“Ngày 22–28 tháng Bảy: ‘Gieo Trồng Lời Này vào Tim Mình.’ An Ma 32–35,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)
“Ngày 22–28 tháng Bảy. An Ma 32–35,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)
Ngày 22–28 tháng Bảy: “Gieo Trồng Lời Này vào Tim Mình”
An Ma 32–35
Đối với dân Giô Ram, cầu nguyện là đứng ở nơi tất cả mọi người có thể thấy và lặp lại những lời sáo rỗng, tự mãn. Dân Giô Ram không có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô—thậm chí chối bỏ sự hiện hữu của Ngài—và ngược đãi người nghèo khổ (xin xem An Ma 31:9–25). Ngược lại, An Ma và A Mu Léc giảng dạy rằng lời cầu nguyện liên quan đến điều diễn ra trong tấm lòng chúng ta nhiều hơn là trên một diễn đàn công khai. Và nếu chúng ta không thể hiện lòng cảm thông cho những người túng thiếu, thì lời cầu nguyện của chúng ta “vô hiệu quả, không đem lại … một lợi ích nào” (An Ma 34:28). Quan trọng nhất, chúng ta cầu nguyện vì chúng ta có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng đã đem lại sự cứu chuộc qua “sự hy sinh vô hạn và vĩnh cửu” (An Ma 34:10). An Ma đã giải thích, một đức tin như vậy xuất phát từ sự khiêm nhường và “[lòng] muốn tin” (An Ma 32:27). Theo thời gian, với sự nuôi dưỡng liên tục, lời của Thượng Đế bắt rễ trong lòng chúng ta cho đến khi nó trở thành “một cây lớn mạnh cho đến cuộc sống vĩnh viễn” (An Ma 32:41).
Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ
Tôi thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách gieo trồng và nuôi dưỡng lời của Ngài trong lòng mình.
Trong khi anh chị em đọc An Ma 32:17–43, hãy ghi chú lại các từ và cụm từ giúp anh chị em hiểu cách để thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em học được đức tin là gì và đức tin không phải là gì?
Một cách khác để học An Ma 32 là vẽ các bức hình thể hiện những giai đoạn phát triển khác nhau của một hạt giống. Rồi đặt tên mỗi bức hình bằng những từ trong An Ma 32:28–43 mà giúp anh chị em hiểu cách để trồng và nuôi dưỡng lời của Thượng Đế trong tấm lòng mình.
Xin xem thêm Russell M. Nelson, “Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 101–104.
Tôi có thể tự biết được.
Đối với những người dân Giô Ram chưa chắc chắn về chứng ngôn của An Ma về Đấng Ky Tô, An Ma đã đề nghị một cuộc “trắc nghiệm” (xin xem An Ma 32:26). Những cuộc trắc nghiệm đòi hỏi ước muốn, sự hiếu kỳ, hành động, và ít nhất là một chút đức tin—và chúng có thể dẫn đến những khám phá tuyệt vời! Hãy nghĩ về những cuộc trắc nghiệm anh chị em đã thấy hoặc tham gia. Theo An Ma 32:26–36, loại trắc nghiệm nào có thể dẫn đến đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô?
Anh chị em đã “trắc nghiệm” lời của Thượng Đế và tiến đến việc biết rằng “lời của Thượng Đế tốt” như thế nào? (An Ma 32:28).
Tôi có thể thờ phượng Thượng Đế trong lời cầu nguyện, vào bất cứ khi nào và bất kỳ nơi đâu.
Lời khuyên nhủ của An Ma và A Mu Léc về cách thờ phượng và lời cầu nguyện là nhằm sửa lại những điều mà dân Giô Ram đã hiểu sai. Hãy cân nhắc việc liệt kê những điều này (xin xem An Ma 31:13–23). Bên cạnh bản liệt kê đó, anh chị em có thể lập một bảng liệt kê những lẽ thật về lời cầu nguyện trong An Ma 33:2–11 và 34:17–29. Những điều mà anh chị em học được từ các câu này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em cầu nguyện và thờ phượng?
Anh chị em cũng có thể tìm thấy những sự hiểu biết sâu sắc từ một bài thánh ca về sự cầu nguyện, chẳng hạn như “Giờ Cầu Nguyện Ngọt Ngào” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 58).
Tôi cần Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.
Hãy lưu ý số lần A Mu Léc đã sử dụng những từ vô hạn và vĩnh cửu để mô tả sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi trong An Ma 34:9–14. Tại sao là điều quan trọng để biết rằng Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi là vô hạn và vĩnh cửu? Hãy tìm kiếm những từ và cụm từ trong các câu này mà cũng mô tả Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi: Hê Bơ Rơ 10:10; 2 Nê Phi 9:21; Mô Si A 3:13.
Ngay cả khi chúng ta biết quyền năng cứu rỗi của Chúa Giê Su là vô hạn và vĩnh cửu, đôi khi chúng ta cũng có thể nghi ngờ rằng quyền năng đó áp dụng cho chúng ta—hoặc cho một người nào đó đã phạm tội chống lại chúng ta. Anh Cả David A. Bednar đã từng nói về những người “dường như có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, nhưng lại không tin rằng các phước lành đã được hứa của Ngài là có sẵn cho họ” (“Ví Bằng Các Ngươi Biết Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2016, trang 104). Điều gì có thể ngăn không cho chúng ta nhận được quyền năng của Đấng Cứu Rỗi một cách trọn vẹn? Suy ngẫm về cách anh chị em có thể biết rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là vô hạn và vĩnh cửu.
Để suy ngẫm về việc anh chị em cần Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi biết bao, có thể hữu ích để nghĩ về một điều gì đó anh chị em cần mỗi ngày. Hãy tự hỏi: “Cuộc sống của tôi sẽ ra sao nếu không có Sự Chuộc Tội?” Sau đó, khi anh chị em học An Ma 34:9–16, hãy suy ngẫm cuộc sống của anh chị em sẽ như thế nào nếu không có Chúa Giê Su Ky Tô. Anh chị em có thể tìm thấy những sự hiểu biết sâu sắc khác trong 2 Nê Phi 9:7–9. Anh chị em sẽ tóm lược An Ma 34:9–10 trong một câu ra nào?
Xin xem thêm Michael John U. Teh, “Đấng Cứu Rỗi Của Riêng Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 99–101.
“Giờ đây là lúc và là ngày cứu rỗi của các người.”
Hãy tưởng tượng rằng anh chị em muốn tham gia một cuộc chạy đua marathon hoặc một buổi trình diễn âm nhạc. Điều gì sẽ xảy ra nếu anh chị em chờ cho đến ngày diễn ra sự kiện để chuẩn bị? Ví dụ này liên hệ đến lời cảnh báo của A Mu Léc trong An Ma 34:32–35 như thế nào? Sự nguy hiểm của việc trì hoãn các nỗ lực của chúng ta để hối cải và thay đổi là gì?
Câu 31 cũng có một sứ điệp dành cho những người có thể lo lắng rằng họ đã trì hoãn quá lâu và đã quá muộn để hối cải. Anh chị em đoán sứ điệp đó là gì?
Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em
Chúa có thể dạy dỗ tôi khi tôi chọn trở nên khiêm nhường.
-
An Ma và A Mu Léc đã thành công trong việc giảng dạy những người Giô Ram khiêm nhường. Khiêm nhường có nghĩa là gì? Hãy giúp các bé tìm một định nghĩa về sự khiêm nhường trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Chúng ta có thể tìm thấy những thông tin nào khác về ý nghĩa của từ này trong An Ma 32:13–16? Mời các bé hoàn thành một câu như “Tôi trở nên khiêm nhường khi tôi .”
Chứng ngôn của tôi về Chúa Giê Su Ky Tô phát triển khi tôi nuôi dưỡng nó.
-
Hạt, cây, và trái là những thứ quen thuộc có thể giúp các bé hiểu những nguyên tắc trừu tượng như đức tin và chứng ngôn. Hãy để cho các bé cầm một hạt giống trong khi anh chị em đọc An Ma 32:28. Sau đó, anh chị em có thể yêu cầu chúng giúp anh chị em nghĩ về những cách để phát triển chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô giống như việc gieo trồng và nuôi dưỡng một hạt giống (xin xem “Chương 29: An Ma Giảng Dạy về Đức Tin và Lời của Thượng Đế,” Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 81). Anh chị em có thể trồng hạt giống của mình và nói về điều cần thiết để giúp một hạt giống—hoặc một chứng ngôn—phát triển.
-
Có một bức hình về một cái cây trong đề cương này; anh chị em có thể sử dụng nó để minh họa những lời của An Ma trong An Ma 32:28–43. Hoặc anh chị em có thể đi dạo để tìm cây cối đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau và đọc những câu thánh thư từ An Ma 32 để so sánh một cái cây đang lớn với chứng ngôn của chúng ta. Hoặc các bé có thể vẽ một cái cây lên trên bảng và thêm vào lá hoặc một quảmỗi lần chúng nghĩ về một điều gì đó có thể làm để giúp chứng ngôn của chúng về Chúa Giê Su Ky Tô phát triển.
-
Anh chị em có thể để cho các bé cố gắng đẩy một hạt giống (tượng trưng cho lời của Thượng Đế) vào trong một viên đá (tượng trưng cho một tấm lòng kiêu ngạo) và vào trong đất mềm (tượng trưng cho một tấm lòng khiêm nhường). Cùng nhau đọc An Ma 32:27–28. Nói về ý nghĩa của việc “chừa chỗ” (câu 27) cho lời của Thượng Đế trong lòng chúng ta.
Tôi có thể cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng vào bất cứ lúc nào, về bất cứ điều gì.
-
Hãy giúp các bé tìm kiếm những cụm từ mô tả những nơi chúng ta có thể cầu nguyện (trong An Ma 33:4–11) và những điều chúng ta có thể cầu nguyện (trong An Ma 34:17–27). Chúng có thể vẽ tranh về bản thân chúng cầu nguyện ở những nơi đó. Chia sẻ với nhau những kinh nghiệm khi Cha Thiên Thượng nghe những lời cầu nguyện của anh chị em.