Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 29 tháng Bảy–Ngày 4 tháng Tám: “Hướng về Thượng Đế để Sống.” An Ma 36–38


“Ngày 29 tháng Bảy–Ngày 4 tháng Tám: ‘Hướng về Thượng Đế để Sống.’ An Ma 36–38,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)

“Ngày 29 tháng Bảy–Ngày 4 tháng Tám. An Ma 36–38,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)

Hình Ảnh
người phụ nữ đang cầu nguyện

Woman (Người Phụ Nữ), tranh do Jen Tolman họa, cấm sao chụp lại

Ngày 29 tháng Bảy–Ngày 4 tháng Tám: “Hướng về Thượng Đế để Sống”

An Ma 36–38

Khi An Ma thấy sự tà ác quanh mình, ông cảm thấy nặng trĩu “ưu sầu,” “đau thương,” và “thống khổ trong tâm hồn” (An Ma 8:14). Ông đã nói về dân Giô Ram: “Sự tà ác của dân này đã làm cho tâm hồn [tôi] đau đớn” (An Ma 31:30). Ông đã cảm thấy một điều gì đó tương tự sau khi trở về từ công việc truyền giáo cho dân Giô Ram—ông quan sát thấy rằng lòng của nhiều người dân Nê Phi “bắt đầu trở nên chai đá, và họ cũng đã bắt đầu xúc phạm vì sự nghiêm khắc của lời của Thượng Đế,” và điều này đã làm cho lòng ông “hết sức buồn khổ” (An Ma 35:15). An Ma đã làm gì về điều ông đã thấy và cảm nhận? Ông không hề trở nên nản lòng hoặc bi quan về tình trạng của thế gian. Mà thay vì thế, “ông truyền cho các con trai ông phải tụ họp lại” và dạy cho họ “những điều thuộc về sự ngay chính” (An Ma 35:16). Ông đã dạy họ rằng: “chẳng có đường lối hay phương tiện nào khác mà nhờ đó loài người có thể được cứu, chỉ ở trong và qua Đấng Ky Tô mà thôi. … Này, Ngài là lời nói của lẽ thật và sự ngay chính” (An Ma 38:9).

Những Ý Kiến để Giảng Dạy ở Nhà và ở Nhà Thờ

An Ma 36; 38:5–6

Tôi có thể được Thượng Đế sinh ra.

Ít ai trong chúng ta có được những kinh nghiệm đầy kịch tính như sự cải đạo của An Ma. Nhưng mọi người đều phải được “Thượng Đế sinh ra,” mặc dù điều đó thường diễn ra một cách từ từ (An Ma 36:23; 38:6). Khi anh chị em đọc An Ma 36, hãy nghĩ về ý nghĩa của việc được Thượng Đế sinh ra. Ví dụ, trong tiến trình được Thượng Đế sinh ra, anh chị em cảm thấy như thế nào về tội lỗi? về Chúa Giê Su Ky Tô? Việc được Thượng Đế sinh ra ảnh hưởng như thế nào đến điều anh chị em làm đối với những lỗi lầm của chính mình? Những thay đổi nào khác xảy ra trong niềm tin và hành động của anh chị em? Hãy suy ngẫm xem anh chị em đang trải qua những thay đổi này như thế nào.

Xin xem thêm Mô Si A 5:7; 27:25–26; An Ma 5:14; 22:15; Hê La Man 3:35.

An Ma 36:12–24; 38:8–9

Chúa Giê Su Ky Tô thay thế nỗi buồn bằng niềm vui.

Đôi khi người ta sợ phải hối cải, vì họ xem sự hối cải là một hình phạt đau đớn cho tội lỗi. Anh chị em nghĩ An Ma sẽ nói gì về điều đó? Để tìm hiểu, anh chị em có thể so sánh cuộc sống của An Ma đã như thế nào trước khi ông hối cải (xin xem An Ma 36:6–17) với phần mô tả của ông về bản thân sau khi hối cải (xin xem các câu 18–27). Theo An Ma 36:17–18, An Ma đã nhận được sự tha thứ này như thế nào?

Xin xem thêm Matthew S. Holland, “Ân Tứ Lớn Lao về Vị Nam Tử,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 45–47.

An Ma 37

Thánh thư đã được gìn giữ “cho một mục đích thông sáng.”

Hãy suy ngẫm về phép lạ và phước lành khi có thánh thư ngày nay! Khi anh chị em đọc An Ma 37, hãy tìm kiếm các phước lành đến từ việc có thánh thư (ví dụ, xin xem các câu 7–10, 18–19, 44–45).

Trong An Ma 37:38–47, An Ma đã so sánh “lời của Đấng Ky Tô” với quả cầu Li A Hô Na. Khi anh chị em suy ngẫm lối so sánh này, hãy nhớ đến những cách thức nhờ đó anh chị em có được phép lạ và quyền năng của những lời giảng dạy của Đấng Ky Tô “ngày này qua ngày khác” (An Ma 37:40).

Xin xem thêm D. Todd Christofferson, “Phước Lành của Thánh Thư,” Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 32–35.

Hình Ảnh
người phụ nữ đang đọc thánh thư

Thánh thư dạy chúng ta cách để noi theo Thượng Đế

An Ma 37:1–14

Hình Ảnh
seminary icon
“Chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà những chuyện lớn mới thành được.”

Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy như các vấn đề của mình quá lớn và phức tạp đến độ các giải pháp cũng phải lớn và phức tạp theo. Nhưng đó không phải lúc nào cũng là đường lối của Chúa. Khi anh chị em đọc An Ma 37:1–14, hãy suy ngẫm điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về cách Ngài làm công việc của Ngài. Sau đó, anh chị em có thể suy ngẫm và ghi lại những lần mà anh chị em thấy được nguyên tắc này trong cuộc sống của mình.

Nếu anh chị em sẽ giảng dạy nguyên tắc này cho một người nào đó, thì anh chị em sẽ sử dụng những ví dụ nào từ tự nhiên hoặc cuộc sống hằng ngày để minh họa nguyên tắc này? Anh chị em có thể tìm thấy một số ví dụ trong sứ điệp của Chủ Tịch Dallin H. Oaks “Những Chuyện Nhỏ Nhặt Tầm Thường” (Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 89–92).

Một số điều nhỏ nhặt tầm thường nào mang anh chị em đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn?

Thông thường, những lựa chọn “nhỏ nhặt tầm thường” của chúng ta tạo ra những khác biệt lớn trong cuộc sống của mình. Cân nhắc chọn một đề tài từ sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ: Sách Hướng Dẫn Đưa Ra Những Lựa Chọn và tự hỏi mình những câu hỏi như sau: Những lựa chọn của tôi về điều này ảnh hưởng đến tôi và những người xung quanh như thế nào? Tôi có thể đưa ra những thay đổi nhỏ nhặt tầm thường nào mà sẽ dẫn đến sự bình an và hạnh phúc lớn lao hơn?

Xin xem thêm Michael A. Dunn, “Một Phần Trăm Tốt Hơn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 106–108.

Sử dụng những phương tiện nhỏ nhặt tầm thường. Giống như nhiều điều khác trong cuộc sống, việc giảng dạy và học hỏi phúc âm có thể được thực hiện qua những phương tiện nhỏ nhặt tầm thường. Ví dụ, làm thế nào có thể sử dụng một chút muối hoặc men để giảng dạy về sức mạnh của những điều nhỏ nhặt tầm thường? (xin xem Ma Thi Ơ 5:13; 13:33).

An Ma 37:35–37

“Hội ý với Chúa.”

Trong An Ma 37:35–37, hãy tìm kiếm những lời mời của An Ma dành cho con trai Hê La Man của ông. Anh chị em cảm thấy được thúc giục để hành động theo lời mời nào trong số những lời mời này? Ví dụ, anh chị em có thể suy ngẫm ý nghĩa của việc “hội ý với Chúa” (câu 37). Anh chị em đã cố gắng làm điều này như thế nào? Ngài đã hướng dẫn anh chị em làm điều tốt lành như thế nào?

An Ma 38

Việc chia sẻ chứng ngôn của tôi về Chúa Giê Su Ky Tô có thể củng cố những người tôi yêu thương.

Những lời của An Ma nói với con trai Síp Lân của ông là một ví dụ điển hình về cách củng cố và khuyến khích những người chúng ta yêu thương trong việc sống theo phúc âm. Việc học An Ma 38 có thể cho anh chị em một số ý kiến để giúp những người trong gia đình và bạn bè tìm thấy sức mạnh nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy viết xuống điều anh chị em tìm được.

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

An Ma 36:6–24

Sự hối cải mang đến cho tôi niềm vui nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Để giúp các bé hiểu rằng sự hối cải mang đến niềm vui, anh chị em có thể đưa cho chúng một tờ giấy có hình mặt cười ở một bên và hình mặt buồn ở bên kia. Yêu cầu chúng lắng nghe trong khi anh chị em đọc hoặc tóm lược An Ma 36:13, 17–20 và giơ lên một trong hai khuôn mặt để cho thấy An Ma đã cảm thấy như thế nào. Các bé lớn tuổi hơn có thể viết xuống những từ hoặc cụm từ mô tả cảm nghĩ của ông. Điều gì đã làm cho An Ma buồn và điều gì đã mang đến cho ông niềm vui? Sau đó anh chị em có thể kể cho chúng về niềm vui mà anh chị em cảm nhận được khi anh chị em hối cải.

An Ma 37:6–7

“Chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà những chuyện lớn mới thành được.”

  • Con cái của anh chị em có thể thích tìm kiếm những đồ vật nhỏ mà có thể làm nên những điều lớn lao. Ví dụ như pin, chìa khóa xe hơi, hoặc thậm chí một đồ vật mà an ủi chúng. Sau đó anh chị em có thể cùng nhau đọc An Ma 37:6–7 và nghĩ về một số việc nhỏ nhặt tầm thường mà Thượng Đế muốn chúng ta làm. Những điều lớn lao nào có thể xảy ra khi chúng ta vâng theo những lệnh truyền nhỏ nhặt tầm thường này?

  • Các bé cũng có thể thử một điều gì đó như sau: bắt đầu đổ nước vào một cái ly, từng giọt một. Việc này liên quan như thế nào đến An Ma 37:6–7? Sau đó, anh chị em có thể nói về cách mà “những chuyện nhỏ nhặt tầm thường” của Chúa, chẳng hạn như việc đọc thánh thư hằng ngày, giống như những giọt nước trong một cái ly.

  • Hãy giúp các bé nghĩ về những cách giúp mang lại những điều tuyệt vời ở nhà, ở trường học, hoặc nhà thờ.

An Ma 37:38–47

Thánh thư có thể giúp đỡ tôi mỗi ngày.

  • Làm thế nào anh chị em có thể giúp các bé phát triển tình yêu thương với lời của Thượng Đế, như An Ma đã làm cho Hê La Man? Cân nhắc việc cho thấy hình ảnh quả cầu Li A Hô Na (chẳng hạn như trong Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 68), hoặc mời các bé vẽ một quả cầu trong khi chúng chia sẻ những hiểu biết về quả cầu này (xin xem An Ma 37:38–47; 1 Nê Phi 16:10, 28–29). Thánh thư giống quả cầu Li A Hô Na như thế nào?

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Hình Ảnh
thiên sứ hiện đến cùng An Ma và các con trai của Mô Si A

Angel Appears to Alma and the Sons of Mosiah (Thiên Sứ Hiện Đến cùng An Ma và Các Con Trai của Mô Si A), tranh do Clark Kelley Price họa

In