2023
Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô
Tháng Bảy năm 2023


“Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Bảy năm 2023.

Các Khái Niệm Cơ Bản về Phúc Âm

Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô

thiếu nữ với quyển thánh thư để mở trên đùi

Khi chúng ta nghĩ về các phước lành mình nhận được vì chúng ta là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta muốn chia sẻ phúc âm với những người mình yêu thương. Chúng ta có thể chia sẻ chứng ngôn của mình về lẽ thật qua lời nói và tấm gương của chúng ta. Chúng ta có thể cầu nguyện để được soi dẫn để biết nên chia sẻ phúc âm với ai và nên nói điều gì.

Chúa Giê Su tìm đến chữa lành một kẻ bại liệt

Yêu Mến Người Khác

Một phần quan trọng của việc chia sẻ phúc âm là yêu mến người khác. Khi chúng ta cho thấy tình yêu thương của mình dành cho người khác qua những hành động giống như Đấng Ky Tô, thì chúng ta đang chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô—đôi khi không nói một lời nào. Và khi người khác biết rằng chúng ta thật lòng quan tâm đến họ, thì họ có thể cởi mở hơn để lắng nghe suy nghĩ của chúng ta về phúc âm. (Xin xem Gary E. Stevenson, “Yêu Thương, Chia Sẻ, Mời Gọi,” Liahona, tháng Năm năm 2022, trang 84–87.)

Chia Sẻ theo Những Cách Thức Bình Thường và Tự Nhiên

Chúng ta có thể chia sẻ những điều chúng ta yêu thích về phúc âm. Khi làm điều này như là một phần của cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta sẽ không cảm thấy ngượng ngịu hay không thoải mái. Ví dụ, chúng ta có thể nói với gia đình và bạn bè của mình về những gì chúng ta làm vào ngày Chủ Nhật. Hoặc chúng ta có thể kể cho họ nghe về niềm vui chúng ta cảm thấy khi phục vụ người khác. (Xin xem Dieter F. Uchtdorf, “Công Việc Truyền Giáo: Chia Sẻ Những Gì Trong Đáy Lòng Anh Chị Em,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 15–18.)

Mời Người Khác đến Tham Dự cùng Chúng Ta

Chúng ta có thể mời người khác tìm hiểu thêm về phúc âm. Ví dụ, chúng ta có thể mời họ đến một buổi nhóm họp hoặc sinh hoạt trong Giáo Hội, đọc Sách Mặc Môn, xem một video của Giáo Hội, hoặc gặp gỡ những người truyền giáo. Những kinh nghiệm này có thể giúp họ cảm nhận được Thánh Linh và muốn tìm hiểu thêm.

hai phụ nữ lớn tuổi đang ngồi nói chuyện

Hãy Hỏi về Kinh Nghiệm của Họ

Sau khi bạn bè và người trong gia đình đến nhà thờ hoặc học một bài học với người truyền giáo, chúng ta có thể hỏi họ về kinh nghiệm của họ. Một số lời giảng dạy của phúc âm có thể mới mẻ đối với họ, vì thế chúng ta có thể trả lời câu hỏi mà họ có. Chúng ta có thể cho thấy tình yêu thương và hỗ trợ của mình cho nỗ lực của họ để đến cùng Đấng Ky Tô.

Thêm vào Niềm Tin của Họ

Chúng ta coi trọng và tôn trọng niềm tin của người khác, và chúng ta cố gắng thêm vào đức tin mà họ đã có rồi. Ví dụ, một người bạn tìm thấy sự an ủi trong thánh thư Kinh Thánh cũng có thể tìm thấy sự an ủi trong những lời giảng dạy mà chúng ta chia sẻ từ Sách Mặc Môn.

các thiếu nữ đang giúp một phụ nữ lớn tuổi đi qua đường

Giúp Đỡ Các Tín Hữu Mới của Giáo Hội

Khi người ta gia nhập Giáo Hội, chúng ta có thể giúp củng cố đức tin của họ. Chúng ta có thể làm bạn với họ, trả lời câu hỏi của họ, và hỗ trợ họ khi họ nhận được các chức vụ kêu gọi. Chúng ta có thể khuyến khích họ tiếp tục noi theo Chúa Giê Su Ky Tô và học hỏi về phúc âm Ngài.

hai anh cả truyền giáo và một người đàn ông đang cùng nhìn vào điện thoại

Phục Vụ Truyền Giáo Toàn Thời Gian

Ngoài việc chia sẻ phúc âm trong cuộc sống thường ngày của mình ra, các tín hữu Giáo Hội có thể được kêu gọi phục vụ với tư cách là những người truyền giáo toàn thời gian. Các thanh niên có thể phục vụ từ lúc 18 tuổi nếu sẵn sàng. Các thiếu nữ và những người lớn tuổi hơn cũng có thể phục vụ. Tìm thêm thông tin tại ChurchofJesusChrist.org/callings/missionary.