Năm Bài Học dành cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi từ Các Sứ Đồ Trẻ
Hôm nay chúng ta có thể học được điều gì từ các kinh nghiệm của Các Sứ Đồ đầu tiên của Thời Kỳ Phục Hồi?
Họ ở độ tuổi từ 23 đến 35, nhưng họ đã giúp thay đổi thế giới. Các Sứ Đồ đầu tiên của Giáo Hội phục hồi đều còn trẻ. Một số người cảm thấy không thích đáng. Một số người đã mắc sai lầm. Nhưng tất cả họ đều tạo ra một sự khác biệt. Đây là năm bài học mà chúng ta có thể học được từ những kinh nghiệm của họ.
1. Các Em Không Cần Phải Cảm Thấy Mình Đủ Tốt để Tốt Đủ
Heber C. Kimball đã cảm thấy không thích đáng khi nhận được sự kêu gọi của mình vào Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ vào tháng Hai năm 1835. Ông đã ở trong Giáo Hội chưa tới ba năm và chỉ mới 33 tuổi.
Về sau Heber kể lại: “Tôi đã không hề trông mong sự kêu gọi đó.”1 Nhưng ông đã sẵn lòng chấp nhận chức vụ kêu gọi này, và trong lời ban phước của lễ sắc phong của ông, ông đã được cho biết “rằng hàng triệu người” sẽ “được cải đạo nhờ vào ảnh hưởng của ông.”2
Với tư cách là một Sứ Đồ, ông đã hai lần phục vụ truyền giáo thành công rất cao ở Anh. Ông đã cải đạo rất nhiều người mà số con cháu của họ có thể lên đến hàng triệu người ngày nay. Đối với Heber, việc chấp nhận sự kêu gọi đó ngay cả khi ông đã cảm thấy mình có rất ít để ban phát lại ban phước cho ông và nhiều người khác.
2. Chúng Ta Được Định Rõ bởi Các Quyết Định, Chứ Không Phải bởi Hoàn Cảnh
Thomas B. Marsh bỏ trốn khỏi nhà ở New Hampshire khi mới 14 tuổi. Ông làm công nhân trong một nông trại ở Vermont; làm người bồi bàn ở Albany, New York; làm cho một khách sạn ở New York City; rồi đi ở mướn ở Long Island. Hoàn cảnh của ông bấp bênh cho đến khi ông gặp và kết hôn với Elizabeth Godkin.
Cuối cùng, ông và Elizabeth đã được Thánh Linh dẫn dắt đến miền tây New York. Ở đó, họ đã nghe nói về Sách Mặc Môn. Thomas đã thấy được các bản in với 16 trang đầu tiên khi mới in ra, và chủ nhà in đã cho phép ông đọc bản in thử. Vì tin là sách này là của Thượng Đế, nên Thomas đã chọn gia nhập Giáo Hội. Ông chịu phép báp têm vào ngày 3 tháng Chín năm 1830.3
Thomas thuyết giảng phúc âm ở nhiều khu vực khác nhau. Ông đã chịu đựng nỗi thống khổ khi Các Thánh Hữu bị đuổi ra khỏi Jackson County, Missouri vào tháng Mười Một năm 1833. Ông là thành viên đầu tiên của hội đồng thượng phẩm Missouri khi được tổ chức vào tháng Bảy năm 1834. Sau khi được kêu gọi với tư cách là Sứ Đồ ở tuổi 34, ông đã phục vụ với tư cách là Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai. Mặc dù đã từng sốt sắng bênh vực cho Joseph Smith chống lại những người ly khai trong quá khứ, nhưng cuối cùng chính Thomas cũng bị vỡ mộng. Năm 1838, ông chọn rời bỏ Giáo Hội.4
Chúng ta có thể học được từ Thomas Marsh rằng những hoàn cảnh bấp bênh không cần phải ngăn giữ chúng ta khỏi các phước lành của phúc âm—hay khỏi việc ban phước cho cuộc sống của những người khác.
3. Hãy Cẩn Thận: Ai Cũng Có Thể Sa Ngã Cả
Lyman Johnson là người trẻ nhất trong số những người được kêu gọi—23 tuổi và bốn tháng vào thời điểm đó. Ông đã được sắc phong thầy tư tế thượng phẩm chỉ một vài ngày sau khi tròn 20 tuổi vào năm 1831 và đã vài lần phục vụ truyền giáo cho Giáo Hội. Trong một lần phục vụ truyền giáo, ông đã thuyết giảng một bài được nhớ tới như là “một trong những chứng ngôn mạnh mẽ nhất liên quan đến sứ mệnh của Joseph Smith, và công việc vĩ đại của những ngày sau cùng.”5
Rủi thay, sự phục vụ của Lyman với tư cách là một Sứ Đồ đã không được lâu dài. Trong thời kinh tế hỗn loạn ở Kirtland, Ohio năm 1837, ông đã chống lại Joseph Smith. Lyman bị khai trừ vào năm 1838.
Cho dù ông có thể thuyết giảng hay đến đâu đi nữa, cho dù ông có giữ chức phẩm nào trong Giáo Hội, nhưng Lyman vẫn sa ngã. Brigham Young nói rằng về sau Lyman thú nhận rằng ông ước gì đã còn có thể vẫn tin vào phúc âm: “Lúc ấy lòng tôi đã tràn đầy niềm vui và hân hoan. … Tôi được vui vẻ ban ngày và ban đêm. … Còn bây giờ thì là bóng tối, nỗi đau đớn, buồn phiền, đau khổ vô cùng.”6
4. Sự Vâng Lời Không Bảo Đảm Cuộc Sống Được Dễ Dàng, nhưng Rất Đáng Bõ Công
Sau khi Parley P. Pratt được sắc phong Sứ Đồ, Oliver Cowdery, một trong những người được chỉ định để giúp chọn Các Sứ Đồ, đã đưa ra một trách nhiệm đặc biệt cho Parley, nói rằng ông “sẽ gặp phải cùng những khó khăn khi hoàn thành giáo vụ này giống như Các Sứ Đồ thời xưa đã gặp phải.” Ông nói rằng Parley sẽ phải đối mặt với “những ngục tối khắc nghiệt và những nhà tù tối tăm,” nhưng ông không nên nản chí trước những hoàn cảnh như vậy vì những thử thách này sẽ làm cho ông “nhận được vinh quang” mà Chúa đã dành cho ông.7
Cuộc đời của Parley đã theo mẫu mực đó. Đôi khi ông phải đối mặt với tình trạng nghèo khổ cùng cực. Ông đã trải qua lời chế giễu khi ông thuyết giảng phúc âm. Ông bị cầm tù năm 1838 và 1839 vì những cáo buộc bắt nguồn từ những khó khăn mà các tín hữu Giáo Hội đã gặp phải ở Missouri. Tuy nhiên, Parley cũng đã nhận được các phước lành mà Oliver đã hứa. Chẳng bao lâu sau khi được thả ra khỏi nhà tù, ông đã viết: “Chúng tôi khỏe mạnh và được thịnh vượng nhiều trong Chúa, sau khi chịu đựng tất cả nỗi thống khổ của mình.”8
5. Tuổi Tác Không Quan Trọng Nhiều bằng Đức Tin
Orson Pratt, em trai của Parley, là người trẻ thứ hai trong số Các Sứ Đồ. Được sắc phong ở tuổi 23, ông chỉ lớn hơn Lyman Johnson một vài tuần. Việc Orson đã phục vụ cho Giáo Hội mang đến một tấm gương tuyệt hảo về cách mà những người thành niên trẻ tuổi có thể là một ảnh hưởng tốt lành.
Orson đã chịu phép báp têm vào ngày 19 tháng Chín năm 1830—vào ngày sinh nhật thứ 19 của ông. Không lâu sau đó, Joseph Smith đã nhận được một điều mặc khải cho ông nói rằng Orson là con trai của Thượng Đế, rằng ông ta được phước vì ông đã tin và rằng trách nhiệm của ông ta là thuyết giảng phúc âm (xin xem GLGƯ 34:3–6). Do đó, Orson đã phục vụ truyền giáo rất nhiều lần, kể cả một lần cùng với Lyman Johnson vào năm 1832, trong đó họ đã làm báp têm cho gần 100 người và sắc phong cho vài anh cả.
Khi Orson được kêu gọi với tư cách là Sứ Đồ thì ông không ở Kirtland. Vào ngày 23 tháng Tư năm 1835, tại thành phố Columbus, ông được biết rằng ông cần có mặt ở một buổi họp ở Kirtland vào ngày 26 tháng Tư.
Tuy không biết mục đích của buổi họp, ông lập tức đi đến đó ngay. Ông không biết rằng mình đã được kêu gọi với tư cách là Sứ Đồ và ông bước vào trong khi giáo đoàn đang “cầu nguyện, và mong muốn là ông sẽ tới.”9 Vì cảm thấy được Các Thánh Hữu ủng hộ nên Orson đã chấp nhận sự kêu gọi.
Với tư cách là một Sứ Đồ, ông đã soạn một cuốn sách nhỏ tường thuật lại Khải Tượng Thứ Nhất của Joseph Smith mà đã được in sớm nhất. Là một người tiền phong vào năm 1847, ông đã lưu giữ một bản ghi chi tiết về chuyến đi về miền tây. Ông cũng đã viết nhiều cuốn sách nhỏ cho người truyền giáo và là một người bênh vực hùng hồn cho Sách Mặc Môn.
Ngày Nay Là Khác … Hoặc Có Khác Không?
Trong nhiều phương diện, những người thành niên trẻ tuổi ngày nay là khác với những người thành niên vào năm 1835. Tuy nhiên, những bài học này có thể giúp những người thành niên trẻ tuổi ngày nay cố gắng sống theo tiềm năng của họ. Dưới đây là một bản tóm lược:
-
Nếu các em cảm thấy không thích đáng thì cũng cứ tiến bước.
-
Mọi người đều có thử thách. Các em có thể khắc phục được thử thách của mình.
-
Các em sẽ được vui vẻ hơn nếu vẫn luôn tích cực trong Giáo Hội.
-
Cam kết luôn luôn. Hãy vâng lời và trung tín. Phước lành sẽ đến.
-
Các em đã có một điều quan trọng để ban phát. Chúa đang trông cậy nơi các em.