“Phục Sự với Lòng Bác Ái,” Liahona, tháng Bảy năm 2023.
Các Nguyên Tắc Phục Sự
Phục Sự với Lòng Bác Ái
Chúng ta có thể làm nên sự khác biệt sâu sắc bằng cách thể hiện tình yêu thương trong những cách thức tự nhiên.
Một Tấm Gương về Lòng Bác Ái
Ta Bi Tha (còn được gọi là Đô Ca) là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô sống ở Giốp Bê. Bà được biết đến là một “người làm nhiều việc lành và hay bố thí” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:36). Bà được yêu mến vì bà đã làm rất nhiều để yêu thương người khác. Giống như Đấng Cứu Rỗi, bà hiến dâng cả cuộc đời để phục vụ. Bà có những kỹ năng và tài năng mà bà sử dụng để làm nên sự khác biệt.
Một trong những kỹ năng này là may áo xống và áo ngoài, ít nhất là một vài trong số đó được mang cho những người góa bụa cần được giúp đỡ. Đối với những người nhận được quà của bà, bà đúng là được Thượng Đế gửi đến. Khi Phi E Rơ đến thăm sau khi bà qua đời, “hết thảy các đàn bà góa đều đến cùng người mà khóc, và giơ cho người xem bao nhiêu áo xống và áo ngoài, lúc Đô Ca còn sống ở với mình đã may cho” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:39). Ông đã rất xúc động đến mức ông đã làm cho bà sống lại từ cõi chết, mà đã khiến nhiều người tin vào Đấng Cứu Rỗi (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:40–42).
Phục Sự với Lòng Bác Ái
Lòng bác ái là tình yêu thương mà Chúa Giê Su dành cho chúng ta và tình yêu thương mà Ngài mong muốn chúng ta có cho nhau. Đó là yêu mến kẻ lân cận như mình (xin xem Ma Thi Ơ 22:37–39), đối xử với họ với cùng một lòng trắc ẩn, kiên nhẫn, và thương xót mà chúng ta mong muốn cho bản thân mình (xin xem Ma Thi Ơ 7:12). Đó là phục vụ họ, giống như Ta Bi Tha, sử dụng các ân tứ và tài năng mà mình đã được ban cho.
Chúng ta có thể làm nên sự khác biệt sâu sắc bằng cách thể hiện tình yêu thương của mình trong những cách thức tự nhiên đối với chúng ta—ngay cả nếu những điều chúng ta làm là đơn giản. Nếu anh chị em biết may giỏi thì đó có thể là một cách để phục sự, nhưng anh chị em có lẽ lại giỏi điều hành cái máy cắt cỏ hơn là cái máy khâu. Hoặc biết đâu ân tứ của anh chị em là biết cách thực sự lắng nghe và sẵn sàng đùm bọc như là một người bạn.
Phát Triển Lòng Bác Ái
Làm thế nào chúng ta có thể phát triển thuộc tính về lòng bác ái giống như Đấng Ky Tô?
-
Lòng bác ái là một ân tứ mà Cha Thiên Thượng ban cho tất cả những ai là tín đồ trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô. “Cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình yêu thương này” (Mô Rô Ni 7:48).
-
Mặc Môn đã dạy về lòng bác ái là gì: “Và lòng bác ái có thể nhịn nhục lâu dài, và là nhân từ, không ganh tỵ, không cao ngạo, không tìm lợi lộc cho cá nhân mình, không dễ bị khiêu khích, không nghĩ đến điều xấu xa, và không vui trong sự bất chính, mà chỉ vui trong lẽ thật, chịu đựng mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự và nhẫn nại mọi sự” (Mô Rô Ni 7:45). Đó không phải chỉ là những cách để cho biết khi nào anh chị em đầy ắp tình yêu thương; chúng cũng là những thuộc tính liên quan mà sẽ góp phần vào một khả năng gia tăng để yêu thương khi chúng ta phát triển chúng.
-
Lòng trắc ẩn theo sau sự đồng cảm.1 Khi chúng ta tìm cách để hiểu người khác, chúng ta tạo cho lòng bác ái cơ hội lớn lao hơn để phát triển. Tập đặt câu hỏi theo cách hữu ích và yêu thương, và rồi lắng nghe với sự kiên nhẫn và thấu hiểu.
-
Thể hiện lòng bác ái. Dành ra thời giờ của anh chị em và các nguồn lực khác, kể cả sự tha thứ của mình, cho những người cần đến nó. Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927–2018) đã dạy: “Sự tha thứ nên đi song song với tình yêu thương. … Việc đổ lỗi sẽ càng làm cho vết thương nặng thêm. Chỉ có sự tha thứ mới có thể chữa lành.”2