Lớp Giáo Lý
Mặc Môn 8:27–41; 9:1–6, 27–37: Được Viết cho Thời Kỳ của Chúng Ta


“Mặc Môn 8:27–41; 9:1–6, 27–37: Được Viết cho Thời Kỳ của Chúng Ta”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“Mặc Môn 8:27–41; 9:1–6, 27–37”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

Mặc Môn 8:27–41; 9:1–6, 27–37

Được Viết cho Thời Kỳ của Chúng Ta

Mô Rô Ni đang viết trên các bảng khắc bằng vàng

Hãy tưởng tượng là em sống cách đây hàng trăm năm nhưng biết được cuộc sống trong thời đại của chúng ta là như thế nào. Mô Rô Ni đã trải qua điều này; Chúa đã cho ông thấy thời kỳ của chúng ta. Mô Rô Ni đã mô tả những tội lỗi và thái độ thường gặp trong những ngày sau cùng. Ông mời gọi chúng ta “trở về với Chúa” (Mặc Môn 9:6) và đưa ra lời khuyên bảo khác để giúp chúng ta noi theo Chúa Giê Su Ky Tô. Bài học này có thể giúp em hiểu rằng Sách Mặc Môn đã được viết để giúp chúng ta hướng đến Chúa trong những ngày sau.

Biết Chúa Giê Su Ky Tô qua việc nghiên cứu lời của Ngài.Việc nghiên cứu thánh thư có thể giúp chúng ta đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Hãy giúp học viên tập tìm kiếm Chúa Giê Su Ky Tô khi các em học. Khi làm điều này, các em sẽ củng cố mối quan hệ của mình với Ngài và vui hưởng các phước lành của phúc âm.

Học viên chuẩn bị: Hãy cân nhắc mời học viên chuẩn bị trước khi đến lớp để sẵn sàng chia sẻ một câu thánh thư từ Sách Mặc Môn mà có thể giúp chúng ta tìm đến Chúa Giê Su Ky Tô.

Các Sinh Hoạt Học Tập Có Thể Thực Hiện

Mô Rô Ni đã viết cho chúng ta

Hãy mang theo một chiếc hộp tượng trưng cho một chiếc hộp thời gian.

Hãy tưởng tượng rằng em đã sống cách đây rất lâu và được yêu cầu viết một thông điệp sẽ được đặt trong chiếc hộp thời gian mà sẽ được mở ra trong thời kỳ của chúng ta.

Hãy cung cấp cho học viên một mảnh giấy nhỏ để viết ra câu trả lời của các em cho câu hỏi sau đây. Hãy yêu cầu học viên bỏ mảnh giấy của các em vào chiếc hộp thời gian, sau đó đọc một vài mảnh giấy cho cả lớp.

  • Em sẽ đưa ra lời cảnh báo, lời khuyên hoặc lời khích lệ nào để giúp một người nào đó vượt qua những thử thách thời nay?

Trước khi Mặc Môn qua đời, ông đã giao phó cho con trai Mô Rô Ni của mình các bảng khắc bằng vàng (xin xem Mặc Môn 8:1). Mô Rô Ni đã mô tả một cách mà Chúa đã giúp ông biết phải viết gì cho những người sống trong thời kỳ của chúng ta. Hãy đọc Mặc Môn 8:34–35; 9:30, và tìm kiếm những cách thức mà Chúa đã ban phước cho Mô Rô Ni trong trách nhiệm thiêng liêng của ông.

  • Chúa đã cho Mô Rô Ni thấy điều gì?

  • Chúng ta có thể học các lẽ thật nào từ điều này?

Một lẽ thật mà chúng ta học được là Chúa Giê Su Ky Tô đã soi dẫn các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn để viết với suy nghĩ về thời kỳ của chúng ta.

  • Việc biết rằng các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn đã nhìn thấy thời kỳ của chúng ta có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta đọc Sách Mặc Môn?

Hãy đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson (1899–1994) về các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn:

Nếu họ đã nhìn thấy thời kỳ của chúng ta, và chọn những điều sẽ có giá trị nhất đối với chúng ta, thì chẳng phải đó là cách chúng ta nên nghiên cứu Sách Mặc Môn hay sao? Chúng ta nên liên tục tự hỏi: “Tại sao Chúa soi dẫn Mặc Môn (hoặc Mô Rô Ni hoặc An Ma) đưa điều đó vào biên sử của ông? Tôi có thể học được bài học gì từ điều đó để giúp tôi sống trong thời đại ngày nay?” (Ezra Taft Benson, “The Book of Mormon—Keystone of Our Religion”, Ensign, tháng Mười Một năm 1986, trang 6)

Việc đặt ra những câu hỏi như những câu hỏi do Chủ Tịch Benson gợi ý là một kỹ năng học tập thánh thư hiệu quả mà có thể giúp học viên tìm thấy nhiều ý nghĩa và sự liên quan tới các em hơn khi nghiên cứu Sách Mặc Môn. Học viên có thể ghi lại những câu hỏi này để tham khảo khi học tập hôm nay và khi học tập cá nhân trong tương lai.

  • Em nghĩ làm cách nào mà việc đặt ra những câu hỏi này có thể cải thiện việc học thánh thư của em?

Hãy cân nhắc chia lớp thành hai nhóm hoặc chia học viên thành các cặp, mỗi em được chỉ định đọc một trong những đoạn sau. Hãy mời học viên viết điều mình tìm thấy lên trên bảng bên dưới một tiêu đề như Những Vấn Đề Thuộc Linh trong Thời Kỳ Chúng Ta. Khi cần, hãy giúp học viên hiểu được ý nghĩa của các từ ngữ trong phần mô tả của Mô Rô Ni.

Lời phát biểu của Chị Oscarson trong phần “Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin Tham Khảo” có thể giúp học viên hiểu những câu này.

Hãy đọc Mặc Môn 8:27–33 hoặc Mặc Môn 8:36–41, tìm kiếm xem Mô Rô Ni đã mô tả tình trạng thuộc linh của dân chúng trong thời kỳ của chúng ta như thế nào.

  • Em thấy tình trạng nào trong số các tình trạng được Mô Rô Ni mô tả trong xã hội của chúng ta?

  • Những thái độ và hành vi này có thể ảnh hưởng như thế nào đến niềm tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

Những giải pháp thuộc linh trong thời kỳ của chúng ta

Hãy mời học viên viết những điều các em tìm thấy trong các câu sau đây lên trên bảng bên dưới một tiêu đề như Các Giải Pháp Thuộc Linh trong Thời kỳ của Chúng Ta. Hãy giúp học viên thảo luận làm thế nào mà các giải pháp cụ thể có thể giúp chúng ta khắc phục các vấn đề thuộc linh cụ thể. Hãy đảm bảo rằng học viên có thảo luận về cách Mô Rô Ni hướng chúng ta đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô.

Mặc Môn 9:7–26 sẽ được nghiên cứu trong bài học tiếp theo.

Hãy đọc Mặc Môn 9:6, 27–31, tìm kiếm những điều Chúa đã soi dẫn Mô Rô Ni viết để giúp chúng ta vượt qua những tình trạng tiêu cực về mặt thuộc linh.

  • Mô Rô Ni đã dạy điều gì mà có thể giúp chúng ta khắc phục những tội lỗi và thái độ thường gặp trong thời kỳ của chúng ta?

  • Những lời giảng dạy nào trong số này là tốt nhất để giúp giới trẻ của thế hệ này trông cậy nhiều hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Câu hỏi tiếp theo là để suy ngẫm cá nhân, không phải để thảo luận trong lớp.

    Em nghĩ những lời giảng dạy nào trong số này có thể giúp em nhiều nhất ngay bây giờ? Tại sao?

Những lời giảng dạy trong Sách Mặc Môn

Sách Mặc Môn được viết để giúp chúng ta tin và hướng đến Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 1 Nê Phi 6:4; Mặc Môn 7:5; Mô Rô Ni 10:30, 32).

Hãy mời nhiều học viên tìm và chia sẻ những đoạn trong Sách Mặc Môn mà có thể giúp chúng ta hướng đến Chúa Giê Su Ky Tô. Học viên có thể dựa vào phần chuẩn bị của các em cho buổi học. Học viên có thể chia sẻ theo nhiều cách khác nhau—ví dụ, bằng cách viết các phần tham khảo thánh thư lên trên bảng hoặc tờ giấy mà được chuyền quanh lớp.

Hãy mời học viên chia sẻ lý do tại sao các đoạn này có ý nghĩa đối với các em. Anh chị em cũng có thể thảo luận xem làm thế nào mà những đoạn này có thể giúp chúng ta tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hướng đến Ngài (xin xem Mặc Môn 9:6).

Anh chị em cũng có thể mời học viên bỏ vào chiếc hộp thời gian một lời nhắn có ghi một câu thánh thư và thông điệp về Đấng Cứu Rỗi. Anh chị em có thể đọc những thông điệp này trong một buổi học tới.

Hãy chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy mời học viên đặt ra những câu hỏi mà Chủ Tịch Benson đã khuyến khích.