2016
Cơ Hội thứ Hai
April 2016


Tiếng Nói của Thánh Hữu Ngày Sau

Cơ Hội thứ Hai

Kaylee Baldwin, Arizona, Hoa Kỳ

Hình Ảnh
violin

Lần đầu gặp anh ta, tôi đang cầm cây vĩ cầm của mình.

Anh ta lê chân đến gần tôi trong khi tôi đang đi vào phòng ăn, tay cầm cây vĩ cầm.

Anh ta nói khi đến gần tôi: “Đàn vĩ cầm.”

Tôi nói: “Vâng, đúng vậy.”

Tôi chưa bao giờ thực sự nói chuyện với bất cứ với người nào bị khuyết tật và không biết phải nói gì. Anh ta đi theo tôi đến bàn ăn của tôi và ngồi bên cạnh tôi, chỉ vào cái hộp đựng cây vĩ cầm.

Anh ta nói một lần nữa: “Cây vĩ cầm.”

Tôi mở cái hộp đựng đàn ra và đôi mắt anh ta sáng lên. Anh ta búng mạnh lên mấy sợi dây đàn. Tim tôi đập mạnh khi tưởng tượng ra một sợi dây đàn bị đứt khỏi cây vĩ cầm, và tôi cẩn thận đóng lại cái hộp đựng đàn. Anh ta ôm tôi trước khi bỏ đi.

Tôi gặp anh ta thường xuyên sau sự kiện này.

Bất cứ khi nào nhìn thấy tôi, anh ta cũng quàng tay qua vai tôi và hôn lên đỉnh đầu của tôi.

Thời gian còn lại trong trường trung học, tôi luôn luôn cố gắng tránh anh ta mỗi khi nhìn thấy anh ta đi tới. Khi anh ta thấy tôi và làm tôi ngạt thở với những cái ôm và những cái hôn nhễu nhão, tôi đã chịu đựng trong một vài giây với một nụ cười gượng gạo và sau đó bỏ đi nhanh mà không thốt lên một lời.

Tôi lẩm bẩm: “Ôi thôi” khi thấy anh ta tại buổi hòa nhạc cuối cùng ở trường trung học. Sau buổi hòa nhạc, anh ta đi lang thang về phía nơi tôi đang đứng với những người bạn của tôi bên ngoài thính phòng.

Các bạn tôi lùi lại khi anh ta đến bên tôi với một nụ cười, anh dang rộng tay ra để ôm tôi.

“William!”

Tôi quay lại và thấy một người phụ nữ chạy về phía chúng tôi.

Bà ấy nói: “Xin lỗi,” và khoác tay anh ta. “William rất thích cây vĩ cầm. Nó năn nỉ tôi dẫn nó đến buổi hòa nhạc này buổi tối hôm nay. Đi thôi, con yêu.”

Cho đến lúc đó, tôi đã không nhận ra rằng tôi chưa bao giờ biết tên của anh ta. Tôi đã gặp William hai năm trước đó nhưng đã dành rất nhiều thời gian để tránh xa anh ta đến nỗi tôi đã không bao giờ cố gắng để thực sự biết anh ta. Khi tôi nhìn William và mẹ của anh ta ra về thì lòng tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng.

Nhiều năm sau, khi đã kết hôn, tôi đã sinh ra một bé trai xinh đẹp với hội chứng Down mà chúng tôi đặt tên là Spencer. Tôi thường nghĩ tới William khi tôi nhìn đứa con trai của mình, và tôi tự hỏi liệu Spencer sẽ có những kinh nghiệm tương tự hay không. Người ta sẽ tránh xa nó vì nó hôn nhiều quá hoặc ôm quá chặt không? Bạn bè của nó có cảm thấy khó chịu với những hạn chế của nó không?

Khi Spencer được bốn tháng tuổi, tôi đưa nó đi đến bệnh viện địa phương cho một cuộc hẹn. Khi đem nó ra khỏi xe, tôi thấy có hai người đang đi ra khỏi bệnh viện. Tôi không thể tin nổi, tôi nhận ra đó chính là William và mẹ của anh ta.

“William!” Tôi gọi to khi chúng tôi đến gần hơn, tim tôi đập thình thịch.

“Xin chào!” Anh ta thong thả đi ngang qua bãi đậu xe và cười rất tươi. Anh ta chìa tay ra và nắm lấy tôi với một cái bắt tay nhiệt tình.

Anh khỏe không? Tôi hỏi anh ta.

Anh ta nói: “Cây vĩ cầm,” với vẻ phấn khởi hiện rõ trong mắt.

Cây vĩ cầm. Anh ta cũng còn nhớ tôi. Tôi nghẹn ngào qua tiếng cười: “Vâng, tôi đã chơi đàn vĩ cầm.”

Trong khi chúng tôi nói chuyện, tôi dâng lên lời cầu nguyện thầm về tấm lòng thương xót dịu dàng của Cha Thiên Thượng nhân từ là Đấng biết tôi đã muốn gặp lại William một lần nữa biết bao. Tôi biết ơn rằng Thượng Đế đã thấy tôi—một người mẹ trẻ đang gặp khó khăn và quá sức chịu đựng với các vấn đề sức khỏe của đứa con trai và lo lắng cho tương lai của nó—và vì Ngài đã cho tôi một kinh nghiệm để nhắc nhở tôi rằng Ngài biết chúng ta.

In