“Ngày 19–25 tháng Tám: ‘Được Quyền Năng Kỳ Diệu Của Ngài Bảo Tồn.’ An Ma 53–63,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và Ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)
“Ngày 19–25 tháng Tám. An Ma 53–63,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và Ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)
Ngày 19–25 tháng Tám: “Được Quyền Năng Kỳ Diệu Của Ngài Bảo Tồn”
An Ma 53–63
So với các đạo quân của dân La Man thì “đạo quân nhỏ bé” của Hê La Man (An Ma 56:33) gồm các thiếu niên người Nê Phi có lẽ chẳng có cơ hội chiến thắng. Ngoài việc ít ỏi về quân số, các chiến sĩ của Hê La Man “tất cả … đều còn trẻ,” và “họ chưa từng chiến đấu bao giờ” (An Ma 56:46–47). Theo một cách nào đó, tình huống của họ có vẻ như tương tự với chúng ta là những người đôi khi cảm thấy bị áp đảo về số lượng và bị lấn át trong cuộc chiến ngày sau chống lại Sa Tan và các thế lực tà ác trên thế gian.
Nhưng đội quân của Hê La Man có một số lợi thế hơn dân La Man mà không hề liên quan đến quân số hay kỹ năng quân sự. Họ đã chọn Hê La Man, một vị tiên tri, để lãnh đạo họ (xin xem An Ma 53:19); “họ đã được mẹ của họ dạy rằng, nếu họ không nghi ngờ, Thượng Đế sẽ giải thoát họ” (An Ma 56:47); và họ có “đức tin vững chắc về những điều mà họ đã được giáo huấn.” Kết quả là họ đã được bảo vệ bởi “quyền năng kỳ diệu của [Thượng Đế]” (An Ma 57:26). Vì vậy, khi đối mặt với những trận chiến trong cuộc sống, chúng ta hãy can đảm. Đạo quân của Hê La Man dạy chúng ta rằng “có một Đấng Thượng Đế công bình, và bất cứ ai không nghi ngờ đều sẽ được quyền năng kỳ diệu của Ngài bảo tồn” (An Ma 57:26).
Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ
An Ma 53:10–22; 56:43–49, 55–56; 57:20–27; 58:39–40
Việc có đức tin nơi Thượng Đế giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi.
Nếu không phải vì đức tin của họ, thì những người lính trẻ tuổi của Hê La Man có lẽ đã có lý do chính đáng để cảm thấy sợ hãi. Nhưng nhờ đức tin, họ càng có lý do để can đảm. Khi anh chị em đọc về họ trong An Ma 53–58, hãy tìm kiếm những điều giúp anh chị em đối phó với nỗi sợ hãi của mình bằng đức tin nơi Đấng Ky Tô. Hãy cân nhắc việc tập trung vào các câu sau đây: An Ma 53:10–22; 56:43–49, 55–56; 57:20–27; và 58:39–40. Bảng này có thể giúp anh chị em ghi lại những điều mình tìm thấy.
Những đặc điểm của các chiến sĩ trẻ tuổi của Hê La Man: | |
Những lý do có thể khiến đức tin của họ nơi Đấng Ky Tô rất mạnh mẽ: | |
Họ đã làm gì để thực hành đức tin nơi Đấng Ky Tô: | |
Thượng Đế ban phước lành cho họ như thế nào: |
Để chiến thắng những trận chiến thuộc linh của mình, chúng ta cũng cần quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô. Làm thế nào anh chị em có thể nhận được quyền năng của Ngài? Hãy tìm kiếm câu trả lời trong sứ điệp của Chủ Tịch Russell M. Nelson “Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta” (Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 39–42). Anh chị em có thể so sánh lời khuyên dạy của ông với điều mà những người lính của Hê La Man đã làm.
Sau khi nghiên cứu những điều này, hãy nghĩ về những trận chiến thuộc linh của riêng anh chị em. Viết ra điều anh chị em cảm thấy được soi dẫn để làm để thực hành đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Xin xem thêm Neil L. Andersen, “Bị Tổn Thương,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 83–86.
Các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô không dễ tức giận.
Hê La Man và Pha Hô Ran đều có lý do để tức giận. Hê La Man đã không nhận được sự hỗ trợ cho quân của mình, và Pha Hô Ran bị Mô Rô Ni buộc tội oan vì không hỗ trợ họ (xin xem An Ma 58:4–9, 31–32; 60). Điều gì gây ấn tượng cho anh chị em về các phản ứng của họ trong An Ma 58:1–12, 31–37 và An Ma 61? Anh chị em thấy tại sao họ đã phản ứng như vậy?
Anh Cả David A. Bednar đã chỉ ra Pha Hô Ran là tấm gương về sự nhu mì và dạy rằng “tấm gương vĩ đại và ý nghĩa nhất của sự nhu mì được tìm thấy trong cuộc đời của chính Đấng Cứu Rỗi” (“Nhu Mì và Khiêm Nhường trong Lòng,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 32). Hãy suy ngẫm cách Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy sự nhu mì. Ví dụ, xin xem Ma Thi Ơ 27:11–26; Lu Ca 22:41–42; Giăng 13:4–17. Làm thế nào anh chị em có thể noi theo tấm gương của Ngài?
Tôi có trách nhiệm nâng đỡ những người xung quanh.
Mô Rô Ni đã viết rằng Thượng Đế sẽ bắt Pha Hô Ran chịu trách nhiệm nếu ông cố tình thờ ơ với những nhu cầu của quân đội Nê Phi. Anh chị em học được điều gì từ An Ma 60:7–14 về việc chăm sóc cho những người hoạn nạn? Anh chị em có thể làm gì để gia tăng khả năng nhận biết và đáp ứng các nhu cầu của những người khác?
Nếu tôi khiêm nhường, thì những thử thách trong cuộc sống có thể hướng lòng tôi đến với Thượng Đế.
Hãy cho một quả trứng sống và một củ khoai tây vào nước sôi để giúp anh chị em nghĩ về cách anh chị em có thể chọn để “mềm lòng” hay “cứng lòng” trước những thử thách của mình. Trong khi trứng và khoai tây của anh chị em đang được nấu, hãy nghiên cứu An Ma 62:39–51, và lưu ý cách dân chúng phản ứng với giáo vụ của Hê La Man sau cuộc chiến lâu dài với dân La Man. Sau đó anh chị em có thể so sánh điều này với cách họ đã phản ứng với lời thuyết giảng của ông 13 năm trước đó (xin xem An Ma 45:20–24). Dân Nê Phi đã được ảnh hưởng một cách khác biệt như thế nào bởi cùng những nỗi thống khổ đó? Khi trứng và khoai tây đã chín, hãy đập trứng và cắt khoai tây. Nước sôi ảnh hưởng đến chúng một cách khác biệt ra sao? Anh chị em học được điều gì về cách chúng ta có thể chọn để phản ứng với nỗi thống khổ? Làm thế nào anh chị em có thể hướng về Thượng Đế trong những nỗi thống khổ của mình?
Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em
Tôi có thể trung tín với Thượng Đế giống như các chiến sĩ trẻ tuổi của Hê La Man.
-
Anh chị em có thể sử dụng nhiều nguồn tài liệu để chia sẻ câu chuyện về những người lính của Hê La Man, kể cả các bức tranh trong đề cương này và “Chương 34: Hê La Man và 2.000 Chiến Sĩ Trẻ Tuổi” (Các Câu Chuyện trong Mặc Môn, trang 93–94). Trang sinh hoạt của tuần này có thể giúp các bé nghĩ về những cách chúng có thể giống như đạo quân của Hê La Man. Cân nhắc việc chia sẻ một số đức tính của những người chiến sĩ trẻ tuổi từ An Ma 53:20–21 để giúp chúng bắt đầu.
Tôi có thể trung tín với điều mà cha mẹ tôi giảng dạy trong sự ngay chính.
-
Những chiến sĩ trẻ tuổi của Hê La Man trông cậy vào đức tin của mẹ họ khi họ gặp thử thách lớn lao. Anh chị em có thể đọc An Ma 56:46–48 với các bé và mời chúng lắng nghe điều mà những người mẹ của các chiến sĩ trẻ tuổi đã giảng dạy cho họ về đức tin. Anh chị em có thể hỏi chúng điều chúng đã học được từ cha mẹ của chúng—hoặc những người thành niên trung tín khác—về Đấng Cứu Rỗi. Tại sao việc vâng lời “một cách chính xác” là điều quan trọng? (An Ma 57:21).
-
Làm thế nào anh chị em—giống như mẹ của những chiến sĩ trẻ tuổi—đảm bảo cho các bé biết về đức tin của anh chị em nơi Thượng Đế? Một cách là chia sẻ về việc đức tin của anh chị em ảnh hưởng đến cuộc sống của anh chị em như thế nào. Ví dụ, Ngài đã “giải cứu” anh chị em như thế nào khi anh chị em “không nghi ngờ”?
Tôi có thể tuân giữ các giao ước của tôi với Cha Thiên Thượng.
-
Các bé có thể kể về một lần mà ai đó đã hứa và giữ lời hứa với chúng. Chúng đã cảm thấy gì khi lời hứa được giữ? Anh chị em có thể đọc An Ma 53:10–18 và mời các bé tìm kiếm cách Hê La Man, dân Am Môn, và các con trai của dân Am Môn đã lập và tuân giữ những lời hứa hoặc giao ước của họ. Anh chị em có thể chia sẻ cách Cha Thiên Thượng đã ban phước cho anh chị em khi anh chị em tuân giữ các giao ước của mình.
Tôi có thể chọn để không tức giận.
Cân nhắc việc mời các bé nghĩ về một lần chúng bị người khác vu khống là đã làm một việc mà chúng không làm. Hãy nói cho chúng biết điều này đã xảy ra với Pha Hô Ran như thế nào (xin xem An Ma 60–61, xin xem thêm “Chương 35: Lãnh Binh Mô Rô Ni và Pha Hô Ran,” Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 95–97). Để biết cách mà Pha Hô Ran đã phản ứng, hãy thay phiên nhau đọc các câu từ An Ma 61:3–14. Pha Hô Ran đã làm gì khi Mô Rô Ni kết tội ông? (xin xem An Ma 61:2–3, 8–9). Chúng ta học được điều gì về sự tha thứ từ tấm gương của Đấng Cứu Rỗi? (xin xem Lu Ca 23:34).