“Ngày 7–13 tháng Mười: ‘Này, Sự Vui Mừng của Ta Thật Là Trọn Vẹn.’ 3 Nê Phi 17–19,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)
“Ngày 7–13 tháng Mười. 3 Nê Phi 17–19,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)
Ngày 7–13 tháng Mười: “Này, Sự Vui Mừng của Ta Thật Là Trọn Vẹn”
3 Nê Phi 17–19
Chúa Giê Su Ky Tô chỉ vừa dành một ngày phục sự tại vùng đất Phong Phú, giảng dạy phúc âm của Ngài, cho dân chúng nhìn thấy và sờ những vết đinh trên cơ thể được phục sinh của Ngài, và làm chứng rằng Ngài là Đấng Cứu Rỗi đã được hứa. Bấy giờ đã đến lúc phải rời đi. Ngài phán: “Giờ của ta đã gần kề” (3 Nê Phi 17:1). Ngài sắp quay về với Cha Ngài, và Ngài biết rằng dân chúng cần thời gian để suy ngẫm những điều Ngài đã dạy. Vì thế, sau khi hứa sẽ trở lại vào ngày hôm sau, Ngài cho đám đông dân chúng trở về nhà họ. Nhưng không một ai chịu đi. Họ đã không nói ra cảm nghĩ của họ, nhưng Chúa Giê Su có thể cảm nhận được: họ hy vọng Ngài sẽ “ở nán lại với họ lâu hơn chút nữa” (3 Nê Phi 17:5). Ngài có những điều quan trọng khác phải làm, nhưng việc cho thấy lòng trắc ẩn đối với con cái của Thượng Đế luôn luôn là ưu tiên hơn hết đối với Ngài. Vậy nên Chúa Giê Su đã ở lại lâu hơn một chút. Điều xảy ra tiếp theo sau có lẽ là một ví dụ đẹp nhất về việc phục sự được ghi lại trong thánh thư. Những ai đã hiện diện ở đó chỉ có thể nói đó là những sự việc không thể diễn tả nổi (xin xem 3 Nê Phi 17:16–17). Chính Chúa Giê Su đã tóm tắt sự biểu lộ thuộc linh dồi dào ngoài dự định này bằng những lời giản dị và mạnh mẽ sau: “Này, sự vui mừng của ta thật là trọn vẹn” (3 Nê Phi 17:20).
Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ
Đấng Cứu Rỗi là tấm gương hoàn hảo cho tôi về việc phục sự.
Khoảng 2.500 người đã có mặt khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến, tuy nhiên Ngài biết cách để phục sự từng người một. Anh chị em nhận thấy điều gì về cách Ngài phục sự trong 3 Nê Phi 17; 18:24–25, 28–32? Ngài đã phục sự cho những nhu cầu nào? Những thuộc tính nào làm cho việc phục sự của Ngài được hữu hiệu? Anh chị em cũng có thể nghĩ về cách Ngài phục sự anh chị em. Làm thế nào anh chị em có thể noi theo tấm gương của Ngài? (Xin xem thêm 3 Nê Phi 18:24–25 và 28–32.)
3 Nê Phi 17:13–22; 18:15–25; 19:6–9, 15–36
Đấng Cứu Rỗi dạy tôi cách cầu nguyện.
Hãy tưởng tượng sẽ như thế nào nếu được nghe Đấng Cứu Rỗi cầu nguyện cho anh chị em. Một kinh nghiệm như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cách anh chị em cầu nguyện? Hãy suy ngẫm điều này khi anh chị em học 3 Nê Phi 17:13–22; 18:15–25; và 19:6–9, 15–36. Anh chị em học được điều gì từ tấm gương và những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô về sự cầu nguyện? Cân nhắc việc tìm kiếm những sự hiểu biết sâu sắc về cách thức, thời gian, địa điểm, cho ai, và lý do phải cầu nguyện. Anh chị em đạt được những sự hiểu biết sâu sắc nào khác từ các câu này?
Xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 10:5.
Tôi có thể được tràn đầy Thánh Linh khi dự phần Tiệc Thánh.
Khi chúng ta làm một điều gì đó thường xuyên, điều đó có thể trở thành thói quen. Và rồi đôi khi chúng ta làm điều đó mà không hề suy nghĩ. Làm thế nào anh chị em có thể giữ cho việc đó không xảy ra với giáo lễ Tiệc Thánh hằng tuần? Khi anh chị em đọc 3 Nê Phi 18:1–12, hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể được “tràn đầy” phần thuộc linh mỗi lần dự phần Tiệc Thánh (xin xem thêm 3 Nê Phi 20:1–9). Theo như các câu 5–7, 11, anh chị em nên “luôn luôn” làm gì? Anh chị em cũng có thể suy ngẫm lý do tại sao Chúa Giê Su đã ban cho chúng ta giáo lễ Tiệc Thánh—và liệu Tiệc Thánh có đang hoàn thành các mục đích của Ngài trong cuộc sống của anh chị em không. Tại sao tiệc thánh quan trọng đối với chúng ta?
Trong sứ điệp của ông “Luôn Luôn Tưởng Nhớ tới Ngài” (Liahona, tháng Hai năm 2018, trang 4–6), Chủ Tịch Henry B. Eyring đã đưa ra “ba đề nghị về điều anh chị em có thể nhớ mỗi tuần khi dự phần vào các biểu tượng thiêng liêng của Tiệc Thánh.” Anh chị em ấn tượng điều gì về những đề nghị của ông? Anh chị em có thể làm gì để cải thiện sự thờ phượng của mình trong lễ Tiệc Thánh và trong tuần?
Anh chị em có thể làm gì khác để sự thờ phượng có ý nghĩa hơn? Anh chị em có thể tự hỏi mình những câu hỏi như sau: “Sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của tôi như thế nào?” “Tôi đang làm tốt điều gì với tư cách là môn đồ của Ngài, và tôi có thể cải thiện điều gì?”
Xin xem thêm Ma Thi Ơ 26:26–28; Jeffrey R. Holland, “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 44–46.
Tôi có thể “giơ cao” ánh sáng của Chúa Giê Su Ky Tô.
Giả sử anh chị em có một người bạn không biết về Chúa Giê Su Ky Tô ngoại trừ việc biết anh chị em là một tín đồ của Ngài. Người bạn của anh chị em sẽ kết luận điều gì về Ngài, dựa trên hành động của anh chị em? Việc “đưa cao sự sáng của mình cho nó chiếu sáng trong thế gian” có nghĩa là gì đối với anh chị em? (3 Nê Phi 18:24). Đấng Cứu Rỗi đã đưa ra những lời mời gọi nào khác trong 3 Nê Phi 18:22–25 mà giúp anh chị em giơ cao ánh sáng đó?
Xin xem thêm Bonnie H. Cordon, “Để Họ Thấy Được,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 78–80.
Các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô tìm kiếm ân tứ Đức Thánh Linh.
Hãy nghĩ về những lời cầu nguyện gần đây của mình. Những lời cầu nguyện của anh chị em dạy cho anh chị em điều gì về những ước muốn sâu xa nhất của mình? Sau khi dành một ngày ở trong sự hiện diện của Đấng Cứu Rỗi, dân chúng “cầu xin điều mà họ mong muốn nhất”—ân tứ Đức Thánh Linh (3 Nê Phi 19:9). Vì sao mọi người mong muốn có ân tứ Đức Thánh Linh đến vậy? Khi anh chị em đọc những đoạn này, hãy suy ngẫm ước muốn của riêng mình về sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Làm thế nào anh chị em có thể tha thiết tìm kiếm sự đồng hành đó?
Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em
Đấng Cứu Rỗi yêu thương mỗi người con của Cha Thiên Thượng.
-
Anh chị em có thể sử dụng một bức hình như trong đề cương này để giúp các bé hình dung được câu chuyện trong 3 Nê Phi 17. Cân nhắc việc đọc những đoạn hoặc câu thánh thư từ 3 Nê Phi 17 mà nhấn mạnh tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho dân chúng (chẳng hạn như các câu 7 và 20–25). Sau đó các bé có thể vẽ một bức tranh về chúng đang ở cùng với Chúa Giê Su. Trong khi chúng vẽ, hãy giúp chúng nghĩ về những cách mà Chúa Giê Su đã cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho chúng.
Tôi có thể nghĩ về Chúa Giê Su khi tôi dự phần Tiệc Thánh.
-
Anh chị em có thể mời các bé kể cho anh chị em nghe những gì diễn ra trong lễ Tiệc Thánh. Sau đó, anh chị em có thể đọc 3 Nê Phi 18:1–12 và bảo các bé giơ tay lên khi chúng nghe thấy một điều gì đó tương tự với điều chúng ta làm ngày nay. Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta ghi nhớ hay suy nghĩ về điều gì trong lễ Tiệc Thánh? (xin xem 3 Nê Phi 18:7, 11).
3 Nê Phi 18:15–24; 19:6–9, 15–36
Chúa Giê Su đã dạy tôi cách cầu nguyện.
-
Anh chị em và các bé có thể đọc 3 Nê Phi 18:18–21 và nói về điều Chúa Giê Su đã dạy về sự cầu nguyện. Việc mời các bé nói cho anh chị em biết chúng cảm thấy như thế nào khi cầu nguyện có thể giúp chúng chia sẻ chứng ngôn về sự cầu nguyện.
-
Có thể là điều thú vị cho các bé đi truy tìm một số phước lành quý báu của lời cầu nguyện. Anh chị em có thể viết các đoạn tham khảo thánh thư sau đây lên những mảnh giấy và giấu chúng: 3 Nê Phi 18:15; 3 Nê Phi 18:20; 3 Nê Phi 18:21; 3 Nê Phi 19:9; và 3 Nê Phi 19:23. Sau đó, các bé có thể tìm kiếm những tờ giấy và đọc các câu này, tìm kiếm những điều Chúa Giê Su Ky Tô hoặc các môn đồ của Ngài đã dạy về sự cầu nguyện.