2016
Sự Ổn Định về Phần Thuộc Linh: Đóng một Con Tàu Không Thể Chìm Được
April 2016


Sự Ổn Định về Phần Thuộc Linh: Đóng một Con Tàu Không Thể Chìm Được

Từ một buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University vào ngày 16 tháng Chín năm 2014. Để có được trọn bài nói chuyện này bằng tiếng Anh, xin vào trang mạng speeches.byu.edu.

Chúng ta cần có đủ sự ổn định về phần thuộc linh để tìm ra con đường thành công cho cuộc sống trần thế của mình và trở về ngôi nhà thiên thượng của chúng ta một cách an toàn.

Hình Ảnh
carpenter and tools

Biểu tượng và hình ảnh của con tàu © lublubachka/Thinkstock, MicheleBolero/Thinkstock, David Harding/Thinkstock

Vào đầu thế kỷ 17, vua nước Thụy Điển, Gustav II Adolf, ra lệnh đóng một chiếc tàu chiến mà sẽ được đặt tên là Vasa. Để đóng con tàu này, sẽ cần phải sử dụng rất nhiều vật liệu, nhất là gỗ sồi. Gustav Adolf Gustav Adolf giám sát chặt chẽ tiến trình đóng tàu, cố gắng bảo đảm rằng con tàu Vasa sẽ đáp ứng đươc trọn vẹn những kỳ vọng của ông.

Sau khi công trình đóng tàu bắt đầu, Gustav Adolf ra lệnh cho đóng con tàu Vasa dài hơn. Vì các khung chống ngang đã được đóng lên rồi từ loại gỗ sồi quý, nên nhà vua ra lệnh cho thợ đóng tàu phải tăng bề dài của con tàu mà không tăng bề ngang của nó. Mặc dù thợ đóng tàu biết rằng việc làm như vậy sẽ làm suy giảm khả năng chịu đựng sóng gió của con tàu Vasa nhưng họ ngại nói với nhà vua một điều mà họ biết nhưng nhà vua không muốn nghe. Họ đã làm theo. Gustav Adolf cũng khăng khăng đòi con tàu này không những có sàn tàu với súng như thường lệ mà còn có đại bác ở trên ba sàn tàu, với những khẩu đại bác nặng nhất ở tầng trên. Một lần nữa, mặc dù không nghĩ điều đó là khôn ngoan nhưng thợ đóng tàu vẫn làm theo.

Vào ngày 10 tháng Tám năm 1628, con tàu Vasa bắt đầu chuyến vượt biển đầu tiên. Sau khi con tàu Vasa rời bến cảng, một cơn gió mạnh thổi vào cánh buồm của nó, và con tàu bắt đầu nghiêng. Chẳng bao lâu, “con tàu lật và nước trào vào qua các ổ súng cho đến khi nó từ từ chìm xuống đáy biển đem theo cánh buồm, cờ hiệu và mọi thứ.”1 Chuyến vượt biển đầu tiên của con tàu Vasa đi được khoảng 1.280 mét.

Ước muốn của Gustav Adolf về một biểu tượng quyền lực ngông cuồng đã hủy hoại công trình thiết kế mà đáng lẽ phải là một con tàu lộng lẫy, một con tàu chiến hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Việc thợ đóng tàu không cho nhà vua biết về sự sai lầm của ông—họ sợ nhà vua sẽ không hài lòng—làm cho nhà vua không có được kiến thức và sự hiểu biết như họ. Tất cả điều này đã đánh mất mục tiêu của nỗ lực: nhằm bảo vệ nước Thụy Điển và hoàn thành mục tiêu của nó ở nước ngoài. Một con tàu mà cố gắng đi ngược lại với các định luật vật lý thì sẽ chỉ là một chiếc thuyền không thể nổi trên mặt nước được.

Để thành công tìm ra con đường cho cuộc sống trần thế của mình, chúng ta cần có đủ sự ổn định phần thuộc linh để đối phó với những chống đối và thử thách, có những sửa chỉnh cần thiết trong cuộc sống chúng ta, và trở về ngôi nhà thiên thượng một cách an toàn. Có những điều chúng ta có thể làm để gia tăng sự ổn định thuộc linh của mình. Tôi sẽ đề cập đến bốn điều.

Tuân Theo Các Giáo Lệnh của Thượng Đế

Điều đầu tiên là tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế. Cũng giống như con tàu Vasa phải chịu các định luật vật lý, chúng ta đều phải phụ thuộc vào các luật pháp thuộc linh. Không một ai được miễn khỏi cả. Chúng ta cần phải tuân theo những luật pháp thuộc linh, mà chúng ta nói đến là các giáo lệnh của Thượng Đế.

Gustav Adolf có thể đã cảm thấy hạn chế khi phải tuân theo các định luật vật lý trong công trình đóng tàu, nhưng con tàu Vasa có lẽ đã không bị chìm trước khi bắt đầu nhiệm vụ của nó nếu nó đã được tuân theo các luật này. Thay vì thế, nó sẽ được tự do và linh động để thực hiện điều nó đã được dự định để làm.

Do đó, cũng vậy, việc tuân theo luật pháp của Thượng Đế bảo tồn sự tự do, tính linh động và khả năng của chúng ta để đạt được tiềm năng của mình. Các giáo lệnh không nhằm hạn chế chúng ta. Thay vì thế, việc vâng lời dẫn đến sự ổn định thuộc linh và gia tăng hạnh phúc lâu dài.

Sự vâng lời là điều chúng ta chọn. Chúa Giê Su đã dạy: “Này, ta đã ban cho các ngươi những lệnh truyền; vậy hãy tuân giữ những lệnh truyền của ta” (3 Nê Phi 15:10). Điều đó thật là giản dị. Hãy quyết định đi. Quyết định ngay từ bây giờ là phải vâng lời một cách chính xác. Không có điều gì sẽ làm gia tăng thêm sự ổn định thuộc linh. Không có điều gì sẽ mang đến cho chúng ta tự do hơn để hoàn thành mục tiêu trong cuộc sống của mình.

Lưu Ý đến Lời Khuyên Dạy và Trở Thành Người Học Hỏi Suốt Đời

Hình Ảnh
carpenter’s tools

Thứ hai, chúng ta cần phải chú ý và lưu tâm đến lời khuyên dạy từ các nguồn đáng tin cậy và tự cam kết để trở thành người học hỏi suốt đời.

Một trong những mối nguy hiểm của việc đạt được kiến thức là tính kiêu ngạo mà có thể có khi chúng ta nghĩ rằng mình biết rất nhiều đến mức không còn gì để học hỏi nữa. Chúng ta đều đã thấy điều này ở những người quá trông cậy vào trí thông minh của họ. Thật là khó để dạy một người nghĩ rằng mình đã biết mọi điều.

Vì ý thức được điều này, và mong muốn được trở thành người học hỏi suốt đời, Chủ Tịch Henry B. Eyring, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã nói: “Tôi vẫn là một đứa trẻ có rất nhiều điều cần phải học. Hầu như mọi người đều có thể dạy cho tôi một điều gì đó.”2 Khi ông đưa ra lời kêu gọi tôi để làm một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, Chủ Tịch Eyring đã dạy cho tôi một bài học quan trọng. Ông nói rằng khi ông nghe một người nào đó kể một câu chuyện mà ông đã nghe rồi trước đó hoặc sử dụng một câu thánh thư mà ông rất quen thuộc thì ông đều tự hỏi: “Tại sao Chúa nhấn mạnh điều đó cho tôi vậy?” và “Tôi vẫn còn phải học hỏi điều gì nữa từ câu chuyện hoặc câu thánh thư đó?” Nếu muốn gia tăng sự ổn định thuộc linh của mình thì chúng ta sẽ sẵn lòng học hỏi và sẽ khiêm nhường đủ để chấp nhận sự hướng dẫn bất kể tuổi tác và kinh nghiệm của chúng ta.

Thật sự đó là sự lựa chọn của chúng ta. Chúng ta có thể có hoặc không—lắng nghe và chú ý đến lời khuyên dạy của các vị lãnh đạo Giáo Hội dành cho chúng ta, nhất là những người chúng ta tán trợ với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải; lời khuyên dạy của cha mẹ; và của những người bạn đáng tin cậy. Chúng ta có thể tìm cách làm một người học hỏi suốt đời—hay không làm thế. Chúng ta có thể gia tăng sự ổn định thuộc linh của mình—hay không làm thế. Nếu không gia tăng sự ổn định thuộc linh của mình thì chúng ta sẽ trở nên giống như con tàu Vasa—một con thuyền sẽ không nổi trên mặt nước được.

Phục Vụ Người Khác

Thứ ba, việc nghĩ tới người khác, quan tâm đến người khác, và phục vụ người khác làm gia tăng sự ổn định thuộc linh của chúng ta.

Khi chúng ta tập trung vào những người khác để tìm cách giúp đỡ con cái của Cha Thiên Thượng thì chúng ta sẽ có một sự tập trung rõ ràng hơn vào thời vĩnh cửu. Tôi đã thấy là khi cầu nguyện để biết được cách tôi có thể giúp đỡ người khác thì có thể dễ nhận được sự soi dẫn hơn là khi chỉ cầu nguyện cho bản thân mình.

Chúng ta có thể tin rằng tại một thời điểm nào đó trong tương lai chúng ta sẽ có điều kiện tốt hơn để giúp đỡ. Nhưng trong thực tế, bây giờ chính là lúc để giúp đỡ! Chúng ta sai lầm nếu nghĩ rằng sẽ thuận tiện hơn khi chúng ta có nhiều thời gian hơn, nhiều tiền hơn, hoặc bất cứ điều gì nhiều hơn để phục vụ người khác. Bất kể hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đều có một sự lựa chọn. Chúng ta sẽ giúp đỡ người khác hay không? Chúng ta sẽ không đậu một bài trắc nghiệm quan trọng trên trần thế nếu chúng ta không chọn giúp đỡ những người gặp hoạn nạn. Và nếu chịu giúp đỡ, chúng ta sẽ gia tăng sự ổn định thuộc linh của mình.

Đặt Chúa Giê Su Ky Tô Làm Nền Tảng của Chúng Ta

Hình Ảnh
the ship Vasa

Biểu tượng và hình ảnh của con tàu © lublubachka/Thinkstock, MicheleBolero/Thinkstock, David Harding/Thinkstock

Thứ tư, cuối cùng, và quan trọng nhất, sự ổn định thuộc linh của chúng ta gia tăng theo mức độ mà chúng ta thiết lập Chúa Giê Su Ky Tô làm nền tảng của mình.

Nếu không có Đấng Ky Tô, chúng ta cũng sẽ giống như một con tàu tròng trành trên những làn sóng vỗ. Chúng ta sẽ không có sức mạnh gì cả vì không có sự hướng dẫn. Chúng ta sẽ không có sự ổn định, nhất là trong những lúc gặp bão tố vì không có mỏ neo. Chúng ta không có sự hướng dẫn hay mục đích nào cả vì không có bất cứ điều gì để hướng tới. Chúng ta phải đặt Đấng Ky Tô làm nền tảng của mình.

Để đối phó, khắc phục, và chuẩn bị cho những chống đối và thử thách của cuộc sống, chúng ta phải tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế; trở nên khiêm nhường, sẵn lòng, và trở thành những người học hỏi suốt đời; phục vụ người khác; và thiết lập Chúa Giê Su Ky Tô làm nền tảng của cuộc sống chúng ta. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ gia tăng sự ổn định thuộc linh của mình. Không giống như con tàu Vasa, chúng ta sẽ có thể trở lại bến cảng an toàn, sau khi làm tròn số mệnh của mình.

Ghi Chú

  1. Thư gửi từ Hội Đồng Thụy Điển của Vương Quốc cho Vua Gustav II Adolf; bản dịch được trích dẫn trong Richard O. Mason, “The Vasa Capsizes,” virtualschool.edu/mon/CaseStudies/Vasa/vasa.html. Có nhiều câu chuyện về con tàu Vasa; xin xem, chẳng hạn như vasamuseet.se/en để biết lịch sử và những đường kết nối khác.

  2. Henry B. Eyring, trong Robert I. Eaton và Henry J. Eyring, I Will Lead You Along: The Life of Henry B. Eyring (2013), 409.

In