Hãy Đến Mà Theo Ta 2024
Ngày 25 tháng Mười Một–Ngày 1 tháng Mười Hai: “Nhờ Đức Tin Mọi Việc Sẽ Được Thực Hiện.” Ê The 12–15


“Ngày 25 tháng Mười Một–Ngày 1 tháng Mười Hai: ‘Nhờ Đức Tin Mọi Việc Sẽ Được Thực Hiện.’ Ê The 12–15,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)

“Ngày 25 tháng Mười Một–Ngày 1 tháng Mười Hai. Ê The 12–15,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024 (năm 2023)

Ê The đang bước vào hang

Ether Hiding in the Cavity of a Rock (Ê The Ẩn Mình trong Hang Đá), tranh do Gary Ernest Smith họa

Ngày 25 tháng Mười Một–Ngày 1 tháng Mười Hai: “Nhờ Đức Tin Mọi Việc Sẽ Được Thực Hiện”

Ê The 12–15

Lời tiên tri của Ê The cho dân Gia Rết thật “vĩ đại và kỳ diệu” (Ê The 12:5). Ông “đã nói với họ sự thật về mọi điều, từ lúc khởi đầu của loài người” (Ê The 13:2). Ông đã thấy trước “thời đại của Đấng Ky Tô” và Tân Giê Ru Sa Lem trong ngày sau (Ê The 13:4). Và ông nói về “hy vọng sẽ được một thế giới tốt đẹp hơn, phải, một chỗ bên tay phải của Thượng Đế” (Ê The 12:4). Nhưng dân Gia Rết đã chối bỏ lời ông, với cùng lý do khiến người ta chối bỏ những lời tiên tri từ các tôi tớ của Thượng Đế ngày nay—“vì họ không trông thấy những điều ấy” (Ê The 12:5). Cần có đức tin để tin vào những lời hứa hoặc cảnh báo về những điều chúng ta không thể thấy, cũng như cần có đức tin để Ê The tiên tri về “những điều vĩ đại và kỳ diệu” cho một dân tộc chẳng tin. Cần có đức tin để Mô Rô Ni tin cậy rằng Chúa sẽ lấy “sự yếu kém trong văn viết” của ông và làm cho điều đó trở nên mạnh mẽ (xin xem Ê The 12:23–27). Chính đức tin như vậy làm cho chúng ta “được chắc chắn vững vàng, luôn luôn dồi dào những việc làm tốt đẹp, và được dẫn dắt để tôn vinh Thượng Đế” (Ê The 12:4). Và chính nhờ đức tin như vậy mà “mọi việc sẽ được thực hiện” (Ê The 12:3).

Những Ý Kiến cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ

Ê The 12

Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có thể dẫn đến các phép lạ.

Ngày nay, cũng như trong thời của Ê The, người ta muốn thấy bằng chứng trước khi tin nơi Thượng Đế và quyền năng của Ngài. Anh chị em học được điều gì từ Ê The 12:5–6 về ý kiến này?

Khi đọc Ê The 12, anh chị em có thể ghi chú mỗi lần anh chị em tìm thấy từ “đức tin.” Hãy xem xét điều mà mỗi ví dụ này dạy về đức tin. Những câu hỏi như sau có thể giúp ích: Đức tin là gì? Việc thực hành đức tin có nghĩa là gì? Việc tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô mang đến những kết quả gì? Anh chị em cũng có thể ghi lại những suy nghĩ của mình về những bằng chứng đã có được “sau khi đức tin của [anh chị em] đã được thử thách” (Ê The 12:16).

Xin xem thêm Russell M. Nelson, “Đấng Ky Tô Đã Sống Lại; Đức Tin nơi Ngài Sẽ Dời Được Núi,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 101–104.

Hãy để cho những người khác chia sẻ, và đôi khi giảng dạy. Mọi người học hỏi tốt nhất khi họ có cơ hội để chia sẻ điều mà họ đang học hoặc thậm chí giảng dạy chính thức. Cho dù ở nhà hay ở nhà thờ, hãy cân nhắc việc cho phép những người khác, kể cả giới trẻ, giảng dạy một phần của bài học.

Ê The 12:1–9, 28, 32

Chúa Giê Su Ky Tô ban cho chúng ta một “hy vọng toàn hảo hơn.”

Ngoài những hiểu biết sâu sắc về đức tin, Ê The 12 cũng có rất nhiều điều để nói về niềm hy vọng. Hãy để những câu hỏi này hướng dẫn việc học tập của anh chị em:

  • Vì những lý do nào mà Ê The đã có “hy vọng sẽ được một thế giới tốt đẹp hơn”? (xin xem Ê The 12:2–5).

  • Mục đích của cái neo là gì? Niềm hy vọng giúp đỡ gì cho tâm hồn anh chị em mà giống với điều một cái neo làm cho một chiếc thuyền? (xin xem Ê The 12:4).

  • Chúng ta nên hy vọng điều gì? (Xin xem Ê The 12:4; Mô Rô Ni 7:41).

  • Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho anh chị em một “hy vọng toàn hảo hơn” như thế nào? (Ê The 12:32).

Xin xem thêm Mô Rô Ni 7:40–41; Jeffrey R. Holland, “Một Niềm Hy Vọng Hết Sức Xán Lạn,” Liahona, tháng Năm năm 2020, trang 81–84.

Ê The 12:23–29

biểu tượng lớp giáo lý
Chúa Giê Su Ky Tô có thể biến sự yếu kém của tôi thành sức mạnh.

Khi chúng ta đọc những lời mạnh mẽ do Mô Rô Ni viết, rất dễ để quên rằng ông đã lo lắng về “sự yếu kém trong văn viết” và sợ rằng loài người sẽ chế giễu những lời của ông (xin xem Ê The 12:23–25). Nếu anh chị em đã từng cảm thấy lo lắng về sự yếu kém của mình, hãy đọc về những khó khăn của Mô Rô Ni—và phản ứng của Đấng Cứu Rỗi—trong Ê The 12:23–29. Anh chị em cũng có thể suy ngẫm về những lúc mà Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp anh chị em nhận ra sự yếu kém của mình và làm cho anh chị em trở nên mạnh mẽ—kể cả nếu như Ngài không hoàn toàn loại bỏ sự yếu kém đó. Cũng hãy nghĩ về những yếu kém anh chị em hiện đang gặp phải. Anh chị em cần phải làm gì để nhận được lời hứa của Đấng Cứu Rỗi để “làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ”? (Ê The 12:27).

Hãy cân nhắc tra cứu các đoạn sau đây để thấy cách những người khác trong thánh thư đã đạt được sức mạnh qua ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô:

Ê The 13:13–22; 14–15

Việc chối bỏ các vị tiên tri của Chúa khiến tôi gặp nguy hiểm về mặt thuộc linh.

Theo lịch sử, trở thành vua của dân Gia Rết cũng là ở trong một vị thế nguy hiểm. Điều này đặc biệt đúng với Cô Ri An Tum Rơ, vì “có nhiều người hùng mạnh … tìm cách hủy diệt [ông]” (Ê The 13:15–16). Trong Ê The 13:15–22, hãy lưu ý điều Cô Ri An Tum Rơ đã làm để bảo vệ bản thân và điều tiên tri Ê The đã khuyên ông nên làm thay vì thế. Trong khi đọc phần còn lại trong sách Ê The, anh chị em hãy suy ngẫm về các hậu quả của việc chối bỏ các vị tiên tri. Điều gì xảy ra cho mọi người khi “Thánh Linh của Chúa … ngừng tranh đấu với họ”? (Ê The 15:19). Chúa có thể muốn anh chị em học được điều gì từ những lời kể này? Hãy cân nhắc điều anh chị em sẽ làm để noi theo các vị tiên tri của Ngài.

Để có thêm ý kiến, xin xem các ấn phẩm tháng này của tạp chí LiahonaCổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ.

Những Ý Kiến cho Việc Giảng Dạy Trẻ Em

Ê The 12:6–22

Đức tin là tin tưởng những điều mà tôi không thể thấy.

  • Hãy cân nhắc việc giúp các bé lặp lại cùng anh chị em câu: “Đức tin là những gì người ta hy vọng nhưng không trông thấy được” từ Ê The 12:6. Chúng có thể thích xem những hình ảnh mô tả những tấm gương về đức tin trong Ê The 12:13–15, 19–21 (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 7885, và trang sinh hoạt của tuần này). Hãy để cho các bé giải thích điều chúng biết về mỗi câu chuyện. Sau đây là một số câu hỏi để giúp anh chị em thảo luận những tấm gương về đức tin:

    • Những người này hy vọng điều gì?

    • Đức tin của họ đã được thử thách như thế nào?

    • Điều gì đã xảy ra nhờ vào đức tin của họ?

    Anh chị em cũng có thể chia sẻ những kinh nghiệm riêng của mình khi thực hành đức tin.

Ê The 12:4, 32

Niềm hy vọng giống như một chiếc neo cho linh hồn tôi.

  • Để hiểu điều mà Ê The 12:4 dạy về hy vọng, anh chị em và các bé có thể nhìn vào bức hình của một chiếc thuyền và một cái neo. Tại sao con thuyền lại cần cái neo? Điều gì sẽ xảy ra cho một con thuyền mà không có neo? Khi anh chị em cùng nhau đọc Ê The 12:4, hãy nói về cách mà niềm hy vọng giúp chúng ta giống như cách mà một cái neo hỗ trợ một chiếc thuyền. Hãy mời các bé vẽ tranh về một con thuyền và cái neo để chúng có thể dạy cho người khác về niềm hy vọng.

  • Nếu các bé cần một định nghĩa về hy vọng, thì hãy giúp chúng tìm trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Hy Vọng” (Thư Viện Phúc Âm). Theo định nghĩa này và Ê The 12:4, 32, chúng ta nên hy vọng điều gì? (xin xem thêm Mô Rô Ni 7:40–42). Hãy giúp các bé nghĩ về những từ khác đồng nghĩa với hy vọng, cùng với những từ trái nghĩa với hy vọng. Anh chị em cũng có thể chia sẻ với nhau một số lẽ thật phúc âm mà mang đến cho anh chị em hy vọng.

Ê The 12:23–29

Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp tôi trở nên mạnh mẽ về phần thuộc linh.

  • Trẻ em đôi khi gặp những tình huống khiến chúng cảm thấy yếu kém, cũng như Mô Rô Ni vậy. Hãy giúp các bé tìm hiểu lý do tại sao Mô Rô Ni đã cảm thấy như vậy trong Ê The 12:23–25, và hỏi chúng xem chúng có bao giờ có những cảm nghĩ tương tự không. Sau đó, mời chúng đọc các câu 26–27 để tìm kiếm cách mà Chúa đã giúp đỡ Mô Rô Ni.

  • Các bé có thể vẽ một cái gì đó yếu ớt và một cái gì đó mạnh mẽ. Sau đó chúng có thể thêm vào bức vẽ của chúng những từ và cụm từ trong Ê The 12:23–29 dạy cho chúng về cách Đấng Cứu Rỗi có thể biến sự yếu kém thành sức mạnh. Khuyến khích các bé nghĩ về một sự yếu kém mà chúng có và rồi tìm kiếm sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi để trở nên mạnh mẽ. Anh chị em cũng có thể chia sẻ một kinh nghiệm khi Đấng Cứu Rỗi giúp anh chị em trở nên đủ mạnh mẽ để làm một việc gì đó khó khăn.

Để có thêm ý kiến, xin xem ấn phẩm tháng này của tạp chí Bạn Hữu.

Ê The đang quỳ trước một miệng hang

Marvelous Were the Prophecies of Ether (Những Điều Tiên Tri của Ê The Thật Vĩ Đại và Kỳ Diệu Thay), tranh do Walter Rane họa