Cách Chúng Ta Có Thể Giải Quyết Nạn Lạm Dụng Ngược Đãi
Dưới đây là một số đề nghị dành cho các nạn nhân bị lạm dụng ngược đãi, các vị lãnh đạo Giáo Hội và gia đình của họ.
Đấng Cứu Rỗi đã nghiêm nghị phán về nạn lạm dụng ngược đãi: “Song, nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin ta sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá vào cổ, mà quăng nó xuống đáy biển còn hơn” (Ma Thi Ơ 18:6; xin xem thêm Mác 9:42; Lu Ca 17:2).
Sự lạm dụng ngược đãi là đối xử tàn tệ hoặc bỏ bê người khác (chẳng hạn như một đứa con hay người phối ngẫu, người già hoặc người khuyết tật) theo cách mà gây tổn hại về thể chất, cảm xúc hoặc tình dục. Quan điểm của Giáo Hội là sự lạm dụng ngược đãi không thể được dung thứ dưới bất cứ hình thức nào.
Những ý kiến sau đây có thể giúp đỡ, cho dù anh chị em là nạn nhân của sự lạm dụng ngược đãi hay là vị lãnh đạo Giáo Hội hoặc cha mẹ của nạn nhân.
Đối với Nạn Nhân
Là nạn nhân1 bị lạm dụng ngược đãi, anh chị em không thể bị đổ lỗi cho sự lạm dụng ngược đãi mà anh chị em đã trải qua, cũng như anh chị em không cần được tha thứ cho những hành động mà người nào đó đã gây ra cho anh chị em. Anh chị em có thể tự hỏi làm thế nào mà Đấng Cứu Rỗi có thể giúp chữa lành cho anh chị em. Anh chị em có thể nghĩ rằng sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi chỉ dành cho những người phạm tội và cần phải hối cải.
Vậy Đấng Cứu Rỗi giúp anh chị em như thế nào? Vì sự hy sinh của Ngài nên Ngài hiểu. Đấng Cứu Rỗi có sự đồng cảm thiêng liêng. Mặc dù chúng ta có thể không biết chính xác cách Đấng Cứu Rỗi đã có thể cảm nhận được tất cả những nỗi đau đớn của chúng ta, nhưng chúng ta có thể tin rằng Ngài hiểu mỗi người nam, người nữ và trẻ em theo một cách hoàn hảo (xin xem 2 Nê Phi 9:21). Ngài có thể ban cho sự bình an và sức mạnh để tiếp tục tiến bước.2
Qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi giúp đỡ những người bị tổn thương. Ngài có thể giúp đỡ “bằng sự chữa lành và đền bù cho bất cứ nỗi đau khổ nào mà chúng ta phải chịu đựng một cách oan ức.”3
Bất kể khi nào hoặc bằng cách nào người phạm tội phải chịu trách nhiệm, anh chị em có thể “yên tâm rằng Đấng Phán Quan Hoàn Hảo, Chúa Giê Su Ky Tô, với một kiến thức hoàn hảo về các chi tiết, sẽ bắt tất cả những kẻ lạm dụng ngược đãi phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi bất chính.”4 Cũng nên biết rằng những người “ngược đãi người phối ngẫu hay con cái … một ngày kia sẽ đứng chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế.”5
Đối với Các Vị Lãnh Đạo Giáo Hội
Tất cả các vị lãnh đạo và giảng viên nào phục vụ giới trẻ và trẻ em đều được yêu cầu phải tham gia khóa huấn luyện trực tuyến “Bảo Vệ Trẻ Em và Giới Trẻ.”6
Không một vị lãnh đạo nào của Giáo Hội nên bác bỏ một báo cáo về nạn lạm dụng ngược đãi hoặc khuyên bảo một tín hữu không nên trình báo các hành động phạm tội.7 Các vị lãnh đạo và tín hữu Giáo Hội nên làm tròn tất cả các nghĩa vụ pháp lý để trình báo hành vi lạm dụng ngược đãi cho chính quyền dân sự. Tuy nhiên, các khu vực có những luật lệ trình báo khác nhau. Một số khu vực đòi hỏi các vị lãnh đạo Giáo Hội phải liên lạc với cơ quan thực thi pháp luật, nhưng các khu vực khác thì cấm điều đó.
Điều quan trọng cho các vị lãnh đạo là phải hiểu rằng các nạn nhân bị lạm dụng ngược đãi có thể gặp khó khăn trong việc tin cậy người khác—nhất là những người nắm giữ chức vụ có thẩm quyền. Tình huống có thể đầy thử thách về mặt cảm xúc; sự khó khăn của nạn nhân khi nói về vấn đề này có thể không liên quan đến cá nhân anh chị em trong bất kỳ cách nào. Chỉ riêng việc gặp gỡ các vị lãnh đạo cũng có thể cảm thấy đáng sợ đối với những nạn nhân bị lạm dụng ngược đãi. Các nạn nhân có thể mời một người thành niên đáng tin cậy đi cùng khi họ gặp gỡ các vị lãnh đạo chức tư tế.8
Bất kể khi người nào đó bị lạm dụng ngược đãi thì người đó đều có thể nhận hưởng sự hỗ trợ và giúp đỡ chuyên nghiệp. Hầu hết các nạn nhân được chữa lành hữu hiệu nhất khi những cảm giác của họ được xác nhận, họ cảm thấy an toàn và được bảo vệ, họ cảm thấy người nào đó tin họ và hiểu sự lạm dụng ngược đãi đã ảnh hưởng đến họ như thế nào. Sự hỗ trợ có thể giúp họ tìm thấy sự bình yên và không cảm thấy đơn độc khi họ cố gắng tìm kiếm sự chữa lành.9
Tiêu chuẩn phải là chống lại nạn lạm dụng ngược đãi bất kể ai có liên quan. Tuy nhiên, khi những người phạm tội nắm chức vụ có thẩm quyền và sự tin cậy, thì hành vi lạm dụng ngược đãi sẽ càng nghiêm trọng hơn và có thể gây tổn hại nhiều hơn cho nạn nhân. Những người ở vị trí đáng tin cậy mà lạm dụng ngược đãi người khác cần phải được đòi hỏi một tiêu chuẩn cao hơn vì họ đã vi phạm lòng tin của nạn nhân. Giáo Hội có chính sách không dung thứ đối với hành vi lạm dụng ngược đãi, và chính sách đó là đặc biệt đúng đối với những người ở vị trí đáng tin cậy và có thẩm quyền.
Đối với Các Bậc Cha Mẹ
Mặc dù những câu chuyện về nạn lạm dụng ngược đãi bởi một người nào đó có thẩm quyền nhận được chú ý nhiều hơn trong tin tức nhưng các nạn nhân thường bị lạm dụng ngược đãi bởi một người nào đó mà họ quen biết. Người phạm tội có thể là một người trong gia đình, một người thân quyến họ hàng hoặc một người hàng xóm. Người phạm tội có thể ở bất cứ mọi lứa tuổi. Người phạm tội hiếm khi là một người hoàn toàn xa lạ.10
Nhưng có một số dấu hiệu về nạn lạm dụng ngược đãi mà chúng ta có thể dạy cho con cái mình biết để giúp chúng nhận ra và tránh nó. Hãy dạy con cái của anh chị em biết rằng nếu một người nào đó bảo chúng làm điều gì đó mà chúng biết là sai thì chúng có thể nói không. Dưới đây là một số ví dụ về cách những người phạm tội có thể ép buộc, đe dọa hoặc dụ dỗ nạn nhân:
-
Những kẻ xâm hại sử dụng chức vụ, thẩm quyền, tuổi tác, vóc dáng hoặc kiến thức của họ để ép buộc nạn nhân làm theo điều họ muốn.
-
Họ nói rằng họ không muốn trở thành bạn của nạn nhân trừ khi nạn nhân làm theo lời họ.
-
Họ lấy một thứ gì đó và sẽ không trả lại trừ khi nạn nhân làm theo lời họ.
-
Họ đe dọa sẽ tung tin dối trá về nạn nhân trừ khi nạn nhân nhượng bộ.
-
Họ tặng quà, ân huệ hoặc phần thưởng khác để đạt được những gì họ muốn.
-
Họ nói với nạn nhân rằng sẽ không có ai tin nạn nhân đâu và nạn nhân sẽ gặp rắc rối nếu nói với ai đó về sự lạm dụng ngược đãi.
-
Họ đe dọa sẽ làm tổn thương nạn nhân hoặc một người thân nếu nạn nhân không làm theo lời họ.11
Việc giải quyết nạn lạm dụng ngược đãi là một tình huống phức tạp. Không có câu trả lời đơn giản nào, nhưng chúng ta có thể tìm thấy niềm an ủi lớn lao nơi những lời của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ: “Không có nỗi đau đớn thể xác nào, nỗi thống khổ nào của tâm hồn, nỗi đau khổ nào của tinh thần hoặc nỗi đau lòng nào, sự đau ốm hay yếu đuối nào mà các anh chị em hay tôi đối phó trên trần thế mà Đấng Cứu Rỗi đã không trải qua trước. Trong một giây phút yếu đuối, chúng ta có thể thốt lên: ‘Không một ai biết điều này như thế nào cả. Không một ai hiểu cả.’ Nhưng Vị Nam Tử của Thượng Đế hoàn toàn hiểu, vì Ngài đã cảm nhận và mang lấy gánh nặng của riêng chúng ta. Và vì sự hy sinh vô hạn và vĩnh cửu của Ngài (xin xem An Ma 34:14), nên Ngài có thể hoàn toàn thấu cảm và có thể ban cho chúng ta vòng tay thương xót của Ngài. Ngài có thể tìm đến, ảnh hưởng, giúp đỡ, chữa lành, và củng cố chúng ta cùng giúp chúng ta làm điều chúng ta có thể không bao giờ làm được nếu chỉ trông cậy vào khả năng của chính mình.”12
Cầu xin cho chúng ta tìm đến Hoàng Tử Bình An và qua Ngài mà tìm thấy hy vọng và sự chữa lành.