2017
Một Con Voi trong Lớp Học
October 2017


Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi

Một Con Voi trong Lớp Học

Các buổi họp hội đồng giảng viên không phải chỉ thay đổi cách chúng ta giảng dạy mà đang thay đổi cách chúng ta học nữa.

elephant

Mzwakhe Sitole gặp phải một thử thách. Là chủ tịch Trường Chủ Nhật của tiểu giáo khu, anh có một trách nhiệm do Thượng Đế đã ban cho để giúp cải thiện việc học hỏi và giảng dạy phúc âm trong tiểu giáo khu.1

Nhưng các tín hữu của tiểu giáo khu của anh ở Johannesburg, Nam Phi, trong một số trường hợp, có nhiều kinh nghiệm và kỳ vọng khác biệt nhau rất xa. Một số người học thức cao; một số người khác thì không như vậy. Nhiều người đã được dạy rằng nhiệm vụ của học viên là lắng nghe, chứ không phải là nói. Những người khác gặp phải thử thách gay go về văn hóa trong sự hiểu biết rằng cả những người đàn ông và phụ nữ nên tham gia vào việc giảng dạy tại nhà thờ và ở nhà.

Anh Sitole nói: “Chúng tôi cũng có các tín hữu nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhưng Thánh Linh muốn nhắc nhở mỗi một người.”

Khi các buổi họp hội đồng giảng viên và sách Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi đã được giới thiệu năm ngoái, thì các tiểu giáo khu và chi nhánh trong khắp Giáo Hội bắt đầu tổ chức các buổi họp hội đồng giảng viên để thảo luận, tìm hiểu và thực hành ý nghĩa của việc giảng dạy theo cách của Đấng Cứu Rỗi.

Chính là lúc đó Anh Sitole mới bắt đầu thấy các buổi họp hội đồng giảng viên có thể ban phước cho tiểu giáo khu của anh như thế nào. Những thử thách về văn hoá có thể được giải quyết, sự tham gia trong lớp học có thể được tăng lên, và các quan điểm khác nhau của các tín hữu có thể trở thành những phước lành.

Giống như nhiều người khác trên thế giới, Anh Sitole nhận biết rằng Chúa không sử dụng các buổi họp hội đồng giảng viên chỉ để thay đổi cách chúng ta giảng dạy; Ngài sử dụng các buổi họp này cũng để thay đổi cách chúng ta học nữa.

Một Con Voi với một Quan Điểm Độc Đáo

Một trong những khám phá thú vị nhất của Anh Sitole là khi giảng viên làm cho học sinh tham gia vào việc học của họ, thì mọi người đều hưởng lợi ích từ tầm nhìn được mở rộng mà các quan điểm khác nhau mang đến.

Sự hiểu biết đó đã đến với Anh Sitole trong một buổi họp hội đồng giảng viên, khi một tín hữu trong tiểu giáo khu chia sẻ ngụ ngôn về những người mù và con voi, chỉ với một quan điểm độc đáo. Truyện ngụ ngôn đó kể về mỗi người trong sáu người mù đã mô tả một con voi khác nhau như thế nào (cái chân giống như cây cột, cái đuôi giống như sợi dây, cái vòi giống như vòi nước, vân vân) vì mỗi người mù đó sờ tay vào một phần khác nhau.2

parts of an elephant

Anh Sitole nói: “Nhưng giả sử con voi tượng trưng cho việc giảng dạy phúc âm. Thì chúng ta cần làm cho mỗi tín hữu có khả năng chia sẻ quan điểm của họ, để chúng ta cùng nhau tiến đến sự hiểu biết chung về cách phúc âm ban phước cho tất cả chúng ta.”

Đó là lý do tại sao các giảng viên trong tiểu giáo khu của Anh Sitole luôn luôn ngồi quanh một cái bàn trong buổi họp hội đồng giảng viên—để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc thảo luận. Anh ấy nói: “Điều này nhắc nhở chúng ta rằng mọi người đều có tiếng nói bình đẳng.”

Theo như Nhu Cầu của Họ

Natsuko Soejima ở Tokyo, Nhật Bản không tin là mình có thể dạy giỏi. Chị nói: “Khi tôi được kêu gọi để làm một giảng viên Trường Chủ Nhật cho giới trẻ, tôi đã nói với vị giám trợ là tôi sẽ sợ lắm. Nhưng ông nói rằng sự kêu gọi đến từ Thượng Đế, nên tôi đã chấp nhận.”

Chung cả lớp học đã làm cho chị ấy cảm thấy sợ hãi vì những thử thách cá nhân mà họ cho thấy. Hai em thiếu niên có vấn đề với thính giác. Một số học viên đã dọn đến Nhật Bản từ các nước khác chỉ nói tiếng Anh. Chị ấy cũng e sợ sự khác biệt về tuổi tác giữa chị và các học viên của chị.

Rồi sau đó, trong một buổi họp hội đồng giảng viên, Chị Soejima đã tìm ra một câu trả lời. “Chúng tôi đã nói về việc yêu thương mỗi học viên, biết tên họ, cầu nguyện cho họ từng người một và giảng dạy—được Thánh Linh hướng dẫn—theo như nhu cầu của họ, và đó là điều tôi đã bắt đầu làm.” Chị ấy cũng đã làm một việc khác mà chị đã học được trong hội đồng: “Tôi đã sử dụng lời lẽ mà truyền đạt tình yêu thương của mình.”

Kết quả ra sao? “Lòng tôi đã thay đổi. Tôi bắt đầu cảm thấy trìu mến đối với học viên của mình. Tôi đã quan tâm đến những người vắng mặt trong lớp và cũng cầu nguyện cho họ. Ngay khi một bài học kết thúc, tôi bắt đầu chuẩn bị cho bài học kế tiếp, để có thời gian suy nghĩ về các cơ hội giảng dạy. Lòng tôi tràn ngập niềm vui.”

Các Câu Trả Lời Cụ Thể

Brad Wilson, chủ tịch Trường Chủ Nhật ở Minnesota, Hoa Kỳ, đã bảo đảm rằng các giảng viên trong buổi họp hội đồng giảng viên không ra về cho đến khi họ đã thảo luận về cách họ sẽ thay đổi nhờ vào điều mà họ đã học được.

Anh Wilson nói: “Chúng tôi tuân theo đề cương được cung cấp trong sách Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi. Chúng tôi thảo luận về những kinh nghiệm của giảng viên, sau đó chúng tôi thảo luận một trong những đề tài đã được đề nghị. Là người điều giải, tôi đặt câu hỏi và tóm lược những ý kiến. Sau đó, chúng tôi thi hành. Chúng tôi chia thành các nhóm nhỏ và thảo luận: ‘Tôi sẽ làm gì khác biệt nhờ vào buổi họp của chúng ta ngày hôm nay?’”

Ron Goodson, một giảng viên nhóm túc số các thầy trợ tế trong cùng tiểu giáo khu, nói rằng anh ta rất cảm kích khi thấy Anh Wilson “huấn luyện” hội đồng. Anh nói: “Chúng tôi nói về cách Đấng Cứu Rỗi sẽ giảng dạy. Sau đó, khi cảm nhận được Thánh Linh, thì anh chị em suy nghĩ, ‘Đây là điều tôi nên thử làm với lớp học của mình.’ Việc suy nghĩ về Đấng Cứu Rỗi thay đổi cách tiếp cận của anh chị em. Sẽ nói ít hơn ‘Tôi phải chuẩn bị một bài học,’ và nói nhiều hơn ‘Những thầy trợ tế này cần điều gì và tôi có thể giúp mang đến cho họ điều đó bằng cách nào?’”

Anh ấy nhớ là đã viết trong nhật ký của mình: “Tôi đã tham dự buổi họp hội đồng giảng viên ngày hôm nay, và đây là điều tôi cần phải làm.” Thực ra, nhật ký của anh ấy viết đầy các ghi chú như vậy. Bây giờ anh ấy chuẩn bị trước: “Hãy bắt đầu sớm và anh chị em sẽ được Thánh Linh soi dẫn suốt tuần.” Anh hỏi các thầy trợ tế về những điều xảy ra trong cuộc sống của họ: “Tôi sẽ hữu hiệu hơn trong việc giúp đỡ họ khi tôi biết họ rõ hơn.” Và anh ấy mời các thầy trợ tế giúp giảng dạy: “Khi làm như vậy, họ cũng được học hỏi nhiều hơn.”3

Tôi Vẫn Tiếp Tục Hát

Jocelyn Herrington, một giảng viên Hội Thiếu Nhi trong cùng tiểu giáo khu ở Minnesota, nói: “Trong hội đồng của mình, chúng tôi đã nói về cách thức âm nhạc có thể mời gọi Thánh Linh. Về sau, tôi dạy các em lớp Sunbeams. Tôi đã nghĩ: ‘Tôi sẽ hát trong khi các em tô màu, và điều đó sẽ được tốt đẹp.’ Tôi bắt đầu hát, và các em đều dừng lại và lắng nghe. Vì vậy, tôi vẫn tiếp tục hát. Điều đó quả thật đã mang đến Thánh Linh, và khi tôi hát xong, các em nghiêm trang chờ tôi nói. Chúng tôi cũng đã nói về điều đó [trong hội đồng] để chia sẻ chứng ngôn khi có cơ hội. Vì vậy, tôi đã chia sẻ chứng ngôn bằng lời mà các em có thể hiểu được.”

Chị Herrington nói rằng chị biết ơn việc các giảng viên trong Hội Thiếu Nhi đã được mời tham dự các buổi họp hội đồng. Chị nói: “Chúng tôi nói chuyện về việc giảng dạy cho người lớn, nhưng sau đó, Anh Wilson sẽ nói: ‘Còn về việc giảng dạy cho giới trẻ thì sao? Còn về việc giảng dạy cho trẻ em thì sao?’ Anh ấy nhắc nhở chúng tôi rằng ở đó đều có tất cả các độ tuổi khác nhau.”

Từ Hội Đồng Này tới Hội Đồng Khác

Adam Martin, chủ tịch Trường Chủ Nhật trong tiểu giáo khu ở Calgary, Alberta, Canada, nói rằng ông biết ơn về những đề nghị từ hội đồng tiểu giáo khu. Ông nói: “Chủ tịch Hội Phụ Nữ hoặc chủ tịch nhóm túc số các anh cả sẽ nói: ‘Chúng tôi muốn các giảng viên tập trung vào điều này,’ vì vậy chúng tôi thảo luận về điều đó trong [buổi họp] hội đồng giảng viên.”

Khi các buổi họp hội đồng giảng viên bắt đầu lần đầu tiên, các giảng viên đã không chắc mình sẽ trông đợi điều gì, vậy nên ông đã đưa ra nhiều lời mời cá nhân và đã giới thiệu các tài liệu huấn luyện có sẵn trên trang mạng teaching.lds.org. Ông nói: “Hiện giờ các buổi họp hội đồng giảng viên diễn ra thường xuyên. Họ biết đó là một nơi để thảo luận về điều gì đang xảy ra.”

Một buổi họp mới gần đây đã tập trung vào việc tuân theo Thánh Linh. Ông nói: “Chúng tôi đã nói chuyện về việc chuẩn bị kỹ nhưng không phải lo lắng về việc phải giảng dạy hết mọi điều. Một chị phụ nữ nọ nói rằng chị ấy đã luôn luôn cảm thấy là cần phải dạy mọi điều trong dàn bài của chị. Anh chị em có thể thấy là chị ấy đã bắt đầu nhận biết rằng không cần phải dạy tất cả mọi điều khi chúng ta nói về việc tuân theo sự soi dẫn trong khi anh chị em hướng dẫn một cuộc thảo luận.”

Cùng Nhau Tìm Kiếm Các Giải Pháp

elephant on a table

Mỗi tình huống giảng dạy gồm có những cơ hội, thử thách và phước lành tiềm ẩn của tình huống đó. Đó là lý do tại sao các hội đồng được hữu hiệu vì chúng cho phép các giảng viên, với sự giúp đỡ của Thánh Linh, tìm kiếm và tìm ra những giải đáp cho những thử thách cụ thể của họ.

Geoffrey Reid, chủ tịch Trường Chủ Nhật giáo khu ở Arizona, Hoa Kỳ, nói rằng các buổi họp hội đồng giảng viên sẽ hoạt động hữu hiệu nhất khi giảng viên hiểu rằng mục đích của họ là hội ý với nhau: “Rồi họ thấy rằng họ có thể giúp đỡ lẫn nhau.”

Ông nói rằng giáo khu đang tập trung vào việc giúp giảng viên thay đổi lối suy nghĩ từ “Tôi có làm giỏi không?” đến lối suy nghĩ “Sứ điệp đã được tiếp nhận như thế nào?”

Marisa Canova, giảng viên Hội Thiếu Nhi trong giáo khu, nói rằng để đáp lại sự thúc giục chị đã cảm thấy trong hội đồng giảng viên, bây giờ chị khuyến khích các học viên trong lớp Valiant 8 của mình cầu nguyện cho nhau. Điều đó đã có hiệu quả, nhưng có thể không hữu hiệu theo cách tương tự cho một lớp của người lớn. Chị nói: “Cầu nguyện cho mỗi tín hữu trong một lớp học Giáo Lý Phúc Âm đông người có thể là quá sức. May mắn thay, các giảng viên đó nói: ‘Anh chị em nghĩ chúng ta có thể thích nghi như thế nào với lớp học của chúng ta?’ Và chúng tôi tìm kiếm các giải pháp chung với nhau”.

Chị nói: “Điều tôi biết ơn về các buổi họp hội đồng giảng viên là các buổi họp này cho chúng tôi thời gian để suy ngẫm về cách và điều chúng tôi đang làm. Rất hữu ích khi có sự hỗ trợ và phản hồi, cảm thấy rằng anh chị em đều cố gắng hướng tới cùng một mục tiêu. Tôi cũng thích những quan điểm khác nhau mà nhiều người đã đóng góp vào các buổi họp đó. Điều đó giúp tôi suy xét về những điều mà chắc chắn là tôi sẽ không phải tự mình suy xét được.”

Khi chúng ta tham gia và chia sẻ trong các buổi họp hội đồng giảng viên, thì sự hiểu biết của chúng ta về con voi được gọi là “giảng dạy phúc âm” bắt đầu trở nên rõ ràng hơn. Giống như Anh Sitole ở Châu Phi, nhiều tín hữu trên khắp Giáo Hội đang nhận thấy rằng khi khả năng giảng dạy của chúng ta theo cách của Đấng Cứu Rỗi cải thiện, thì khả năng đó sẽ không những thay đổi cách chúng ta giảng dạy mà còn cả cách chúng ta học nữa.

Ghi Chú

  1. Xin xem Sách Hướng Dẫn 2: Điều Hành Giáo Hội (2010), 12.2.2.

  2. Truyện ngụ ngôn được gồm vào trong bài “Lẽ Thật Là Gì?” của Dieter F. Uchtdorf (Buổi họp đặc biệt devotional của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội dành cho các thành niên trẻ tuổi ngày 13 tháng Giêng năm 2013), broadcasts.lds.org; và Dieter F. Uchtdorf, “Lẽ Thật Là Gì?” Friend, tháng Ba năm 2017, 2.

  3. Để có thêm ý kiến, xin xem Brian K. Ashton, “Helping Youth Teach,” Liahona, tháng Tám năm 2016, 24–25.