ.

Người truyền giáo làm chứng về việc chị đã cảm động biết bao trước cảm giác lạ lùng mà những người anh em này cho thấy và trước những hy sinh hết mình của họ để đạt được những điều mà đối với chị là luôn luôn có sẵn.

Chị ấy tự hỏi: “Nếu tôi thức dậy vào một buổi sáng Chủ Nhật ở Arizona và thấy rằng chiếc xe của mình không chạy, liệu tôi có đi bộ đến nhà thờ chỉ cách nhà có một vài đoạn đường không? Hoặc liệu tôi sẽ ở nhà chỉ vì đường quá xa hoặc vì trời mưa không?”6 Đây là những câu hỏi rất hay để tất cả chúng ta phải xem xét.

Cuối cùng, tôi mời các anh chị em nên tìm kiếm và trân quý sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Hầu hết những điều kỳ diệu của phúc âm không thể được những giác quan tự nhiên của chúng ta cảm nhận. Đó là những điều mà “mắt chưa thấy, tai chưa nghe, … Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài.”7

Khi chúng ta có Thánh Linh ở cùng, thì các giác quan thuộc linh của chúng ta trở nên bén nhạy và trí nhớ được khơi dậy để chúng ta không thể quên được những phép lạ và dấu hiệu mình đã chứng kiến. Đó có thể là lý do tại sao, khi biết rằng Chúa Giê Su sắp rời xa họ, thì các môn đồ Nê Phi của Ngài đã khẩn thiết cầu nguyện “điều mà họ mong muốn nhất; họ mong muốn được ban cho Đức Thánh Linh.”8

Mặc dù họ đã tận mắt thấy Đấng Cứu Rỗi và đã tận tay chạm vào vết thương của Ngài, nhưng họ biết rằng chứng ngôn của họ có thể suy giảm vì không liên tục được đổi mới bởi quyền năng của Thánh Linh của Thượng Đế. Thưa các anh chị em, đừng bao giờ làm bất cứ điều gì để có nguy cơ bị mất ân tứ quý báu và kỳ diệu này—sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Hãy tìm kiếm ân tứ này qua lời cầu nguyện tha thiết và cuộc sống ngay chính.

Tôi làm chứng rằng công việc mà chúng ta đang tham gia là “một công việc lạ lùng và một điều kỳ diệu.” Khi chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, Thượng Đế làm chứng với chúng ta “những dấu kỳ sự lạ và đủ thứ phép mầu, lại dùng sự ban cho của Đức Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra.”9 Trong ngày đặc biệt này, tôi làm chứng rằng những công việc lạ lùng và những điều kỳ diệu của phúc âm được đặt vào các ân tứ lớn nhất trong số tất cả các ân tứ của Thượng Đế—Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Đây là ân tứ hoàn hảo về tình yêu thương mà Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, đoàn kết trong mục đích, đã ban cho mỗi người chúng ta. Với các anh chị em, tôi “thật cảm kích biết bao về tình thương cao đẹp Ngài dành cho. … Chúa chẳng bao giờ hối tiếc đã quên mình vì ta!”10

Cầu xin cho chúng ta có thể luôn luôn có mắt để thấy, tai để nghe, và tấm lòng để cảm nhận được những điều kỳ diệu của phúc âm tuyệt vời này là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Lu Ca 10:23–24.

  2. 2 Nê Phi 27:26.

  3. 3 Nê Phi 2:1.

  4. “Marcel Proust,” Guardian, ngày 22 tháng Bảy năm 2008, theguardian.com/books/2008/jun/11/marcelproust.

  5. Ma Thi Ơ 7:7.

  6. Phỏng theo Lorraine Bird Jameson, “The Giants of Kinkondja” (Africa Southeast Area, 2009); web.archive.org/web/20101210013757/http:/www.lds.co.za/index.php/news-a-events/news/aseanews/91-the-giants-of-kinkondja.

  7. 1 Cô Rinh Tô 2:9.

  8. 3 Nê Phi 19:9.

  9. Hê Bơ Rơ 2:4.

  10. “Lòng Cảm Kích Vô Cùng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 22.