“Ngày 8–14 tháng Bảy: ‘Họ “Không Hề Bỏ Đạo.’’’ An Ma 23–29,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)
“Ngày 8–14 tháng Bảy. An Ma 23–29,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)
Ngày 8–14 tháng Bảy: Họ “Không Hề Bỏ Đạo”
An Ma 23–29
Anh chị em có đôi khi tự hỏi liệu con người ta có thể thật sự thay đổi không? Có lẽ anh chị em lo lắng liệu mình có thể khắc phục những lựa chọn sai lầm mà mình đã đưa ra hoặc những thói xấu mà mình mắc phải, hoặc anh chị em có lẽ có những lo lắng tương tự cho những người thân yêu. Nếu vậy, câu chuyện về dân An Ti Nê Phi Lê Hi có thể giúp anh chị em. Những người này từng là kẻ thù không đội trời chung của dân Nê Phi. Khi các con trai của Mô Si A quyết định đi thuyết giảng phúc âm cho dân này, dân Nê Phi “đã cười chế nhạo [họ].” Giết chết dân La Man có vẻ như là một phương án hợp lý hơn là cải đạo họ. (Xin xem An Ma 26:23–25.)
Nhưng dân La Man quả thật đã thay đổi—qua quyền năng cải đạo của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ từng được biết đến là “một dân tộc … chai đá và tàn bạo” (An Ma 17:14), nhưng họ đã trở nên “nổi tiếng về lòng nhiệt thành đối với Thượng Đế” (An Ma 27:27). Thật ra, họ “không hề bỏ đạo” (An Ma 23:6).
Có lẽ anh chị em có một số suy nghĩ hoặc hành động cần thay đổi hoặc “các khí giới phản nghịch” cần dẹp bỏ (An Ma 23:7). Hoặc có lẽ anh chị em chỉ cần nhiệt thành hơn một chút đối với Thượng Đế. Bất kể anh chị em đang cần thay đổi điều gì, thì An Ma 23–29 có thể cho anh chị em hy vọng, rằng qua quyền năng chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô, sự thay đổi lâu dài là khả thi.
Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ
Sự cải đạo của tôi theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm Ngài sẽ thay đổi cuộc đời tôi.
Dân La Man dường như không thể nào cải đạo, tuy nhiên nhiều người trong số họ đã trải qua những thay đổi kỳ diệu nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô. Những người dân La Man cải đạo này tự gọi mình là dân An Ti Nê Phi Lê Hi.
Việc đọc An Ma 23–25; 27 có thể thúc giục anh chị em suy ngẫm về sự cải đạo của chính mình. Hãy tìm hiểu xem dân An Ti Nê Phi Lê Hi đã thay đổi như thế nào—họ đã được cải đạo “theo Chúa” ra sao (An Ma 23:6). Các câu thánh thư sau đây có thể giúp anh chị em bắt đầu:
Trong những phương diện nào Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài làm anh chị em thay đổi? Có lần nào anh chị em cảm thấy gần gũi với Ngài không? Làm thế nào anh chị em có thể biết được mình đang được cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô? Thánh Linh đang thúc giục anh chị em làm gì tiếp theo?
Xin xem thêm David A. Bednar, “Được Cải Đạo theo Chúa,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 106–109; Dale G. Renlund, “Sự Cam Kết Không Lay Chuyển đối với Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 22–25.
Vì Thượng Đế đầy lòng thương xót, nên Ngài tha thứ cho tôi khi tôi hối cải.
Sự thay đổi mà dân An Ti Nê Phi Lê Hi đã trải qua không chỉ là sự thay đổi trong hành vi—mà đó là một sự thay đổi trong lòng được sinh ra bởi đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải chân thành. Anh chị em có thể tìm thấy một lẽ thật về sự hối cải ở mỗi câu trong An Ma 24:7–19. Các câu này giảng dạy điều gì về lòng thương xót của Thượng Đế đối với những người biết hối cải? Anh chị em học được thêm những lẽ thật nào từ An Ma 26:17–22?
Hãy suy ngẫm cách Thượng Đế đã cho thấy lòng thương xót của Ngài trong cuộc sống của anh chị em. Làm thế nào để anh chị em bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Ngài?
Việc chia sẻ phúc âm mang đến cho tôi niềm vui.
Từ niềm vui xuất hiện 24 lần trong An Ma 23–29, làm cho các chương này trở nên thích hợp để học cách nhận được niềm vui trong việc sống—và chia sẻ—phúc âm của Đấng Cứu Rỗi. Hãy cân nhắc việc nghiên cứu An Ma 26:12–22, 35–37; và 29:1–17, tìm kiếm những lý do tại sao Am Môn, các con trai của Mô Si A, và An Ma hân hoan. Anh chị em học được điều gì từ các đoạn này mà có thể dẫn đến nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống của mình?
Anh Cả Marcus B. Nash đã dạy: “Việc chia sẻ phúc âm mang đến sự vui mừng và hy vọng trong tâm hồn của cả người chia sẻ lẫn người lắng nghe. … Việc chia sẻ phúc âm là niềm vui về niềm vui, hy vọng nơi hy vọng” (“Hãy Đưa Cao Sự Sáng của Mình,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 71). Anh chị em đã có những kinh nghiệm nào khi chia sẻ phúc âm với những người khác? Anh chị em gặp phải những thử thách nào khi tìm cách chia sẻ phúc âm? Làm thế nào Cha Thiên Thượng có thể giúp anh chị em vượt qua những thử thách này?
Để có được lời chỉ dẫn của các vị tiên tri về cách chia sẻ phúc âm—và tìm thấy niềm vui khi làm điều đó—hãy cân nhắc việc nghiên cứu sứ điệp của Chủ Tịch Dallin H.Oak “Chia Sẻ Phúc Âm Phục Hồi,” (Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 57–60). Chúng ta tìm thấy những gợi ý nào trong sứ điệp của ông?
Hãy cân nhắc việc lập một bản liệt kê những điều anh chị em sẽ chia sẻ với một người bạn về Sách Mặc Môn. Hãy thử chia sẻ Sách Mặc Môn bằng ứng dụng Sách Mặc Môn.
Tôi có thể tìm được nơi trú ẩn trong Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.
Vào mùa thu hoạch, lúa thường được gom lại thành từng bó gọi là bó lúa và được cất vào các kho chứa, được gọi là vựa lúa. Trong An Ma 26:5–7, hãy suy ngẫm xem những bó lúa, vựa lúa và bão tố có thể tượng trưng cho điều gì trong cuộc sống của anh chị em. Làm thế nào anh chị em tìm được nơi trú ẩn trong Chúa Giê Su Ky Tô?
Xin xem thêm Russell M. Nelson, “Đền Thờ và Nền Móng Thuộc Linh của Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 93–96.
Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em
Chúa ban phước cho tôi khi tôi cố gắng giữ lời hứa với Ngài.
-
Có lẽ các bé sẽ thích chôn giấu “các vũ khí” của chúng giống như dân An Ti Nê Phi Lê Hi. Anh chị em có thể đọc một vài câu từ An Ma 24:6–24 để giảng dạy các bé về những lời hứa mà dân An Ti Nê Phi Lê Hi đã lập để noi theo Đấng Cứu Rỗi. Sau đó, anh chị em có thể nghĩ về một điều gì đó mà chúng sẽ thay đổi để noi theo Ngài, hãy viết điều đó vào trang sinh hoạt của tuần này, và giả vờ đào một cái hố và chôn giấu vũ khí của chúng.
-
Con cái của anh chị em có thể đọc An Ma 24:15–19 cùng tìm kiếm điều dân An Ti Nê Phi Lê Hi đã làm để “làm bằng chứng trước mặt Thượng Đế.” Sau đó, anh chị em có thể nói chuyện với chúng về cách mà các giao ước của chúng ta có thể là một “[minh chứng] với Thượng Đế” (câu 18). Hãy để cho các bé nói về cách chúng sẽ cho Thượng Đế thấy rằng chúng muốn noi theo Ngài.
An Ma 24:7–10; 26:23–34; 27:27–30
Tôi có thể hối cải.
-
Để giúp các bé thấy cách Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta thay đổi khi chúng ta hối cải, anh chị em có thể dạy chúng về dân An Ti Nê Phi Lê Hi. Để làm điều này, anh chị em có thể ghi lên hai cái bát là “trước” và “sau.” Sau đó, các bé có thể đọc An Ma 17:14–15 và 27:27–30, viết xuống giấy những điều mô tả dân La Man trước và sau khi hối cải, và để chúng vào cái bát tương ứng. Theo An Ma 24:7–10, điều gì đã giúp họ thay đổi? Làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình lên Thượng Đế về lòng thương xót của Ngài?
Chúa Giê Su Ky Tô mang đến cho tôi niềm vui, và tôi có thể chia sẻ niềm vui này.
-
Có lẽ anh chị em và các bé sẽ thích vẽ tranh về những điều trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà mang lại cho mình niềm vui. Hãy chia sẻ bức tranh của anh chị em với các bé, và khuyến khích chúng chia sẻ bức tranh của chúng với một ai đó để giúp người đó cũng cảm thấy niềm vui.
-
Hãy giúp các bé tìm kiếm các từ niềm vui và hoan hỷ trong An Ma 26 và 29. Điều gì đã mang đến cho Am Môn và An Ma niềm vui hoặc làm cho họ hân hoan? Câu hỏi này có thể dẫn đến một cuộc thảo luận về niềm vui đến từ việc sống theo hoặc chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
Tôi có thể giúp bạn bè tôi sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Con cái của anh chị em có thể đọc An Ma 27:22–23 cùng tìm kiếm điều dân Nê Phi đã làm để giúp dân An Ti Nê Phi Lê Hi giữ lời hứa của họ là sẽ không bao giờ đánh nhau nữa. Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ bạn bè mình giữ lời hứa của họ? Con cái của anh chị em có thể diễn lại những tình huống. Ví dụ, chúng ta có thể nói gì với một người bạn mà muốn nói dối hoặc thô lỗ với người khác?